7 tháng 9, 2011

BẰNG THẬT, GIẢ HAY DỎM: LIỆU CÓ KHÁC NHAU?

(TuanVietNam, 07/9/2011) - Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực... còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.
Xã hội ủ mầm và gây men?
Chưa bao giờ, bức tranh toàn cảnh về giáo dục tại Việt Nam hiện nay lại quá nhếch nhác đến vậy. Từ chuyện bằng giả, bằng dỏm, thậm chí bằng thật mà kiến thức “dỏm”, rồi mới đây là chất lượng đầu vào của đợt Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2011 đã nói lên tất cả.
Với mức điểm chuẩn là 13, 14 điểm đã là quá thấp mà nhiều trường còn không tuyển đủ số lượng. Một số trường còn dùng “tấm bùa hộ mệnh” là điều 33 trong Quy chế tuyển sinh Cao đẳng, Đại học 2011 để vét cho đủ chỉ tiêu. Nhiều thí sinh chỉ đạt 7, 8 điểm (3 môn thi) vẫn nghiễm nhiên bước chân vào giảng đường đại học thì khỏi phải nói cũng biết chất lượng đầu ra sẽ như thế nào.
Mấy năm trở lại đây, báo chí nhiều lần nhắc đến thực trạng sử dụng bằng giả. Có thể nói rằng bằng giả đang xuất hiện tràn lan ở hầu hết các tỉnh thành, không có ngành nghề nào là ngoại lệ và ở mọi cấp bậc khác nhau. Đã từng có một vụ án liên quan đến 87 bằng giả tại Long An bị khởi tố. Bằng giả không còn là hiện tượng cá biệt mà trong xã hội, còn hình thành những đường dây, tổ chức mua bán bằng hẳn hoi.
Thậm chí, nạn mua bán bằng giả được rao bán đầy rẫy trên mạng và được mặc cả công khai giữa ban ngày. Thật không thể tin được khi một tấm bằng thạc sĩ được rao bán với giá chỉ có... 18 triệu đồng. Người mua sẽ nhận được tấm bằng danh giá ấy chỉ trong vài ngày, với lời hứa “giống thật 100%, bao đi công chứng” (?)
Không trắng trợn như mua bán, sử dụng bằng giả, một trào lưu mới cũng đang rất thịnh hành trong xã hội hiện nay là vấn nạn bằng dỏm. Người được cấp bằng dỏm thường chọn cách học ở một cơ sở liên kết đào tạo giữa một trường đại học “ma” nào đó ở nước ngoài với một cơ sở đào tạo trong nước.
Chỉ cần học trong 6 tháng, người ta đã có bằng tiến sĩ hay mang danh tốt nghiệp tiến sĩ của một trường đại học nước ngoài nhưng một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không cần biết.
Sở dĩ vấn nạn bằng giả, bằng dỏm sinh sôi nảy nở đến chóng mặt bởi nó do những căn bệnh cố hữu của xã hội ủ mầm và gây men. Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực... còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.
Bất kỳ một sản phẩm gì khi đã là giả, là dỏm thì tất nhiên là đồ vứt đi, là thứ không thể sử dụng được và cần được lên án để kịp thời ngăn chặn, chứ không riêng gì tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao học hoặc tiến sĩ.
Giả, dỏm và thật có khác nhau?
Tuy nhiên, khi nói đến những thứ hàng giả, hàng dỏm cũng cần phải xem xét những món hàng thật có đảm bảo chất lượng hay không? Nếu là hàng thật mà không có chất lượng hay chất lượng quá kém thì chẳng khác nào thứ hàng giả.
Lâu nay, tình trạng “đi thầy” hay “cống nộp” trước hay sau khi thi diễn ra rất phổ biến ở các trường đại học. Thậm chí cả ở các bậc học cao hơn như cao học hay nghiên cứu sinh vẫn không phải là ngoại lệ.
Một người bạn vừa mới nhận được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại 1 trường đại học có uy tín ở TP.HCM “bật mí” cho người viết bài này, rằng cứ sau mỗi môn học, tùy theo tình trạng của kết quả làm bài thi mà người học quyết định “đi thầy” bao nhiêu.
Thường thì chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho mỗi môn và muốn có điểm cao thì môn nào cũng phải “cống nộp” đầy đủ. Người chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa học viên và giảng viên thường là... lớp trưởng.
Đây là điều không quá bất ngờ khi người viết bài cũng đã từng kiểm tra kiến thức của rất nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Không ít bạn thể hiện rõ mình thiếu cả kiến thức chuyên môn lẫn những kiến thức xã hội. Đó là chưa kể đến các kỹ năng khác rất quan trọng như khả năng viết văn bản, khả năng trình bày, thuyết trình... cũng đều rất hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng về thực trạng sinh viên ra trường nhưng kiến thức bị hổng nặng, phải đào tạo lại từ đầu. Đây quả thật là một gánh nặng cho xã hội mà nguyên nhân chính không ai khác, là do một nền giáo dục kém cỏi tạo ra.
Khi mặc cả việc mua bán bằng giả, người bán dám cam kết tấm bằng do họ làm ra “như thật”, có thể qua mặt được các cơ quan công chứng, chứng nhận giá trị tri thức của mỗi người trước khi bước ra xã hội. Nếu những cam kết này là đúng thì không biết có bao nhiêu người đã mang thứ tri thức giả đó để đánh lừa xã hội.
Rồi những người nắm trong tay những tấm bằng thật nhưng kiến thức lại trống rỗng thì sao? Chẳng phải họ cũng đang lừa dối xã hội và tự lừa dối chính mình đó hay sao?
Xem ra trong một môi trường giáo dục quá nhiều bất cập, nạn đào tạo tràn lan không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào, đầu ra thì phân biệt bằng thật, bằng giả liệu có ích gì? Thật, giả hay dỏm gì đều cũng chứa đựng sự gian dối thì giá trị của tấm bằng có khác gì nhau?
Vấn nạn bằng giả, bẳng dỏm và bằng kém chất lượng sẽ chẳng bao giờ ngăn chặn được, nếu không thay đổi được chất lượng giáo dục, không thay đổi được nhận thức của xã hội về danh phận, chức quyền cũng như giá trị của tri thức.
Trần Minh Quân

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ HƯỚNG ĐI CỦA THỜI ĐẠI

TuanVietNam, 02/9/2011
Thời gian là sự kiểm nghiệm chuẩn xác nhất cho một tư tưởng, một tầm nhìn, một hướng đi. Với hơn nửa thế kỷ, “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên bố trước thế giới vào ngày 02/9/1945 đã tỏ rõ sức sống dẻo dai, đưa đất nước vừa thoát ách nô lệ dấn bước vào quỹ đạo phát triển của thời đại.
Những trải nghiệm nghiêm khắc của lịch sử cho thấy tầm nhìn của Hồ Chí Minh về hướng đi của dân tộc trong một thể chế dân chủ cộng hòa là hoàn toàn chính xác. Thật ra thì tên gọi không là điều quyết định, vấn đề là thực chất thể chế mà Nhà nước ấy hướng tới và phấn đấu thực hiện.
Dân chủ nằm ngay trong tên nước và mục tiêu hướng tới được ghi rõ ngay dưới tên nước: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Nước có độc lập thì dân mới có tự do để làm ăn sinh sống, tự do suy nghĩ và hành động để mưu cầu hạnh phúc. Dân chủ là điều kiện tiên quyết để có tự do, và có tự do mới thực sự có hạnh phúc!
Với Hồ Chí Minh, nội dung đó luôn luôn thiết thực, luôn luôn cụ thể và trước sau như một. Bát cơm, manh áo cho người dân đang đói khổ chính là mệnh lệnh chiến đấu trực tiếp của nhà nước cách mạng. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Cho nên, chống giặc đói là việc đầu tiên trong sáu vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau bát cơm, là nhu cầu dân chủ, là vấn đề dân trí.
Chống dốt là vấn đề thứ hai, tiếp đó, “quyền tự do, dân chủ” là vấn đề thứ ba. Điều này mở đầu cho “Tuyên ngôn Độc lập” 02/9/1945: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, của loài người.
Và đó cũng là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh. Vì khát vọng đó, Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho tự do của con người, trước hết là người Việt Nam trên đất nước thân yêu của mình. Bởi vì, với Hồ Chí Minh: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do” (Nhật ký trong tù). Và để có tự do, thì trước hết là phải giành lại độc lập cho Tổ quốc, giành lại quyền dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Độc lập là điều kiện để giành Tự do. Và Dân chủ là điều kiện để đấu tranh giành Tự do.
Phải từ cái logic ấy mới hiểu được, vì sao Hồ Chí Minh mở đầu cho “Tuyên ngôn Độc lập” 02/9/1945 bằng những “lời bất hủ” (từ dùng của Hồ Chí Minh) trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, và tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp.
Có người nói đó là một sách lược chính trị, đặt cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên một quốc gia đã gần 100 năm bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào trong bình diện quốc tế để xác lập vị thế của Việt Nam trên bình diện đó. Thì chính “Tuyên ngôn” nói rất rõ: “Chúng tôi tin chắc rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Sách lược? Đúng. Song, điều lớn hơn cần phải nói rõ, chính “những quyền không ai có thể xâm phạm được” của con người mới là mục đích tối hậu mà Hồ Chí Minh hướng tới. Bởi lẽ, “con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp” đó là ý tưởng mở đầu cho “Khế ước xã hội” của J.J Rousseau, một cột mốc lớn trong tư duy của con người tự nhận thức về quyền làm người của mình. Tư tưởng ấy cũng khởi đầu cho sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trên báo L'Humanité ngày 02/8/1919, Nguyễn Ái Quốc đòi: “Những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn”. Cũng trong bài báo này, “người yêu nước” ấy chỉ rất rõ những quyền tự do, trong đó có “tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật” (1).
Không hề ảo tưởng khi nêu lên những điều này vì Hồ Chí Minh biết rõ quy luật nghiệt ngã trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ. Khi dẫn ra những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, có thể Hồ Chí Minh đã hiểu rằng, để có bản tuyên ngôn nói trên do Thomas Jefferson soạn thảo, bao nhiêu máu đã đổ, bao người phải tù đày Bỗng gợi nhớ đến câu nói bất hủ của Hoàng Văn Thụ của chúng ta: “Trong cuộc đấu tranh giữa chúng tôi, những người yêu nước và các anh, những kẻ cướp nước, sự hi sinh như tôi là một lẽ thường tình! Chỉ biết cuối cùng chúng tôi sẽ thắng!”.
Là một chiến sĩ cách mạng từng trải đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, cũng đã từng nhiều năm sống trên quê hương của Cách mạng Pháp 1791 và Công xã Paris, cũng như đã nhiều năm có mặt trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười với Nhà nước Xô Viết hùng mạnh, vốn được những người cách mạng xem là thành trì bất khả xâm phạm thậm chí là “thiên đường trên trái đất”, Hồ Chí Minh đã thấy được và cảm nhận được những mặt trái của tấm huân chương mà có thể những người chưa có trải nghiệm không thể thấy được, hiểu được.
Hơn nữa, với tầm nhìn của một nhà văn hoá lớn, am hiểu sâu sắc triết lý và văn hoá phương Đông và truyền thống văn hóa dân tộc mình, lại từng tiếp thu tinh hoa của nền văn minh phương Tây, để rồi gắn kết với bản lĩnh và tri thức cách mạng, Hồ Chí Minh cảm nhận sâu sắc những vấn đề cơ bản nhất, thiết yếu nhất đồng thời cũng là sâu xa nhất mà cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 phải hướng tới.
Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động với nắm đất của Tổ quốc trên tay, rồi những lời “dặn lại công việc” với Võ Nguyên Giáp khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả giải Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, cho đến khi đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, v.v.. cho đến Di chúc với “điều mong muốn cuối cùng”: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” càng hiểu rõ tầm nhìn và khát vọng của Hồ Chí Minh.
Trước hết, phải giành cho được độc lập. Nhưng độc lập chưa phải là cái đích cuối cùng, mà mới chỉ là điều kiện tiên quyết để thực hiện những mục tiêu khác của cách mạng, mà xét đến cùng là nhằm thực hiện “những quyền không ai có thể xâm phạm được”Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp nêu lên. Những vấn đề của “nhân quyền”“dân quyền” là vấn đề chung của con người, của loài người, và “nhân quyền” cũng như “dân quyền” của Việt Nam cũng không nằm ngoài vấn đề chung đó, vì Việt Nam không phải là dân tộc ở “ngoài hành tinh” vừa nhập cuộc, Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của loài người, của thế giới mà loài người đang sống!
Tuy nhiên, “trong nhiều xã hội ngoài Châu Âu, thông điệp đấu tranh giai cấp nghe xuôi tai hơn thông điệp dân chủ; sự phê phán nhân quyền dễ trót lọt hơn ý tưởng về dân quyền. Và như vậy là vì những lý do lịch sử: ý tưởng về nhân quyền do bọn thực dân mang tới cho họ, áp đặt bằng nòng súng. Nhân quyền thuộc về kẻ chiến thắng, đương nhiên, trước mắt kẻ thua trận, đó là thứ ngụy trang cho sự thống trị thực dân” (2). Tuy hiểu điều đó, nhưng Hồ Chí Minh vẫn khẳng định tư tưởng về nhân quyền trong “Tuyên ngôn Độc lập” 02/9/1945 bởi vì: “ý tưởng xây dựng xã hội trên nền tảng quyền con người hoàn toàn không phải là một sự dối trá của giai cấp tư sản, mà thực sự là một ý tưởng phổ quát, thực sự đáp ứng một hy vọng toàn cầu. Sẽ không bao giờ có bình đẳng thật sự giữa tất cả mọi người, song ở chân trời của tất cả mọi người, bao giờ cũng sẽ có ý tưởng bình đẳng. Và ta sống với chính sự vẫy gọi đó.
Chính cái đó làm cho sự vật chuyển động” (3). Để tạo ra một sự “chuyển động” đúng quy luật, ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Giành độc lập đã khó, nhưng đem lại được dân chủ đích thực, tự do thật sự, hạnh phúc cụ thể cho mỗi người dân là chuyện khó hơn rất nhiều.
Chẳng thế mà cách nay không lâu, cựu tổng thống Nelson Mandela, vị anh hùng dân tộc của nhân dân Nam Phi, từng tuyên bố rất rõ ràng với đồng bào của ông trong một nước Nam Phi độc lập: “Chúng ta chưa có tự do. Chúng ta mới có điều kiện để đấu tranh giành tự do”!
Trong nội dung dân chủ của một thể chế cộng hòa, thì để cho độc lập có một ý nghĩa thiết thực, trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân khi mà về danh nghĩa, họ là người chủ của đất nước, thì quyền làm chủ ấy phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Chỉ như thế thì dân mới có thể dựa vào đó để đấu tranh cho dân chủ và tự do, khiến cho nó không chỉ là những khẩu hiệu suông mà thể hiện trong thực tế, hiện diện trong cuộc sống thường nhật của họ.Có nhận thức như vậy mới hiểu tại sao ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”! Trong bộn bề những việc cấp bách hàng ngày với thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp và cho ra đời bản Hiến pháp 1946 lịch sử!
Trong một cuộc họp gần đây của Hội đồng thẩm định về đề tài khoa học chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiếp pháp do Văn phòng Quốc hội và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tại Hà Nội mà người viết bài này là một thành viên của Hội đồng, trong quá trình thảo luận, bản Hiến pháp ấy được nhất trí đánh giá là bản Hiền pháp mẫu mực nhất. Có điều đó vì ở đây thể hiện rõ định hướng và tầm nhìn rất sáng tỏ của Hồ Chí Minh về hướng đi của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ trong quỹ đạo phát triển của thế giới theo hướng đi của thời đại. Nghiêm chỉnh thực hiện nội dung của Hiến pháp 1946 chính là việc biến mục tiêu hướng tới độc lập, tự do, hạnh phúc mà dân chủ được ghi rõ ngay dưới tên nước, thành hiện thực! Nói cụ thể hơn, đó là điều kiện để thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc ta.
Đương nhiên, việc tạo ra điều kiện rồi dựa vào điều kiện đã được tạo ra đó để biến khát vọng dân chủ và tự do thành hiện thực phải là một cuộc chiến đấu bền bỉ, gian khổ và không khoan nhượng! Bởi lẽ “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng” sẽ chống lại quyết liệt, và sẽ là lực cản ghê gớm cho sự xuất hiện “những cái mới mẻ, tốt tươi”. Cho nên, dân chủ và tự do không thể là ân huệ được ban phát mà là phải đấu tranh để giành lấy. Đấu tranh với ai? Với “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng”.
Đây cũng chính là căn bệnh trầm kha của quyền lực, cũng là căn bệnh của Nhà nước trên toàn thế giới. Bằng sự trải nghiệm của mình từ thực tế của những năm sống trên đất nước Xô viết dưới thời Stalin, những hiểu biết về cuộc tranh giành quyền lực trên đất nước Trung Quốc, sự hiểu biết về nhiều nước phương Tây, Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” cho dân tộc mình, nhân dân mình sẽ là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ ấy, Hồ Chí Minh hiểu rõ cần “phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (4).
Kỷ niệm quốc khánh năm nay, nhắc lại tư tưởng nổi bật trong “Tuyên ngôn Độc lập” để càng thấm thía hơn tầm nhìn của Hồ Chí Minh về hướng đi của thời đại, vạch ra con đường để dân tộc ta dấn bước theo đúng quỹ đạo phát triển của thế giới văn minh, do vậy mà càng vững tin vào sự vẫy gọi của chân lý, vì như đã dẫn ra ở trên: “chính cái đó làm cho sự vật chuyển động”.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. NXB.CTQG, Hà Nội 1995, tr.10
2 và 3. Francois Furet: “Số phận một ý tưởng”. Người đưa tin UNESCO. Hà Nội 1989, số 6, tr.56
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. NXB.CTQG, Hà Nội 1996, tr.505
Tương Lai

THƯ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NHÂN NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI

Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2011 - 2012.
Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến,
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011 - 2012 và ngày “Toàn dân đưa trẻ tới trường”, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học 2010 - 2011, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, tiến bộ. Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đạt kết quả tốt; cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường.
Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành giáo dục, nhất là các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thầy giáo, cô giáo tâm huyết, tận tụy với công việc, các em học sinh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt khó vươn lên trong học tập.
Năm học 2011 - 2012, có ý nghĩa rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Để thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”, cùng với sự góp sức của toàn xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt”; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng khó khăn.
Tôi mong muốn và tin tưởng các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, nỗ lực phấn đấu vươn lên, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em chúng ta được học tập, rèn luyện đạt kết quả tốt.
Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thân ái,
Trương Tấn Sang

19 tháng 7, 2011

KIẾN VĂN TIỂU LỤC (Trích - P2)

Lê Quý Đôn
     Sách Dã lục của La Hồ nói:
1. Phúc trạch không nên hưởng hết, phúc hết tất dẫn đến tai vạ.
2. Quyền thế không nên sử dụng hết, quyền thế hết tất bị người khinh rẻ.
3. Lời nói không nên nói hết, nói hết thì cơ mưu không thận mật.
4. Khuôn phép không nên thi hành hết, thi hành hết thì mọi người khó giữ vững được.
     Tôn Huệ nhà Tấn nói: Danh vị lớn không nên đeo lấy mãi, công việc lớn không nên gánh vác mãi, quyền thế lớn không nên giữ mãi, uy vọng lớn không nên bám lấy mãi.
     Ngũ Dung Am nói: Gia đình nhà tấn thân (1), tì thiếp nhiều, đủ cung cấp về sự say mê sắc dục, mà không đủ để làm nguồn gốc bồi dưỡng tính mệnh thọ trường; tôi tớ nhiều, đủ để khoa trương về uy thế, mà không đủ để làm phúc trạch dưỡng sinh; ruộng nhà nhiều, đủ để chơi bời xa xỉ, mà không đủ để ngăn được nhà quyền thế chiếm đoạt. Cho nên người vợ xấu của Vũ hầu (2), con ngựa què của Kinh công (3), viên tướng quốc họ Tiêu làm nhà không sửa sang tường nóc (4). Xét đến hành vi của triết nhân ngày trước, không điều gì là không đáng làm khuôn phép. Vậy thì tất cả những người quân tử, sao lại không theo khuôn phép ấy?
     Cố Hoa Ngọc, Thượng thư nhà Minh, làm bài minh ở chỗ ngồi. Bài minh ở phía bên tả nói: Lời nói, việc làm biết so sánh với người đời cổ, thì đạo đức ngày tiến; công danh phó thác ở mệnh trời thì trong bụng yên nhàn; báo ứng nghĩ đến con cháu thì công việc bình thản; hưởng thụ nghĩ đến lúc ốm đau thì tiêu dùng sẻn nhặt. Bài minh ở phía bên hữu nói: Sính biện bác để rước lấy thù oán, không bằng ngậm miệng để di dưỡng tính tình; giao du rộng để cầu tiếng khen, không bằng ở riêng lẻ để tự toàn lấy thân phận; quá phí tổn để kinh doanh nhiều, không bằng bớt công việc để giữ lấy kiệm ước; khoe tài năng làm cho người ta ghét ghen, không bằng ẩn giấu tinh hoa để tỏ mình là người vụng dại.
     Trần Tuấn Khanh, Thừa tướng nhà Tống có bài thơ dạy con: "Hứng lai văn tự tam bôi tửu, lão khứ sinh nhai vạn quyển thư. Di nhĩ tử tôn thanh bạch tại, bất tu hạ ốc đại cừ cừ". Tạm dịch: Rượu ba chén ngâm nga khi hứng, sách vạn pho tiêu khiển tuổi già. Để lại trắng trong cho cháu chắt, không cần nhà cửa phải nguy nga.
     Những lời răn dạy của cổ nhân có phần đầy đủ, như bài thơ sau này: "Kỷ đắc ly gia nhật, tôn thân chúc phó ngôn: phùng kiều tu hạ mã, quá độ mạc tranh tiền, vũ túc nghi phòng dạ, kê minh cánh tướng thiên. Nhược năng y thử ngữ, hành lộ miễn truân chuyên". Tạm dịch: "Nhớ ngày xin từ biệt, mẹ cha dặn mấy lời: Gặp cầu nên xuống ngựa, qua đò chớ trước người, đêm mưa cần phòng trộm, gà gáy liệu cơ trời. Nếu biết theo lời ấy, đi đường sẽ thảnh thơi". Bài thơ này, mỗi chữ là một bài thuốc, cứ theo như thế mà suy ra, phàm động tác khởi cư, việc gì cũng cẩn thận chu đáo, thì làm gì lại có việc hối hận đáng tiếc xảy ra?
     Cổ nhân có bài châm "đa, thiểu" (nhiều và ít): "Uống rượu ít, ăn cháo nhiều; ăn rau nhiều, ăn thịt ít; ít khi mở miệng, nhiều khi nhắm mắt; chải đầu nhiều, tắm rửa ít; ít khi ở chung, nhiều khi nằm riêng; chứa nhiều sách cổ, ít chứa hạt ngọc; cầu danh ít, nhẫn nhục nhiều; làm điều lành nhiều, cầu lợi lộc ít". Bài châm này đáng ghi ở bên cạnh chỗ ngồi.
     Phú Bật nhà Tống nói: Giữ mồm như giữ miệng lọ, đề phòng ý nghĩ như tướng sĩ giữ thành.
     Phó Huyền nhà Tấn nói: Tai họa từ miệng gây ra, bệnh tật từ miệng rước vào.
     Minh Bạch Ngang hỏi Hồ Trung An về cách đối xử với đời, Hồ trả lời: Trồng nhiều cây mận, cây đào, trồng ít cây có gai góc.
     Án Tử nói: Tước vị càng cao, ý chí càng nhún nhường; quan chức càng to, đối xử càng nhũn nhặn; bổng lộc càng nhiều, chu cấp càng rộng rãi.
     Sách Thuyết uyển nói: "Người nào vì thân mình quý hiển mà kiêu với người khác thì dân sẽ lìa bỏ; chức vị cao mà chuyên quyền thì vua sẽ chán ghét; bổng lộc hậu mà không biết là đủ thì sẽ mắc hoạn nạn". Câu nói này và câu nói trên nên tham khảo với nhau. Cho nên, Quản Lộ bảo Hà Án rằng: Quân hầu (5) chức vị như núi non, quyền thế như sấm sét, mà ít người mến đức, nhiều người sợ oai, như thế có lẽ không phải là đạo giữ mình kính cẩn để cầu lấy phúc trạch dồi dào". Đấu Thả nước Sở nói chuyện với em rằng: "Tôi đến yết kiến quan lệnh doãn Tử Thường, lệnh doãn hỏi về cách tích trữ của, nghe lời nói như một con cọp đói, một con chim dữ, lệnh doãn có lẽ không tránh được hoạn nạn". Câu nói của hai người này, sau đều đúng cả (6).
     Liễu Tần nhà Đường làm gia huấn nói: "Tu dưỡng mình lấy hiếu đễ làm nền tảng, kính cẩn làm cỗi gốc, lo sợ làm lẽ thường, cần kiệm làm khuôn phép; cư xử trong nhà nên nhẫn nại, hòa thuận, giao du với người ngoài nên đơn giản cung kính; ghi chép nhiều như người làm không kịp việc; cầu danh lợi coi như việc thoảng qua; làm quan thì thanh liêm bớt việc. Có như thế mới có thể nói đến gia pháp. Cho nên những nhà thế tộc hưởng phúc trạch ngắn hay dài, vận mệnh, lộc vị hậu hay bạc, không cần phải bói rùa, xem số, chỉ cốt ở trong lòng đối xử, trong mình tu dưỡng mà thôi. Này, những danh gia lệnh tộc, không nhà nào là không nhờ sự trung hiếu, cần kiệm của ông cha xây dựng nên, cũng không nhà nào là không do sự ngoan cố, kiêu xa của con cháu phá hoại đi".
     Thôi Viện nhà Hậu Hán làm bài minh ở chỗ ngồi rằng: Đừng nói điều sở đoản của người khác, đừng khoe điều sở trường của mình, làm ơn cho ai đừng để bụng, chịu ơn của ai đừng có quên, đừng ham mê lời khen của thế tục, chỉ lấy điều nhân làm mối giềng, suy nghĩ kỹ rồi sau sẽ hành động, dù có lời chê bai dị nghị cũng không hại gì, đừng để cho tiếng khen quá sự thực; giữ mình như người vụng dại, thánh nhân lại lấy làm hay; mềm dẻo là con đường sống, Lão Tử răn người cương cường: ở chỗ đen mà không thấm mầu đen; bên ngoài như mờ tối mà bên trong bao hàm đức sáng suốt; cẩn thận lời nói, tiết độ ăn uống, tự biết phận đã đầy đủ thì có thể thắng được sự không lành.
     Người con nhà anh của Mã Phục Ba (7) hay chê bai bàn luận người và giao du với bọn phù bạc. Phục Ba răn bảo: "Hay bàn luận sự hơn kém, phải trái của người ta là một việc đại ác". Nguyễn Tự Tôn hay nói việc huyền diệu cao xa, mà chưa từng bàn luận thời sự, khen chê người nào, vì thế, Tấn Văn Vương khen là người rất thận trọng. Tống Thái Tông thường tự tay viết giấy ban cho thượng quan nói: "Lời nói là then chốt của người quân tử, then chốt đã mở ra, thì vinh hay nhục theo đấy mà đến, không nên sơ suất. Này, nếu gặp việc mà phát ngôn ngay, sau không hối hận kịp nữa. Nếu tự mình không có vết xấu, nhưng hay công kích điều sở đoản của người ta, thì sao gọi là lòng giận bực không lộ ra khí sắc được?". Những lời nói ấy đều như lá ngải để châm cứu bệnh cho muôn đời.
     Minh Hạ Khâm bàn luận với người ta một cách cương quyết. Trần Bạch Sa nói, như thế, chả hóa ra bộc lộ quá cứng rắn à? Cần phải bao hàm tu dưỡng cho có vẻ thâm trầm hòa nhã mới là tốt.
     Chu Tất Đại nhà Tống thường nói: "64 quẻ trong sách Chu Dịch, thì quẻ khiêm sáu hào đều tốt" (8). Chu lại thường đọc câu "kỳ thứ hồ" (9) của Khổng Tử. Nên bình sinh Chu dùng khiêm tốn để tu dưỡng trong mình, dùng nhân thứ để đối đãi với sự việc.
     Vương Sưởng nước Ngụy đặt tên cho con cháu là Mặc, Trầm, Hồn và Thâm, lại răn bảo rằng: "Ta muốn chúng bay trông thấy tên thì nghĩ đến nghĩa chữ ấy, không bao giờ dám trái vượt lời dạy bảo của ta". Mấy lời răn bảo ấy chép ở sách Thông giám, đều là lời chí lý. Dương Hựu nhà Tấn cũng có thư răn con: "Cung kính đứng đầu đạo đức, thận trọng là gốc rễ nết na. Ta mong chúng bay lời nói thì trung tín; nết na thì kính cẩn; ngoài miệng đừng đem của hứa với người ta; đừng nói những lời không chính đáng; đừng nghe những lời khen chê; sự lầm lỗi của người khác có thể lọt được vào tai, nhưng mình không được nói ra; phải nghĩ rồi sau sẽ hành động".
     Lương Từ Miễn viết thư cho con nói: "Giữ địa vị người trên, không phải việc dễ, nên làm thế nào cho trong ngoài được thuận hòa, không để ai dị nghị, trước người sau mình, như thế mới đáng quý".
     Gia huấn của Nhan thị nói: "Gốc rễ sinh kế của dân, cần phải cày cấy mà ăn, trồng dâu gai mà mặc, rau quả do vườn tược sinh ra, lợn gà do trong chuồng nuôi dưỡng, cả đến nhà cửa, đồ dùng, nắm củi, mớ rau, dầu mỡ, đèn đuốc, không thứ gì là không phải sản vật trồng trọt được. Người biết giữ gia nghiệp, dầu đóng cửa ở trong nhà cũng đủ các đồ để sinh sống, chỉ không có giếng muối mà thôi. Cho nên người quân tử ở đời, cốt sao có giúp ích cho sự việc, không phải chỉ nói khoác bàn suông, bên tả cái đàn, bên hữu pho sách, để phí hoài lộc vị của vua. Trong nước dùng người tài, đại khái không ngoài 6 việc:
     1. Bầy tôi ở triều đình, cần người sáng suốt thể lệ trị an, vạch ra đường lối chính trị và có kiến thức rộng rãi;
     2. Bầy tôi về văn, sử, cần người trứ thuật hiến chương, không bỏ sót phép tắc tiền cổ;
     3. Bầy tôi về quân sự, cần người quả quyết có cơ mưu, mạnh khỏe, thành thạo việc chiến đấu;
     4. Bầy tôi nơi phiên trấn, cần người hiểu rõ phong tục, thanh khiết, yêu dân;
     5. Bầy tôi phụng mệnh đi sứ, cần người biết ứng biến, theo lẽ phải, không phụ mệnh lệnh của vua đã giao phó cho;
     6. Bầy tôi giữ việc xây dựng, cần người thạo công việc, đỡ hao phí, có nghệ thuật về việc mở mang.
     Những việc ấy đều do người chăm chỉ học hỏi, giữ gìn hạnh kiểm có thể làm được. Người ta có điều sở trường, có điều sở đoản, thì có thể nào khắc trách ở một người phải làm đầy đủ được sáu điều đâu? Chỉ cần người nào cũng đều hiểu rõ ý nghĩ, giữ lấy một chức cho được hoàn hảo, như thế đã không hổ thẹn rồi. Ta thấy người sĩ phu vào hạng văn học ở trên đời, phê phán việc đời xưa đời nay, rõ ràng như trỏ vào bàn tay, đến khi dùng vào công việc thì phần nhiều không gánh vác nổi: Người ở dưới triều đường, không biết việc chiến thắng là cần kíp; người ăn nhờ vào bổng lộc, không biết việc cày cấy là khó nhọc; người đứng trên hàng ngũ quan lại mà không biết việc lao động phải chuyên cần, cho nên những người ấy khó có thể dùng để ứng phó với đời để xử lý công việc được. Cổ nhân muốn biết việc cày cấy khó nhọc, đấy tức là đường lối quý thóc lúa, trọng bản căn. Này, thức ăn là mấu chốt của dân, dân không có thức ăn không thể sinh sống được. Bọn triều sĩ ở Giang Nam, nhân lúc nhà Tấn trung hưng, qua đò phía Nam chạy sang Giang Tả, thành người trú ngụ đã 8, 9 đời nay, thế mà không có người nào đem sức ra làm ruộng, chỉ ăn nhờ vào bổng lộc mà thôi. Giản hoặc có người nào làm ruộng, cũng đều bắt tôi tớ phải làm, chưa từng thấy người nào tự bản thân họ cuốc một hòn đất, bừa một cây cỏ bao giờ, họ cũng không biết tháng nào nên cày trồng, tháng nào được thu hoạch, thì họ còn biết thế nào được việc khác ở trên đời nữa? Cho nên hạng người này, việc quan thì không làm nổi, việc nhà thì không chịu làm, đều do ở cái lỗi ưu du nhàn rỗi cả".
Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục.
Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007
     CHÚ THÍCH:
1) Tấn thân: do chữ "thùy thân tấn hốt" (thắt cân đai, cầm cái hốt), nên đời cổ gọi những người làm quan là hạng "tấn thân".
2) Vũ hầu: tức Gia Cát Lượng, Thừa tướng nhà Thục Hán trong thời Tam quốc. Theo Hán thư thì vợ Gia Cát Lượng là Hoàng thị, con gái Hoàng Thừa Ngạn, người xấu mà có đức lại có tài, tương truyền bát trận đồ của Gia Cát Lượng là do Hoàng thị giúp sức.
3) Kinh công: tức Vương An Thạch, Tể tướng nhà Tống, khi Vương ở Chung Sơn, mỗi lần ra đi thường cưỡi lừa, đi đến đâu tất phải có người dắt.
4) Tướng quốc họ Tiêu: tức Tiêu Hà, người thời Tây Hán. Tiêu tuy làm Tướng quốc vào bậc phú quý, nhưng làm nhà một cách mộc mạc, nóc nhà và tường nhà không đắp vẽ hoa mỹ gì cả. Tiêu nói: "Ngày sau con cháu nên bắt chước đức tiết kiệm của ta".
5) Quân hầu: một đại danh từ để chỉ người mà mình hiện đương giao thiệp hoặc trao đổi, văn cổ thường dùng để tượng trưng người cao quý.
6) Hà Án: người thời Tam quốc, làm quan thị trung Thượng thư nước Ngụy. Sau vì xu phụ với Tào Sảng, nên bị Tư Mã Ý giết.
    Tử Thường: chính tên là Nang Ngõa, người thời Xuân thu, giữ chức lệnh doãn, một chức quan đứng đầu triều Chiêu Vương nước Sở. Tử Thường tính tham lam, bị nhiều người ghét. Khi nước Ngô đánh nước Sở, Tử Thường phải chạy sang nước Trịnh, gia sản bị mất hết.
7) Mã Phục Ba: Tức Mã Viện, giữ chức Phục Ba tướng quân thời Đông Hán.
8) Kinh Dịch từ quẻ Kiền đến quẻ Vị tế gồm 64 quẻ, quẻ nào cũng có sáu hào, mà quẻ nào cũng có hào tốt, hào xấu. Khiêm là một quẻ đứng hàng thứ 15 trong 64 quẻ, sáu hào trong quẻ Khiêm đều tốt.
9) Thứ là nhân thứ, là độ lượng rộng rãi. Thiên Vệ linh công trong sách Luận ngữ chép: Tử Cống hỏi Khổng Tử: "Có điều gì mà suốt đời có thể cứ theo đấy mà làm được không?". Khổng Tử trả lời: "Kỳ thứ hồ, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" nghĩa là chỉ có điều "thứ" mà thôi. Điều gì mà mình không muốn người ta đem đối xử với mình, thì mình cũng đừng đem điều ấy đối xử với người khác.

KIẾN VĂN TIỂU LỤC (Trích - P1)

Tác giả: Lê Quý Đôn *
Phiên dịch và chú thích: Phạm Trọng Điềm
GIỚI THIỆU:
     Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm có giá trị của Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam trong thời phong kiến.
     Theo mục lục ở đầu sách, Kiến văn tiểu lục gồm 12 phần (cũng tức 12 quyển) là:
1. Châm cảnh
2. Thể lệ thượng
3. Thể lệ hạ
4. Thiên chương
5. Tài phẩm
6. Phong vực thượng
7. Phong vực trung
8. Phong vực hạ
9. Thiền dật
10. Linh tích
11. Phương thuật
12. Tùng đàm
     Nhưng Kiến văn tiểu lục mà chúng ta hiện có, chỉ có tám phần là:
1. Châm cảnh: Ghi chép một số những câu triết ngôn và hành vi của một số nhân vật lịch sử Trung Quốc và Việt Nam nhằm khuyên răn, giáo dục người đương thời.
2. Thể lệ thượng: Ghi chép các lễ văn, chế độ của các triều đại Lý, Trần, Lê.
3. Thiên chương: Ghi chép tên những nhân vật đã làm những bài bia, bài minh ở các chùa, quán, các triều Lý, Trần và giới thiệu, phê bình một số thơ văn.
4. Tài phẩm: Ghi chép về tài ba, phẩm hạnh, tiết tháo, văn học... của một số nhân vật lịch sử.
5. Phong vực: Ghi chép về núi sông, thành quách, sản vật, thuế khóa, đường sá... các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang.
6. Thiền dật: Ghi chép về các nhà sư Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến thời Hậu Lê.
7. Linh tích: Ghi chép về các đền miếu thờ các thiên thần, nhân thần và hai mươi sáu chuyện nhỏ.
8. Tùng đàm: Ngoài việc đính chính một số câu đối, câu văn của người Trung Quốc, có chép mười bốn mẩu chuyện về các nhân vật triều Trần, triều Lê...
     Như vậy là Kiến văn tiểu lục thực tế đã thiếu hẳn mất bốn phần là phần Thể lệ hạ, phần Phong vực trung, phần Phong vực hạ và phần Phương thuật.
     Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm có giá trị. Giá trị này biểu hiện ở nhiều mặt. Về văn học, Kiến văn tiểu lục cho chúng ta biết thêm về một số thơ văn thời trước. Các nhà nghiên cứu văn học cổ có thể tìm thấy ở đây nhiều tài liệu tốt cho công tác nghiên cứu của mình. Về địa lý, Kiến văn tiểu lục cung cấp cho chúng ta nhiều chi tiết về các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Nhờ có Kiến văn tiểu lục, ngày nay chúng ta biết khá tường tận những đường quân đi đến Hà Giang và đi đến Điện Biên Phủ (Mường Thanh) đã diễn ra như thế nào trong thời Hậu Lê. Nhưng giá trị lớn nhất của Kiến văn tiểu lục là giá trị lịch sử. Với Kiến văn tiểu lục, ngày nay chúng ta có thể biết được nhạc và vũ thời trước ra sao. (...) Những câu triết ngôn và cả lời diễn giải của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, phần lớn không thích dụng với thời đại chúng ta. Nhưng giá trị phần Châm cảnh lại không phải ở chỗ nội dung của nó có thích dụng với chúng ta hay không, mà ở chỗ nó đã phản ánh được một phần trạng thái tư tưởng và hình thái ý thức của người Việt thời xưa. Muốn hiểu tình hình tư tưởng và hình thái ý thức của người Việt đời xưa, không đọc phần Châm cảnh trong Kiến văn tiểu lục là không được. Kiến văn tiểu lục, do đó rất cần thiết cho những ai muốn đi sâu vào công tác nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam qua các thời đại, cụ thể là thời đại Lý, Trần, Lê.
     Ở phần Thiền dật, phần Linh tích và cả phần Thiên chương nữa, các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm được thêm tài liệu để hiểu biết thêm về Phật giáo, Đạo giáo ở Việt Nam.
     Vì nhận thấy Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm có nhiều giá trị như đã nói ở trên, Viện Sử học đã cho dịch nguyên văn Kiến văn tiểu lục và xuất bản.
     Người được giao trách nhiệm dịch Kiến văn tiểu lục là đồng chí Phạm Trọng Điềm. Đồng chí Phạm Trọng Điềm đã để ra nhiều công phu để dịch Kiến văn tiểu lục cho thật sát nghĩa. (...) Người dịch, tóm lại, đã cố gắng rất nhiều, những chắc rằng sai lầm thiếu sót vẫn còn, mong bạn đọc hiểu và cho chỉ bảo.
Hà Nội, tháng 12 năm 1961
Viện Sử học
LỜI TỰA:
     Khổng Phu Tử nói: "Cần nghe nhiều, nhưng để khuyết điều gì còn nghi ngờ, mà cẩn thận nói những điều nghe đã được thừa chắc chắn, thì ít khi bị lỗi lầm; cần biết nhiều, nhưng để khuyết việc gì chưa được vững vàng, mà cẩn thận làm những việc đã thừa tin tưởng, thì ít khi phải hối hận" (1). Mạnh Tử bàn về đạo thống, cũng nói: "Thánh hiền hoặc có người vì mắt thấy mà biết được đạo thống, hoặc có người tai nghe mà biết được đạo thống" (2). Xem như thế, thì căn bản lời nói, việc làm, then chốt sự học hỏi, có bao giờ lại không dựa vào sự biết rộng, nghe nhiều?
     Này, ghi chép lời dạy hay, lời nói phải của cổ nhân, dùng để giữ mình thì có thể được yên thân, suy ra công việc thì có thể giúp đời; nghiên cứu mưu mô cao, phép tắc tốt của cổ nhân, khi gặp người hỏi, thì có thể ứng đối được đầy đủ, gặp công việc, có thể dựa vào đấy mà châm chước; sách vở văn chương của cổ nhân không phải một loại, xem vào đấy có thể giúp tâm trí, gợi tính tình; tài đức sự nghiệp của cổ nhân không giống nhau, thuật truyện lại có thể sánh kịp người hiền, học lấy lẽ phải, sau nữa, đến như bờ cõi, núi sông, tiên Phật, thần quái, phương thuật, tạp thuyết, cũng đều có quan hệ đến cách vật trí tri, có giúp ích vào việc giữ vững lòng thành, thông suốt sự lý cả.
     Ở Trung Quốc, sách vở không sao kể xiết, nhưng ghi chép nhiều mà không truyền bá hết, thành ra mỗi lần xem một loại sách, chỉ có thể biết được đại khái mà thôi. Nước Nam nổi tiếng là một nước văn hiến (3), từ hai triều nhà Lý, nhà Trần đến bản triều (triều nhà Hậu Lê), các bậc tiền bối trứ tác cũng nhiều, nhưng lâu ngày bị mai một, sách vở còn truyền lại không được bao nhiêu, những sĩ phu say mê về việc đời cổ không dựa vào đâu để khảo cứu được.
     Tôi, vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân (4), lại được giao du với nhiều bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: Mặt Bắc sang sứ Trung Quốc (5), mặt Tây bình định Ai Lao (6), mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (7), đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên, chia làm 9 mục, 12 quyển. Tôi tự suy nghĩ, biết rằng bình luận chưa được tinh tường, lịch duyệt chưa được rộng rãi, còn mong sau này tiến thêm nữa, may ra được thấy những việc chưa thấy, được nghe những điều chưa nghe, tập sách này cũng là đầu mối lớn về việc học vấn ngôn hành, xin độc giả đừng coi như tiểu thuyết.
Thượng tuần tháng 5, năm Đinh Dậu,
niên hiệu Cảnh Hưng (8).
Lê Doãn Hậu, hiệu Quế Đường,
người xã Duyên Hà.
Nhập nội Bồi tụng, Hộ bộ Tả thị lang,
hành Đô ngự sử kiêm Quốc Tử giám Tế tửu,
Quốc sử tổng tài, Dĩnh Thành hầu.

QUYỂN I
CHÂM CẢNH
(Khuyên răn)
     Hồng Bình Tề nói: "Thiên cơ ở lúc nửa đêm đầu giờ Tý, nhân sự ở lúc canh năm sau giờ Sửu". Bởi vì lúc ấy tư tưởng mới bắt đầu nảy nở, đều là cỗi gốc điều lành, bình tĩnh để nghĩ ngợi, xét lại việc đã qua, biết được lỗi lầm, khôi phục lại thiên tính, đều ở lúc này cả. Gà gáy thức dậy, mải miết làm điều lành, thì có thể tránh được lỗi lầm.
     Vương Huy Chi (9) nhà Tấn thường nói: Đọc sách mà tìm được một nghĩa, cũng như được một thuyền hạt ngọc.
     Hậu sinh huấn nói: Một chữ "khoa" (khoe khoang), làm bại hoại suốt đời người ta.
     Mưu toan công việc mà khinh thường sơ suất, tất có sai lầm. Bốn chữ "cát", "hung", "hối", "lận" (10), một chữ tốt mà ba chữ xấu, cho nên ở trên đời, người tốt có ít, người xấu tất nhiều. Bốn việc này đều phát sinh trong khi hành động, càng cần phải cẩn thận lắm.
     Quân tử nghĩ đến điều lợi là lợi chung cho mọi người, tiểu nhân nghĩ đến điều lợi là lợi riêng cho bản thân.
     Tai không nên nghe ngóng tội ác người khác, mắt không nên tò mò điều sở đoản người khác, miệng không nên bàn tán điều lỗi lầm người khác.
     Muốn biết nguyên nhân kiếp trước, kinh nghiệm ngay vào sự hưởng thụ hiện tại, muốn biết nguyên nhân kiếp sau, kinh nghiệm ngay vào hành vi hiện tại.
     Được nhiều người giúp đỡ, thì trong bụng thư thái mà công việc xong xuôi, lấy ý kiến riêng mình chống lại mọi người, thì trong bụng khó nhọc mà rước lấy thù oán.
     Thân thể một người, ví như hình tượng một nước: lồng ngực xếp đặt không khác gì cung nhà, vị trí chi thể không khác gì nơi biên cảnh, phân phối thành trăm chi tiết không khác gì trăm con sông, khoảng giữa thớ da thịt không khác gì bốn đường giao thông, tinh thần cũng như vua chúa, huyết mạch cũng như bầy tôi, khí mạch cũng như nhân dân. Cho nên bậc chí thánh biết giữ mình, cũng như vua hiền biết trị nước. Yêu nhân dân thì nước được bình trị, yêu khí mạch thì mình được hoàn toàn.
     Thang Mộc, nho sĩ nhà Minh nói: Người ta cần phải có anh khí (11), không nên có khách khí (12). Vì có anh khí thì có thể tự lập được vững chắc, có khách khí thì sinh ra tức giận tranh giành.
     Lời dạy điển hình của tiền hiền, tôi được nghe nhiều và ghi thành tập nhỏ, nay chép ra đây để dùng làm vi, huyền (13).
     - Lưu cái khôn khéo còn thừa không sử dụng hết để trả lại tạo hóa, lưu bổng lộc còn thừa không tiêu dùng hết để trả lại triều đình, lưu tài hóa còn thừa không dùng hết để trả lại bách tính, lưu phúc trạch còn thừa không hưởng thụ hết để trả lại con cháu.
     - Hạng người chỉ biết ăn cho sướng mồm, no bụng, bậc thần tiên coi là hạng ăn thối nuốt tanh; hạng người nịnh hót kẻ giàu sang, bậc cao sĩ, ví như người mút mủ nhọt, liếm trôn trĩ. Xảo quyệt quá thì nhiều việc đáng lo, vụng về nhiều thì ít việc hối hận.
     - Giữ đời sống bình thường không gì bằng tiêu dùng sẻn nhặt.
     - Bồi dưỡng sinh lực không gì bằng ít dục tình.
     - Sau khi uống rượu nên giữ gìn lời nói; đương lúc ăn nên ngăn ngừa lòng giận dỗi; nhịn những việc khó có thể nhịn được, hòa thuận với người không hòa thuận; ăn uống không có tiết độ là căn do mắc bệnh; tư tưởng không đúng đắn là nguồn gốc hại mình; bệnh tật từ miệng ăn vào; họa hoạn từ miệng nói ra; nhún mình có thể theo được mọi người, hiếu thắng tất gặp địch thủ; bủn xỉn quá tất phao phí lớn, tích trữ nhiều tất mất mát to; cẩn thận thì không lo, nhẫn nại thì không nhục; tĩnh dưỡng thì thường được yên, sẻn nhặt thì thường được đủ.
     - Càng thu lượm lẽ phải thì càng đầy đủ, càng tế nhị tư tưởng thì càng rộng lớn, càng sâu dày bao nhiêu thì càng cao sang bấy nhiêu.
     - Mọi việc không khắc trách ở người khác, thì dầu giá lạnh, lửa bỏng không rối loạn được lòng ta.
     - Nói nhiều, nhiều việc hỏng, việc nhiều, phải nghĩ nhiều, giữ được giản dị thì trong lòng tự yên, biết được hạn định của mình, thì trong lòng tự đầy đủ.
     - Không để tâm bới vẽ sự việc thì không có việc gì bận rộn trong lòng, cho nên trong lòng tĩnh mịch thì sinh sáng suốt, trong lòng náo động thì sinh tối tăm.
     - Người lái buôn gian dối làm rối loạn thị trường, người nông phu lười biếng, làm hỏng cả ruộng đất, người độc phu tàn bạo làm nhiễu loạn cả nước, con ngựa ốm yếu làm nhơ nhuốc cả đàn.
     - Lúc giàu không sẻn nhặt, lúc nghèo phải hối hận, lúc thấy việc không học hỏi, lúc thi thố mới hối hận, lúc say nói dại dột, lúc tỉnh phải hối hận, lúc bình thường không nghỉ ngơi, lúc có bệnh mới hối hận.
     - Người khinh suất lời nói, tất nhiên lời nói kém phần tin chắc; người tâng bốc thạo tất nhiên chê bai cũng thạo, việc không nên làm hết, quyền thế không nên dùng hết, lời nói không nên nói hết, phúc trạch không nên hưởng hết.
     - Người nào nói ta xấu, đấy là thầy ta; người nào khen ta hay, đấy là thù địch của ta.
     - Chỗ bất cập của người khác, ta nên lượng tình mà tha thứ; chỗ thiếu sót của ta, ta cần dùng lý lẽ mà nghiêm trách.
     - Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp thường, thì không đến nỗi lưu ly thất sở.
     - Trong bụng cần phải từ bi (14), công việc cần phải phương tiện (15). Những sự tàn nhẫn khắc bạc, chỉ gây mối oán hận với người ngoài.
     - Việc gì không can thiệp đến mình, dầu mảy may cũng không lý hội đến. Rượu ngon, sắc đẹp, của cải, tức khí, bốn điểm này cần phải kiêng kị, vì có thể làm hại đến bản thân.
     Những điều trình bày ở trên đều là lời nói chí lý...
(Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục.
Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007)
     CHÚ THÍCH:
* Lê Quý Đôn (chữ Hán: 黎貴惇): Tên thật là Lê Danh Phương, là quan nhà Hậu Lê, đồng thời có thể coi là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông sinh ngày 05 tháng 7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (Lê Dụ Tông), tức 02/8/1726 tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (tức 11/6/1784).
Ông là con cả của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, một danh thần của triều Lê - Trịnh. Thuở nhỏ, ông có tên là Danh Phương. Đến năm 1743, sau khi đỗ giải nguyên trường Sơn - Nam thì đổi thành Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường.
Lê Quý Đôn nổi tiếng thông minh, trí nhớ tốt, từ thuở nhỏ lại rất chăm học, chăm làm. 17 tuổi đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình (1752) cũng đỗ đầu Bảng nhãn (khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Sau khi thi đỗ đại khoa, ông làm Thị thư ở Viện Hàn lâm, rồi làm việc ở Việc Quốc sử, có vài lần làm công việc thanh tra ở trấn Sơn Nam.
Năm 1757, làm Thị giảng ở Viện Hàn lâm. Năm 1760, ông làm Phó sứ sang Trung Quốc. Năm 1764, làm Đốc đồng Kinh Bắc, rồi chuyển làm Tham chính Hải Dương. Sau đó, không rõ lý do gì, ông xin về quê viết sách.
Năm 1767, chúa Trịnh Sâm cầm quyền, ông lại được triệu ra làm quan, tham gia biên soạn quốc sử và làm Tư nghiệp Quốc Tử giám. Năm 1769, ông làm Tán lý quân vụ trong cuộc hành quân đàn áp Lê Duy Mật, rồi thăng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Năm 1773 làm Bồi tụng phủ chúa; năm 1776 làm Hiệp trấn Thuận Hóa (Bình - Trị - Thiên). Sau đó trở về Thăng Long làm Tham tụng.
Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm bậc nhất trong thế kỷ XVIII ở nước ta.
Về sử học có: Đại Việt thông sử (Lê triều thông sử), Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sử thông lục...
Về triết học có: Kinh Thi diễn nghĩa, Dịch Kinh phu thuyết, Xuân Thu lược luận, Quần thư khảo biện...
Về sáng tác văn học và sưu tập văn chương có: Hoàng Việt văn hải, Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập, Phú Lê Quý Đôn...
Về khoa học có: Vân đài loại ngữ.
Qua các ghi chép khác thì ông còn là nhà địa lý học, có hiểu biết nhiều về nông học, dân tộc học, ngôn ngữ học...
Học trò của ông là Tiến sĩ Bùi Huy Bích nói: "Nước ta trong vài trăm năm trở lại đây mới có một người như Thầy". Phan Huy Chú nhận xét: "Bình sinh rất chăm chỉ làm sách. Bàn về kinh sử thì sâu sắc rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời"; "Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người""Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên..., không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia".
Lê Quý Đôn không chỉ dựa vào thông minh trí tuệ mà còn là tấm gương lao động cần cù, khẩn trương và làm việc thường xuyên liên tục. Bộ Vân đài loại ngữ hoàn thành trong 3 năm, trích dẫn đến 557 tập sách, trong đó có cả sách châu Âu dịch sang Hán văn. Khi vào Thuận Hóa làm Hiệp trấn, trong hơn 6 tháng vừa lo xây dựng chính quyền, ông vừa sưu tập tư liệu biên soạn bộ Phủ biên tạp lục làm cơ sở cho nhà Nguyễn viết lịch sử Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Số lượng tác phẩm của ông lên tới khoảng 40 bộ, nay còn lại không quá một nửa. Có thể coi Lê Quý Đôn là người đầu tiên ở nước ta chấp nhận lý thuyết quả đất tròn và biết đến 4 châu: Á, Âu, Phi, Mỹ.
Ông lại còn biết đến hàng trăm giống lúa, hàng trăm giống cây quả, giống cá. Ông nắm vững địa lý Tuyên Quang, Hưng Hóa và nhiều vùng khác của miền Bắc. Ông rất tự hào và trân trọng nền văn hiến Việt Nam và nhiều lần khẳng định nền văn hiến nước ta là lâu đời không kém gì Trung Quốc.
Câu nói nổi tiếng của ông lúc đương thời là: "Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thư­ơng bất hoạt, phi trí bất hư­ng." (Nghĩa là: không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định, không có công nghiệp thì không giàu, không có th­ương nghiệp buôn bán, giao lưu thì không thể mở mang, không có tri thức, trí tuệ thì không h­ưng thịnh đ­ược). Có thể hiểu nông - công - th­ương - trí nh­ư 4 cây cột cái của ngôi nhà, một cây cột yếu là ảnh hư­ởng đến sự bền vững cả ngôi nhà.
1) Lời Khổng Tử bảo Tử Trương, chép trong thiên Vi chính, sách Luận Ngữ.
2) Mạnh Tử nói đạo thống truyền thụ từ Nghiêu, Thuấn đến Khổng Tử, chép trong thiên Tận tâm thượng, sách Mạnh Tử.
3) Văn: điển tịch; Hiến: nhân tài. Cả câu này ý nói một nước có đầy đủ kinh sách, có nhiều người giỏi.
4) Dùng điển trong sách Luận ngữ: Khổng Tử thấy con là Bá Ngư đi qua sân, bảo cần phải về học Kinh Thi và Kinh Lễ. Lê Quý Đôn là con Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, ở đây ý nói được cha dạy bảo.
5) Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Lê Quý Đôn sung sứ bộ sang nhà Thanh nộp lễ tuế cống.
6) Năm thứ 30 (1769), sung chức Tán lý quân vụ dẹp Lê Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh, giáp nước Ai Lao.
7) Năm thứ 37 (1776), giữ chức Tham thị kiêm Hiệp trấn Thuận Quảng.
8) Tức năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777).
9) Vương Huy Chi: con Vương Hy Chi, người đất Cối Kê, nhà Tấn.
10) Cát: tốt lành; Hung: gở dữ; Hối: hối hận; Lận: tham tiếc.
11) Anh khí: khí anh minh vẫn tu dưỡng ở trong lòng.
12) Khách khí: khí tức giận, do động cơ bên ngoài kích thích.
13) Vi: dây da; Huyền: dây đàn. Theo Hàn Phi Tử: Tây Môn Báo tính nóng nảy, thường đeo dây da cho được hòa hoãn; Đổng An Vũ tính chậm chạp, thường đeo dây đàn cho được nhanh nhẹn. Ở đây ý nói theo lời dạy điển hình của tiền hiền để sửa chữa những điều mình còn thiếu sót.
14), 15) Từ bi, phương tiện: đều là danh từ nhà Phật. Từ bi là yêu thương, vì Phật yêu chúng sinh như người một nhà, muốn cho ai cũng vui vẻ, nên gọi là từ; thấy chúng sinh phải khổ não, thì động lòng thương, muốn giải thoát cho, nên gọi là bi. Phương tiện là tùy từng phương diện, dựa vào sự tiện lợi, dẫn dụ chúng sinh để cho dần dần giác ngộ.


18 tháng 7, 2011

NHỮNG CHUYỆN “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” Ở TRƯỜNG SA (KỲ 2)

VietNamNet (18/7/2011)
Ở Trường Sa, mọi sinh hoạt của cuộc sống đời thường, từ nếp ăn, nếp ngủ... đến trồng rau, nuôi bò, tăng gia sản xuất... đều là những câu chuyện đặc biệt, pha lẫn cả niềm vui và nước mắt.
Chăm rau hơn... chăm con mọn
Có lẽ, ai cũng biết, có hai thứ ở Trường Sa được “quý hơn vàng”, ấy là rau xanh và nước ngọt. Để có rau xanh, ngoài việc chờ đợi tiếp tế từ đất liền, dân quân trên đảo còn ra sức để có thể tự “tự sản, tự tiêu” - một cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ.
Không giống như đất liền, chỉ cần gieo hạt, chẳng mất nhiều công chăm bẵm là rau mọc tươi tốt. Ở hải đảo, đặc biệt là những đảo chìm, nơi bốn bề chỉ toàn nước biển mặn chát và những tảng san hô ngầm, chiến sĩ hải quân phải tận dụng từng xô, từng thùng đất từ đất liền gửi ra. Ở đây, thống kê tất thảy chỉ có 11 loại rau có thể chịu đựng “phong ba bão táp, gió quật mưa gào” của hải đảo như rau muống, mồng tơi, cải, bầu, mướp...
Trong đó, những loại thân leo như mồng tơi, mướp, bầu được các chiến sĩ ưa chuộng hơn cả bởi có thể thiết kế theo phương pháp “lấn trời”. Những hàng rào bằng tre nứa được dựng lên để rau có thể leo bám thành những bức tường cao, xanh mướt. Phương pháp này vừa cho hiệu quả về số lượng, lại vừa tiết kiệm được đất trồng, nước tưới.
Nói thì nghe đơn giản nhưng tận mắt chứng kiến “cuộc chiến rau xanh” mới thấy được những người chiến sĩ phải tận tụy, nhiều khi mất ăn mất ngủ như thế nào. Họ chẳng khác nào những bà mẹ tất bật chăm con mọn. Trên đảo mỗi năm có hai mùa gió, một thổi theo hướng Đông - Bắc và một theo hướng Tây - Nam. Nếu không may để “trúng gió”, dàn rau sẽ “tiêu” ngay. Cách chắn thông thường bằng những tấm ván, bạt tận dụng không đủ sức ngăn được sức gió và sóng, nhất là mùa biển động.
Vì vậy, lính đảo đã nghĩ ra cách sử dụng chính ngôi nhà mình đang ở làm bức tường chắn gió. Chẳng vậy mới có chuyện: những khu vườn rau di động thường xuyên được “chạy” vòng quanh đảo. Điều đặc biệt, dù không dùng bất cứ thuốc nào nhưng tất cả các loại sâu bọ không thể tấn công tới một lá rau xanh của người chiến sĩ. Cứ ngoài giờ huấn luyện hay khi rảnh rỗi, anh em chiến sĩ lại có mặt ở vườn rau, vạch lá, bắt sâu, tưới nước, vun xới... thậm chí, đơn thuần chỉ là “ngồi ngắm” để thấy “mát lòng”.
Trung tá Đinh Trọng Thắm, đảo trưởng đảo Sinh Tồn đã từng kể lại câu chuyện vừa buồn cười, vừa chua xót. Đó là một dịp cuối năm, bão đến quá bất ngờ nên toàn bộ những khay rau mầm mới nhú đặt trên lan can đã bị gió thổi cuốn phăng xuống biển. Tiếc nuối những “khay vàng” mang bao mồ hôi công sức, cả đoàn chỉ biết lặng nhìn, một cậu chiến sĩ không giấu nổi cảm xúc, bật khóc tu tu như một đứa trẻ.
Thế mới biết, rau xanh đối với họ ý nghĩa và quan trọng như thế nào.
Mỗi lần có khách đến thăm đảo, thứ đặc sản mà lính đảo luôn “nhịn miệng” đãi khách không gì khác, chính là rau xanh. Bởi rau xanh là thứ quý giá nhất nơi đây. Họ vẫn nói: “có rau xanh là giàu”. Vì vậy mà để làm “giàu”, những người chiến sĩ ở đây vẫn ngày đêm... ăn ngủ cùng rau!
Những con bò không thích ăn cỏ!
Ngoài hải đảo, nguồn cá tươi dồi dào luôn là thực phẩm chính trong những bữa ăn của người chiến sĩ. Vì đẩy mạnh tăng gia sản xuất nên cái cảnh: sáng cá, trưa cá... tối cũng cá hầu như đã không còn. 
Nhưng thứ mà người chiến sĩ vẫn “thèm” nhất là một bữa thịt bò, dù chỉ cần xào nấu đơn giản, bởi không phải ở nơi nào cũng có điều kiện chăn nuôi loại đại gia súc này. Song Tử Tây là điểm duy nhất nhất thuộc quần đảo có một sân cỏ lớn. Sân cỏ này không chỉ là nơi tập trung sinh hoạt của người chiến sĩ, luyện tập thể thao mà còn là địa điểm để... nuôi thả đàn bò.
Đây vốn dĩ là một bãi đất trống đầy san hô và cát trắng nhưng nhờ vào đôi bàn tay mẫn cán của người chiến sĩ mà có thể biến thành một thảm xanh tự nhiên, một bản sắc riêng của đảo. Để đảm bảo cỏ luôn xanh và mọc đều tăm tắp, người lính đảo Song Tử Tây phải chia nhau chăm chút, xén tỉa. Mùa tháng ba, nắng cháy da, cháy thịt, nước ngầm trên đảo rút xuống, phần nước sinh hoạt dành cho quân dân cũng giảm theo. Thế nhưng, mọi người vẫn cố chắt chiu, tận dụng nước để tưới cho sân cỏ.
Không biết có phải vì “thương” chiến sĩ hay không mà đàn bò ở đây chỉ thường dạo chơi, tắm nắng trên sân chứ hầu như... không ăn cỏ. Đàn bò trên đảo Song Tử Tây, cũng giống như những vật nuôi khác như gà, lợn... được nuôi bằng phần thức ăn thừa của cán bộ, chiến sĩ. Thế nhưng món khoái khẩu của chúng lại là... giấy. Từ sách, vở, bìa các tông tới bao xi măng, chúng không từ chối “món” nào.
Vì vậy, mới xảy ra chuyện một đồng chí sĩ quan mất cả tháng trời soạn giáo án, lúc sắp hoàn thành thì bị bò mò vào phòng ăn mất. Tức nhưng chẳng ai lại đi “kỷ luật” bò nên đồng chí kia phải hậm hực viết bài giảng lại từ đầu. Câu chuyện này nhanh chóng lan khắp quần đảo Trường Sa, trở thành giai thoại vui về đàn bò trên đảo Song Tử Tây.
Năm 2010, nhờ sinh trưởng tốt, 4 chú bê non đã được ra đời, nâng tổng gia đình nhà bò lên 9 con. Dù đàn bò mang đến không ít chuyện rắc rối, nhưng đối với người lính đảo, chúng vẫn là loại vật vô cùng được yêu mến. Đàn bò không chỉ giúp tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống mà đối với người chiến sĩ, hình ảnh của chúng thong dong trên cánh đồng cỏ còn gợi nhớ hình ảnh quê hương thân thuộc, góp phần làm vơi đi nỗi nhớ nhà.
Bắt nắng, gió phục vụ con người
Tin vui bừng ánh nắng,
Giọng gió sao ngọt ngào
Sóng vờn đảo vẫy chào
Điện sạch về, náo nức!
Đúng như lời bài thơ “Điện sạch trên đảo xa” của Đại tá Trần Dực, những ngày này, khi màn đêm buông xuống, hệ thống chiếu sáng dọc bờ kè làm cho Trường Sa trở nên lung linh giữa bao la sóng nước. Hòa trong tiếng sóng biển, tiếng quạt gió “ro ro” từ những cột thu gió khổng lồ trở thành âm thanh vui tai suốt đêm ngày.
Đó chính là kết quả của dự án năng lượng sạch bao gồm tổng thể hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa. Hàng nghìn tua bin gió, pin mặt trời, bình ắcquy và hệ thống cáp truyền tải đã được bố trí xung quanh 33 điếm đảo và 15 giàn khoan được đưa vào sử dụng, nhằm góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và cải thiện đời sống tinh thần của quân dân.
Với hệ thống năng lượng này, nhu cầu điện sinh hoạt tối thiểu 24/24 của người dân được đảm bảo. Giờ đây, nhà nhà đua nhau mua sắm tivi, tủ lạnh... những thứ trước đây tưởng chừng như quá xa xỉ với vùng hải đảo muôn vàn khó khăn này. Hàng ngày, họ có thể xem tivi, nghe đài, đọc báo qua internet, liên tục cập nhật những thông tin từ đất liền. Ngoài ra, nguồn điện ổn định còn tạo tạo điều kiện đưa các trang thiết bị y tế vào hoạt động, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Có điện, hình thức sinh hoạt tại các cụm đảo cũng trở nên đa dạng hơn. Trước đây, vào những ngày nghỉ, mọi công tác hoạt động đều phải... trông vào giờ cấp điện. Nhưng với dự án mới này, họ hoàn toàn chủ động. Ngoài thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cũng có thể trải nghiệm món ăn tinh thần yêu thích nhất của mình là “karaoke”. Không còn những chuỗi ngày dài đằng đẵng, ngong ngóng tin đất liền. Các phương tiện nghe, nhìn, internet, điện đàm, điện thoại... đã trở thành cầu nối tiện ích, rút ngắn khoảng cách đất liền và hải đảo.
Ngỡ tưởng rằng, những khắc nghiệt của Trường Sa có thể làm nao lòng quân dân hải đảo. Thế nhưng với sự quyết tâm để bảo vệ vùng đất thiêng của Tổ quốc, đúng như câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, tất cả mọi khó khăn đều có thể khắc phục. Ngay cả cái nắng, cái gió... cũng đang quay lại để phục vụ cuộc sống con người.
(Theo Giáo dục Việt Nam)