1 tháng 9, 2019

DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH SOI SÁNG CON ĐƯỜNG ĐI TỚI TƯƠNG LAI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Hà Nội, ngày 30/8/2019
Diễn văn của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Quốc gia 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (1969 - 2019)
Thưa đồng bào, đồng chí,
Hôm nay, trong không khí hào hùng và xúc động của những ngày mùa Thu Hà Nội, kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta họp mặt tại đây để trọng thể kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của Ðảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta, đi vào cõi vĩnh hằng và 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ Bác, trong thời khắc thiêng liêng và ý nghĩa này, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Ðảng và dân tộc ta, Người thày vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, người “đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian và tâm huyết tự mình lặng lẽ chuẩn bị rất công phu và chu đáo để hoàn thành bản Di chúc trong vòng bốn năm (từ năm 1965 đến năm 1969), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đang diễn ra rất ác liệt, đầy gian khổ, hi sinh. Chỉ với hơn một nghìn từ, vô cùng ngắn gọn, Di chúc của Người đã truyền cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta ý chí và quyết tâm sắt đá, niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong Di chúc, Người khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Ðồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”. Dự báo thiên tài đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm trở thành hiện thực, thể hiện tầm cao trí tuệ uyên bác và tri thức thực tiễn hết sức phong phú, sâu sắc, nắm vững và làm chủ quy luật vận động khách quan của Người.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà tổ chức thiên tài, đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðảng ta. Trong Di chúc, Người “trước hết nói về Ðảng”, căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, để Ðảng ta luôn là một đảng mác-xít chân chính, “là đạo đức, là văn minh”, đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam.
Với tầm nhìn sâu rộng, nhãn quan chính trị nhạy bén, sáng suốt, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi,... việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Ðảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Ðoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Ðảng và của dân ta”. Ðoàn kết làm nên sức mạnh, là cội nguồn của mọi thành công mà nhờ đó, “từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta đã tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Muốn xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải có sự đoàn kết thống nhất trong toàn Ðảng. Ðoàn kết trong Ðảng là tiền đề, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để phát huy, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tiền đề thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội mới. Ðoàn kết còn góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy thoái của Ðảng cầm quyền. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, từ Trung ương đến chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hành tự phê bình và phê bình có lý, có tình, “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Ðồng thời, phải đề cao và “thực hành dân chủ rộng rãi” trong hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng, để tập hợp lực lượng cách mạng, phát huy trí tuệ, tiềm năng, sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Ðảng, cho đến khi trước lúc đi xa, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Ðảng về đạo đức. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Những chỉ dạy của Người vừa là sự tổng kết sâu sắc về lý luận, vừa là vấn đề mang tính nguyên tắc để giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Ðảng, sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo nên sức mạnh quy tụ lực lượng, củng cố và nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Ðảng, với cách mạng.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho mục tiêu cao cả độc lập, tự do của Tổ quốc ta, ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta và những giá trị nhân văn, cao quý của nhân loại. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi bật và xuyên suốt là tư tưởng giải phóng dân tộc đồng thời với giải phóng xã hội, giải phóng con người, mở ra những triển vọng mới to lớn để phát triển con người và xã hội. Trong Di chúc, Người đặc biệt nhấn mạnh: “Ðầu tiên là công việc đối với con người”. Người chỉ rõ, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức và mau chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa,... và kiến thiết, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Người cho rằng, đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ”“là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn, nhưng cũng rất vẻ vang”. Vì vậy, Ðảng phải huy động được hết trí tuệ, sức mạnh toàn dân tộc, “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, đồng thời “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng và chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.
Di chúc cho thấy tầm nhìn xa trông rộng, thấm đậm và tràn đầy tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo thế hệ trẻ. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Ðó là sự quan tâm chăm lo phát triển toàn diện con người Việt Nam, với tất cả phẩm chất chân - thiện - mỹ, có đức, có tài, trước hết là bồi đắp về nhân cách, tu dưỡng đạo đức cá nhân, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam. Một Hồ Chí Minh đầy bao dung, nhân ái, suốt đời dành tình yêu thương trọn vẹn đối với mọi tầng lớp nhân dân và toàn thể nhân loại như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một người cộng sản Việt Nam mẫu mực, mà còn là người chiến sĩ cộng sản quốc tế trong sáng, thủy chung, là biểu tượng vĩ đại, sáng ngời và lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc, của đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, của hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Trong Di chúc, khi bàn về vấn đề quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn lớn lao, một nhãn quan văn hóa rất mực nhân văn, sâu sắc và tinh tế. Người quan tâm tới việc củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và ra sức thúc đẩy sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Ðó là nhãn quan và đức độ của một danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người là hiện thân của những khát vọng lớn lao của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hi sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Trọn đời Người vì nước, vì dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người là biểu tượng, là tấm gương ngời sáng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã hun đúc nên sự nghiệp Hồ Chí Minh, thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất, vinh quang nhất trong lịch sử dân tộc ta.
Trong những lời cuối của Di chúc, Người nói “về việc riêng”. Dù nói về việc riêng, nhưng vẫn hàm chứa trong đó biết bao suy tư, trăn trở, vẫn toát lên suy nghĩ và hành động lo cho nước, cho dân; cho thấy, Người trọn đời “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Vĩnh biệt chúng ta, Bác không có gì dành cho riêng mình, ngoài những điều sâu sắc nhất, lớn lao nhất, vĩ đại nhất dành cho nhân dân, cho đất nước và Người chỉ tiếc là tiếc rằng “không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ðó là lý tưởng chính trị, là văn hóa đạo đức và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.
Thưa đồng bào, đồng chí,
50 năm qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hi sinh; mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đích cuối cùng.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nghị lực và ý chí toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, “thỏa lòng mong ước của Người”.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo ra những điều kiện, tiền đề thuận lợi để đất nước ta vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đã minh chứng cho năng lực lãnh đạo, cầm quyền và bản lĩnh chính trị vững vàng của Ðảng ta, sức mạnh vĩ đại và tài năng sáng tạo của nhân dân ta. Chúng ta có thể tự hào và tin tưởng báo cáo với Bác, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta đã xây dựng đất nước ta mười lần to đẹp hơn và “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người. Ðiều đó càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng ta luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên. 50 năm qua, Ðảng đã ra sức giữ gìn, củng cố sự đoàn kết nhất trí của Ðảng, tăng cường đoàn kết trong Ðảng làm hạt nhân cho đại đoàn kết toàn dân; “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”, tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Ðảng với nhân dân; ra sức củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Những năm qua, bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì và đồng bộ, đã tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức của hệ thống chính trị. Qua đó, đã góp phần quan trọng củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Ðảng.
Từ quá trình thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc đã khẳng định, Ðảng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, luôn ý thức được sứ mệnh, trọng trách của mình trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc. Từ thực tiễn 50 năm thực hiện Di chúc, chúng ta có cơ sở vững chắc để khẳng định, muốn xây dựng, chỉnh đốn Ðảng có hiệu quả, ngăn ngừa được những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phải thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm qua, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã thấm nhuần sâu sắc và phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, thủy chung của Người, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu chung của thời đại; tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Với đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
50 năm thực hiện Di chúc là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Ðảng lãnh đạo, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng, kiên định con đường cách mạng mà Ðảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những bài học lịch sử hết sức quý báu. Ðó là bài học nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ðó là bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ðó là bài học không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Ðảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Ðó là bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Ðó là bài học sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Hiện nay, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, tích cực chuẩn bị những công việc cần thiết tiến tới tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.
Chúng ta tự hào với tất cả những gì chúng ta đã đạt được, song cũng không khỏi trăn trở, day dứt trước những gì chúng ta chưa làm được hoặc làm chưa trọn vẹn. Không ít những khuyết điểm, yếu kém và khó khăn, thách thức đang cản trở tiến trình đổi mới, xây dựng đất nước, nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Ðảng. Ðiều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, yếu kém, tuyệt đối không chủ quan, tự mãn, không say sưa với thắng lợi, hay bi quan dao động trước thử thách, khó khăn.
Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Ðảng ta càng cần phải thấm nhuần sâu sắc những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Ðảng ta, với quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ; chăm lo xây dựng Ðảng thật trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, xứng đáng là đội tiên phong, là Ðảng cầm quyền, ngang tầm nhiệm vụ. Thấm nhuần phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta quyết tận dụng tốt nhất thời cơ, vận hội, hóa giải kịp thời những nguy cơ và vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo tâm nguyện của Người.
Toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục thực hiện lý tưởng cao cả của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng ta nguyện “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Thưa đồng bào, đồng chí,
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi với non sông đất nước, với nhân dân ta. Di chúc của Người tỏa sáng giá trị dân tộc và thời đại, thấm đậm văn hóa và nhân văn Hồ Chí Minh, mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Ðảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam muôn vàn yêu quý của chúng ta.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Ðảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

13 tháng 6, 2019

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ X: Ý NGHĨA CỦA BỨC BÙA 6 CHỮ VÀNG YỂM TRÊN NÚI GIAM CẦM TÔN NGỘ KHÔNG 500 NĂM
Khi mới bị núi Ngũ Hành đè xuống, với 72 phép thần thông của mình, Tôn Ngộ Không hoàn toàn có thể phá núi chạy trốn. Liệu có phải do lá bùa của Phật Tổ Như Lai trấn hoàn toàn pháp thuật của Tôn Ngộ Không hay không?
Sau khi đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng Thượng Đế không thể thu phục được Tề Thiên Đại Thánh nên bèn nhờ cậy Phật Tổ Như Lai. Chỉ có Phật Tổ mới khiến khỉ đá “an phận thủ thường” dưới chân Ngũ Hành Sơn 500 năm.
Sau khi Đại Thánh bị đè dưới núi, Phật Tổ rút từ tay áo một lá bùa chú có 6 chữ vàng đưa cho A Nan và dặn mang đi dán lên đỉnh núi. A Nan vâng lệnh cầm đạo bùa, ra khỏi cửa trời, đến thẳng đỉnh núi Ngũ Hành, dán chặt đạo bùa vào tảng đá bốn cạnh vuông vức. Quả núi tức thì mọc rễ khép liền lại, chỉ để một lỗ thông hơi. Đại Thánh bị quả núi đè chặt, chỉ thở được, và chân tay thò ra cựa quậy được.
Vì có lá bùa ấy, Ngộ Không mới phải chịu 500 năm đày đoạ. Lại cũng vì có lá bùa ấy, mà Đường Tăng mới có thể giải thoát Ngộ Không.
Một lá bùa uy lực như thế, lại được nhắc đến ba lần trong nguyên tác, mà lần nào cũng gắn liền với một dấu mốc trên con đường giác ngộ của Ngộ Không.
500 năm trôi qua, trải qua phong ba tuế nguyệt, lá bùa thần kỳ không bị mục nát, không mất chữ cho đến ngày Ngộ Không chính thức phò giá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh.
Nhìn thấy Đường Tăng, con khỉ nói: Trên đỉnh núi có đạo bùa chữ vàng của Như Lai yểm. Ngài lên đó bóc đạo bùa ấy đi là con được thoát.
Thấy vậy, Đường Tăng trèo lên đỉnh núi, vin cây bám cành trèo lên tới đỉnh, quả nhiên thấy một tảng đá vuông hào quang chói lọi, mây lành rực rỡ, trên tảng đá dán một đạo bùa có sáu chữ vàng. Trên lá bùa là sáu chữ bí ẩn: “Lục tự đại minh chân ngôn” hay còn được biết đến với cái tên “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”, “Om Mani Padme Hum”.
Đây chính là câu chân ngôn cổ xưa do Bồ Tát Quan Âm truyền lại, được ghi chép trong quyển 4 Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm của Mật tông Tây Tạng.
6 chữ vàng mang ý nghĩa tu luyện để thăng hoa cảnh giới, đề cao tầng thứ, thành tựu sinh mệnh của chính mình, nhắc nhở con người sinh ra giữa đất trời, đến nơi thế gian ô trọc này, muốn chân chính chỉ có cách tu luyện.
Chúng ta biết rằng, Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn cũng giống như sinh mệnh trên thượng giới bị rớt xuống nơi thế gian chịu sự phong toả của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) khống chế. Muốn thoát khỏi Ngũ Hành, trở về thiên quốc, thì phải “quy mệnh”, bước trên con đường tu luyện, quay trở về với bản thể của mình.
Trước khi bị đè dưới núi Ngũ Hành, Ngộ Không đã từng tu luyện: Từ Hoa Quả Sơn vân du đi tìm Đạo, cuối cùng gặp được Bồ Đề Tổ Sư, bái làm sư phụ, Ngộ Không đã học được 72 phép biến hoá, âu cũng là đã đạt được một chút thành tựu.
Nhưng dẫu có thần thông quảng đại đến đâu, thì hết thảy cũng chỉ là tiểu năng tiểu thuật, tiêu diêu tự tại trong Tam Giới, vẫn chưa xuất khỏi Ngũ Hành.
Trong truyện nhiều lần gọi Ngộ Không là Thái Ất chân nhân chưa đắc Đạo viên mãn.
Như vậy, câu chân ngôn mang sáu chữ vàng của Như Lai Phật Tổ cũng giống như một lời nhắc nhở dành cho Ngộ Không: Trải qua tháng năm đằng đẵng, cũng đừng quên nguyện ước tu thành. Con nhất định phải tu thành chính quả!
Hay nói theo cách khác, Phật Tổ Như Lai đã an bài mọi sự cho con đường tu luyện sau này của Ngộ Không.
500 năm bãi bể nương dâu, 500 năm phong ba tuế nguyệt, lúc đói phải ăn viên sắt, khi khát phải uống nước rỉ đồng, quả thực là muôn vàn cực khổ, cay đắng không lời.
Đến khi nghiệp chướng trả xong, cũng là lúc Ngộ Không nguyện sẽ “dốc lòng tu hành”, thì khi ấy lá bùa đã làm tròn sứ mệnh của mình, và lại trở về với Đức Như Lai.
Trở lại với Ngộ Không, trong truyện kể rằng Ngộ Không vừa sinh ra đã mang theo linh khí của đất trời, tinh hoa của nhật nguyệt, lại sớm có tâm cầu Đạo. Lên rừng, xuống bể, lội suối, trèo đèo, lại phải lênh đênh trên biển cả, qua biết bao năm tháng dày công khổ luyện, ấy vậy mà cuối cùng vẫn phải trầm luân nơi nhân thế. Mãi đến khi phò giá Đường Tăng, quy y theo giáo lý nhà Phật, lúc ấy mới thực sự là viên mãn hồi thiên.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ IX: KHÔNG PHẢI ĐƯỜNG TĂNG HAY BỒ ĐỀ TỔ SƯ, SƯ PHỤ THỰC SỰ CỦA TÔN NGỘ KHÔNG LÀ AI?
Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từng được xếp vào một trong “tứ đại danh tác” của văn học Trung Quốc. Và một trong những nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết ấy chính là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không.
Phàm là những ai từng đọc qua Tây Du Ký đều cho rằng, sư phụ chân chính của Tôn Ngộ Không là Bồ Đề Tổ Sư - người truyền dạy 72 phép biến hóa. Có một số ý kiến lại khẳng định, Đường Tăng mới là người thầy chân chính của Đại Thánh, vì vị cao tăng ấy đã giúp Ngộ Không giác ngộ nhiều đạo lý. Thế nhưng kỳ thực vị sư phụ đích thực của Tôn Ngộ Không lại không phải là ai trong hai nhân vật này.
Nếu là những “đệ tử ruột” bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đều cho rằng, sư phụ chân chính của Tôn Ngộ Không chính là Bồ Đề Tổ Sư - người truyền dạy 72 phép biến hóa.
Bồ Đề Tổ Sư trong Tây Du Ký ẩn cư tại Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động. Linh Đài Phương Thốn sơn gọi tắt bằng chữ đầu và chữ cuối là “Linh sơn”, “Tà Nguyệt Tam Tinh” chính là vật trên thiên thượng, ám chỉ “bầu trời”. Hợp nhất chúng lại chính là: Thiên Thượng Linh Sơn.
Tổ sư Bồ Đề hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của Hầu vương không tầm thường nên cũng đã cố ý đưa ra mấy thứ thuật loại tiểu đạo kia để thử lòng. Khi Ngộ Không từ chối không học, Tổ Sư cũng tỏ vẻ giận dữ vô cùng. Tây Du Ký kể rằng: “Tổ Sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
- Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài”.
Bề ngoài thì là giận dữ, nhưng trong lòng Tổ Sư sớm đã chọn Ngộ Không là đệ tử chân truyền. Việc ông cho Ngộ Không mấy gậy “bổng hát” chính là điểm hóa mà trừ Hầu vương ra thì chẳng một ai có thể hiểu.
Bởi Bồ Đề Tổ Sư chỉ truyền dạy cho Ngộ Không vài món pháp thuật, chứ không dạy học trò của mình tâm pháp, cách tu tâm dưỡng tính. Hơn nữa, bản thân Bồ Đề Tổ Sư cũng từng cự tuyệt việc thừa nhận Tôn Ngộ Không làm đồ đệ cũng như rũ bỏ mối quan hệ sư đồ.
Tiểu thuyết Tây Du Ký có đoạn Bồ Đề Tổ Sư cự tuyệt Ngộ Không khi Ngộ Không không lĩnh hội được những đạo nghĩa ở đời ông truyền dạy.
Tôn Ngộ Không mắt ngấn lệ hỏi: “Sư phụ, người bảo con phải đi nơi nào?”
Tổ Sư trả lời: “Ngươi tới từ nơi đâu thì trở về nơi đó là được. Dù ngươi có gây họa cũng không được phép nói là học trò của ta. Nếu ngươi nói ra nửa chữ để ta biết được, ta nhất định sẽ đem con khỉ nhà ngươi lột da, róc xương, đem thần hồn giáng vào Cửu U, để ngươi vạn kiếp không thoát thân được”.
Khi đó, Ngộ Không vô cùng sợ hãi mà cam đoan: “Con tuyệt đối sẽ không nhắc một chữ tới người”.
Vì tự tay cắt đứt quan hệ sư đồ nên Bồ Đề Tổ Sư không được coi là “người thầy đầu tiên” của Tôn Ngộ Không.
Phật Tổ Như Lai mới là sư phụ chân chính
Năm xưa khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng đã từng phải cầu cứu Phật Tổ Như Lai.
Bấy giờ, Phật Tổ nghe nói Ngộ Không muốn làm chủ thiên cung, liền cười mà bảo: “Ngươi chính là con khỉ thành tinh muốn đoạt tôn vị của Ngọc Hoàng đại đế sao? Ngọc Hoàng tu trì từ nhỏ, khổ sở trải qua 1750 kiếp nạn, mỗi kiếp dài 129.600 năm, phải chịu khổ ải bao năm mới có thể ngồi lên ngai vị này.
Ngươi ra đời chỉ là một con yêu quái, sao dám lớn tiếng đòi hỏi như vậy? Thừa dịp còn sớm có thể quy y thì chớ nên nói bậy, nếu không gặp phải kẻ đạo hạnh cao thâm thì đến mạng cũng khó giữ”.
Ngộ Không đáp trả: “Hắn tuy tu dưỡng vài kiếp, nhưng cũng không nên chiếm cái ghế ấy lâu như vậy. Có câu Hoàng đế thay phiên nhau làm, sang năm đến lượt ta. Chỉ cần hắn dọn ra ngoài, đem thiên cung để cho ta thì không sao. Còn nếu không đồng ý, ta nhất định làm cho khuynh đảo, khiến nơi này không có nổi một ngày yên ổn”.
Phật Tổ hỏi: “Ngươi trừ việc trường sinh, biết biến hóa thì còn làm được cái gì?”
Ngộ Không dương dương tự đắc khoe rằng: “Ta đây thủ đoạn có thừa, biết 72 phép biến hóa, vạn kiếp không già, trường sinh bất tử, lại có cân đẩu vân, búng một cái đã đi xa trăm lẻ tám ngàn dặm, sao không ngồi được thiên vị?”
Thế nhưng dù dùng hết thảy những phép thuật thần thông quảng đại của mình, Ngộ Không vẫn chẳng thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ, bị đè dưới Ngũ Hành sơn 500 năm, sau nhờ Đường Tăng giải thoát mới có thể lên đường đi lấy kinh.
Bồ Đề Tổ Sư chỉ truyền dạy pháp thuật thần thông, chứ không chỉ cách tu tâm dưỡng tính cho Ngộ Không, nên chưa thể coi là sư phụ.
Nhưng Ngộ Không trên đường lấy kinh đã dần từ bỏ ma tính, tu thành chánh quả. 
Tất cả đều do Phật Tổ an bài, nên Như Lai mới được coi là người thầy chân chính của Ngộ Không, còn Đường Tăng chính là vị “trợ giảng” tận tâm và kiên trì trên con đường tu đạo của Đại Thánh.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)