14 tháng 7, 2011

HÃY THA LỖI CHO THẦY!

Cập nhật: 01/7/2011
- “Tất cả các em đã đậu tốt nghiệp. Từ em chăm học nhất, đến những em rong chơi quanh năm, thảy đều có tên trong danh sách trúng tuyển. Khắp nơi, tỉ lệ cũng nhẩy vọt bất ngờ.... Thầy biết các em đang rất phấn khởi”. Thư gửi những học sinh lớp 12 vừa tốt nghiệp THPT - thầy giáo Trần Đình Trợ viết.
Các em học sinh thân mến!
Thầy biết các em đang rất phấn khởi.
Tất cả các em đã đậu tốt nghiệp. Từ em chăm học nhất, đến những em rong chơi quanh năm, thảy đều có tên trong danh sách trúng tuyển. Khắp nơi, tỉ lệ cũng nhẩy vọt bất ngờ. Những vùng rẻo cao, vài năm trước không có học sinh đậu tốt nghiệp, năm nay tỉ lệ cũng gần trăm phần trăm.
Xin chúc mừng tất cả.
Các em học sinh đã thỏa lòng mười hai năm đèn sách.
Cha mẹ các em, đã thỏa lòng bao năm tần tảo nuôi con.
Các thầy cô, đã thỏa lòng bao năm miệt mài giảng dạy.
Các vị lãnh đạo ngành, đã đáng công tổ chức một kỳ thi đồ sộ và tốn kém.
Thầy tin rằng, nhiều em đã thi tốt, và đã làm bài một cách nghiêm túc. Các em đó đậu tốt nghiệp rất xứng đáng. Nhưng, nhiều em đã gian dối trong thi, nhiều thầy cô cũng vậy. Với danh nghĩa “thương học sinh”, họ đã chăm chút “tình riêng” mà lơ là “phép nước”.
Giám khảo thì hết sức “đãi cát tìm vàng” để nâng điểm. Đã có những thỏa thuận ngầm, trá hình kiểu “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi...” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thậm chí, lãnh đạo hội đồng chấm thi còn “hướng dẫn” giám khảo là, chỉ cần trong bài thi có viết từ “đàn bà”, thì phải cho điểm.
Các em thân mến!
Thầy biết, không có ai mong học sinh hỏng thi. Nhưng ai cũng muốn, các em đậu một cách chính đáng, trong một kỳ thi nghiêm túc.
Những kỳ thi nghiêm túc, mà ngành Giáo dục vẫn thường nói. Các nhà trường đã khuyên các em cố gắng học tập. Khuyên rằng, không thể gian dối trong thi cử. Khuyên rằng, ngành sẽ dùng kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, theo kiểu “hai trong một”.
Thầy cũng đã dạy về quy chế thi cử, thầy cũng đã dạy về sự nghiêm minh của “hai không”, “bốn không” cho các em. Nhưng qua kỳ thi này, các em đã tận mắt thấy tất cả.
Hãy tha lỗi cho thầy!
Những lời các thầy dạy trước đây, bỗng chốc thành lời nói dối. Không gì có thể biện minh được. Chẳng lẽ biện minh rằng, chính các thầy cũng bị “lừa”. Chẳng lẽ biện minh rằng, kì thi năm sau sẽ có nghiêm túc thật sự. Than ôi! Bao nhiêu là năm sau rồi.
Chỉ có thể nói: Những bài học cao quý, đã thành lời nói dối trơ trẽn!
Các em thân mến!
Nhà trường dạy các em về lòng dũng cảm. Ngành Giáo dục đã tuyên chiến với “bệnh thành tích”, và đã vinh danh sự dũng cảm của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Chính thầy cũng đã dạy các em: Dũng cảm nhất, là vạch trần sự gian trá.
Trong kỳ thi vừa qua, có nhiều sự gian trá đã diễn ra. Nhiều em đã nhìn thấy, nhiều em lại chính là thủ phạm của sự gian dối đó. Giám thị, giám khảo cũng chứng kiến và tham gia sự dối trá. Nhưng chưa mấy ai lên tiếng.
Hãy tha lỗi cho thầy!
Thầy cũng đã không lên tiếng.
Không thể biện minh nổi. Chẳng lẽ biện minh rằng: đang tồn tại sự giả dối khác còn nghiêm trọng hơn; rằng: đang có nhiều tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ còn dổm hơn? Chẳng lẽ biện minh rằng: sự giả dối đang diễn ra mọi nơi; rằng: tệ nạn tham nhũng, hối lộ đang tràn lan, rồi chuyện “đưa phong bì” cũng đang phổ biến?
Những thứ đó, cũng không biện minh nổi cho sự đớn hèn trong mỗi chúng ta!
Các em thân mến!
Chúng ta biết rằng: Làm người, cần nhất là sự trung thực. Con người, trước hết phải trung thực với bản thân mình. Thầy đã nói với các em: Phải biết chấp nhận, thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi. Nhưng thực tế lại thật phũ phàng.
Vừa thi xong, có người khoe khoang ngay về những sự dối trá. Có kẻ lại hớn hở vì đã “trúng quả đậm” trong khi “làm thi”. Mọi người cùng hỉ hả với một tỉ lệ đậu cao gian dối.
Hãy tha lỗi cho thầy!
Khi thấy các em đậu hết, thầy cũng đã phấn khởi, dù biết chắc chắn có sự gian dối. Nay thầy lại thấy hổ thẹn về chính điều đó.
Rồi sự vui mừng của chúng ta sẽ qua nhanh. Sự huênh hoang về các con số, cũng sẽ chôn vùi dần trong sự dè bỉu. Nhưng dư vị đắng cay, chua chát về sự giả dối, thì không dễ nhạt nhòa. Nỗi buồn tủi và sự hổ thẹn vì đã thiếu trung thực, cũng sẽ còn xót xa mãi trong lòng mỗi chúng ta.
Những gì đã xảy ra trong kỳ thi, khiến chúng ta thấy nhục nhã. Các em ơi, vì chúng ta vẫn là người!
Các em thân mến!
Kì thi vào đại học đang chờ, một giai đoạn mới sẽ bắt đầu với các em.
Nhưng các em hãy nhớ lấy sự đau đớn này. Thầy đã thất bại đau đớn trong những bài học lớn, mà thầy đã dạy các em. Bài học chống lại thói giả dối, bài học về lòng dũng cảm và bài học về sự trung thực.
Giáo viên Trần Đình Trợ (Theo VietNamNet)

CHIẾC XE BUÝT KẾ TIẾP...

Bạn biết đấy, tình yêu giống như ai đó đang chờ xe bus. Khi xe vừa tới, bạn nhìn lên và tự nói: “Hừm, xe đầy rồi... chẳng còn chỗ, thôi mình đợi chiếc sau vậy!”
Thế là bạn bỏ qua chiếc hiện tại, ngồi chờ chiếc thứ hai. Khi chiếc xe thứ hai tới, bạn nhìn lên và lại tự lẩm bẩm: “Xe này sao cũ thế nhỉ, tồi tàn quá!”. Và bạn cũng chẳng bước lên xe, ngồi đợi chiếc tiếp theo.
Một lát sau, chiếc xe thứ ba chạy tới. Chiếc xe này không cũ, không có đông khách nhưng bạn vẫn không hài lòng: “Cái xe này không có điều hoà, thôi mình cố đợi chiếc sau”.
Một lần nữa, bạn lại bỏ qua chiếc xe hiện tại và ngồi chờ chiếc kế tiếp. Trời thì tối dần, và cũng có vẻ muộn rồi. Bạn tặc lưỡi nhảy đại lên chiếc xe bus tiếp theo, và chẳng mấy chốc bạn phát hiện ra rằng mình chọn nhầm xe mất rồi!
Như vậy, bạn lãng phí thời gian và tiền bạc trong lúc ngồi chờ những gì bạn mong muốn! Thậm chí nếu có một chiếc xe bus có điều hoà chạy tới, chưa chắc chiếc xe bus này đã có thể thoả mãn được tiêu chuẩn của bạn, vì biết đâu điều hoà trên xe quá lạnh thì sao.
Các bạn thân mến! Muốn mọi thứ đến với mình như mình mong ước là một việc sai lầm. Vì vậy, nếu bạn không cảm thấy ngại thì cứ thử nắm lấy một cơ hội xem sao. Giả sử bạn cảm thấy chiếc xe bus không làm cho bạn hài lòng, bạn chỉ việc nhấn chiếc nút đỏ, và xuống ở bến đỗ gần nhất, đơn giản vậy thôi.
Có ai dám nói rằng cuộc đời là công bằng... Việc tốt nhất mà ta có thể làm là phải tinh ý và cởi mở hơn khi quan sát. Nếu chiếc xe bus này không hợp với bạn, hãy nhảy xuống. Tuy nhiên bạn phải luôn luôn có những dự phòng khác để có thể dùng trên chuyến xe tiếp theo.
Nhưng đừng vội... Tôi chắc rằng có thể bạn đã có được kinh nghiệm này từ trước. Bạn trông thấy một chiếc xe bus chạy tới (tất nhiên là chiếc xe bạn mong muốn), bạn vẫy xe, nhưng bác tài xế lại giả vờ như không trông thấy bạn và bỏ qua bến mà bạn đang chờ. Đơn giản là chiếc xe này không dành cho bạn rồi.
Lời cuối của câu chuyện này là, cảm giác được yêu giống như việc chờ một chiếc xe bus mong ước. Bạn nhảy lên một chiếc xe, tức là chấp nhận cho nó một cơ hội, và mọi việc bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Nếu bạn chưa có một quyết định cụ thể, hãy đi bộ. Đi bộ giống như là việc chưa sẵn sàng yêu vậy. Mặt tốt của nó là bạn vẫn có thể chọn bất cứ chiếc xe bus nào bạn muốn. Những người không muốn chờ đợi thêm nữa thì phải hài lòng với chiếc xe bus mà họ đã chọn.
Còn thêm một điều nữa... đôi khi việc chọn một chiếc xe bus quen thuộc thì tốt hơn là việc mạo hiểm chọn một chiếc xe lạ. Nhưng tất nhiên, cuộc đời sẽ không chẳng có gì là hoàn hảo nếu như thiếu sự mạo hiểm trong đó.
Vẫn còn một chiếc xe bus mà tôi quên không nói với bạn - chiếc xe mà bạn không hề phải đợi. Chiếc xe này tự nó dừng lại, mời bạn lên xe và cùng bạn thực hiện cuộc hành trình hoàn hảo cho đến cuối đời.
Bạn không bao giờ thua cuộc khi yêu cả. Bạn chỉ luôn thua cuộc bởi ngập ngừng mà thôi!
(Sưu tầm)

HỌC CÁCH QUÊN

(Dân trí, 02/7/2011) - Một buổi tối, tôi đi thăm người bạn từng bị vu cáo hãm hại. Lúc ăn cơm, anh nhận được một cuộc điện thoại, người đó muốn nói cho anh biết ai đã hãm hại anh. Nhưng anh bạn tôi đã từ chối nghe. Nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, anh nói: “Biết rồi thì sao chứ? Cuộc sống có những chuyện không cần biết và có những thứ cần phải quên đi”.
Sự rộng lượng của anh khiến tôi rất cảm kích. Đời người không phải lúc nào cũng được như ý, muốn bản thân vui vẻ, đôi khi việc giảm áp lực cho chính mình là điều cần thiết và cách để giảm áp lực tốt nhất chính là học cách quên, bởi trong cuộc sống này có những thứ cần nhặt lên và bỏ xuống đúng lúc. Trong kinh Phật có một câu chuyện kể rằng: tiểu hòa thượng và lão hòa thượng cùng đi hóa duyên, tiểu hòa thượng lễ độ cung kính, việc gì cũng đều nhìn theo sư phụ. Khi tới bờ sông, một cô gái muốn qua sông, lão hòa thượng đã cõng cô gái qua sông, cô gái sau khi cảm ơn thì đi mất, tiểu hòa thượng trong lòng cứ thắc mắc: “Sư phụ sao có thể cõng một cô gái qua sông như thế?”. Nhưng cậu ta không dám hỏi, cứ thế đi mãi được 20 dặm, cậu ta thực sự không kìm được đành hỏi sư phụ: “Chúng ta là người xuất gia, sao thầy có thể cõng một cô gái qua sông?”. Sư phụ điềm đạm nói: “Ta cõng cô gái qua sông thì bỏ cô ấy xuống, còn ngươi thì đã cõng cô gái ấy 20 dặm rồi vẫn chưa bỏ xuống.”
Lời nói của lão hòa thượng đầy thiền ý, hàm chứa trong nó chính là nghệ thuật nhân sinh. Cuộc đời con người giống như một cuộc hành trình dài, không ngừng bước đi, ven đường nhìn thấy vô vàn phong cảnh, trải qua biết bao những gập ghềnh, nếu như đem tất cả những nơi đã đi qua đã nhìn thấy ghi nhớ hết trong lòng thì sẽ khiến cho bản thân mình chất chứa thêm rất nhiều gánh nặng không cần thiết. Sự từng trải càng phong phú, áp lực càng lớn, chẳng bằng đi một chặng đường quên một chặng đường, mãi mãi mang một hành trang gọn nhẹ trên đường. Quá khứ đã qua, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, ngoài việc ghi nhớ lấy những bài học kinh nghiệm, còn lại không cần thiết để cho lòng phải vướng bận thêm.
Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản  ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác.
Rất nhiều người thích câu thơ: “Xuân có hoa bách hợp, thu có trăng. Hạ có gió mát, đông có tuyết”. Trong lòng không có việc phải phiền lo mới chính là mùa đẹp của nhân gian. Nhớ những cái cần nhớ, quên những cái nên quên, sống cuộc sống cởi mở, trong lòng không vướng mắc thì cuộc sống này sẽ thật tươi đẹp.
Giang Nhất Yến

CHIẾN TRANH VIỆT NAM - NHÌN TỪ PHÍA MỸ

Chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975) là một trong khoảng 11 cuộc chiến tranh lớn trên thế giới thời hiện đại (đã, đang và sẽ được nhân loại nhìn nhận, đánh giá từ những góc nhìn).
Đối với Mỹ, những cái “nhất” trước hết và dĩ nhiên phải được biểu thị bằng những gam màu tối bởi chính Mỹ là thủ phạm gây ra cuộc chiến đẫm máu và cũng là kẻ chiến bại nhục nhã.
Còn những gam màu sáng, phải chăng là những bài học cho hiện tại và tương lai được đúc rút từ kinh nghiệm đau lòng của quá khứ (mà trên thực tế người Mỹ đã làm được một số điều...)?
1. Cuộc chiến tranh qui mô lớn nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ
Trước hết, về mặt thời gian, cuộc chiến này kéo dài ngày nhất với hơn 20 năm (từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1975) so với 1 năm 7 tháng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (do Mỹ tham chiến muộn, từ tháng 4/1917), 3 năm 8 tháng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (tính từ khi Mỹ tuyên chiến với phe phát xít và chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ), 3 năm 1 tháng của cuộc chiến tranh Triều Tiên (tính từ khi Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp)...
Thứ đến, cuộc chiến này huy động sức mạnh trí tuệ và sức người, sức của cao nhất của nước Mỹ.
Năm đời Tổng thống Mỹ, từ D.D.Eisenhower, John K.Kennedy đến Lyndon Johnson, Richard Nixon rồi Gerald Ford đã nối chân nhau điều hành bốn chiến lược chiến tranh thực dân mới ở chiến trường Việt Nam, từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt đến chiến tranh cục bộ, (và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất) rồi Việt Nam hóa chiến tranh (và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai). Bên cạnh đó là những “bộ óc nước Mỹ” luôn luôn sát cánh cùng những người đứng đầu Nhà nước Mỹ để “bày binh, bố trận” như Henry Kissinger, người được xem là “cây đại vĩ cầm về địa - chính trị” của Mỹ, Z.Bigniew Brzezinski, một chiến lược gia chống cộng nổi tiếng thế giới...
Có đến 77% lục quân, 66% thủy quân lục chiến và không quân, 40% hải quân, 6,5 triệu lượt binh sĩ, 22.000 xí nghiệp của nước Mỹ đã được huy động để phục vụ chiến tranh Việt Nam. Chừng như chưa đủ, Mỹ còn lôi kéo năm nước phụ thuộc Mỹ bao gồm Úc, New Zealand (châu Đại Dương), Hàn Quốc (Đông Bắc Á) và Thái Lan, Philippines (Đông Nam Á) với số quân lúc cao nhất hơn 70.000 cùng tham chiến với 550.000 quân viễn chinh Mỹ, làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân ngụy Sài Gòn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Mỹ đã chi trực tiếp cho cuộc chiến tranh Việt Nam tới 676 tỉ USD, so với 341 tỉ USD trong Chiến tranh thế giới thứ hai và 54 tỉ trong chiến tranh Triều Tiên, và nếu tính cả chi phí gián tiếp thì lên tới 920 tỉ USD (theo: Việt Nam - con số và sự kiện (1945 - 1989), 1990; Sức mạnh Việt Nam, 1976). Những chi phí khổng lồ này tính theo thời giá hiện nay đủ sức vực cả các nước thế giới thứ ba vượt qua đói nghèo, lạc hậu để rút ngắn khoảng cách phát triển so với các nước thuộc “câu lạc bộ nhà giàu” như các nhóm G7, OECD... (!).
Kế đến chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất mà Mỹ trực tiếp tham chiến trong thời kỳ chiến tranh lạnh và đối đầu Đông - Tây (từ năm 1945 đến thời điểm 1989 - 1991), một cuộc đụng đầu lịch sử không chỉ giữa hai nước Mỹ - Việt Nam mà còn giữa hai hệ thống chính trị - xã hội đối lập là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh Việt Nam vì vậy được quốc tế hóa cao độ.
2. Cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt nhất của Mỹ, đã để lại những di chứng đầy tội ác ở Việt Nam.
Để thực hiện mục đích “hủy diệt và nô dịch” dân tộc Việt Nam, Mỹ đã giội xuống hai miền Nam, Bắc hơn 7,8 triệu tấn bom đạn, một khối lượng bom đạn lớn hơn lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trước đó. Trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc Việt Nam của Mỹ, bình quân một người dân phải chịu 45,5 kg bom đạn, 1km2 chịu 6 tấn bom đạn. Tỉ lệ này lớn hơn nhiều so với một số nước bị thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh thế giới thứ hai, cụ thể là: Đức: 1 người/27 kg, 1km2/5,4 tấn; Nhật Bản: 1 người/1,6 kg, 1km2/0,43 tấn. Những con số thật khủng khiếp (!).
Chỉ trong mười năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã phun hơn 20 triệu gallon (1gallon = 3,78 lít) chất độc da cam cũng như nhiều thuốc “diệt cỏ” chứa hóa chất chết người dioxin đã làm cho hàng triệu người Việt Nam mắc bệnh, vô số thai nhi biến dạng và di chứng kéo dài cho đến tận ngày nay.
Loài người có lương tri không thể không đau xót, căm phẫn khi phải chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn người dân Việt Nam vô tội, nhất là trẻ em, hôm nay mang trong mình dị tật quái ác do hậu quả dioxin dù rằng chiến tranh đã qua đi 30 năm. Vì không ai khác hơn, chính các công ty hóa chất Mỹ và những người điều hành cuộc chiến tranh xâm lược đầy tội ác này phải là những kẻ chịu trách nhiệm chủ yếu và đầu tiên trước công lý.
3. Cuộc chiến tranh mà Mỹ phải chịu thất bại lớn và nặng nề nhất trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ
Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 58.000 quân Mỹ, khoảng 304.000 người lính khác vĩnh viễn bị thương tật, tàn phế. (So với hai cuộc chiến tranh ở AfghanistanIraq vừa qua, Mỹ chỉ tổn thất 1.102 binh sĩ tính đến ngày 19/10/2004). Điều đáng nói là trong số đó có không ít người bị bắt lính và họ không biết mình chiến đấu trên đất Việt xa xôi này để làm gì (!).
Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam vào mùa xuân năm 1975 đã làm phá sản sự phản kích lớn nhất của Mỹ vào các lực lượng cách mạng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản quan trọng ở Đông Nam Á mà Mỹ đã đổ nhiều công sức tạo dựng, góp phần làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn về nhiều mặt: quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội. Và nói như tướng Taylor - một nhà chiến lược quân sự Mỹ: “Trong suốt cả cuộc chiến tranh này, chúng ta (người Mỹ) không có một anh hùng nào cả, chúng ta chỉ là những lũ ngốc... Giá như người Mỹ sớm nhận thức ra vấn đề này thì...”.
4. Cuộc chiến tranh để lại vết thương lòng lớn nhất nước Mỹ: “Hội chứng Việt Nam
Vào đầu năm 1988, lần đầu tiên Chính phủ Mỹ buộc phải chính thức thừa nhận rằng 15% cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh Việt Nam trở về, nghĩa là khoảng 50.000 người vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng mà nguyên nhân của căn bệnh này là do họ đã tham chiến ở Việt Nam và tất nhiên đã từng gây tội ác dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Ngày càng có nhiều hồi ký chiến tranh về “người thật, việc thật”, ghi chép lại cuộc chiến và những cơn ác mộng khủng khiếp từng ám ảnh những người lính viễn chinh Mỹ. Các nhà xã hội học Mỹ đã khẳng định bình quân mỗi ngày có ba cựu chiến binh Mỹ tự sát bằng những cách thức ghê rợn, có lẽ để xóa đi mặc cảm tội lỗi.
Điều đáng lưu ý là hiện tượng nói trên chưa hề xảy ra trước đó, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai và cả sau cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Hùng Phạm (Sưu tầm)

SỐ TIỀN MỸ ĐỔ VÀO CHIẾN TRANH VIỆT NAM LÀ BAO NHIÊU?

Nếu tính quá trình dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, thì bắt đầu từ ngày 08/5/1950, Tổng thống Mỹ đã ký quyết định chính thức viện trợ quân sự cho thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ngày này được coi như một cột mốc đánh dấu sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động hơn 6 triệu lượt người Mỹ, trong đó có 4.649.000 lượt người dưới 20 tuổi, 40% các nhà khoa học vật lý, 260 trường đại học, 22.000 xí nghiệp lớn với 5,5 triệu công nhân phục vụ cuộc chiến.
Riêng năm 1968, mỗi ngày Mỹ chi phí cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tới 100 triệu USD, gấp 10 lần chi phí cho cuộc chiến chống nghèo đói ở Mỹ, và gấp 4 lần chi phí cho chương trình nghiên cứu vũ trụ của Mỹ, bằng một nửa số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho nước ngoài trong 20 năm (1941-1960). Đặc biệt, suốt năm 1962 và qua năm 1963, đã có 18.000 “cố vấn” quân sự Mỹ vào miền Nam Việt Nam.
Trong tổng số trên 6 triệu người phục vụ trong các quân chủng của thời kỳ chiến tranh, thì gần 3 triệu người được đưa sang Việt Nam và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đã trở thành tù binh.
Riêng những hậu quả về con người: Tính từ giữa năm 1961 đến năm 1974, đã có tổng số 57.259 người Mỹ đã mất mạng ở Việt Nam; trong số đó có 8.000 là da đen và 37.000 (chiếm 64%) không quá 21 tuổi. Lầu Năm góc ước tính trên 10.300 người Mỹ chết ở Việt Nam vì những lý do gọi là không gắn liền với cố gắng chiến tranh, kể cả những người chết vì tai nạn máy bay và tai nạn xe cộ, những người bị các lính Mỹ khác giết hoặc tự sát...
Theo con số của chính phủ Mỹ, có 3.731 người Mỹ phục vụ ở Việt Nam đã chết vì đạn của những người Mỹ khác. Những cái chết đó xảy ra khi máy bay Mỹ thả bom và bắn nhầm phải những đơn vị trên bộ của Mỹ, khi các tay bắn pháo lớn bắn nhầm những đội tuần tra Mỹ, khi những người lính gác nóng nảy hay hoảng sợ bắn vào đồng đội quanh nơi đóng quân. Nhiều năm sau chiến tranh, hàng triệu quân nhân và cố vấn Mỹ cũ bị ung thư do đã tiếp xúc với chất độc da cam.
Chính sau này, Lầu Năm góc đã thừa nhận là có đến 20.000 người Mỹ chắc chắn đã sử dụng chất độc da cam dioxin ở Việt Nam. Một số lớn cựu binh do đã trải qua chiến đấu nặng nề ở Việt Nam mà đã mắc phải cái gọi là bệnh “Rối loạn thần kinh sau chấn thương”. Triệu chứng của nó sẽ còn tồn tại từ 10 đến 15 năm sau khi những cựu binh đã hoàn thành quân dịch trở về nước Mỹ và gần một thập kỷ sau khi sự tham gia của Mỹ vào chiến tranh đã chấm dứt...
Theo tạp chí Lịch sử quân sự và tài liệu của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã thông báo, thì tháng 11/1982, chính quyền Mỹ đã khánh thành Đài tưởng niệm những người Mỹ đã chết ở Việt Nam, bản danh sách gồm 57.939 người (trong đó có 37 cấp tướng). Người lính Mỹ đầu tiên chết ở chiến trường Việt Nam là James Thomas Davis, chết ngày 22/12/1961.
Người lính Mỹ cuối cùng thiệt mạng ở Việt Nam là Darwin L.Judge, hạ sĩ lính thủy đánh bộ, chết ngày 29/4/1975 tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc rút chạy khỏi Việt Nam. Số máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam là 4.181 chiếc, có 68 máy bay B52. Tên giặc lái Mỹ đầu tiên bị bắt ở miền Bắc Việt Nam là Trung úy Everett Alvarez Jr., bị bắt tại Quảng Ninh ngày 05/8/1964...
Nếu đem so sánh giá của chiến tranh Việt Nam với các chương trình có tính chất tiêu biểu mà chính phủ nước Mỹ đã thực hiện, thì Việt Nam vẫn nổi lên một lần nữa là một trong những công cuộc đắt tiền nhất trong lịch sử nước Mỹ. Toàn bộ hệ thống đường sá giữa các bang đã tiêu tốn tới 53 tỷ USD (năm 1972). Chương trình vũ trụ đưa người lên Mặt trăng của Mỹ cũng tốn 25 tỷ USD, chương trình xã hội vĩ đại cạnh tranh với chiến tranh ở Việt Nam sau năm 1964 tốn khoảng 200 tỷ USD. Nếu dùng theo cách ước tính của nhà kinh tế Mỹ Steven, thì chi tiêu cho cuộc chiến tranh của Mỹ cứ mỗi phút ngốn mất 32.000 USD.
Theo con số của Bộ Quốc phòng Mỹ thì chi tiêu trực tiếp của cuộc chiến tranh Việt Nam từ năm tài chính 1965 đến năm tài chính 1974 cũng lên tới 141 tỷ USD. Nhưng Steven lại ước tính chi tiêu trực tiếp lên tới 171,5 tỷ USD và chi tiêu trực tiếp này chỉ mới là sự bắt đầu.
Một người Mỹ khác có tên là Tom Ryden lại ước tính chi tiêu cuối cùng sẽ lên tới 676 tỷ USD. Chi tiêu này là do cộng chung tất cả các chi tiêu phụ cho Chính phủ liên bang và cho nền kinh tế Mỹ, trực tiếp và gián tiếp, kể cả phụ cấp của cựu binh, trả tiền lãi cho nợ quốc gia và ước tính số tiền thu nhập của nền kinh tế Mỹ. Mặt khác, nhà kinh tế Steven ước tính chi tiêu cuối cùng bằng đôla của cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ lên tới 925 tỷ USD...

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM 5 THÁNG ĐẦU NĂM 2011

Kinh tế - xã hội nước ta năm tháng đầu năm 2011 diễn ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng, giá cả hầu hết các mặt hàng trong nước ở mức cao. Để thực hiện mục tiêu ưu tiên số một là kiềm chế lạm phát, các Ngành, các cấp, Tập đoàn kinh tế và địa phương trên cả nước đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ. Tình hình kinh tế vĩ mô bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm tháng đầu năm của các ngành và lĩnh vực cụ thể như sau:
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Nông nghiệp
Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào chăm sóc lúa đông xuân ở các địa phương phía Bắc, thu hoạch lúa đông xuân và xuống giống lúa hè thu ở các địa phương phía Nam.
Tính đến 15/5/2011, các địa phương phía Bắc đã kết thúc gieo trồng lúa đông xuân, diện tích ước tính đạt 1149,8 nghìn ha, bằng 100,2% vụ đông xuân năm trước. Mặc dù diễn biến thời tiết tương đối thuận cho sự sinh trưởng của lúa nhưng sâu bệnh đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương, làm 68,5 nghìn ha lúa bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh khô vằn và bệnh đạo ôn. Các địa phương đang tích cực phun thuốc phòng trừ nhằm ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh trên diện rộng. Theo đánh giá ban đầu, năng suất lúa đông xuân của các địa phương phía Bắc ước tính đạt 58,6 tạ/ha, bằng 98,5% vụ đông xuân năm trước.
Tính đến trung tuần tháng Năm, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được 1973,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 103,1% cùng kỳ năm trước. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong lúa đông xuân, năng suất ước tính đạt 66,9 tạ/ha, bằng 101,9% cùng kỳ năm trước và sản lượng đạt 10,5 triệu tấn, bằng 102,1%.
Cùng với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương phía Nam đã gieo sạ được 1251,7 nghìn ha lúa hè thu, xấp xỉ cùng kỳ năm trước, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1150,8 nghìn ha, bằng 103%.
Gieo trồng các cây trồng khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Tính đến thời điểm trên, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 675,7 nghìn ha ngô, bằng 95,6% cùng kỳ năm trước; 98,3 nghìn ha khoai lang, bằng 96,1%; 179,3 nghìn ha lạc, bằng 100,8%; 116,9 nghìn ha đậu tương, bằng 82,9%; 501,9 nghìn ha rau đậu, bằng 98,6%.
Theo kết quả điều tra chăn nuôi, tại thời điểm 01/4/2011, đàn lợn cả nước có 26,3 triệu con, giảm 3,8% so với cùng thời điểm năm 2010; đàn trâu, bò có hơn 8,5 triệu con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có 293,7 triệu con, tăng 5,9%. Tính đến ngày 24/5/2011, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh là: Dịch cúm gia cầm ở Lạng Sơn và Vĩnh Long; dịch lở mồm long móng trên trâu, bò ở Quảng Ninh và Đắk Lắk; dịch tai xanh trên lợn ở Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An.
Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng tập trung cả nước tháng Năm ước tính đạt 12 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 13,2 triệu cây; sản lượng gỗ khai thác 346 nghìn m3. Tính chung năm tháng đầu năm 2011, diện tích rừng trồng tập trung đạt 45,1 nghìn ha, bằng 91,8% cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 90,7 triệu cây, tăng 1,5%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1656,5 nghìn m3, tăng 11,9%. Trong năm tháng đầu năm, diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá là 354,9 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy 200,4 ha; diện tích rừng bị chặt phá 154,5 ha. Các địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là: Kon Tum 158,3 ha; Bắc Giang 38,5 ha.
Thủy sản
Sản lượng thuỷ sản tháng Năm ước tính đạt 493 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 406 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 34,5 nghìn tấn, tăng 4,5%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Năm ước tính đạt 284 nghìn tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 247 nghìn tấn, tăng 5,2%; tôm đạt 25,5 nghìn tấn, tăng 5,4%. Nuôi trồng cá tra đang đối mặt với những khó khăn về vốn, trong khi chi phí đầu vào tăng cao cùng với những quy định ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Do đó mặc dù giá cá tra đang ở mức cao nhưng người nuôi chưa yên tâm đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi. Nuôi tôm mặc dù được kiểm soát chặt chẽ nhưng do thời tiết nắng nóng làm thay đổi nhiệt độ và độ mặn nguồn nước thả nuôi dẫn đến dịch bệnh xuất hiện và có xu hướng lan rộng. Một số địa phương có diện tích thả nuôi tôm nhiễm bệnh nhiều là: Sóc trăng 17 nghìn ha, chiếm 61% diện tích thả nuôi; Trà Vinh gần 6 nghìn ha, chiếm 30%; Long An gần 2 nghìn ha, chiếm 48%; Phú Yên 414 ha; chiếm 27%. Sản lượng thủy sản khai thác tháng Năm ước tính 209 nghìn tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 193,4 nghìn tấn, tăng 1,4%.
Tính chung năm tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 1990,4 nghìn tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm sản lượng nuôi trồng đạt 960,6 nghìn tấn, tăng 5,4%; sản lượng khai thác đạt 1029,8 nghìn tấn, tăng 1,4% (khai thác biển đạt 959,2 nghìn tấn, tăng 1,5%), trong đó cá ngừ đại dương 7,3 nghìn tấn, tăng 1,8%.
Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng Năm theo giá so sánh 1994 ước tính tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2% (Trung ương quản lý tăng 5,6%; địa phương quản lý tăng 3,1%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%. Tính chung năm tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2% (Trung ương quản lý tăng 5,5%; địa phương quản lý tăng 3,7%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%.
Trong năm tháng đầu năm, một số ngành sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đường tăng 44,9%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 39,2%; sản xuất bột thô tăng 29,7%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 26,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 25,8%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) tăng 19,6%; sản xuất sắt, thép tăng 18,7%. Một số ngành sản phẩm có tốc độ tăng khá là: Sản xuất sợi và dệt vải tăng 17,9%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 17,4%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 17,2%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 15,2%; sản xuất xi măng tăng 15,1%. Một số ngành có tốc độ tăng thấp hoặc giảm là: Sản xuất giày, dép tăng 12,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 12%; sản xuất bia tăng 11,9%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 9,6%; sản xuất thuốc lá tăng 9,4%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 9,1%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 8,9%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 7,1%; khai thác, lọc và phân phối nước tăng 5,2%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 0,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 0,5%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 6,8%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 11,3%.
Cũng trong năm tháng đầu năm nay, sản lượng nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Bình đun nước nóng tăng 93,2%; đường kính tăng 43,2%; máy giặt tăng 30,4%; khí hoá lỏng tăng 28,8%; sơn hoá học tăng 24,3%. Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá là: Quần áo người lớn tăng 17,9%; xe chở khách tăng 16,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 15,1%; giầy thể thao tăng 15%; xi măng tăng 13,9%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm như: Sữa bột tăng 11,4%; xe máy tăng 11,2%; thuỷ hải sản chế biến tăng 9,6%; điện sản xuất tăng 9,3%; thép tròn tăng 3,8%; dầu thô khai thác tăng 0,5%; xà phòng giặt giảm 3,1%; vải dệt từ sợi bông giảm 4,2%; gạch xây bằng đất nung giảm 4,4%; tủ lạnh, tủ đá giảm 15,4%; ô tô tải giảm 29,8%.
Chỉ số tiêu thụ sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bốn tháng đầu năm 2011 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng cao là: Các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; đồ uống không cồn tăng 43,6%; đồ gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 43%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 21,6%; xe có động cơ tăng 16,8%; các sản phẩm bơ, sữa tăng 15,4%. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng khá là: Xi măng tăng 14,2%; phân bón và hợp chất nitơ tăng 14%; chế biến, bảo quản thủy sản tăng 12,8%. Một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng chậm hoặc giảm là: Thức ăn gia súc tăng 11,9%; giày, dép tăng 10,9%; sắt, thép tăng 10,5%; giấy nhăn và bao bì tăng 10,3%; sợi và dệt vải tăng 9,7%; mô tô, xe máy tăng 9,6%; thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 0,4%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 2,2%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 8,5%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 8,6%.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/5/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,6% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là: sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ giảm 4,6%; ngành sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào giảm 6,1%; ngành xay xát và sản xuất bột thô giảm 7,8%; ngành chế biến và bảo quản rau quả giảm 8,2%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 9,8%; Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất bia tăng 98,3%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 75,9%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 49,5%; sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 45,6%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 44,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 40,5%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 34,3%; sản xuất giày dép tăng 29,9%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 26,2%; sản xuất trang phục (trừ da và lông thú) tăng 26,1%.
Theo kết quả điều tra lao động của 4237 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, lao động của số doanh nghiệp trên tại thời điểm 01/5/2011 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước. Trong đó, lao động của doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,3%, doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,4% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2%. Trong ba ngành công nghiệp cấp I, lao động ngành khai thác tăng 0,2%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,8%; ngành điện, nước giảm nhẹ 0,1%.
Biến động lao động ngành công nghiệp tại thời điểm 01/5/2011 so với cùng thời điểm tháng trước của một số tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như sau: Hải Dương tăng 2,8%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,8%; Bắc Ninh tăng 1,3%; Đồng Nai tăng 0,8%; Bình Dương tăng 0,5%; Vĩnh Phúc tăng 0,1%; Đà Nẵng tăng 0,1%; Hải Phòng giảm 0,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 1,1%.
Đầu tư
Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện tháng Năm ước tính 17,8 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương đạt 3,8 nghìn tỷ đồng; vốn địa phương đạt 14 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện 73,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2010, gồm có:
- Vốn trung ương quản lý đạt 15123 tỷ đồng, bằng 36,1% kế hoạch năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 2456 tỷ đồng, bằng 33,3% và tăng 4%; Bộ Công thương 1327 tỷ đồng, bằng 32,5% và giảm 2,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 1143 tỷ đồng, bằng 31,1% và giảm 29,4%; Bộ Y tế 358 tỷ đồng, bằng 39,9% và giảm 4,9%; Bộ Xây dựng 328 tỷ đồng, bằng 33,4% và giảm 20,4%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 294 tỷ đồng, bằng 32,8% và giảm 3,6%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 205 tỷ đồng, bằng 36,8% và giảm 13,1%.
- Vốn địa phương quản lý đạt 58236 tỷ đồng, bằng 39,8% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2010. Một số địa phương có khối lượng vốn đầu tư thực hiện lớn là: Hà Nội đạt 6096 tỷ đồng, bằng 30,4% kế hoạch năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 4581 tỷ đồng, bằng 32,5% và tăng 9,5%; Đà Nẵng 3393 tỷ đồng, bằng 59,2% và tăng 14,2%; Thanh Hóa 2150 tỷ đồng, bằng 44,2% và tăng 42,9%; Hậu Giang 1579 tỷ đồng, bằng 73,5% và tăng 41,7%; Cần Thơ 1557 tỷ đồng, bằng 55,7% và tăng 31,9%; Bà Rịa-Vũng Tàu 1486 tỷ đồng, bằng 45,7% và tăng 1,1%.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/5/2011 đạt 4688,1 triệu USD, bằng 51,9% cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Vốn đăng ký 3526,5 triệu USD của 313 dự án được cấp phép mới (giảm 57,3% về vốn và giảm 42% về số dự án so với cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung 1161,6 triệu USD của 101 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm tháng đầu năm ước tính đạt 4520 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong năm tháng đầu năm nay, cả nước có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1225,8 triệu USD, chiếm 34,8% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Hà Nội 389,3 triệu USD, chiếm 11%; Ninh Thuận 266 triệu USD, chiếm 7,5%; Bắc Giang 254,5 triệu USD, chiếm 7,2%; Đà Nẵng 239,6 triệu USD, chiếm 6,8%.
Trong số 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm tháng đầu năm, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 1099,4 triệu USD, chiếm 31,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu HC Hồng Công (TQ) 529,5 triệu USD, chiếm 15%; Ma-lai-xi-a 343,6 triệu USD, chiếm 9,7%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 256,3 triệu USD, chiếm 7,3%; Xa-moa 250 triệu USD, chiếm 7,1%; Hàn Quốc 238,1 triệu USD, chiếm 6,8%; Nhật Bản 231,9 triệu USD, chiếm 6,6%.
Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/5/2011 ước tính đạt 248 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa 160,4 nghìn tỷ đồng, bằng 42%; thu từ dầu thô 36,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 49,4 nghìn tỷ đồng, bằng 35,6%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 41,5% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 37,3%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước bằng 40,8%; thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao bằng 47,4%; thu phí xăng dầu bằng 35,4%; thu phí, lệ phí bằng 30,8%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/5/2011 ước tính 270,3 nghìn tỷ đồng, bằng 37,3% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 61 nghìn tỷ đồng, bằng 40,2% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 58,3 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể 172 nghìn tỷ đồng, bằng 38,9%; chi trả nợ và viện trợ 37,2 nghìn tỷ đồng, bằng 43,3%.
Thương mại, giá cả và dịch vụ
Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tính đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng 0,68% so với tháng trước. Tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 762,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,4%. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 601 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống 86,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1%; dịch vụ 67,6 nghìn tỷ đồng, tăng 19,9%; du lịch 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Năm ước tính đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 34,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 31,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19 tỷ USD, tăng 34,2%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước một mặt do đơn giá bình quân một số mặt hàng tăng, mặt khác do lượng xuất khẩu tăng. Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm tháng tăng 121,7% so với cùng kỳ năm trước (Lượng tăng 40,6%); cao su tăng 113% (Lượng tăng 31,1%); hàng dệt, may tăng 35,6%; giày, dép tăng 31,8%; thủy sản tăng 31,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 24,5%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 17,6%.
Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu bốn tháng đầu năm 2011 sang Hoa Kỳ ước tính đạt 4,8 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; EU 4,8 tỷ USD, chiếm 17,6% và tăng 51,2%; ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, chiếm 15,1% và tăng 21,1%; Trung Quốc đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 11% và tăng 59,3%; Nhật Bản đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 10,2% và tăng 24,4%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Năm ước tính đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỷ USD, tăng 32,5%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất trong nước năm tháng đầu năm nay tăng cao, trong đó: Xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 30,1%; vải 2,9 tỷ USD, tăng 44,2%; điện tử, máy tính và linh kiện 2,3 tỷ USD, tăng 27,1%; chất dẻo đạt 1,9 tỷ USD, tăng 37,8%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép 1,2 tỷ USD, tăng 21,8%; ô tô nguyên chiếc tăng 65,4%. Đơn giá nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao là một trong những nguyên nhân đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng, trong đó: Giá cao su tăng 25%; giá bông tăng 111%; giá sợi dệt tăng 39%; giá sắt thép tăng 28%.
Trong bốn tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt cao nhất với 7,1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2010; tiếp đến là ASEAN 6,7 tỷ USD, tăng 40%; Nhật Bản 3,1 tỷ USD, tăng 22%; EU 2,1 tỷ USD, tăng 9,3%; Hoa Kỳ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26%.
Nhập siêu tháng 5/2011 ước tính 1,7 tỷ USD, bằng 22,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu năm tháng đầu năm là 6,6 tỷ USD, bằng 19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2011 tăng 2,21% so với tháng trước, tuy vẫn cao nhưng đã giảm nhiều so với mức tăng 3,32% của tháng trước. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng cao hơn mức tăng chung là: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất với 3,19%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,01% (Lương thực tăng 1,77%; thực phẩm tăng 3,53%; ăn uống ngoài gia đình tăng 2,67%); giao thông tăng 2,67%. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng trên, dưới 1% gồm: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,20%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,17%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,97%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,92%; văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,88%; giáo dục tăng 0,25%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,68%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2011 tăng 12,07% so với tháng 12/2010; tăng 19,78% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng đầu năm 2011 tăng 15,09% so với bình quân cùng kỳ năm 2010.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2011 tăng 1,43% so với tháng trước; tăng 4,8% so với tháng 12/2010 và tăng 40,04% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2011 giảm 0,98% so với tháng trước; tăng 1,03% so với tháng 12/2010 và tăng 10,16% so với cùng kỳ năm 2010.
Vận tải hành khách và hàng hoá
Vận tải hành khách năm tháng đầu năm 2011 ước tính đạt 1112,3 triệu lượt khách, tăng 13,0% và 48,1 tỷ lượt khách.km, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách đường bộ đạt 1020,5 triệu lượt khách, tăng 13,5% và 35,8 tỷ lượt khách.km, tăng 12,5%; đường sông đạt 78,9 triệu lượt khách, tăng 7,3% và 1,7 tỷ lượt khách.km, tăng 11,1%; đường sắt đạt 4,5 triệu lượt khách, giảm 1,0% và 1,6 tỷ lượt khách.km, giảm 2,2%; đường không đạt 5,8 triệu lượt khách, tăng 15,2% và 8,8 tỷ lượt khách.km, tăng 13,2%.
Khối lượng hàng hoá vận chuyển năm tháng đầu năm ước tính đạt 323,6 triệu tấn, tăng 10,9% và 88,9 tỷ tấn.km, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vận tải trong nước đạt 305,1 triệu tấn, tăng 12,5% và 29,0 tỷ tấn.km, tăng 9,7%; vận tải ngoài nước đạt 18,4 triệu tấn, tăng 0,5% và 59,9 tỷ tấn.km, tăng 1,6%. Vận tải hàng hoá đường bộ năm tháng ước tính đạt 246,4 triệu tấn, tăng 13,0% và 13,1 tỷ tấn.km, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2010; đường sông đạt 51,6 triệu tấn, tăng 5,9% và 7,3 tỷ tấn.km, tăng 6,0%; đường biển đạt 22,3 triệu tấn, tăng 1,0% và 66,6 tỷ tấn.km, tăng 4,0%; đường sắt đạt 3,1 triệu tấn, giảm 7,1% và 1,7 tỷ tấn.km, tăng 5,0%.
Bưu chính, viễn thông
Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong năm tháng đầu năm đạt 4,4 triệu thuê bao, bằng 24,4% cùng kỳ năm trước, bao gồm 31,3 nghìn thuê bao cố định, bằng 4,6% và 4,4 triệu thuê bao di động, bằng 25,2%. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 5/2011 ước tính đạt 127,8 triệu thuê bao, giảm 11,1% so với cùng thời điểm năm trước, bao gồm 15,5 triệu thuê bao cố định, giảm 5,2% và 112,3 triệu thuê bao di động, giảm 11,8% do Ngành Bưu chính viễn thông thực hiện việc cắt giảm một số loại thuê bao điện thoại trả trước theo quy định. Số thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tính đến cuối tháng 5/2011 ước tính đạt 65,7 triệu thuê bao, giảm 16,2% so với cùng thời điểm năm 2010, bao gồm 10,9 triệu thuê bao cố định, giảm 6,7% và 54,8 triệu thuê bao di động, giảm 17,8%.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 5/2011 ước tính đạt 3,9 triệu thuê bao, tăng 18% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 2,7 triệu thuê bao, tăng 17,3%. Số người sử dụng internet tại thời điểm cuối tháng 5/2011 ước tính 29,4 triệu người, tăng 21% so với cùng thời điểm năm 2010. Tổng doanh thu thuần bưu chính, viễn thông năm tháng đầu năm ước tính đạt 53,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%.
Khách quốc tế đến Việt Nam
Khách quốc tế đến nước ta trong năm tháng đầu năm ước tính đạt 2518,9 nghìn lượt người, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 1499,4 nghìn lượt người, tăng 10,2%; đến vì công việc 418,9 nghìn lượt người, giảm 0,8%; thăm thân nhân đạt 442,4 nghìn lượt người, tăng 81,4%.
Trong năm tháng đầu năm nay, một số quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng khách đến nước ta tăng so với cùng kỳ năm trước là: Trung Quốc 546,9 nghìn lượt người, tăng 49,6%; Hàn Quốc 222,4 nghìn lượt người, tăng 2,5%; Nhật Bản 204,2 nghìn lượt người, tăng 12,8%; Hoa Kỳ 201,4 nghìn lượt người, tăng 4%; Cam-pu-chia 168,7 nghìn lượt người, tăng 75,2%; Đài Loan 150,4 nghìn lượt người, tăng 7,2%; Ôx-trây-li-a 134,5 nghìn lượt người, tăng 8,2%; Pháp 99,8 nghìn lượt người, tăng 9,4%; Ma-lai-xi-a 92,9 nghìn lượt người, tăng 18,1%.
Một số vấn đề xã hội
Thiếu đói trong nông dân
Theo báo cáo sơ bộ, trong tháng Năm có khoảng 72,5 nghìn hộ thiếu đói với 307,7 nghìn nhân khẩu thiếu đói. So với cùng kỳ năm 2010, số hộ thiếu đói giảm 24,2% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 23,2%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm, các cấp, các ngành và đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 14 nghìn tấn lương thực và 3,8 tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Trong tháng Năm, trên địa bàn cả nước có 2,4 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết; 433 trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 107 trường hợp mắc bệnh viêm não virút;  36 trường hợp mắc cúm A H1N1; 31 trường hợp mắc bệnh thương hàn. Tính chung năm tháng đầu năm, cả nước có 13,7 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết; 2,4 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm gan virút; 281 trường hợp mắc bệnh viêm não virút; 473 trường hợp mắc cúm A H1N1 (13 trường hợp tử vong) và 131 trường hợp mắc bệnh thương hàn.
Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong tháng của cả nước là 1,7 nghìn người, nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước tính đến giữa tháng 5/2011 lên 237,8 nghìn người, trong đó 95,7 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 50,2 nghìn người đã tử vong do AIDS.
Công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm mặc dù đã được các ngành chức năng quan tâm và triển khai mạnh nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong tháng đã xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm làm 138 người bị ngộ độc. Tính chung năm tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1,6 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 6 trường hợp tử vong.
Tai nạn giao thông
Trong tháng 4/2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 854 người và làm bị thương 776 người. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ tai nạn giao thông giảm 6,7%; số người chết giảm 8,1%; số người bị thương tăng 4,6%. Tính chung bốn tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4581 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3858 người và làm bị thương 3529 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 0,7%, số người chết tăng 1,3%, số người bị thương tăng 4,1%. Bình quân một ngày trong bốn tháng đầu năm 2011, cả nước có 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người và làm bị thương 29 người.
Khái quát lại, kinh tế - xã hội nước ta năm tháng đầu năm gặp một số khó khăn. Sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực bị tác động bởi chi phí đầu vào cao dẫn đến giá thành tăng, làm ảnh hưởng đến mức tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm đã thấp hơn so với tháng trước nhưng nhìn chung tình hình trong nước và thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến thị trường giá cả trong nước. Do đó, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, trong thời gian tới, các ngành, các cấp và các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, điều hành chính sách thắt chặt tiền tệ linh hoạt, hợp lý để vừa giảm lượng cung tiền, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường trong nước. Đặc biệt có kế hoạch và chương trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm tính thanh khoản và lành mạnh trong kinh doanh tiền tệ. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường giá cả hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa” dẫn đến hiện tượng giá tăng giả tạo.
Hai là, phân tích, đánh giá sâu thực trạng cơ cấu hàng nhập khẩu để có giải pháp điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn nhằm hạn chế nhập siêu. Xây dựng kế hoạch điều hành xuất, nhập khẩu linh hoạt, hợp lý. Xác định các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc áp dụng các biện pháp về chính sách thuế, chính sách tiền tệ nhằm hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không cần thiết. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tích cực tham gia và tổ chức hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm để đa dạng hóa thị trường.
Ba là, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh. Tăng cường giám sát để phát hiện sớm dịch bệnh, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các đơn vị chức năng trong việc tập trung dập tắt triệt để các ổ dịch mới xuất hiện. Quản lý, kiểm dịch nghiêm ngặt đối với hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm trên từng địa bàn trong cả nước.
Bốn là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống dân cư. Quan tâm đến chế độ bảo hiểm cho các đối tượng chính sách, ưu tiên giải quyết nguyện vọng của người nghèo và ổn định việc làm cho công nhân. Cộng đồng nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cần tăng cường các hình thức hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho các hộ nghèo để khuyến khích, động viên, giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ