7 tháng 8, 2012

SỰ BIẾN THÁI ĐÁNG SỢ CỦA NGÔN NGỮ

Sổ tay - ANTG cuối tháng (03/8/2012)
Ngôn ngữ - tiếng nói, phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Đứng về mặt nào đó, ngôn ngữ là một tấm lăng kính phản ảnh khá trung thực hình thái xã hội con người. Nhìn vào thực trạng ngôn ngữ trên bình diện là một đối tượng nghiên cứu, và nghe tiếng nói có thể nhận ra xã hội đó đang ở giai đoạn nào, những hình thái chính trị, kinh tế, xã hội của giai đoạn đó ra sao.
Thầy tôi, Giáo sư Đinh Gia Khánh, từng nhấn mạnh ngôn ngữ cũng như một sinh vật có thể sinh ra và mất đi. Chính vì thế nên ngôn ngữ luôn luôn tồn tại hai trạng thái. Một là tử ngữ (những tiếng mất đi), hai là sinh ngữ (những tiếng phát sinh). Bên cạnh đó ngôn ngữ còn có sự biến thái - hiện trạng biến đổi nhóm ngôn ngữ của nhóm người theo từng nghề nghiệp, từng tầng lớp xã hội chịu tác động của hoàn cảnh xã hội, quan niệm, trình độ văn hoá, giáo dục.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX kinh thành Thăng Long dần dần được đô thị hoá, tầng lớp quí tộc mới, thương gia hình thành. Phương tiện giao thông hồi đó dành cho tầng lớp này ngoài ngựa, còn có các loại cáng, đểu (một thứ giống như kiệu). Những người phục vụ hai phương tiện này gọi là phu cáng, phu đểu bị coi là tầng lớp thấp hèn, bị khinh miệt nhất trong xã hội dạo đó. Vì quan niệm này nên trong ngôn ngữ răn dạy con thời này có câu: Mày không học hành tử tế, lớn lên cũng chỉ làm đồ đểu cáng mà thôi. Lâu dần danh từ chỉ hai nghề này được ghép lại thành một tính từ miệt thị “đồ đểu cáng”.
Hà Nội vốn là thành phố nhiều cây me, cây sấu, khi mùa hè về xuất hiện nhóm thanh, thiếu niên trèo me trèo sấu để hái, lượm hai loại quả này. Thời Pháp thuộc quan niệm những người làm nghề trèo me trèo sấu là hạng cùng đinh, mạt hạng trong xã hội. Danh từ này lâu dần trở nên duy danh để chỉ những kẻ ăn cắp vặt, lang thang, lưu manh, vô giáo dục, cơ nhỡ chốn Hà thành đồ trèo me trèo sấu”... Dẫn hai ví dụ về sự biến thái, chuyển hoá ngữ nghĩa của ngôn ngữ để càng thấy rõ tác động của hoàn cảnh xã hội lớn lao như thế nào trong việc làm thay đổi trạng thái ngôn ngữ.
Bên cạnh sự biến thái đó thì các nhà ngôn ngữ học luôn luôn khẳng định ngôn ngữ Việt Nam là một trong những ngôn ngữ thuộc loại có sức sống nhất trên thế giới. Trải qua mọi thăng trầm, biến động của lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam chẳng những không mất đi, không bị nghèo nàn, biến dạng mà ngày càng phong phú, sinh động, vì biết chọn lọc, hoà đồng một cách hợp lý mọi loại ngôn ngữ ngoại lai khi du nhập vào nước ta. Sự biến hoá của tiếng Hán trở thành tiếng Hán Việt nhập vào hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt Mường cổ (ngôn ngữ gốc của tiếng Việt), rồi sự du nhập của tiếng Pháp được chuyển hoá vào dòng chảy tiếng Việt là những ví dụ sinh động.
Ngày nay, dân tộc ta trong giao tiếp hàng ngày đã sử dụng thành thạo vốn ngôn từ có những từ xuất phát từ tiếng Hán chiếm đến 68% trong ngôn ngữ nước ta, và hàng loạt tiếng có gốc tiếng Pháp đã được Việt hoá một cách tài ba như xà phòng, xoong, xích, líp, xích lô, ba gác.... Tất cả sự chuyển hoá đều có qui luật trong ngôn ngữ...
Nhưng đến giai đoạn hiện nay nghe cách nói thường ngày của một số tầng lớp, nhất là giới tuổi trẻ, thì có thể nhận ra tình trạng ngôn ngữ nước ta, hay nói cụ thể hơn là tiếng Việt của chúng ta, đang bị biến thái theo hướng đáng báo động. Có thể nói sự biến thái này như một tiếng chuông báo động về ngôn ngữ, tiếng nói mà cha ông ta dày công xây dựng và giữ gìn suốt cả chiều dài phát triển của nền văn hoá Việt Nam
Thực trạng của sự biến thái này ra sao?
Chỉ cần nghe qua trong giao tiếp hàng ngày đã thấy: một ông, một bà ở thành phố hay phụ cận cả đời không biết một chút tiếng Anh nào nhưng gặp nhau là buột miệng chào như  người  Mỹ hê lô. Để biểu hiện sự ưng thuận sau khi bàn bạc một công việc gì đấy bất kể trong lĩnh vực nào cũng hạ một câu ô kê, rồi ô kê nhé, ô kê đi, ô kê ạ. Một đứa trẻ lên ba tuổi tập nói khi ra về chào ông bà nội, ngoại cũng được bố mẹ nhắc “con bai ông bà đi”. Và đứa trẻ bập bẹ bai bai ông, bai bai bà”.
Trong quán bia nơi ngôn ngữ được thả phanh sự biến thái này càng được gia tăng. Các bia sĩ nói với nhau: “Cậu phải Nông quốc Chấn thằng cha ấy đi. Không, hết tiền thì anh em mình phải Ju-ven-tút đấy. Còn tao, uống thế thôi, không tao lại ác-xê-nôn xong li-vơ-phun một trận thì mệt lắm”.
Trong lớp học, học sinh thì thào với nhau khi thầy giáo vắng mặt: “Thầy đi đâu mà đầu lâu thế. Đã vậy thì bọn mình cứ thoải con gà mái đi. Giới trẻ không chỉ đàm thoại với nhau bằng thứ ngôn ngữ biến dạng bất chấp tất cả qui luật của ngôn ngữ mà còn đua nhau biến tấu, trình diễn, xem đó như một thứ mốt thời thượng. Nhà xuất bản nọ đã cho ra đời một ấn phẩm đầy rẫy những từ, như tự nhiên như cô tiên”, “ngất ngây con gà tây”, “tào lao bí đao”, “đã xấu lại còn xa”...
Sự biến thái, phá vỡ mọi qui luật của ngôn ngữ này càng có đất tung hoành dụng võ hơn trong các tin nhắn, trong chát, trong thư điện tử của lứa tuổi trẻ. Một câu nhắn tin: Tối nay go out nhé. Nếu OK thì phone cho tui. Đồn có địch, no table” (tạm dịch: Tối nay đi nhé. Nếu được thì gọi điện cho tôi. Nhà đang có khách. Không bàn tiếp”...)
Đó là chưa kể việc hay nói tục, nói trống không càng làm cho sự biến thái ngôn ngữ phát triển theo chiều hướng đáng ngại.
Nguyên nhân của sự biến thái
Nhờ sự đổi mới của Nhà nước nên hơn hai chục năm nay, Việt Nam bước vào giai đoạn mở cửa trong mọi lĩnh vực từ kinh tế đến văn hoá. Nếu trong thời kỳ bao cấp dân ta chỉ được tiếp xúc với văn hoá cộng đồng các nước XHCN, trong đó chủ yếu là văn hoá Liên Xô, Trung Quốc. Ngoại ngữ được học trong trường từ phổ thông đến đại học là Trung văn, Nga văn thì đến giai đoạn này nền văn hoá thế giới tràn ngập vào nước ta, trong đó với thế mạnh tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng phổ cập trong giao tiếp và trong nhiều lĩnh vực đã dần dần có có vị trí quan trọng trong sự đào tạo, giáo dục của nước ta. Điều này cắt nghĩa vì sao tiếng Anh lại có ảnh hưởng mạnh mẽ ở nước ta.
Ngày nay, điện thoại di động, máy tính kèm theo hàng loạt những ứng dụng của các phương tiện này là Internet, nhắn tin, chát, trò chơi điện tử.., đã trở thành thông dụng được người Việt Nam, đặc biệt giới trẻ, ưa thích. Một trong những ứng dụng quan trọng ra đời là nhắn tin tất phải có một công nghệ nhắn tin kèm theo. Làm sao trong khoảng thời gian ngắn chuyển tải được lượng thông tin cần thiết đến người nhận là một yêu cầu. Đây chính là cơ sở để tạo ra số từ vựng nhắn tin, cũng đồng thời sinh ra sự biến thái của ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ nước ta. Sự chế biến cách viết trong nhắn tin cộng với việc sử dụng tiếng Anh đã thêm một lần làm gia tăng biến thái ngôn ngữ.
Ở bài viết này, tôi chưa nói nhiều đến sự hay nói tục của giới bạn trẻ như một mốt sành điệu mà tôi chỉ nói đến ảnh hưởng của lối nói trống không, cụt lủn không chỉ trong nhắn tin mà còn trong giao tiếp hàng ngày của giới trẻ. Nếu như ở một số ngoại ngữ phương Tây, ngữ điệu trong giọng nói khi dùng đại từ nhân xưng khẳng định thái độ tình cảm và cả thứ bậc xưng hô khác hẳn đại từ nhân xưng đa dạng của tiếng Việt có đầy đủ các thang bậc từ ông bà bố, mẹ, cô dì, chú bác... đến cả những đại từ nói lên sự khinh miệt hay tôn kính, gần gụi hay xa lạ... Đáng tiếc các bạn trẻ ít nhiều biết ngoại ngữ lại bị ảnh hưởng lối diễn đạt “vô nhân xưng” này nên thường đổ đồng cá mè một lứa trong xưng hô thường nhật.
Trong sự mở cửa chấp nhận sự hoà đồng thì bên cạnh những cái hay, cái tốt của các nền văn hóa, các trào lưu văn hoá trên thế giới, chúng ta cũng phải đối đầu với những gì độc hại, những gì không phù hợp với truyền thống, tập tục tính cách của dân tộc ta. Bên cạnh đó nền giáo dục nước trong thời gian qua dường như còn có lỗ hổng không nhỏ trong giáo trình đào tạo học sinh các cấp. Gíáo trình giáo dục các cấp của ta còn nặng về giáo dục kiến thức mà ít quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, lịch sử, nhân cách đến đạo đức làm người cho học sinh... Phải chăng đây cũng là nguyên nhân sâu sa tạo ra sự biến thái đáng ngại của ngôn ngữ.
Cách đây gần một thế kỷ trong bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh có câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Sự biến thái về ngôn ngữ đáng lo hiện nay chứng tỏ các nhà quản lý của nước ta chưa biết khơi gợi niềm tự hào về tiếng Việt, bảo tồn vốn quí báu của ngôn ngữ dân tộc. Sự chế biến tiếng Việt như hiện nay đâu chỉ thuần tuý ở sự xuống cấp trong ngôn ngữ mà nó còn là sự xuống cấp trong lối sống của một tỉ lệ không nhỏ người Việt trẻ.
Đáng buồn thay trong sự tác động để làm biến thái tiếng Việt lại có tác động không nhỏ của các nhà làm văn hoá. Gần đây việc không ít người cổ vũ cho thứ thơ viết và nghĩ lai căng rập theo cách viết và lối tư duy nước ngoài của đôi ba nhà thơ thạo ngoại ngữ cũng thật đáng giận. Đáng ra nhà thơ hơn ai hết phải làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng trong sáng hơn, dân tộc hơn vậy mà... Tôi nhớ, nhà văn Mỹ nổi tiếng Herman Melville, tác giả hai tiểu thuyết lừng danh thế giới TypeeOmoo đã từng khuyên các nhà văn, nhà thơ Hoa Kỳ không nên viết như một người Anh, người Pháp. Ông khẳng định: “Các nhà văn chúng ta là nhà văn Mỹ... Thất bại trong việc sáng tạo ra cái độc đáo vẫn tốt hơn là thành công trong việc bắt chước”.
Vậy mà những câu thơ loằng ngoằng, bất chấp ngữ điệu, ngôn từ của tiếng Việt, cách nghĩ của dân tộc ta đã từng sáng bừng trong những trang viết của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính... lại được ca ngợi, tán thưởng thì trách chi các cháu thanh, thiếu niên không từ tấm gương mờ đó mà làm hỏng tiếng Việt thân yêu của chúng ta bằng những trò ảo thuật trong ngôn ngữ của họ.
Nguyễn Hiếu

KHỔNG TỬ: TRÁNH NGƯỜI CHỨ KHÔNG TRÁNH ĐỜI

Khoa học và văn minh - ANTG cuối tháng (24/6/2012)
Thiên “Khổng Tử thế gia”, trong bộ “Sử ký”, Tư Mã Thiên có ghi lại cuộc trò chuyện giữa Tử Lộ và vị ẩn sĩ Kiệt Nịch. Khi biết Tử Lộ là người học trò yêu của Khổng Tử, Kiệt Nịch đã nói ngay: “Thiên hạ như nước chảy cuồn cuộn đều thế cả. Vả lại, ông theo một kẻ sĩ lo tránh người chi bằng theo một kẻ sĩ lo tránh đời”... Sau này, nghe Tử Lộ thuật lại câu nói đó, Khổng Tử đã bùi ngùi thốt lên: “Ta không thể sống cùng chim muông. Nếu thiên hạ có đạo thì ta cần sửa nó làm gì?!”.
“Nhu quyền”nhập thế
Làm kẻ sĩ, ai cũng cần phải lo thân. Nhưng lớn hơn nỗi lo đó phải là nỗi lo cho thiên hạ. Khổng Tử là người có nỗi lo này. Mà trong bất cứ thời đại nào cũng vậy, muốn góp sức mình lo cho thiên hạ thì kẻ sĩ gần như chỉ có một con đường duy nhất là phải nhập thế. Và Khổng Tử cũng đã chọn con đường này. Ông không lảng tránh thực tại dù giai đoạn mà ông sống (551 - 479 TCN) hoàn toàn không phải là “kỷ nguyên vàng” trong lịch sử Trung Hoa.
Ngay từ trẻ, trong một lần được gặp Lão Tử ở đất Chu, ông đã được bậc đàn anh minh triết và nhân đức tặng cho những lời gan ruột: “Kẻ thông minh và sâu sắc là gần cái chết vì họ khen chê người ta một cách đúng đắn. Kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách gì để giữ mình. Kẻ làm tôi không có cách gì để giữ mình”... Biết vậy nhưng Khổng Tử vẫn dấn thân vào những nẻo đường cát bụi theo cách của riêng mình, lấy “nhu” thuần “cương”...
Lớn lên trong một gia cảnh nghèo khó, chỉ nhờ những nỗ lực tu thân không mệt mỏi mà Khổng Tử mới vươn lên trở thành một danh trí đường thời. Thông tuệ nhưng ông không bao giờ kiêu căng: “Ta chẳng phải sinh ra đã biết tất cả, là do ưa thích đạo cổ xưa, cần mẫn tìm học hỏi mà nên”. Tự trọng nhưng ông không bao giờ cố chấp. Ông từng nói: “Bá Di, Thúc Tề không nhớ oán giận cũ, nên hiếm người giận họ”. Có lẽ chính nhờ thế nên ông từng được rất nhiều bậc vương giả trọng dụng, hầu như đến đâu ông cũng được vời vào cung cấm để bàn chính sự.
Năm 56 tuổi, ông còn được Lỗ Định Công đưa lên chức tướng quốc... Khi một môn đệ của ông là Tử Cầm đã hỏi bạn đồng môn là Tử Cống về bí quyết khiến Khổng Tử hay được vời vào tham dự chính sự, nhờ “do thầy cầu xin hay do người ta yêu cầu” thì Tử Cống đã lý giải như sau: “Thầy Khổng có đức tính ôn, lương, cung, kiệm, nhường nhịn nên được như vậy. Cách cầu việc của thầy khác với lối xin việc của người khác”.
Gieo hạt nhân nghĩa
Không (không thể) tránh đời không hợp mà chỉ (chỉ có thể) tránh được người không hợp nên Khổng Tử chủ trương truyền bá những tiêu chí nhân văn để thiên hạ ngày một nhiều hơn những người có quyền mà vẫn có đức theo các tiêu chí mà ông suy tôn. Trong cách nhìn của ông, không nhất thiết phải đứng ra cầm quyền mới là làm chính trị vì Kinh Thượng Thư viết rằng: “Ta chỉ thực hiện đạo hiếu, sống với anh em. Phổ biến đạo ra khắp chính trường, cũng là làm chính trị rồi, cứ gì phải ra làm chính trị?”.
Theo Khổng Tử, một xã hội lành mạnh phải là nơi mà mỗi người trong chúng ta hành xử theo đúng vị trí đang giữ. Khi Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử  về việc làm chính trị thì phải như thế nào, ông đã đáp:
- Vua phải theo đúng đạo làm vua, tôi phải theo đúng đạo làm tôi, cha phải phải theo đúng đạo làm cha, con phải theo đúng đạo làm con! Muốn mọi người làm theo đúng phận sự của mình thì người cầm quyền cũng cần phải biết cách sắp xếp mọi người vào đúng chỗ của họ.
Khi Lỗ Ai Công hỏi cách làm sao cho dân phục, Khổng Tử đã nêu ra rất ngắn gọn nguyên tắc mà có lẽ ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời nào cũng có thể làm khẩu hiệu của công tác tổ chức cán bộ: “Bổ nhiệm người ngay thẳng trên kẻ ác, ắt dân phục. Xếp kẻ ác trên người ngay thẳng thì dân không phục”.
Theo cách nhìn của ông, trong một xã hội, một quốc gia, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, mọi sự hay hay dở đều chủ yếu phụ thuộc vào cách hành xử của người cầm quyền, của sếp trưởng. Xưa nay, nhà cầm quyền nào cũng cần làm mọi việc để cho xã hội mà mình cai trị được ổn định, vì không an cư thì không thể lạc nghiệp được. Mà muốn xã hội ổn định thì người cầm quyền phải có đức, phải hành xử theo các nguyên tắc đạo đức. Ông nhắc nhủ các quân vương: “Cầm quyền phải có đức, giống như sao Bắc Đẩu ở nơi cố định cho các ngôi sao vây quanh”. Khổng Tử chủ trương nhân trị: “Khổng Tử nói: Lãnh đạo dân bằng pháp luật đều dùng hình phạt, dân có thể tránh được sai phạm nhưng mất lòng tự trọng. Lãnh đạo dân bằng đức độ và lễ khiến người ta biết xấu hổ mà tự cảm hóa”.
Tất nhiên, ở thời hiện đại, chúng ta đều hiểu rằng, nếu chỉ làm theo lời Khổng Tử không thôi thì không chỉ không đủ mà còn dễ khiến xã hội trở nên xộc xệch bởi tâm trạng hoàn toàn có thể “sớm nắng chiều mưa” hay tư lợi của người cầm quyền vì không có những cột mốc vững chãi và nghiêm khắc làm chuẩn mực. Thế nhưng không phải vì thế mà tư tưởng nhân trị lại hoàn toàn bị phá giá vì nói cho cùng, không hướng tới một cứu cánh nhân văn thì mọi nỗ lực xây dựng và phát triển xã hội loài người đều có thể hóa thành lợi bất cập hại.
Nói được làm được
Khi Tử Lộ hỏi về người quân tử, thì  Khổng Tử nói: “Tu dưỡng mình kính cẩn”. Tử Lộ lại hỏi tiếp: “Như thế là đủ ư?” thì lời đáp là: “Tu dưỡng mình để làm yên người khác”. Tử Lộ lại lặp lại câu hỏi thứ hai thì Khổng Tử mới nói: “Tu dưỡng bản thân để làm yên trăm họ. Việc này khó đến nỗi vua Nghiêu, vua Thuấn còn khó làm được”.
Với chủ trương hành đạo rồi mới truyền đạo (sách Luận ngữ chép: “Tử Cống hỏi về quân tử. Khổng Tử đáp: Trước hết, thực hành lời mình nói, sau mới nói ra”), nên Khổng Tử trong bất cứ tình huống nào của cuộc đời, dù oái oăm đến mấy, đều luôn giữ được một tinh thần lạc quan. Chủ trương “cầu việc” của ông  giữa thói đời đen bạc thể hiện trong câu nói: “Chẳng lo buồn vì không có địa vị, chỉ lo không có đức tài xứng với địa vị ấy. Không cần lo người khác không hiểu mình, nên lo làm sao có năng lực khiến cho người khác biết mình”.
Thông thường, Khổng Tử luôn giữ thái độ khiêm nhường và không bao giờ quá cáu giận khi những lời khuyên bảo anh minh của ông không được những đối tượng cần tới chúng thực hiện. Nhưng khi đã cầm cờ trong tay thì ông cũng thừa đủ kiên quyết để thực hiện đúng theo những nguyên tắc mà ông đã chủ trương. Được nắm quyền tướng quốc của nước Lỗ, Khổng Tử thực sự góp phần làm cho tình hình ở đây thay đổi một cách căn bản.
Mặc dù là người nhân nghĩa nhưng ông cũng không ngại ra lệnh giết quan đại phu mắc tội làm rối loạn chính sự nước Lỗ là Thiếu Chính Mão. Những biện pháp cai quản đất nước nghiêm túc của ông đã mau chóng dẫn tới kết quả nhỡn tiền. Sách Sử ký của Tư Mã Thiên kể: “Sau khi (Khổng Tử) tham dự chính quyền trong nước ba tháng, những người bán cừu bán lợn trong nước không dám bán thách, con trai con gái ở trên đường đi theo hai phía khác nhau, trên đường không nhặt của rơi. Những người khách ở bốn phương đến thành ấp không cần phải nhờ đến các quan, bởi vì người ta đều xem họ như người trong nhà...”.
Người trước, mình sau
Khổng Tử đã tổng hợp lại rất nhiều quy tắc dành cho các bậc quân tử, tức là hình mẫu mà cả người trên lẫn người dưới trong xã hội đều muốn noi theo hoặc trở thành người quân tử. Khổng Tử luôn đặt vai trò người quân tử trong xã hội lên vị trí chủ đạo, coi đây là động lực phát triển chính yếu của sự phát triển. Hình mẫu bậc quân tử trong cách nhìn của ông như sau: “Quân tử ăn không cầu no, chỗ ở không cầu an toàn quá mức, làm việc minh mẫn mà lời nói thận trọng, là kẻ có đạo chính đáng, có thể gọi là người hiếu học”. Tử Cống hỏi: “Nghèo khổ mà không nịnh bợ, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy được chưa?”, Khổng Tử đáp: “Như vậy là được, nhưng không bằng nghèo mà lạc quan, giàu mà chuộng học lễ nghĩa”. Cũng phải nói rằng, Khổng Tử không bao giờ chủ trương học vẹt, mà ông luôn đề cao cách học có suy nghĩ. Ông nói: “Học mà không suy nghĩ sẽ trở nên rối rắm, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất mỏi mệt”. Ông cũng từng nói với môn đệ tên là Tử Hạ: “Ngươi nên trở thành học trò quân tử, không nên trở thành học trò tiểu nhân”. Ông cũng nói: “Đức hạnh mà không tu dưỡng, học không giảng giải, thấy việc nghĩa không làm, mắc điều sai không chịu sửa chữa, đó là những nỗi lo của ta”.
Khổng Tử có cách nhìn rất chuẩn mực về lối sống lành mạnh của người quân tử: “Quân tử nói năng chậm rãi, thực hành thì nhanh nhẹn”.
Theo ông, bậc quân tử luôn phải biết phê bình và tự phê bình khi đặt mình trước những kẻ tiểu nhân: “Người quân tử chỉ biết điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ biết điều lợi... Quân tử nghĩ đến đạo đức, tiểu nhân nghĩ đến đất đai... Quân tử coi trọng hình thức phép tắc, tiểu nhân chỉ mong ân huệ...”. Và trước cả người hiền: “Nhìn thấy người hiền thì noi theo, thấy kẻ không hiền thì xem xét lại mình”. Ông chủ trương: “Quân tử không cần tranh đua, có thể tranh đua khi bắn cung thôi. Vái chào khi bước lên bắn, xong ngồi uống rượu nâng chén mừng nhau - đó mới chính là lối tranh đua của quân tử”.
Khổng Tử nhân ái nhưng không phải là người dễ dãi với cái xấu. Tử Cống hỏi: “Người quân tử có ghét ai không?”, Khổng Tử nói: “Có ghét. Ghét kẻ đi nói xấu người khác, ghét cấp dưới gièm pha cấp trên, ghét người dũng mà không giữ lễ, ghét người quả quyết mà không thông hiểu lý lẽ...”. Còn môn đệ Tử Cống thì lại ghét “kẻ hay rình mò người khác mà tự nhận người trí, ghét kẻ thiếu khiêm tốn mà nhận mình là dũng, ghét người bới móc chuyện riêng tư người khác mà tự nhận mình là liêm...”.
Khổng Tử là bậc quân tử không chỉ của một thời mà của muôn đời. Có điều, khi tóc ngả màu sương thì câu hát quen thuộc của ông vẫn là: “Miệng của đàn bà kia có thể làm cho ta bỏ chạy/ Những người đàn bà kia đến thăm có thể làm cho nước mất nhà tan/ Ta đi lang thang phiêu bạt cho đến hết đời”. Âu đó cũng là số phận thường gặp của những bậc hiền triết.
Lưu Hùng Văn