4 tháng 5, 2016

VỀ HAI BÀI THƠ THIỀN ĐỜI LÝ
Hoà thượng Thích Thanh Từ
1. Bài kệ “Thị Đệ tử” của Thiền sư Lý Vạn Hạnh:
Thiền sư Vạn Hạnh tịch năm 1018, năm sinh thì không rõ, Ngài thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 12. Tiểu sử của Ngài đã in trong quyển “Thiền sư Việt Nam” trang 53 của Hoà thượng Thích Thanh Từ. Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài:
bai4p171
Âm:
                   Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
                   Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
                   Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
                   Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch thơ:
                   Thân như bóng chớp có rồi không,
                   Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
                   Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
                   Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Giảng:
Bài kệ này lâu nay trong giới học Phật ai cũng biết và nhiều thuộc. Quí vị là người trong tông môn đã thuộc bài này chưa? Cái hay của hàng tôn túc, chúng ta là con cháu trong tông môn, mà không biết không học đó là một khuyết điểm lớn. Nay tôi trích giảng quí vị học cho thấu đáo để rồi thực hành theo người xưa.
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”. Con người sống được sáu bảy mươi năm cho là dài là trường thọ. Nhưng khi già nhớ lại cuộc đời của mình từ bé đến già, thấy mau như bóng thoáng qua, như làn điện xẹt, qua rồi mất qua rồi mất, tới tuổi già thân này cũng nát luôn, không có gì lâu bền vững chắc cả. Thân này ví như cỏ cây, mùa xuân thì xanh tươi, mùa thu thì héo khô rụng lá. Ý Ngài muốn nói, con người và cảnh vật theo thời gian mà đổi thay còn mất, không có cái gì trường cữu vĩnh viễn. Cuộc đời và cảnh vật chuyển biến vô thường như vậy, Ngài dạy chúng ta có thái độ như thế nào để không trở thành người tiêu cực yếm thế?
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Ngài bảo, mặc cho sự đời hưng thịnh hay suy vong, đừng lo sợ. Vì việc thịnh suy của cuộc đời chẳng khác nào hạt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Sáng sớm sương đọng óng ánh trên đầu ngọn cỏ, mặt trời lên ánh nắng chiếu rọi, sương khô từ từ rồi mất. Như vậy tất cả cái được cái có hiện giờ, theo thời gian rồi sẽ mất không lâu dài, không bền chắc. Thế mà chúng ta hễ gặp thịnh thì vui, gặp suy là buồn.
Cuộc đời vốn là vậy, thịnh hay suy tùy theo duyên, chẳng có gì đáng sợ. Vì giá trị của cuộc đời là con người, chứ không phải cảnh vật. Con người là chủ có tri giác, khôn ngoan là quan trọng. Thế mà chủ (thân) giữ còn không được, huống gì cảnh vật còn mất làm sao giữ? Chuyện mất còn của cảnh vật chỉ là lẽ thường. Nhiều khi chúng ta quên mình bệnh sắp chết, cứ nhớ tiền của còn hay hết, nhớ của hơn là nhớ mình. Có ai khờ như vậy không? Cứ lo tiền của, lo sự nghiệp mà không nhớ lo cho bản thân mình. Thậm chí có nhiều người đem thân liều chết để được tiền của. Như vậy là khôn hay khờ? Thế mà có những người dấn thân vào cái chết, để được tiền của một cách đáng thương. Nếu thấy rõ cuộc đời từ thân cho đến cảnh vật là một dòng biến chuyển đổi dời, có lúc thịnh, có lúc suy, không dừng trụ, không cố định một chỗ, chỉ là lẽ thường của cuộc đời thì mình cũng xử sự theo cái thường, không buồn lo, không sợ hãi. Được vậy thì cuộc sống lúc nào cũng an vui. Còn nếu lo sợ thì xử sự không bình thường, lúc nào cũng lo, lo cho cái thân già bệnh chết, lo cho cảnh vật còn mất... Cứ thế mà lo mãi, tới chết cũng chưa hết lo, thật là khốn khổ. Đó là cái bệnh si mê của người không hiểu đạo.
Bốn câu thơ này Ngài dạy cho chúng ta thái độ sống an bình. Nếu chúng ta thấy các pháp đúng như thật thì dù cho cuộc đời có biến chuyển thịnh suy gì đi nữa, chúng ta vẫn an nhiên tự tại không buồn khổ. Đó là nói theo tinh thần của bài kệ. Nếu thấy rộng hơn nữa thì cuộc đời có vô thường, mới có vui có buồn. Như vừa rồi tôi đi Úc, tôi sửa soạn về, các Phật tử bên ấy nói: “Mau quá! Thầy mới qua nay lại về!”. Tôi nói: “Cuộc đời vô thường, nhờ vô thường nên thầy lại trở về”. Nhờ vô thường nên vui một chút, nhờ vô thường cũng có buồn một chút. Biết vô thường thì thôi, vô thường đều là chuyện tốt. Thân này khi mới sinh ra nặng tối đa là bốn kílô, nhờ vô thường biến chuyển từ nhỏ tới lớn nặng năm sáu chục kílô. Nếu cố định không biến chuyển thì giờ này chúng ta vẫn nằm trong nôi, cựa quậy chòi đạp chứ không làm được việc gì. Nhờ vô thường nên mới khôn lớn, chuyển biến hết thời kỳ tăng tới thời kỳ giảm, thân già bệnh từ giã cõi đời này, qua cõi đời khác mới hơn, vui hơn. Bỏ thân cũ kỹ già bệnh, được thân mới khỏe mạnh là vui. Giống như chiếc xe cũ không còn xài được bỏ đi, nhận chiếc xe mới tốt hơn thì vui chứ có gì mà sợ!
Cuộc đời là một dòng vô thường chuyển biến không dừng, thế mà chúng ta chỉ muốn nó chuyển ở thời kỳ tăng, tức là chuyển tới ba bốn mươi tuổi ngừng ngang đó, không muốn chuyển ở thời kỳ giảm, chuyển tới sáu bảy mươi tuổi thì buồn. Tội nghiệp các cụ già, ngồi lại thì kể chuyện trai tráng của thời oanh liệt, ít khi kể chuyện của tuổi già như nhổ cái răng đau, ăn cơm bị nghẹn nuốt không xuống... Như vậy là muốn chuển tốt chứ không muốn chuyển xấu, chuyển xấu thì sợ lắm, không dám nhìn thẳng. Đó là tướng trạng vô thường của nội thân và ngoại vật.
Giờ đây nói đến biến chuyển của tâm niệm, tâm niệm của con người sinh diệt từng sát na, vừa khởi lại diệt. Nhờ có biến chuyển nên từ con người háo danh tham lợi, chúng ta từ bỏ trở thành người cao thượng xem thường lợi danh. Nhờ có biến chuyển mà từ con người phàm vươn lên thành Thánh. Nếu không có biến chuyển thì con người ù lì không tiến bộ, và cũng chẳng cần tu sửa. Như vậy biến chuyển có dở mà cũng có hay. Hiểu lý vô thường rồi, chúng ta khéo xoay chiều cho nội tâm chuyển hướng theo chiều tốt thánh thiện, không cho chuyển theo chiều thấp hèn phàm tục. Nếu chúng ta biết được sự chuyển biến của thân tâm và cảnh vật, chúng ta sống đời tự tại an nhiên, không lo sợ trước mọi đổi thay của thế sự. Ngược lại thì chúng ta cũng buồn, cũng sợ như người thế gian không khác, vậy thì chúng ta có tu hành gì?
2. Bài kệ “Hữu không” của Thiền sư Từ Đạo Hạnh:
Thiền sư Đạo Hạnh tục danh là Từ Lộ, ở làng Yên Lãng, không biết năm sinh, tịch năm 1115, đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tiểu sử của Ngài in trong quyển “Thiền sư Việt Nam” trang 103 cùng tác giả. Sau đây là giai thoại Ngài giáo hóa tăng chúng:
Khi Ngài trụ trì chùa Thiên Phước ở núi Phật Tích, tăng chúng tìm đến tham vấn. Có vị tăng hỏi:
Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm?
Ngài nói kệ đáp:
bai6p197
Âm:
          Tác hữu trần sa hữu,
          Vi không nhất thiết không.
          Hữu không như thủy nguyệt,
          Vật trước hữu không không.
Dịch:
          Có thì muôn sự có,
          Không thì tất cả không.
          Có, không trăng đáy nước,
          Đừng mắc có cùng không.
Dịch thơ:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Có, không bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì.
Giảng:
Lúc Ngài ở chùa Thiên Phước là lúc Ngài ra giáo hóa rồi, nên mới có vị tăng hỏi: “Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm? Ngài bèn dùng kệ đáp:
“Tác hữu trần sa hữu/ Vi không nhất thiết không”. Có thì muôn sự có, không thì tất cả không. Nếu chúng ta thấy có thì tất cả  bụi cát cái gì cũng có hết. Nếu nói không thì tất cả, đều là không. Hai câu này hơi khó hiểu nên Ngài đưa ra ví dụ cụ thể:
“Hữu không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không”. Có không trăng đáy nước, đừng kẹt vào có và không. Nhìn mặt trăng dưới đáy nước, chúng ta cho là có hay không? - Không có mặt trăng thật, chỉ có bóng hiện trong nước, cho nên chúng ta đưa tay nắm bắt không được. Cũng vậy, hiện giờ chúng ta thấy người, thấy cảnh, thấy thiên hình vạn trạng đều là tướng tạm bợ giả dối không có thật thể, nếu nói có thì chỉ có những cái tạm bợ giả dối mà thôi. Qua ví dụ bóng trăng đáy nước, chúng ta hiểu được ý nghĩa có và không thật rõ ràng. Đứng xa nhìn thấy bóng trăng thì không thể nói là không, mà đến gần đưa tay sờ nắm thì toàn là nước chẳng có mặt trăng nào cả. Ví dụ này cho chúng ta thấy sự vật chỉ có giả tướng ảo ảnh mà không có thật thể. Thế nên người đạt đạo nhìn sự vật biết không có thật, còn người mê lầm nhìn sự vật cho là có thật. Ngài nhìn sự vật đúng lẽ thật thấu suốt lý trung đạo, nên nói “đừng kẹt vào có và không”. Nếu chấp có và không thì sinh ra bất đồng ý kiến, đưa đến bất hòa với nhau. Ví dụ người này nói các pháp không có thật thể, đó là đứng về mặt thể tính mà nói thì đúng, người khác đứng về mặt sự tướng thì nói các pháp có thật, hai người cãi nhau. Vậy ai đúng, ai sai? Đúng, sai chưa ra lẽ nhưng đã cãi nhau là thiệt thòi rồi. Thế nên chúng ta hiểu cho tường tận, các pháp có mà hư dối tạm bợ, nhưng thật thể thì không. Đó là lẽ thật từ xưa nay.

(Phạm Hùng, sưu tầm và hiệu đính)

KHẢO CỨU TÂM LINH:

NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ HIỆN TƯỢNG TRÙNG TANG
I. KHÁI NIỆM:
Theo kinh nghiệm, cổ nhân cho rằng trong thực tế, với mỗi người chết sẽ xảy ra các trường hợp như sau:
* Thiên di: Là dấu hiệu ra đi số do “trời định”, người mất lúc đó được “trời” đưa đi. Sự ra đi này nằm ngoài mong muốn của người mất, nhưng cũng là hợp với lẽ trời. Số này thường được giải thích theo hai lý do là do kiếp trước hoặc là tiên, hoặc là quỷ sứ bị đầu thai giáng làm kiếp người, hết thời gian tu luyện bị trời bắt đem về lại.
* Nhập mộ: Nghĩa là lý do chết bởi đến đó là hết số rồi nên phải chuyển kiếp. Đó là dấu hiệu người “ra đi” phải “nằm xuống” vĩnh viễn, không còn vương vấn trần ai. Thể hiện sự an lành, yên nghỉ. Chỉ cần một “nhập mộ” của tuổi hoặc tháng, ngày, giờ nghĩa là người chết đã hết số. Trong họ tộc đang gặp trùng tang mà có người chết vào tuổi nhập mộ thì trùng tang coi như đã được hoá giải, không còn phải lo lắng nữa. Người chết mà được cả năm, tháng, ngày, giờ đều nhập mộ thì được coi là cái chết phúc đức để đời cho con cháu. Vong chết không phạm trùng tang, mãn kiếp sa bà, con cháu làm ăn thịnh vượng, phát tài, sai lộc.
* Trùng tang (kiếp sát): Là dấu hiệu “ra đi” không hợp số phận, không dứt khoát, chưa tới số mà phải chết oan uổng, có sự oán thán nào đó của cõi âm, gây “ảnh hưởng” tới người ở lại (dự báo sẽ có người thân chết theo). Theo quan niệm xưa, nếu gặp phải “trùng tang” mà không có “nhập mộ” nào thì cần phải mời người có kinh nghiệm làm lễ “trấn trùng tang”.
(Cụ thể là: Trùng tang rơi cả vào 4 kiếp sát Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Trong bảng tử vi, các cung Dần, Thân, Tỵ, Hợi là nơi mà sao Tràng Sinh đóng, bảng tử vi nào mà sao Tràng Sinh nằm ngoài 4 cung này thì chắc chắn sai. Vì sao Tràng Sinh đóng ở cung này nên đáng lẽ phải sinh ra thì lại chết đi (xấu), do đó linh hồn không siêu thoát được, cứ quanh quẩn trong nhà trở thành “trùng”, rồi lần lượt “bắt” theo từng người thân trong gia đình, dòng tộc. Thìn, Tuất, Sửu, Mùi vốn còn được gọi là Tứ Mộ nên chết vào những cung này là chết đúng.)
Như vậy, “Trùng tang là tình trạng trong thời gian chưa mãn đại tang, hoặc chưa mãn tang bà con gần, lại tiếp theo 1 cái đại tang hoặc 1 cái đại tang gần khác”. Hoặc có thể gọi trùng tang là tang chủ phải mang ít nhất 2 vòng khăn tang trong cùng một thời điểm. Trong nhà, người thân vừa nằm xuống lại có nguy cơ liên táng là đáng lo ngại. Nhưng phải trong 3 năm liền xảy ra liên tiếp những cái chết của những người trong cùng dòng tộc mới coi là “Trùng tang”. Dân gian cho rằng trùng tang là người qua đời gặp ngày giờ xấu, cần hoá giải để tránh nguy cơ.
Trong số đó:
- Trùng tang ngày là nặng nhất (Tam xa - 7 người chết theo),
- Trùng tang Tháng là nặng nhì (Nhị xa-  5 người chết theo),
- Trùng tang Giờ là nặng thứ ba (Nhất xa - 3 người chết theo),
- Trùng tang Năm là nhẹ nhất (Có thể 1 người chết theo).
Mất dưới 10 tuổi không tính trùng tang.
Lưu ý: Chỉ những người có dòng máu trực hệ với người mất mới chịu tác động của Trùng tang. Như trong gia đình thì có cha, mẹ, vợ, con, anh chị em ruột, cháu nội là chịu tác động của Trùng tang. Những người khác như con dâu, con rể, cháu ngoại, người làm công thì không chịu động của Trùng tang. Kể cả con gái đã đi lấy chồng cũng không chịu tác động vì đã theo về phụ thuộc họ nội bên chồng. Trùng tang không lây qua những người không thuộc dòng máu trực hệ.
Người chết trùng thường có đặc điểm: Dù có ốm thập tử nhất sinh, người đó vẫn luôn tin mình sẽ sống (kể cả là ung thư giai đoạn cuối thì vẫn tin có phép tiên), nên nếu người nhà hỏi người ấy có muốn trăng trối gì không thì họ thường lảng tránh câu đó, không muốn trả lời. Thêm nữa, nếu mất trong khoảng giữa đêm hoặc gần 6h sáng thì cũng nên cẩn thận vì đó là giờ quan, nên đi xem xét cho cẩn thận kẻo bị trùng tang mà không biết.
II. CÁCH TÍNH:
1. Trường hợp 1:  Trùng tang có thể là thời gian lúc mất, trùng năm (như người tuổi Dần mất năm Dần), trùng ngày (như người tuổi Sửu mất ngày Sửu), trùng giờ (như người tuổi Ngọ mất giờ Ngọ).
2. Trường hợp 2: Cách tính phổ biến (dựa trên tuổi âm lịch):
Theo sách “Tam giáo Chính hội” viết: “Nam nhất thập khởi Dần thuận liên tiến, Nữ nhất thập khởi Thân nghịch liên tiến. Niên hạ sinh Nguyệt, Nguyệt hạ sinh Nhật, Nhật hạ sinh Thời, Ngộ:
Tý - Ngọ - Mão - Dậu: Thiên di;
Dần - Thân - Tỵ - Hợi: Trùng tang;
Thìn - Tuất - Sửu - Mùi: Nhập mộ cát dã”.
Cách tính: Dùng 12 cung địa chi trên bàn tay để tính. Nam khởi từ cung Dần tính theo chiều thuận (chiều kim đồng hồ), Nữ khởi từ cung Thân tính theo chiều nghịch. Lần lượt từ tuổi, đến tháng, ngày và giờ mất.
+ Tính tuổi mất: Bắt đầu là 10 tuổi (cung Dần thuận tiến đối với nam, cung Thân nghịch tiến đối với nữ), cung tiếp theo là 20 tuổi, cung tiếp là 30 tuổi,… tính đến tuổi chẵn chục của tuổi người mất. Sau đó, cung tiếp theo là tuổi lẻ tính đến tuổi của người mất (1,2,3), gặp ở cung nào thì tính là cung tuổi.
+ Tính tháng mất: Hết phần tính tuổi thì tính đến tháng mất. Từ cung tuổi, tính cung tiếp theo là tháng 1, tính lần lượt đến tháng mất, gặp cung nào thì cung đó là cung tháng.
+ Tính ngày mất: Từ cung tháng, tính cung tiếp theo là ngày mùng 1 (âm lịch), tính lần lượt đến ngày mất, gặp cung nào thì tính cung đó là cung ngày.
+ Tính giờ mất: Từ cung ngày, tính cung tiếp theo là giờ Tý, tính lần lượt đến giờ mất, gặp cung nào thì tính cung đó là cung giờ. Chú ý: Giờ âm lịch chỉ chia một ngày ra 12 giờ: Tý (23-01 giờ), Sửu (01-03 giờ)... Hợi (21-23 giờ).
+ Tính giờ nhập liệm (dùng cho cả trường hợp không trùng tang):
Việc tính giờ hành sự tang lễ cho người chết không giống như chọn ngày hành sự công việc của người sống, chỉ chọn giờ hoàng đạo là đủ. Mà giờ nhập liệm và ngày chôn phải là ngày, giờ Nhập mộ các giờ (Thìn, Tuất, Sửu, Mùi). Nhưng thay vì: “Nam khởi Dần thuận tiến, Nữ khởi Thân nghịch tiến” theo vòng tính trên bàn tay, thì cách tính ngày chôn khởi từ ngày tử: “Nam khởi tử thuận tiến, Nữ khởi tử nghịch tiến” để chọn ngày nhập mộ trong cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Được ngày Nhập mộ rồi, tiếp tục chọn giờ Nhập mộ trong cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Tuy nhiên, Thìn nằm trong “Long, Hổ, Kê, Xà tứ kỵ”, nên bất đắc dĩ mới dùng. Vị chi còn lại Tuất, Sửu, Mùi để tính. Tính được ngày Nhập mộ rồi, gia quyến cần xem các giờ Tuất, Sửu, Mùi xem giờ nào trong số bốn giờ kể trên trùng vào cung hoàng đạo thì chọn để nhập liệm. Theo cách đó, tiếp tục coi xem trong các ngày, giờ Tuất, Sửu, Mùi tiếp theo, để chọn ngày giờ hạ huyệt. Giờ là quan trọng nhất, nếu không chọn được ngày Nhập mộ có hoàng đạo thì chỉ cần có giờ Nhập mộ (Tuất, Sửu, Mùi) hoàng đạo cũng vẫn tốt. Tuyệt đối kỵ các ngày, giờ Dần, Thân, Tỵ, Hợi là ngày giờ Trùng tang, không dùng để nhập liệm hay hạ huyệt được (ngày, giờ tính theo vòng Thiên di - Nhập mộ ở trên). Khi không thể đợi được ngày, giờ tốt trong cung Tuất, Sửu, Mùi thì có thể sử dụng ngày, giờ của cung Thiên di: Tý, Mão, Ngọ để hành sự tang lễ cũng tàm tạm được (ngày giờ tính theo vòng Thiên di - Nhập mộ).
Giờ liệm rất quan trọng, bởi quan niệm của người Việt, sau khi bỏ người chết vào quan tài, sẽ làm phép hú 3 hồn 7 (9) vía về nhập xác. Sau khi đóng nắp quan tài là coi như thủ tục chuyển kiếp cho người chết đã hoàn tất, tựa hồ như trên trần gian đã xong việc khai sinh, nhập khẩu; chôn chỉ là việc tất yếu. Giờ liệm tốt nhất khi cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi rơi vào sao Kim Quỹ là sao chủ về phúc đức, hoặc sao Tư Mệnh (Phương Liên) là giờ hành đạo của Phật.
+ Tính giờ hạ huyệt (giờ chôn): Hết phần tính giờ liệm, tính tiếp giờ chôn ở cung tiếp theo và giờ tiếp theo sau giờ liệm. Chọn giờ chôn tại các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Sau khi vào cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi rồi, muốn tốt nữa, nên đối chiếu xem các cung ấy có rơi vào ngày, giờ hoàng đạo hay không? Nhị thập bát tú thuộc sao gì? Nếu chưa vào giờ, ngày hoàng đạo; hoặc cần lui thời gian đưa tang để tổ chức lễ viếng, thì có thể bỏ qua vòng tính đầu, tiếp tục tính thêm nhiều vòng nữa cho đến ngày, giờ như ý thì chọn.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh4Po9D_V-6xaSI9ZaZOjXO4vBZ7_hRAnnxcH14uHzyUbYhhH-TTu2DL5C4fGOsiRX_eHLb51s49RG1gqJgGhTVjbeOdPCqIsh6fwjbu-rPvX2D-jRC01WK4I9dxph1zKv-a48IpD8tChg/s1600/tr%C3%B9ng+tang.jpg
Lưu ý: Chỉ cần gặp được một cung “Nhập mộ” là coi như yên lành, không cần phải làm lễ trấn trùng tang, vì “nhất Nhập mộ sát tam trùng” (một “Nhập mộ” xoá được 3 “Trùng tang”). Hoặc được 2 “Thiên di” thì cũng không lo vì “nhị Thiên di sát nhất trùng” (2 “Thiên di” xoá được 1 “Trùng tang”).
* Tổng hợp nhanh:
- Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì rơi vào trùng tang;
- Hoặc: Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì rơi vào trùng tang;
- Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi có nghĩa là chết vào các năm “xung” (tứ hình xung) sẽ bị trùng tang.
Chúng ta có thể dùng bảng để tính, hoặc dùng bàn tay để bấm Trùng tang cũng được kết quả như trên.
http://lh4.googleusercontent.com/_FTSVuFlzzP8/TEhklNVWqyI/AAAAAAAAAOM/Cb-nBHQkV04/s1600/%C6%B0.bmp

Nếu căn cứ vào phép tính trùng tang như trên thì cả nam và nữ, những người chết vào các tuổi (âm lịch): 10, 13, 16, 19, 22, 25, 28, 31, 34, 37, 40, 43, 46, 49, 52, 55, 58, 61, 64, 67, 70, 73, 76, 79, 82, 85, 88, 91... sẽ rơi vào Trùng tang. Từ đó quy nạp ngược lại theo hệ can - chi thì những người có tuổi: Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì rơi vào trùng tang; Hoặc: Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì rơi vào trùng tang; Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi có nghĩa là chết vào các năm “xung” sẽ bị Trùng tang.
http://chuaphuclam.vn/images/stories/2011/T11/trungtang2.jpg
Theo quan niệm của lịch số Trung Hoa và trong dân gian nói chung thì ngày Trùng tang là ngày đại kỵ trong việc an táng, chôn cất. Ngày này còn có tên là ngày Cướp sát. Cách tính ngày trùng tang như sau:
Đối với tuổi Thân, Tý, Thìn kỵ Tỵ. Có nghĩa là, người chết tuổi Thân hay tuổi Tý hoặc tuổi Thìn mà mất vào năm Tỵ, tháng Tỵ, ngày Tỵ và giờ Tỵ là bị chết vào ngày Trùng tang, tuyệt đối tránh an táng vào ngày Tỵ. Tương tự như thế đối với các tuổi Tỵ, Dậu, Sửu kỵ Sửu; Dần, Ngọ, Tuất kỵ Hợi; Hợi, Mão, Mùi kỵ Thân. Tuy nhiên, những ngày Trùng tang này rất hiếm trong năm.
Ngày Trùng tang (trùng nhật) là ngày Dần, Thân, Tỵ, Hợi cùng trùng ngày, trùng tháng và trùng năm. Như ngày Dần, tháng Dần và năm Dần; ngày Thân tháng Thân và năm Thân... gọi là những ngày trùng. Vào những ngày trùng, kiêng kỵ tẩm liệm, chôn cất và cải táng. Người chết với bất cứ tuổi nào cũng đều xung kỵ ngày này. Trong dân gian tin rằng nếu chôn cất vào ngày trùng ắt sẽ có một người thân bị chết theo, tuy vậy vẫn nhẹ hơn Trùng tang liên táng.
3. Trường hợp 3: Trùng tang do chôn sai ngày:
Việc tính Trùng tang phải xem người chết chôn vào ngày nào nữa, nếu chết chôn vào:
+ Tháng Giêng: ngày 07, 19.
+ Tháng Hai, tháng Ba: ngày 06, 18, 30.
+ Tháng Tư: ngày 04, 16, 28.
+ Tháng Năm, tháng Sáu: ngày 03, 15, 27.
+ Tháng Bảy: ngày 01, 12, 25.
+ Tháng Tám, tháng Chín: ngày 12, 24.
+ Tháng Mười: ngày 10, 22.
+ Tháng Mười Một, tháng Chạp: ngày 09, 21.
Nếu người chết mà chôn vào các ngày trên thì được tính là Trùng tang, trong vòng 3 tháng hoặc 3 năm sẽ có người chết theo, cần phải giải ngay. Cái khó ở đây là đã chôn rồi, việc trấn trùng tang rất khó, gia chủ không tự lo liệu được nữa mà phải nhờ thầy chùa. Đặc biệt, một số vùng có tập tục trong vòng 3 ngày là xây mộ luôn, không cải táng nữa, thì càng sinh to chuyện.
4. Trường hợp 4: Trùng tang liên táng:
+ Tuổi Thân, Tý, Thìn chết năm, tháng, ngày, giờ Tỵ.
+ Tuổi Dần, Ngọ, Tuất chết năm, tháng, ngày, giờ Hợi.
+ Tuổi Tỵ, Dậu, Sửu chết năm, tháng, ngày, giờ Dần.
+ Tuổi Hợi, Mão, Mùi chết năm, tháng, ngày, giờ Thân.
Chết vào ngày, giờ trên gọi là ngày, giờ Kiếp sát hay Cướp sát (theo Tứ trụ). Nếu người chết bị vào trường hợp trên là rất nguy hiểm cho gia quyến, họ tộc, nhanh có thể là 3 giờ, 3 ngày, 3 tháng đã có người chết theo (trường hợp này rất hiếm gặp).
Thường thì Trùng tang liên táng sẽ bắt đầu tác động sau khi người chết phạm Trùng tang liên táng được 49 ngày (hết thời gian vong hồn người mất ở Thân Trung ấm) và kéo dài liên tục có khi đến 10 năm. Nếu những người chết sau mà lại tiếp tục phạm Trùng tang liên táng thì thời gian kéo dài rất nhiều năm.
5. Trường hợp 5: Chết nhằm ngày Thần Trùng:
+ Tháng Giêng, 2, 6, 9, 12: Chết nhằm ngày Canh Dần hay Canh Thân là phạm Thần Trùng “Lục Canh Thiên Hình”. Nếu gặp thêm năm, tháng cũng vậy thì trùng tang càng nặng.
+ Tháng 3: Chết nhằm ngày Tân Tỵ hay Tân Hợi là phạm Thần Trùng “Lục Tân Thiên Đình”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
+ Tháng 4: Chết nhằm ngày Nhâm Dần hay Nhâm Thân là phạm Thần Trùng “Lục Nhâm Thiên Lao”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
+ Tháng 5: Chết nhằm ngày Quý Tỵ hay Quý Hợi là phạm Thần Trùng “Lục Quý Thiên Ngục”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
+ Tháng 7: Chết nhằm ngày Giáp Dần hay Giáp Thân là phạm Thần Trùng “Lục Giáp Thiên Phúc”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
+ Tháng 8: Chết nhằm ngày Ất Tỵ hay Ất Hợi là phạm Thần Trùng “Lục Ất Thiên Đức”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
+ Tháng 10: Chết nhằm ngày Bính Dần hay Bính Thân là phạm Thần Trùng “Lục Bính Thiên Uy”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
+ Tháng 11: Chết nhằm ngày Đinh Tỵ hay Đinh Hợi là phạm Thần Trùng “Lục Đinh Thiên Âm”. Nếu gặp thêm năm, tháng nữa thì trùng tang càng nặng hơn.
II. CÁCH HÓA GIẢI:
Xin chia sẻ một số cách hóa giải dân gian thường dùng:
1. Xin tro hóa vàng tại chùa, rải đều thành lớp dưới hố trước khi hạ quan tài.
2. Gửi vong lên chùa để “nhốt trùng”. Những ngôi chùa được chọn phải là chùa có uy tín trong việc giữ vong.
Ngôi chùa trấn trùng nổi tiếng (Đệ nhất giữ vong) ở miền Bắc là Chùa Hàm Long ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Tp Bắc Ninh). Chùa này có từ thời Lý, đến nay còn lưu giữ bộ ván khắc Bùa Trấn trùng đầy đủ nhất. Sau này, chùa Liên Phái tại Hà Nội cũng có được bộ ván khắc này. Hàng ngày vào buổi sáng, các nhà sư tụng kinh niệm Phật cúng vong rất cẩn thận.
Sau khi gửi vào chùa rồi, gia tang có thể yên tâm ăn ngủ nếu thực hiện đúng các điều sau:
- Khi đưa vong lên chùa, phải nhờ người không phải là họ hàng, nếu nhờ được bạn bè là tốt nhất, còn nếu không cũng phải nhờ người bên họ ngoại. Vì vong chết trùng thường rất khôn ngoan, nếu thấy người quen (máu mủ trực hệ) đưa đi thì thường nó sẽ đi theo về hoặc tệ hơn là nó đã biết trước và không đi theo. Thế nên không nên bàn chuyện đưa tiễn vong lên chùa ở nhà người chết.
- Sau khi gửi lên chùa, ở nhà không được lập bàn thờ cúng bái người đã chết nữa, kể cả ngày giỗ tết, vì có hương là có hồn, chỉ cần đốt hương và đọc tên người chết thì đó coi như chìa khoá mở ngục cho vong thoát ra ngoài.
- Sau khi lên mộ tròn, tức là người chết đã về với Tổ tiên, mới được thờ cúng lại bình thường.
- Ở chùa Hàm Long có các lá bùa để gia đình đeo vào trong khoảng 3 năm để tránh tai hoạ, một mặt là chữ Nho, một mặt là hình Phật bà.
Để tránh trùng tang, ngay từ khi có người chết, ngoài việc xem thân nhân chết có “phạm giờ” không, cần phải nhờ thầy hay tự tính, tự xem giờ “Nhập mộ”, phòng “Trùng tang” nhằm trấn trùng, hóa giải.
3. Dùng bài thuốc trấn trùng với các vị sau:
+ Thần sa: 3 đồng cân
+ Chu sa: 2 đồng cân
+ Hồng hoàng: 5 đồng cân
+ Sương luật: 5 đồng cân
+ Địa liền: 5 đồng cân
+ A ngùy: 3 đồng cân
+ Huyết giác: 3 đồng cân
+ Đại hồi: 5 đồng cân
+ Quế chi: 5 đồng cân
Dùng chỉ ngũ sắc kết phù “Tứ tung Ngũ hoành” để trên mặt thuốc, cho vào túi vải yểm trong quan tài.
4. Dùng các bộ Linh phù để trấn bằng cách dùng Linh phù để gối đầu người đã khuất, dán lên giữa ngực, giữa rốn, hoặc lót dưới quan tài:
* Theo cách của đạo Phật:
- Trước khi liệm: Dùng 6 lá Linh phù Lục tự Đại minh (OM MANY PADME HUM - viết trên giấy vàng, chữ đỏ) có kích thước 31 x 10.5 cm viết theo chiều dọc từ trên xuống dán vào thành trong của quan tài tại đầu, chân, hai bên vai, hai bên hông. Những Linh phù này có tác dụng trấn tà khí của linh hồn. Khi chôn: Vong Nam 7, Vong Nữ 9 quả trứng vịt đã luộc chín, để trên nắp quan tài phía trên vùng bụng, dùng một cái niêu đất úp lên trứng, sau đó lấp đất. Cách này dùng để thu nốt những Tà khí còn sót lại.
Posted Image

- Sau khi chôn: người ta lại dùng 108 cọc tre đực đóng trên mộ, 36 cọc tre hoá đóng ở nhà. Trên mộ cột thêm 1 con quạ hoặc con gà mái đen.
Posted Image
* Theo cách của Đạo gia: Dùng Linh phù ngũ trấn.
Dùng Ngũ linh độn số chọn thời gian khâm liệm, thời gian di quan (chuyển quan tài ra khỏi nhà), thời gian hạ huyệt. Tại mỗi thời điểm trên ta có một quẻ Ngũ linh (tránh những quẻ Lục xung, quẻ có tượng xấu, Dụng khắc Thể, Thể sinh Dụng, quẻ có hào Thái tuế động). Trước khi khâm liệm: Dùng giấy mầu vàng hai mặt có kích thước 30 x 10,5 cm vẽ quẻ Dịch của ba thời điểm trên, mặt kia vẽ Thư phù (Dịch tự của quẻ đó). Quẻ của Cục khâm liệm dán ở thành trong phía đầu quan tài. Lưu ý mặt có Quẻ dán úp vào mặt gỗ, mặt có Dịch tự quay ra ngoài. Quẻ của Cục di quan dán ở chân quan tài. Quẻ của Cục hạ huyệt dán ở bên vai. Khi chôn cũng dùng 7 hoặc 9 quả trứng vịt như ở phần trên.



Posted Image
Posted Image

Posted Image
Posted Image
* Theo cách của Mật Tông: Dùng Thần chú Tán sa của Đại Nhật Như Lai:
Dùng cát sạch của ba dòng sông. Lấy cát giữa lòng sông đem về phơi khô, trộn vào ít châu sa, thần sa, để trong chén nước sạch. Tay kiết ấn Bảo Thủ bưng chén cát, còn tay mặt kiết ấn Cát Tường. Mắt ngó vào chén cát, miệng tụng Thần chú Tỳ Lô 108 biến làm chừng, gia trì cho được ba đêm rồi đem cát ấy rải lên mồ mả hay thi hài của người chết trùng, hay chết bất đắc kỳ tử mà vong nhân không siêu được, làm phương pháp này liền được siêu sinh. Hoặc viết Thần chú này trên vải, giấy vàng rồi đắp lên thi hài người chết, vong họ sẽ nhờ chú lực được siêu sinh cõi Phật.
Khi làm lễ, vái trước hồng danh các vị sau đây 3 lần rồi mới trì chú:
Nam mô ơn trên Tam Bảo,
Nam mô Thập phương Chư Phật,
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam mô Chư Như Lai, Chư Bồ tát, Chư Thiên, Chư Thánh, Chư Thần,
Chư vị Thổ Địa, Long Thần đưa các vong linh vô hình về bên kia thế giới.
 Om A Mô Ga Vai Ro Cha Na, Ma Ha Musđơra Mani Pasmêjôlabra, Vat Ddada Hùm Hơrit Brum.
* Cách nữa là dùng linh phù Tứ tung Ngũ hoành hay phù của Chuẩn đề:
Theo hiểu biết thì dùng Linh phù Chuẩn đề tốt hơn vì một bên là Giáo hóa các Linh hồn, một bên là dùng Luật. Dùng giấy vàng gấp theo hình Bát quái và dùng mực đỏ để vẽ Linh phù. Vẽ Linh phù Chuẩn đề thì dùng nghi tụng niệm tới trước phần Bát nhã thì bắt đầu đọc 108 biến của Chú Chuẩn đề. Sau đó tác bạch lý do và vẽ Phạn tự Chuẩn đề vòng quanh Bát quái. Chữ “Ohm” vẽ ở tâm của Bát quái vẽ trước. Sau đó đọc Chú Hồi hướng cho vong được siêu sinh tịnh độ.
Nếu dùng Linh phù Tứ tung Ngũ hoành thì cũng đọc nghi tụng tới trước Kinh Bát nhã thì cũng dùng giấy vàng chữ đỏ, giấy gấp hình Bát quái, vừa vẽ vừa đọc Chú Tứ tung Ngũ hoành (Khi đọc niệm chú, tay trái để trước ngực trong tư thế lạy, tay phải cầm 3 cây hương đang cháy, huơ theo đường vẽ kết chỉ hình Tứ tung Ngũ hoành và xướng): Nhất tung khai Thiên môn, Nhị tung bế Địa hộ, Tam tung lưu Nhân ngôn, Tứ tung sát Quỷ lộ. Nhất hoành trừ Nạn khổ, Nhị hoành độ Nhân thân, Tam hoành trừ Ác tặc, Tứ hoành trừ Sát nhân, Ngũ hoành trừ Hung thần. Cấp cấp như Cửu Thiên Huyền Nữ Y Như Luật Lệnh.
Posted Image
Đọc 7 lần bài niệm chú, thì ngậm một ngụm rượu phun lên bài thuốc, gói tờ giất trang kim lại vuông vắn, để vào một túi vải buộc túm miệng lại, đem vào để lên rốn người chết, và đậy nắp quan tài, coi như là đã xong việc trấn trùng, có thể khởi hành việc chôn cất.
Lưu ý: Khi vẽ Linh phù Tứ tung Ngũ hoành, tới đoạn cuối có 3 vòng khoeng, Sau khi vẽ xong cũng đọc chú Hồi hướng cho Vong như ở trên, khi khâm liệm, bỏ những lá Linh phù đó vào trong quan tài.
5. Dùng bài thuốc kết hợp giữa Sớ, Phù Bắc Tông và Kỳ nam để xông vào mộ và người sống, để cầu siêu, giải thoát cho trùng, biến từ âm binh thành thiên binh
6. Áp dụng phương pháp làm huyệt giả, đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất để hoá giải.
7. Tìm 1 bộ bài Tổ tôm cũ (tức là đã chơi cũ rồi) bỏ mấy con Bát sách đi, số còn lại lấy rải đều ở 4 góc quan tài trong lúc đang liệm. Cách tương tự là dùng bộ bài Chắn gồm 120 quân bỏ 20 quân Yêu đi, tức là bỏ bộ Nhất và bộ Nhị, chứ không bỏ Bát sách. Kèm theo là 1 cuốn lịch Tàu hoặc bộ sách Trương Thiên Sư, và bộ Bùa trùng tang.
8. Theo phương pháp của Tiên Gia, Phù thủy, Đạo gia thường là những phương pháp bắt nhốt Trùng. Vị Pháp sư đã dùng lực và sức mạnh của Thày Tổ, Thần linh, binh gia bắt nhốt Trùng và vong linh người mất cho vào hũ và trấn bằng những lá Bùa trên miệng để khỏi chạy ra. Cách này tuy hiệu quả nhưng thực ra rất nguy hiểm, vì khi công lực của Thày còn cao, Trùng còn phải chịu hãm trong vòng tù ngục, nhưng khi Thày chết đi rồi, không còn ai cai quản nhà tù nữa, Trùng sẽ thoát ra gây ảnh hưởng rất nặng đến gia đình Thày và Thân chủ.
9. Trùng nặng thì người ta dùng con cóc màu vàng đang chửa để luyện thành thần tướng hộ vong.
10. Trường hợp nặng hơn thì người ta dùng bộ gạo nếp nặn thành 12 ông thần trùng, sau khi làm phép thì dùng dao chặt đầu rồi nặn thành 1 hình nhân, dùng quan tài bằng lúc lác tẩm liệm rồi dùng 1 quả trứng vịt cắm 13 cây kim, đoạn dùng bè chuối; chọn giờ thiên giải thì thả xuôi ra sông.
11. Phương pháp rất hiệu quả là tụng Kinh Hồi hướng cho vong siêu thoát, sau đó hồi hướng công đức cho họ. Phương pháp này dùng những năng lực của Phật pháp, siêu độ cho Trùng rất tốt, khiến cho Trùng sớm siêu thăng tịnh độ, không còn làm ác được (lễ giải oan cắt kết). Tuy vậy, một số trường hợp nghiệp quá nặng nên vẫn phải chết thêm từ 1 đến 2 người mới cắt Trùng được.
12. Phương pháp dùng Muối biển (muối hạt): cân 100kg, lấy túi nilon đóng thành bao nhỏ và đắp quanh thành mộ cho tới khi mãn tang, an toàn rồi thì đem muối trả về biển để muối tự gột sạch tà khí, trở về với tinh nguyên. Cách này hiệu quả cao và rẻ tiền, không phải cúng bái lôi thôi. Muối biển có khả năng thu liễm tà khí không cho phát tán, đồng thời khiến cho ngôi mộ tăng tụ sinh khí.
13. Phương pháp dùng đá thạch anh: Thạch anh là loại đá dùng tránh tà khí, trấn trạch, được sử dụng phổ thông nhất hiện nay. Thay vì dùng đá hoa cương ốp mộ, thì dùng đá thạch anh dăm (khoảng 20kg) trộn với xi măng để ốp thành mộ. Xây lăng mộ bằng đá thạch anh thì tuy giá thành hơi cao, nhưng giá trị thì lâu dài, không chỉ trấn được Trùng tang, mà còn giúp quy tụ sinh khí, khiến cho linh hồn mạnh khoẻ, linh thiêng hơn.
14. Cách cuối cùng của Pháp sư: Dùng Bát quái trận đồ trấn âm trạch hóa giải. Cách này dùng sau khi đã chôn mà không chọn được ngày, giờ tốt vì một lý do nào đó, hoặc sau khi chôn một thời gian, mộ phát tác những điều xấu đều có thể hóa giải được rất linh nghiệm
Lưu ý: Khi tìm thầy hóa giải Trùng tang phải là các vị sư, pháp sư có sắc, ấn, lệnh mới đủ năng lực giải trùng
III: PHÒNG TRÁNH VIỆC TRÙNG TANG:
Ngay sau khi trong nhà có người mất, việc đầu tiên là phải tính xem có phạm Trùng tang liên táng hay không. Tuy vậy, cách tính chỉ là tương đối vì có nhiều trường hợp tính bị trùng tang nhưng thực tế lại không trùng, hoặc ngược lại, vì việc trùng hay không còn phụ thuộc vào âm đức nhà người mất và chính người đó.
Khi làm lễ nhập liệm cần lưu ý kiêng kỵ:
- Người nhà kiêng người Tam hợp tuổi, kiêng tuổi xung, kiêng tuổi Hình với Vong mệnh.
Có 3 tuổi phải kỵ: Con trai trưởng nam tuổi Dần; dâu trưởng nam tuổi Mão; cháu trưởng nam tuổi Thìn. Kỵ giờ Dần, Mão, Thìn khi liệm phải tránh đi. Người chết không có con, dâu và cháu trưởng trên thì cần tránh anh trưởng và cha mẹ.
- Kỵ “Long, Hổ, Kê, Xà tứ sinh nhân ngoại” (Người khách các tuổi Thìn, Dần, Dậu, Tỵ không được có mặt khi khâm liệm).
- Kiêng người có cung phi Bát trạch xung khắc với Vong mệnh.
- Kiêng khóc thành tiếng khi đang liệm.
Sau khi tính ra người mất bị phạm trùng tang thì những người thuộc Tam hợp chi (tuổi) cùng với chi Trùng tang phải tránh mặt lúc khâm liệm. Ví dụ: Trùng tang tại Tỵ, vậy tam hợp của Tỵ là Dậu và Sửu bị phạm. Ngoài tránh mặt lúc khâm liệm thì những người này còn cần phải tránh cả lúc nhập quan, đóng cá và đặc biệt là cả tránh lúc hạ huyệt, lấp đất.
IV. MỘT SỐ KIÊNG KỴ SAU KHI ĐÃ TRẤN TRÙNG:
+ Người chết trùng tang sau khi chôn thì không được lập bàn thờ tại gia, cũng như không được tổ chức cúng giỗ trong nhà. Bát hương tạm thời để lại trên mộ. Việc cúng thất tuần (49 ngày) phải nhờ người bà con họ xa bên ngoại, hoặc người ngoài thân tộc đem cơm nước ra cúng tại mộ. Chỉ khi mãn tang rồi, mà gia quyến, nội tộc không gặp trùng tang nào nữa, thì khi đó mới được lập bàn thờ để hương khói.
+ Trong suốt thời kỳ chưa mãn tang, gia quyến khi hương khói gia tiên, tuyệt đối không gọi hồn, nhắc tên người chết, linh hồn có thể nghe được tiếng gọi đó để lần theo khói hương mà về bắt người thân đem đi, dù không có thờ phụng người chết trùng tang trong nhà.
+ Người chết trùng tang, gia quyến không nên tổ chức xây mộ tròn, hay đem hoả táng ngay, bởi còn phải chờ giải Trùng tang sau khi mãn tang. Nếu hết mãn tang mà trong gia quyến, nội tộc không có người chết Trùng tang tiếp theo, thì nghĩa là việc trấn trùng đã thành công. Khi đó, mới rước bát hương về thờ phụng bình thường như các gia tiên khác. Về sau, giải trấn trùng cho người chết bằng cách, khi cải táng, thì đem đốt bỏ bài thuốc trấn trùng đi, rửa di cốt bằng nước thơm ngũ vị hương khi sang tiểu là được.
+ Nếu trong thời gian trấn trùng, mà trong gia quyến, nội tộc có người chết hội đủ năm, tháng, ngày, giờ Nhập mộ thì cũng coi như Trùng tang đã được hoá giải, gia đình, nội tộc không cần lo lắng nữa.


+ Đối với trường hợp người chết đã chôn cất xong rồi mới phát hiện trùng tang, liền đem nguyên bàn thờ người chết ra sân làm thủ tục trấn trùng như trên, sau đó khênh nguyên cả bàn thờ ra mộ, để gói thuốc trấn trùng lên mộ, đặt bát hương lên, các thứ khác đốt bỏ tại mộ. Sau này hết Trùng tang, lập mới lại bàn thờ khác rồi mới đem bát hương về thờ phụng.
(Phạm Hùng, sưu tầm vào khảo cứu)