7 tháng 9, 2011

BẰNG THẬT, GIẢ HAY DỎM: LIỆU CÓ KHÁC NHAU?

(TuanVietNam, 07/9/2011) - Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực... còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.
Xã hội ủ mầm và gây men?
Chưa bao giờ, bức tranh toàn cảnh về giáo dục tại Việt Nam hiện nay lại quá nhếch nhác đến vậy. Từ chuyện bằng giả, bằng dỏm, thậm chí bằng thật mà kiến thức “dỏm”, rồi mới đây là chất lượng đầu vào của đợt Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2011 đã nói lên tất cả.
Với mức điểm chuẩn là 13, 14 điểm đã là quá thấp mà nhiều trường còn không tuyển đủ số lượng. Một số trường còn dùng “tấm bùa hộ mệnh” là điều 33 trong Quy chế tuyển sinh Cao đẳng, Đại học 2011 để vét cho đủ chỉ tiêu. Nhiều thí sinh chỉ đạt 7, 8 điểm (3 môn thi) vẫn nghiễm nhiên bước chân vào giảng đường đại học thì khỏi phải nói cũng biết chất lượng đầu ra sẽ như thế nào.
Mấy năm trở lại đây, báo chí nhiều lần nhắc đến thực trạng sử dụng bằng giả. Có thể nói rằng bằng giả đang xuất hiện tràn lan ở hầu hết các tỉnh thành, không có ngành nghề nào là ngoại lệ và ở mọi cấp bậc khác nhau. Đã từng có một vụ án liên quan đến 87 bằng giả tại Long An bị khởi tố. Bằng giả không còn là hiện tượng cá biệt mà trong xã hội, còn hình thành những đường dây, tổ chức mua bán bằng hẳn hoi.
Thậm chí, nạn mua bán bằng giả được rao bán đầy rẫy trên mạng và được mặc cả công khai giữa ban ngày. Thật không thể tin được khi một tấm bằng thạc sĩ được rao bán với giá chỉ có... 18 triệu đồng. Người mua sẽ nhận được tấm bằng danh giá ấy chỉ trong vài ngày, với lời hứa “giống thật 100%, bao đi công chứng” (?)
Không trắng trợn như mua bán, sử dụng bằng giả, một trào lưu mới cũng đang rất thịnh hành trong xã hội hiện nay là vấn nạn bằng dỏm. Người được cấp bằng dỏm thường chọn cách học ở một cơ sở liên kết đào tạo giữa một trường đại học “ma” nào đó ở nước ngoài với một cơ sở đào tạo trong nước.
Chỉ cần học trong 6 tháng, người ta đã có bằng tiến sĩ hay mang danh tốt nghiệp tiến sĩ của một trường đại học nước ngoài nhưng một chữ ngoại ngữ bẻ đôi không cần biết.
Sở dĩ vấn nạn bằng giả, bằng dỏm sinh sôi nảy nở đến chóng mặt bởi nó do những căn bệnh cố hữu của xã hội ủ mầm và gây men. Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực... còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỏm luôn luôn có đất sống.
Bất kỳ một sản phẩm gì khi đã là giả, là dỏm thì tất nhiên là đồ vứt đi, là thứ không thể sử dụng được và cần được lên án để kịp thời ngăn chặn, chứ không riêng gì tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao học hoặc tiến sĩ.
Giả, dỏm và thật có khác nhau?
Tuy nhiên, khi nói đến những thứ hàng giả, hàng dỏm cũng cần phải xem xét những món hàng thật có đảm bảo chất lượng hay không? Nếu là hàng thật mà không có chất lượng hay chất lượng quá kém thì chẳng khác nào thứ hàng giả.
Lâu nay, tình trạng “đi thầy” hay “cống nộp” trước hay sau khi thi diễn ra rất phổ biến ở các trường đại học. Thậm chí cả ở các bậc học cao hơn như cao học hay nghiên cứu sinh vẫn không phải là ngoại lệ.
Một người bạn vừa mới nhận được tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại 1 trường đại học có uy tín ở TP.HCM “bật mí” cho người viết bài này, rằng cứ sau mỗi môn học, tùy theo tình trạng của kết quả làm bài thi mà người học quyết định “đi thầy” bao nhiêu.
Thường thì chỉ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho mỗi môn và muốn có điểm cao thì môn nào cũng phải “cống nộp” đầy đủ. Người chịu trách nhiệm làm cầu nối giữa học viên và giảng viên thường là... lớp trưởng.
Đây là điều không quá bất ngờ khi người viết bài cũng đã từng kiểm tra kiến thức của rất nhiều bạn đã tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Không ít bạn thể hiện rõ mình thiếu cả kiến thức chuyên môn lẫn những kiến thức xã hội. Đó là chưa kể đến các kỹ năng khác rất quan trọng như khả năng viết văn bản, khả năng trình bày, thuyết trình... cũng đều rất hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng về thực trạng sinh viên ra trường nhưng kiến thức bị hổng nặng, phải đào tạo lại từ đầu. Đây quả thật là một gánh nặng cho xã hội mà nguyên nhân chính không ai khác, là do một nền giáo dục kém cỏi tạo ra.
Khi mặc cả việc mua bán bằng giả, người bán dám cam kết tấm bằng do họ làm ra “như thật”, có thể qua mặt được các cơ quan công chứng, chứng nhận giá trị tri thức của mỗi người trước khi bước ra xã hội. Nếu những cam kết này là đúng thì không biết có bao nhiêu người đã mang thứ tri thức giả đó để đánh lừa xã hội.
Rồi những người nắm trong tay những tấm bằng thật nhưng kiến thức lại trống rỗng thì sao? Chẳng phải họ cũng đang lừa dối xã hội và tự lừa dối chính mình đó hay sao?
Xem ra trong một môi trường giáo dục quá nhiều bất cập, nạn đào tạo tràn lan không thể kiểm soát được chất lượng đầu vào, đầu ra thì phân biệt bằng thật, bằng giả liệu có ích gì? Thật, giả hay dỏm gì đều cũng chứa đựng sự gian dối thì giá trị của tấm bằng có khác gì nhau?
Vấn nạn bằng giả, bẳng dỏm và bằng kém chất lượng sẽ chẳng bao giờ ngăn chặn được, nếu không thay đổi được chất lượng giáo dục, không thay đổi được nhận thức của xã hội về danh phận, chức quyền cũng như giá trị của tri thức.
Trần Minh Quân

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ HƯỚNG ĐI CỦA THỜI ĐẠI

TuanVietNam, 02/9/2011
Thời gian là sự kiểm nghiệm chuẩn xác nhất cho một tư tưởng, một tầm nhìn, một hướng đi. Với hơn nửa thế kỷ, “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên bố trước thế giới vào ngày 02/9/1945 đã tỏ rõ sức sống dẻo dai, đưa đất nước vừa thoát ách nô lệ dấn bước vào quỹ đạo phát triển của thời đại.
Những trải nghiệm nghiêm khắc của lịch sử cho thấy tầm nhìn của Hồ Chí Minh về hướng đi của dân tộc trong một thể chế dân chủ cộng hòa là hoàn toàn chính xác. Thật ra thì tên gọi không là điều quyết định, vấn đề là thực chất thể chế mà Nhà nước ấy hướng tới và phấn đấu thực hiện.
Dân chủ nằm ngay trong tên nước và mục tiêu hướng tới được ghi rõ ngay dưới tên nước: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Nước có độc lập thì dân mới có tự do để làm ăn sinh sống, tự do suy nghĩ và hành động để mưu cầu hạnh phúc. Dân chủ là điều kiện tiên quyết để có tự do, và có tự do mới thực sự có hạnh phúc!
Với Hồ Chí Minh, nội dung đó luôn luôn thiết thực, luôn luôn cụ thể và trước sau như một. Bát cơm, manh áo cho người dân đang đói khổ chính là mệnh lệnh chiến đấu trực tiếp của nhà nước cách mạng. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Cho nên, chống giặc đói là việc đầu tiên trong sáu vấn đề cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau bát cơm, là nhu cầu dân chủ, là vấn đề dân trí.
Chống dốt là vấn đề thứ hai, tiếp đó, “quyền tự do, dân chủ” là vấn đề thứ ba. Điều này mở đầu cho “Tuyên ngôn Độc lập” 02/9/1945: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là khát vọng cháy bỏng ngàn đời của con người, của loài người.
Và đó cũng là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh. Vì khát vọng đó, Hồ Chí Minh đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho tự do của con người, trước hết là người Việt Nam trên đất nước thân yêu của mình. Bởi vì, với Hồ Chí Minh: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do” (Nhật ký trong tù). Và để có tự do, thì trước hết là phải giành lại độc lập cho Tổ quốc, giành lại quyền dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Độc lập là điều kiện để giành Tự do. Và Dân chủ là điều kiện để đấu tranh giành Tự do.
Phải từ cái logic ấy mới hiểu được, vì sao Hồ Chí Minh mở đầu cho “Tuyên ngôn Độc lập” 02/9/1945 bằng những “lời bất hủ” (từ dùng của Hồ Chí Minh) trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, và tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp.
Có người nói đó là một sách lược chính trị, đặt cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên một quốc gia đã gần 100 năm bị xóa tên trên bản đồ thế giới vào trong bình diện quốc tế để xác lập vị thế của Việt Nam trên bình diện đó. Thì chính “Tuyên ngôn” nói rất rõ: “Chúng tôi tin chắc rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Sách lược? Đúng. Song, điều lớn hơn cần phải nói rõ, chính “những quyền không ai có thể xâm phạm được” của con người mới là mục đích tối hậu mà Hồ Chí Minh hướng tới. Bởi lẽ, “con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp” đó là ý tưởng mở đầu cho “Khế ước xã hội” của J.J Rousseau, một cột mốc lớn trong tư duy của con người tự nhận thức về quyền làm người của mình. Tư tưởng ấy cũng khởi đầu cho sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Trên báo L'Humanité ngày 02/8/1919, Nguyễn Ái Quốc đòi: “Những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn”. Cũng trong bài báo này, “người yêu nước” ấy chỉ rất rõ những quyền tự do, trong đó có “tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật” (1).
Không hề ảo tưởng khi nêu lên những điều này vì Hồ Chí Minh biết rõ quy luật nghiệt ngã trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ. Khi dẫn ra những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, có thể Hồ Chí Minh đã hiểu rằng, để có bản tuyên ngôn nói trên do Thomas Jefferson soạn thảo, bao nhiêu máu đã đổ, bao người phải tù đày Bỗng gợi nhớ đến câu nói bất hủ của Hoàng Văn Thụ của chúng ta: “Trong cuộc đấu tranh giữa chúng tôi, những người yêu nước và các anh, những kẻ cướp nước, sự hi sinh như tôi là một lẽ thường tình! Chỉ biết cuối cùng chúng tôi sẽ thắng!”.
Là một chiến sĩ cách mạng từng trải đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, cũng đã từng nhiều năm sống trên quê hương của Cách mạng Pháp 1791 và Công xã Paris, cũng như đã nhiều năm có mặt trên quê hương của Cách mạng Tháng Mười với Nhà nước Xô Viết hùng mạnh, vốn được những người cách mạng xem là thành trì bất khả xâm phạm thậm chí là “thiên đường trên trái đất”, Hồ Chí Minh đã thấy được và cảm nhận được những mặt trái của tấm huân chương mà có thể những người chưa có trải nghiệm không thể thấy được, hiểu được.
Hơn nữa, với tầm nhìn của một nhà văn hoá lớn, am hiểu sâu sắc triết lý và văn hoá phương Đông và truyền thống văn hóa dân tộc mình, lại từng tiếp thu tinh hoa của nền văn minh phương Tây, để rồi gắn kết với bản lĩnh và tri thức cách mạng, Hồ Chí Minh cảm nhận sâu sắc những vấn đề cơ bản nhất, thiết yếu nhất đồng thời cũng là sâu xa nhất mà cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 phải hướng tới.
Nhìn trở lại hành trình lịch sử của Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, quanh một vòng trái đất để trở về xúc động với nắm đất của Tổ quốc trên tay, rồi những lời “dặn lại công việc” với Võ Nguyên Giáp khi bị bệnh nặng sợ khó qua khỏi trong một lán nhỏ ở Tân Trào, Việt Bắc: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả giải Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, cho đến khi đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, v.v.. cho đến Di chúc với “điều mong muốn cuối cùng”: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” càng hiểu rõ tầm nhìn và khát vọng của Hồ Chí Minh.
Trước hết, phải giành cho được độc lập. Nhưng độc lập chưa phải là cái đích cuối cùng, mà mới chỉ là điều kiện tiên quyết để thực hiện những mục tiêu khác của cách mạng, mà xét đến cùng là nhằm thực hiện “những quyền không ai có thể xâm phạm được”Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp nêu lên. Những vấn đề của “nhân quyền”“dân quyền” là vấn đề chung của con người, của loài người, và “nhân quyền” cũng như “dân quyền” của Việt Nam cũng không nằm ngoài vấn đề chung đó, vì Việt Nam không phải là dân tộc ở “ngoài hành tinh” vừa nhập cuộc, Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của loài người, của thế giới mà loài người đang sống!
Tuy nhiên, “trong nhiều xã hội ngoài Châu Âu, thông điệp đấu tranh giai cấp nghe xuôi tai hơn thông điệp dân chủ; sự phê phán nhân quyền dễ trót lọt hơn ý tưởng về dân quyền. Và như vậy là vì những lý do lịch sử: ý tưởng về nhân quyền do bọn thực dân mang tới cho họ, áp đặt bằng nòng súng. Nhân quyền thuộc về kẻ chiến thắng, đương nhiên, trước mắt kẻ thua trận, đó là thứ ngụy trang cho sự thống trị thực dân” (2). Tuy hiểu điều đó, nhưng Hồ Chí Minh vẫn khẳng định tư tưởng về nhân quyền trong “Tuyên ngôn Độc lập” 02/9/1945 bởi vì: “ý tưởng xây dựng xã hội trên nền tảng quyền con người hoàn toàn không phải là một sự dối trá của giai cấp tư sản, mà thực sự là một ý tưởng phổ quát, thực sự đáp ứng một hy vọng toàn cầu. Sẽ không bao giờ có bình đẳng thật sự giữa tất cả mọi người, song ở chân trời của tất cả mọi người, bao giờ cũng sẽ có ý tưởng bình đẳng. Và ta sống với chính sự vẫy gọi đó.
Chính cái đó làm cho sự vật chuyển động” (3). Để tạo ra một sự “chuyển động” đúng quy luật, ngay sau khi giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Giành độc lập đã khó, nhưng đem lại được dân chủ đích thực, tự do thật sự, hạnh phúc cụ thể cho mỗi người dân là chuyện khó hơn rất nhiều.
Chẳng thế mà cách nay không lâu, cựu tổng thống Nelson Mandela, vị anh hùng dân tộc của nhân dân Nam Phi, từng tuyên bố rất rõ ràng với đồng bào của ông trong một nước Nam Phi độc lập: “Chúng ta chưa có tự do. Chúng ta mới có điều kiện để đấu tranh giành tự do”!
Trong nội dung dân chủ của một thể chế cộng hòa, thì để cho độc lập có một ý nghĩa thiết thực, trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân khi mà về danh nghĩa, họ là người chủ của đất nước, thì quyền làm chủ ấy phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Chỉ như thế thì dân mới có thể dựa vào đó để đấu tranh cho dân chủ và tự do, khiến cho nó không chỉ là những khẩu hiệu suông mà thể hiện trong thực tế, hiện diện trong cuộc sống thường nhật của họ.Có nhận thức như vậy mới hiểu tại sao ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”! Trong bộn bề những việc cấp bách hàng ngày với thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo Hiến pháp và cho ra đời bản Hiến pháp 1946 lịch sử!
Trong một cuộc họp gần đây của Hội đồng thẩm định về đề tài khoa học chuẩn bị cho việc sửa đổi Hiếp pháp do Văn phòng Quốc hội và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tại Hà Nội mà người viết bài này là một thành viên của Hội đồng, trong quá trình thảo luận, bản Hiến pháp ấy được nhất trí đánh giá là bản Hiền pháp mẫu mực nhất. Có điều đó vì ở đây thể hiện rõ định hướng và tầm nhìn rất sáng tỏ của Hồ Chí Minh về hướng đi của nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ trong quỹ đạo phát triển của thế giới theo hướng đi của thời đại. Nghiêm chỉnh thực hiện nội dung của Hiến pháp 1946 chính là việc biến mục tiêu hướng tới độc lập, tự do, hạnh phúc mà dân chủ được ghi rõ ngay dưới tên nước, thành hiện thực! Nói cụ thể hơn, đó là điều kiện để thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc ta.
Đương nhiên, việc tạo ra điều kiện rồi dựa vào điều kiện đã được tạo ra đó để biến khát vọng dân chủ và tự do thành hiện thực phải là một cuộc chiến đấu bền bỉ, gian khổ và không khoan nhượng! Bởi lẽ “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng” sẽ chống lại quyết liệt, và sẽ là lực cản ghê gớm cho sự xuất hiện “những cái mới mẻ, tốt tươi”. Cho nên, dân chủ và tự do không thể là ân huệ được ban phát mà là phải đấu tranh để giành lấy. Đấu tranh với ai? Với “những gì đã cũ kỹ, hư hỏng”.
Đây cũng chính là căn bệnh trầm kha của quyền lực, cũng là căn bệnh của Nhà nước trên toàn thế giới. Bằng sự trải nghiệm của mình từ thực tế của những năm sống trên đất nước Xô viết dưới thời Stalin, những hiểu biết về cuộc tranh giành quyền lực trên đất nước Trung Quốc, sự hiểu biết về nhiều nước phương Tây, Hồ Chí Minh đã nhận ra rằng “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” cho dân tộc mình, nhân dân mình sẽ là một “cuộc chiến đấu khổng lồ”. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ ấy, Hồ Chí Minh hiểu rõ cần “phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” (4).
Kỷ niệm quốc khánh năm nay, nhắc lại tư tưởng nổi bật trong “Tuyên ngôn Độc lập” để càng thấm thía hơn tầm nhìn của Hồ Chí Minh về hướng đi của thời đại, vạch ra con đường để dân tộc ta dấn bước theo đúng quỹ đạo phát triển của thế giới văn minh, do vậy mà càng vững tin vào sự vẫy gọi của chân lý, vì như đã dẫn ra ở trên: “chính cái đó làm cho sự vật chuyển động”.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. NXB.CTQG, Hà Nội 1995, tr.10
2 và 3. Francois Furet: “Số phận một ý tưởng”. Người đưa tin UNESCO. Hà Nội 1989, số 6, tr.56
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. NXB.CTQG, Hà Nội 1996, tr.505
Tương Lai

THƯ CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC NHÂN NGÀY KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI

Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2011 - 2012.
Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên thân mến,
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011 - 2012 và ngày “Toàn dân đưa trẻ tới trường”, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học 2010 - 2011, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng, tiến bộ. Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục ở các cấp học được nâng lên; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên được chú trọng; công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đạt kết quả tốt; cơ sở vật chất của nhà trường được tăng cường.
Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả của ngành giáo dục, nhất là các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các thầy giáo, cô giáo tâm huyết, tận tụy với công việc, các em học sinh nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã vượt khó vươn lên trong học tập.
Năm học 2011 - 2012, có ý nghĩa rất quan trọng, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Để thực hiện tốt sứ mệnh “nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”, cùng với sự góp sức của toàn xã hội, ngành giáo dục cần đổi mới căn bản, toàn diện, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học; đẩy mạnh thi đua “dạy tốt, học tốt”; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lịch sử, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên giỏi, nghèo, khuyết tật, con em gia đình có công với cách mạng, dân tộc thiểu số, giáo viên công tác ở vùng khó khăn.
Tôi mong muốn và tin tưởng các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, nỗ lực phấn đấu vươn lên, rèn luyện tốt, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để con em chúng ta được học tập, rèn luyện đạt kết quả tốt.
Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. Chúc sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thân ái,
Trương Tấn Sang