13 tháng 6, 2019

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ X: Ý NGHĨA CỦA BỨC BÙA 6 CHỮ VÀNG YỂM TRÊN NÚI GIAM CẦM TÔN NGỘ KHÔNG 500 NĂM
Khi mới bị núi Ngũ Hành đè xuống, với 72 phép thần thông của mình, Tôn Ngộ Không hoàn toàn có thể phá núi chạy trốn. Liệu có phải do lá bùa của Phật Tổ Như Lai trấn hoàn toàn pháp thuật của Tôn Ngộ Không hay không?
Sau khi đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng Thượng Đế không thể thu phục được Tề Thiên Đại Thánh nên bèn nhờ cậy Phật Tổ Như Lai. Chỉ có Phật Tổ mới khiến khỉ đá “an phận thủ thường” dưới chân Ngũ Hành Sơn 500 năm.
Sau khi Đại Thánh bị đè dưới núi, Phật Tổ rút từ tay áo một lá bùa chú có 6 chữ vàng đưa cho A Nan và dặn mang đi dán lên đỉnh núi. A Nan vâng lệnh cầm đạo bùa, ra khỏi cửa trời, đến thẳng đỉnh núi Ngũ Hành, dán chặt đạo bùa vào tảng đá bốn cạnh vuông vức. Quả núi tức thì mọc rễ khép liền lại, chỉ để một lỗ thông hơi. Đại Thánh bị quả núi đè chặt, chỉ thở được, và chân tay thò ra cựa quậy được.
Vì có lá bùa ấy, Ngộ Không mới phải chịu 500 năm đày đoạ. Lại cũng vì có lá bùa ấy, mà Đường Tăng mới có thể giải thoát Ngộ Không.
Một lá bùa uy lực như thế, lại được nhắc đến ba lần trong nguyên tác, mà lần nào cũng gắn liền với một dấu mốc trên con đường giác ngộ của Ngộ Không.
500 năm trôi qua, trải qua phong ba tuế nguyệt, lá bùa thần kỳ không bị mục nát, không mất chữ cho đến ngày Ngộ Không chính thức phò giá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh.
Nhìn thấy Đường Tăng, con khỉ nói: Trên đỉnh núi có đạo bùa chữ vàng của Như Lai yểm. Ngài lên đó bóc đạo bùa ấy đi là con được thoát.
Thấy vậy, Đường Tăng trèo lên đỉnh núi, vin cây bám cành trèo lên tới đỉnh, quả nhiên thấy một tảng đá vuông hào quang chói lọi, mây lành rực rỡ, trên tảng đá dán một đạo bùa có sáu chữ vàng. Trên lá bùa là sáu chữ bí ẩn: “Lục tự đại minh chân ngôn” hay còn được biết đến với cái tên “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”, “Om Mani Padme Hum”.
Đây chính là câu chân ngôn cổ xưa do Bồ Tát Quan Âm truyền lại, được ghi chép trong quyển 4 Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm của Mật tông Tây Tạng.
6 chữ vàng mang ý nghĩa tu luyện để thăng hoa cảnh giới, đề cao tầng thứ, thành tựu sinh mệnh của chính mình, nhắc nhở con người sinh ra giữa đất trời, đến nơi thế gian ô trọc này, muốn chân chính chỉ có cách tu luyện.
Chúng ta biết rằng, Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn cũng giống như sinh mệnh trên thượng giới bị rớt xuống nơi thế gian chịu sự phong toả của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) khống chế. Muốn thoát khỏi Ngũ Hành, trở về thiên quốc, thì phải “quy mệnh”, bước trên con đường tu luyện, quay trở về với bản thể của mình.
Trước khi bị đè dưới núi Ngũ Hành, Ngộ Không đã từng tu luyện: Từ Hoa Quả Sơn vân du đi tìm Đạo, cuối cùng gặp được Bồ Đề Tổ Sư, bái làm sư phụ, Ngộ Không đã học được 72 phép biến hoá, âu cũng là đã đạt được một chút thành tựu.
Nhưng dẫu có thần thông quảng đại đến đâu, thì hết thảy cũng chỉ là tiểu năng tiểu thuật, tiêu diêu tự tại trong Tam Giới, vẫn chưa xuất khỏi Ngũ Hành.
Trong truyện nhiều lần gọi Ngộ Không là Thái Ất chân nhân chưa đắc Đạo viên mãn.
Như vậy, câu chân ngôn mang sáu chữ vàng của Như Lai Phật Tổ cũng giống như một lời nhắc nhở dành cho Ngộ Không: Trải qua tháng năm đằng đẵng, cũng đừng quên nguyện ước tu thành. Con nhất định phải tu thành chính quả!
Hay nói theo cách khác, Phật Tổ Như Lai đã an bài mọi sự cho con đường tu luyện sau này của Ngộ Không.
500 năm bãi bể nương dâu, 500 năm phong ba tuế nguyệt, lúc đói phải ăn viên sắt, khi khát phải uống nước rỉ đồng, quả thực là muôn vàn cực khổ, cay đắng không lời.
Đến khi nghiệp chướng trả xong, cũng là lúc Ngộ Không nguyện sẽ “dốc lòng tu hành”, thì khi ấy lá bùa đã làm tròn sứ mệnh của mình, và lại trở về với Đức Như Lai.
Trở lại với Ngộ Không, trong truyện kể rằng Ngộ Không vừa sinh ra đã mang theo linh khí của đất trời, tinh hoa của nhật nguyệt, lại sớm có tâm cầu Đạo. Lên rừng, xuống bể, lội suối, trèo đèo, lại phải lênh đênh trên biển cả, qua biết bao năm tháng dày công khổ luyện, ấy vậy mà cuối cùng vẫn phải trầm luân nơi nhân thế. Mãi đến khi phò giá Đường Tăng, quy y theo giáo lý nhà Phật, lúc ấy mới thực sự là viên mãn hồi thiên.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ IX: KHÔNG PHẢI ĐƯỜNG TĂNG HAY BỒ ĐỀ TỔ SƯ, SƯ PHỤ THỰC SỰ CỦA TÔN NGỘ KHÔNG LÀ AI?
Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từng được xếp vào một trong “tứ đại danh tác” của văn học Trung Quốc. Và một trong những nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết ấy chính là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không.
Phàm là những ai từng đọc qua Tây Du Ký đều cho rằng, sư phụ chân chính của Tôn Ngộ Không là Bồ Đề Tổ Sư - người truyền dạy 72 phép biến hóa. Có một số ý kiến lại khẳng định, Đường Tăng mới là người thầy chân chính của Đại Thánh, vì vị cao tăng ấy đã giúp Ngộ Không giác ngộ nhiều đạo lý. Thế nhưng kỳ thực vị sư phụ đích thực của Tôn Ngộ Không lại không phải là ai trong hai nhân vật này.
Nếu là những “đệ tử ruột” bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân đều cho rằng, sư phụ chân chính của Tôn Ngộ Không chính là Bồ Đề Tổ Sư - người truyền dạy 72 phép biến hóa.
Bồ Đề Tổ Sư trong Tây Du Ký ẩn cư tại Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động. Linh Đài Phương Thốn sơn gọi tắt bằng chữ đầu và chữ cuối là “Linh sơn”, “Tà Nguyệt Tam Tinh” chính là vật trên thiên thượng, ám chỉ “bầu trời”. Hợp nhất chúng lại chính là: Thiên Thượng Linh Sơn.
Tổ sư Bồ Đề hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của Hầu vương không tầm thường nên cũng đã cố ý đưa ra mấy thứ thuật loại tiểu đạo kia để thử lòng. Khi Ngộ Không từ chối không học, Tổ Sư cũng tỏ vẻ giận dữ vô cùng. Tây Du Ký kể rằng: “Tổ Sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
- Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài”.
Bề ngoài thì là giận dữ, nhưng trong lòng Tổ Sư sớm đã chọn Ngộ Không là đệ tử chân truyền. Việc ông cho Ngộ Không mấy gậy “bổng hát” chính là điểm hóa mà trừ Hầu vương ra thì chẳng một ai có thể hiểu.
Bởi Bồ Đề Tổ Sư chỉ truyền dạy cho Ngộ Không vài món pháp thuật, chứ không dạy học trò của mình tâm pháp, cách tu tâm dưỡng tính. Hơn nữa, bản thân Bồ Đề Tổ Sư cũng từng cự tuyệt việc thừa nhận Tôn Ngộ Không làm đồ đệ cũng như rũ bỏ mối quan hệ sư đồ.
Tiểu thuyết Tây Du Ký có đoạn Bồ Đề Tổ Sư cự tuyệt Ngộ Không khi Ngộ Không không lĩnh hội được những đạo nghĩa ở đời ông truyền dạy.
Tôn Ngộ Không mắt ngấn lệ hỏi: “Sư phụ, người bảo con phải đi nơi nào?”
Tổ Sư trả lời: “Ngươi tới từ nơi đâu thì trở về nơi đó là được. Dù ngươi có gây họa cũng không được phép nói là học trò của ta. Nếu ngươi nói ra nửa chữ để ta biết được, ta nhất định sẽ đem con khỉ nhà ngươi lột da, róc xương, đem thần hồn giáng vào Cửu U, để ngươi vạn kiếp không thoát thân được”.
Khi đó, Ngộ Không vô cùng sợ hãi mà cam đoan: “Con tuyệt đối sẽ không nhắc một chữ tới người”.
Vì tự tay cắt đứt quan hệ sư đồ nên Bồ Đề Tổ Sư không được coi là “người thầy đầu tiên” của Tôn Ngộ Không.
Phật Tổ Như Lai mới là sư phụ chân chính
Năm xưa khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng đã từng phải cầu cứu Phật Tổ Như Lai.
Bấy giờ, Phật Tổ nghe nói Ngộ Không muốn làm chủ thiên cung, liền cười mà bảo: “Ngươi chính là con khỉ thành tinh muốn đoạt tôn vị của Ngọc Hoàng đại đế sao? Ngọc Hoàng tu trì từ nhỏ, khổ sở trải qua 1750 kiếp nạn, mỗi kiếp dài 129.600 năm, phải chịu khổ ải bao năm mới có thể ngồi lên ngai vị này.
Ngươi ra đời chỉ là một con yêu quái, sao dám lớn tiếng đòi hỏi như vậy? Thừa dịp còn sớm có thể quy y thì chớ nên nói bậy, nếu không gặp phải kẻ đạo hạnh cao thâm thì đến mạng cũng khó giữ”.
Ngộ Không đáp trả: “Hắn tuy tu dưỡng vài kiếp, nhưng cũng không nên chiếm cái ghế ấy lâu như vậy. Có câu Hoàng đế thay phiên nhau làm, sang năm đến lượt ta. Chỉ cần hắn dọn ra ngoài, đem thiên cung để cho ta thì không sao. Còn nếu không đồng ý, ta nhất định làm cho khuynh đảo, khiến nơi này không có nổi một ngày yên ổn”.
Phật Tổ hỏi: “Ngươi trừ việc trường sinh, biết biến hóa thì còn làm được cái gì?”
Ngộ Không dương dương tự đắc khoe rằng: “Ta đây thủ đoạn có thừa, biết 72 phép biến hóa, vạn kiếp không già, trường sinh bất tử, lại có cân đẩu vân, búng một cái đã đi xa trăm lẻ tám ngàn dặm, sao không ngồi được thiên vị?”
Thế nhưng dù dùng hết thảy những phép thuật thần thông quảng đại của mình, Ngộ Không vẫn chẳng thoát khỏi bàn tay của Phật Tổ, bị đè dưới Ngũ Hành sơn 500 năm, sau nhờ Đường Tăng giải thoát mới có thể lên đường đi lấy kinh.
Bồ Đề Tổ Sư chỉ truyền dạy pháp thuật thần thông, chứ không chỉ cách tu tâm dưỡng tính cho Ngộ Không, nên chưa thể coi là sư phụ.
Nhưng Ngộ Không trên đường lấy kinh đã dần từ bỏ ma tính, tu thành chánh quả. 
Tất cả đều do Phật Tổ an bài, nên Như Lai mới được coi là người thầy chân chính của Ngộ Không, còn Đường Tăng chính là vị “trợ giảng” tận tâm và kiên trì trên con đường tu đạo của Đại Thánh.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ VIII: TẠI SAO TÔN NGỘ KHÔNG BỊ GIAM 500 NĂM Ở CHÂN NÚI NGŨ HÀNH MÀ KHÔNG CHẾT?
Không ít người thắc mắc, tại sao Tôn Ngộ Không bị giam cầm 500 năm dưới chân núi Ngũ Hành, chỉ được uống nước gỉ đồng và ăn hòn sắt mà vẫn “khoẻ re” không chút bệnh tật.
Đó là vì bẩm sinh, Tôn Ngộ Không là con của đá trời, hấp thụ sinh khí vạn vật, do vạn vật hoá dục mà thành.
Xuất thân cao quý như vậy nên căn cơ cũng rất phi phàm, khỉ đá được Bồ Đề Tổ Sư bí mật truyền cho phép trường sinh màu nhiệm cùng cho 72 phép thần thông biến hoá. Sau lên thiên đình giữ chức Bạch Mã Ôn, Tôn Ngộ Không ăn trộm đào tiên, trộm linh đơn của Thái Thượng Lão Quân.
Thái Thượng Lão Quân nói rằng: “Con khỉ ấy ăn đào tiên, uống rượu ngự, xơi cả linh đơn. Năm vò rượu thuốc ngâm của thần cũng bị nó tu hết vào ruột. Nó lại luyện thân thể bằng thứ lửa tam muội nữa, nên người tựa một khối kim cương rắn chắc, không vật gì hại được. Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò Bát Quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn, thì người nó nhất định sẽ biến thành tro bụi”. Ấy nhưng, nhờ lò luyện, Mỹ Hầu Vương sở hữu Đồng đầu thiết tý (đầu cứng như đồng, tay dẻo như thiếc) và Hỏa nhãn kim tinh (đôi mắt lửa sáng ánh kim) vô địch thiên hạ.
Trước đó, Tôn Ngộ Không đại náo Diêm phủ, xoá sổ sinh tử, vô hình trung biến mình trở thành trường sinh bất lão. Vậy nên, chuyện bị chôn ở núi Ngũ Hành 500 năm với hầu vương thực chỉ là chuyện cỏn con.
Vậy nói đến đây, chúng ta phải để ý thêm một chi tiết rằng Tôn Ngộ Không không phải bị chôn ở núi khác, mà là ở chân núi Ngũ Hành.
Đạo gia giảng về âm dương ngũ hành, coi Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ là 5 yếu tố cấu thành nên vạn vật. Nhưng “ngũ hành” dẫu sao vẫn chỉ là vật chất của tam giới chứ không phải nơi thượng giới. Bởi vậy, Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành cũng chính là bị chôn vùi nơi trần thế, bị khống chế trong cái thân xác phàm mà không thể tự tại, tiêu dao…
500 năm tuế nguyệt phong ba, Ngộ Không cuối cùng đã quy chính thân tâm, phò tá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Đó cũng chính là điều mà cả Phật gia và Đạo gia vẫn giảng xưa nay: Khi con người rơi rớt đến cõi mê này, lầm lạc trong xã hội người thường thì con đường duy nhất để quay trở về chính là tu luyện.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ VII: VÌ SAO HẮC BẠCH VÔ THƯỜNG KÉO ĐƯỢC HỒN TÔN NGỘ KHÔNG XUỐNG ÂM PHỦ?
Chưa tu thành chính quả, chưa trường sinh, Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không cũng chỉ là con khỉ!
Sau khi được Bồ Đề Tổ Sư truyền dạy 72 phép Địa Sát, Tôn Ngộ Không làm huyên náo đạo quán đến mức Tổ Sư một mực đuổi đi và cấm không được nhắc đến tên thầy.
Xuống núi, Tôn Ngộ Không kết giao với nhiều bằng hữu trong đó có Ngưu Ma Vương.
Lấy được Định Hải Thần Châm, áo giáp quý ở Long cung, Tôn Ngộ Không về Hoa Quả Sơn vui vầy với “con cháu”. Trong lúc Hầu vương say ngủ đã bị Hắc Bạch Vô Thường bắt xuống âm phủ.
Khi nghe Hắc Bạch Vô Thường nói tuổi thọ đã hết và đến bắt đi, Hầu vương bèn nói: “Lão Tôn này đã vượt ra ngoài ba cõi, không còn ở trong Ngũ hành, đâu còn thuộc Diêm vương quản lí nữa. Cớ sao dám hồ đồ đến trói bắt ta?”.
Diêm Vương cất giọng: “Sinh linh vạn vật đều do ta quản lý. Ta muốn kẻ nào chết ở canh ba thì kẻ đó không sống được đến sáng”.
Hai quỷ câu hồn ấy cứ một mực lôi kéo Hầu vương đi, làm Hầu vương giận dữ, rút ngay bảo bối trong tai ra, vung lên đánh cho hai quỷ câu hồn nát như tương, rồi tự cởi trói, vác gậy quay vào đánh trong thành, các loại quỷ đầu trâu, mặt ngựa chạy trốn tán loạn. Không chỉ vậy, quá tức giận, Mỹ Hầu Vương đã đại náo âm phủ, xóa hết sổ sinh tử của loài khỉ.
Tôn Ngộ Không ngự trị 3 cõi nhân gian, tu được thuật trường sinh, lấy được Định Hải Thần Châm ở Long cung, khuấy đảo Thiên đình. Thần thánh, cao siêu vậy, tại sao Tôn Ngộ Không lại bị Hắc Bạch Vô Thường kéo được xuống âm phủ?
Suy cho cùng, thời điểm đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không thực chất cũng chỉ là một con khỉ bình thường, bản chất động vật, nhưng hơn giống loài là hắn biết Đạo pháp.
Chuyện Hắc Bạch Vô Thường bắt được âu cũng là lẽ bình thường.
Bởi bản tính ngông ngạo, có căn cơ nên Tôn Ngô Không ngông cuồng, không sợ Hắc Bạch Vô Thường đã đành, còn đánh họ chạy tán loạn.
Tuy nhiên, câu chuyện Hắc Bạch Vô Thường kéo hồn Tôn Ngộ Không xuống địa phủ thực chất là ẩn dụ cho câu chuyện người tu hành đắc Đạo.
Sinh tử xác thực là thuộc về quá trình mà người tu luyện phải vượt qua.
Thạch Hầu thiên tư cực cao, sở hữu năng lực thoát khỏi sự quản lý của các Thần tầng thứ thấp tại địa phủ, vượt qua sinh tử.
Thạch Hầu tiến bộ cực nhanh, ngay từ đầu đã đạt tới trình độ thoát khỏi sinh tử. Người tu luyện, chỉ cần có kiên trì và sức mạnh thân tâm thì việc thoát khỏi sự sinh tử cũng không phải là việc khó, nhưng đây mới chỉ là sự khởi đầu.
Đối với người tu đạo, sinh tử vốn không phải là sự trở ngại, “thị tử nhi quy” (coi cái chết tựa như sự trở về), thực ra bắt nguồn từ đó, chết không có gì là đáng sợ hết, tựa như về nhà giống nhau.
Tôn Ngộ Không dù sao cũng là Thái Ất kim tiên, việc từ âm phủ trở về nhân gian đơn giản trong chớp mắt phải chăng nói về lẽ đó?
Sẽ chẳng có chuyện gì nếu Tôn Khỉ chỉ là một con khỉ bình thường, một con khỉ không có cảm thức về cái chết như con người. Chỉ vì khao khát thuật trường sinh mà khỉ đá chấp nhận lênh đênh 12 năm trên biển để đến đạo quán của Bồ Đề Tổ Sư học đạo thuật trường sinh, đi ngược lại quy luật của thiên, cãi lại quy luật sinh - lão - bệnh - tử.
Thế nhưng, dù có học 72 thuật nhân tâm thì Tôn Ngộ Không cũng chỉ là một con yêu hầu không qua nổi vòng tử sinh, không thể thành tiên thành Phật và càng không thể trường sinh bất lão. Chỉ đến khi bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm, trải qua 81 kiếp nạn mới đắc quả vị chân nhân đạt đến độ bất tử, bạch nhật phi thăng.
Hắc Bạch Vô Thường - kẻ mạnh có siêu lực áp giải hồn Tề Thiên Đại Thánh
Hắc Bạch Vô Thường trầm lặng chính là người hộ tống các linh hồn trở về địa ngục. Họ làm việc công chính, liêm minh, lạnh lùng, đúng người đúng tội nên còn là biểu tượng của công lý, lẽ phải.
Bạch Vô Thường hoạt bát, mặc áo bào trắng, đầu đội mũ cao, trên mặt vẽ hình con dơi đen trắng, tay cầm cái cùm hình con cá.
Hắc Vô Thường mặc đồ đen, đầu đội mũ tròn, mặt vẽ hình mắt đen trắng, tay cầm thẻ bài hình vuông, phía trên ghi “Thiện ác phân minh”.
Tương truyền, Bạch Vô Thường còn có tên khác là Phạm Vô Cứu, Hắc Vô Thường tên là Tạ Tất An, họ là đôi bạn rất thân cùng làm sai nha ở nha môn. Một hôm, hai ông đang trên đường đi công cán cho huyện lệnh thì đột nhiên trời đổ mưa rào. Tạ Tất An định vào nhà dân gần đó mượn lấy một chiếc ô. Ông bèn bảo Phạm Vô Cứu đợi dưới chân cầu. Khi Tạ Tất An vừa đi khỏi thì nước sông đột nhiên dâng cao. Phạm Vô Cứu vì sợ Tạ Tất An tìm không thấy mình, nên giữ đúng lời hẹn nhất quyết không chịu rời đi đến mức bị nước lũ cuốn trôi. Sau khi Tạ Tất An cầm ô tất tả chạy tới, phát hiện thấy người bạn thân đã bị nước nhấn chìm, ông vốn định nhảy sông tự tử dùng cái chết để tạ tội, nhưng do quá cao nên Tạ Tất An đành phải treo cổ lên dầm cầu. Ngọc Hoàng biết tình cảm sâu đậm của hai người, bèn sắc phong cho họ là Thần tướng, hầu hạ bên cạnh Diêm Vương chuyên bắt kẻ xấu.
Tương truyền Hắc Bạch Vô Thường chuyên đi tuần trên đường lúc đêm hôm khuya khoắt để bắt linh hồn những kẻ xấu tới âm tào địa phủ.
Tương truyền rằng tấm lòng Bạch Vô Thường rất lương thiện. Dẫu người khác có đắc tội ông cũng không để bụng. Còn Hắc Vô Thường thì lại rất nóng tính. Đó là do khi nước sông dâng lên cao quá đầu, cận kề cái chết, ông vẫn đang giãy giụa giữa con nước lớn nên sắc mặt chuyển thành màu đỏ đen, từ đó tính khí trở nên gắt gỏng, không chịu tha thứ cho người phạm tội.
Mỗi khi đi chơi hội chùa, trên người tượng Hắc Bạch Vô Thường có treo một xâu bánh gọi là “bánh cô độc”, nhiều người phụ nữ sẽ xin mang về cho trẻ nhỏ trong nhà của mình ăn. Nghe nói ăn rồi có thể khiến cho trẻ nhỏ bình an chóng lớn.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" 1986)


KỲ VI: TẠI SAO BỒ ĐỀ TỔ SƯ LẠI ĐUỔI TÔN NGỘ KHÔNG RA KHỎI ĐẠO QUÁN?
Sau khi tầm sư học đạo trên Linh Đài Phương Thốn, Tôn Ngộ Không được đích thân Bồ Đề Tổ Sư dạy 72 phép Thiên địa sát. Song cuối cùng Ngộ Không vẫn bị đuổi khỏi pháp trang. Là do Ngộ Không phạm sai lầm hay vì một nguyên do nào khác?
Trong lòng Bồ Đề Tổ Sư sớm đã chọn Ngộ Không là đệ tử chân truyền.
Tôn Ngộ Không là con khỉ đá thác sinh do Trời - Đất, được thiên địa hoá dục mà thành, vốn sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời.
Bẩm sinh căn cơ tốt phi thường, sớm ngộ lẽ vô thường, tầm sư học Đạo. Lênh đênh trên biển lớn, cuối cùng Ngộ Không đến Linh Đài Phương Thốn theo học Bồ Đề Tổ Sư.
Bồ Đề Tổ Sư trong Tây Du Ký ẩn cư tại Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động.
Linh Đài Phương Thốn sơn gọi tắt bằng chữ đầu và chữ cuối là “Linh sơn”, “Tà Nguyệt Tam Tinh” chính là vật trên thiên thượng, ám chỉ “bầu trời”. Hợp nhất chúng lại chính là: Thiên Thượng Linh Sơn.
Đến nơi, Tôn Ngộ Không nhìn thấy Bồ Đề Tổ Sư: “Ngồi ngay ngắn nghiêm trang trên bệ, ở phía dưới, hai bên có 30 tiểu tiên đứng hầu. Quả nhiên là: Kim tiên đại giác sạch ghê, Phương Tây diệu tướng Bồ Đề tổ Sư. Không sinh diệt, đức cao xa, Thần tròn khí vẹn rất là từ bi. Chân như bản tính an vi. Tự nhiên không tịch, tùy nghi biến dời. Trang nghiêm thọ sánh đất trời, Pháp sư muôn kiếp sáng ngời là đây”.
Bồ Đề Tổ Sư hỏi: “Nhà ngươi tên gì?”, Thạch Hầu nhanh miệng trả lời: “Con không có danh tính. Nếu người khác chửi con, con không thấy phiền não; nếu người khác đánh con, con cũng không tức giận; chỉ là lấy lễ đáp lại là được. Một đời không có tên”.
Chỉ một câu nói của con khỉ đá, Bồ Đề Tổ Sư đã phát hiện được căn cơ của Thạch Hầu, Bồ Đề Tổ Sư đã truyền dạy đạo pháp trường sinh cùng 72 phép biến hóa (Thất thập nhị huyền công - Địa Sát).
Tổ Sư Bồ Đề hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của Hầu vương không tầm thường nên cũng đã cố ý đưa ra mấy thứ thuật loại tiểu đạo kia để thử lòng. Khi Ngộ Không từ chối không học, Tổ Sư cũng tỏ vẻ giận dữ vô cùng. Tây Du Ký kể rằng: “Tổ Sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
- Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không 3 cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài”.
Bề ngoài thì là giận dữ, nhưng trong lòng Tổ Sư sớm đã chọn Ngộ Không là đệ tử chân truyền. Việc ông cho Ngộ Không mấy gậy “bổng hát” chính là điểm hóa mà trừ Hầu vương ra thì chẳng một ai có thể hiểu.
Bởi vì: “Lúc ấy cả bọn đều oán ghét và khinh bỉ Ngộ Không. Nhưng Ngộ Không chẳng tức giận, chỉ vui cười. Nguyên do Ngộ Không vốn đã ngầm hiểu ý của sư phụ, nên không tranh cãi với chúng bạn, chỉ lặng thinh không nói. Tổ sư đánh ba cái, có nghĩa là bảo phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng, đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, rồi đi vào lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho”.
Khi đặt tên cho Ngộ Không, Bồ Đề Tổ Sư đã xuất phát từ chữ “Tôn” trong “Hồ Tôn” nghĩa là khỉ. “Không” là cảnh giới cao nhất để đạt đến viên mãn, đắc đạo, là hoàn toàn vô niệm.           Chỉ khi đạt đến trạng thái “Không” này, người tu luyện mới có thể thực sự trở về với chân ngã và bản nguyên cao quý của chính mình.
Căn cơ phi phàm là thế, nên ngay từ khi vừa mới bước chân vào tu luyện, Ngộ Không đã có thể hiển tài năng hiếm có, đạt đến một tầng thứ rất cao, có thể làm náo động thiên cung mà không một vị thần tiên nào thu phục được.
Bị đuổi khỏi đạo quán và bí mật phía sau
Lại nói đến chuyện học của Tôn Ngộ Không, có vẻ Bồ Đề Tổ Sư sớm đoán được ý đồ của con khỉ ấy. Đạo gì không học nhất quyết muốn học đạo Trường sinh bất lão.
Tu luyện phép trường sinh ấy kỳ thực chính là thoát khỏi sự khống chế của Ngũ hành, cao hơn nữa chính là vượt ra ngoài Tam giới, không chịu vòng luân hồi, sinh tử để đạt đến quả vị của La Hán, Chân Nhân.
Sau khi được truyền dạy 72 phép thần thông cùng thuật Cân đẩu vân (cưỡi mây), Tôn Ngộ Không dương dương tự đắc biến hoá hết vật này sang vật nọ.
Bồ Đề Tổ Sư biết chuyện quát đuổi những người khác đi và gọi Ngộ Không tới quở phạt: “Ngộ Không, lại đây! Ta hỏi ngươi sử dụng tinh thần thế nào? Biến thế nào ra cây tùng? Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi”.
Cuối cùng Tổ Sư bèn đuổi Ngộ Không đi, hơn thế, Tổ Sư còn bắt Ngộ Không thề rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông.
Có lẽ ẩn ý của một tiên nhân đắc đạo không phải tầm thường. 72 phép biến hoá thực chất là 72 tâm niệm của con người. Học thần phép là học về Tâm đạo, khiêm tốn.
Tôn Ngộ Không trổ phép thần thông vì sự kích tướng của đồng môn ấy là khoe mẽ, muốn được người khác nịnh bợ. Với người tu hành mà nói, đây là một loại tâm lý hết sức không tốt. Thực chất sự khoe khoang, cậy mình có tài, sau này ắt là chuốc vạ vào thân.
Tuy nhiên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không không phải vì giận, bởi vì vị cao nhân ấy sớm biết rõ tương lai của Tôn Ngộ Không gập ghềnh mà vinh quang. Bồ Đề Tổ Sư đoán trước được rằng: “Chuyến đi này, hẳn gặp điều không hay, nhà ngươi có gây vạ hành hung cũng không được nói là đồ đệ của ta”.
Sau này, quả nhiên Ngộ Không đã gây ra biết bao nhiêu chuyện kinh thiên động địa khiến bản thân bị giam cầm dưới núi Ngũ Hành 500 năm.
Đó đã là an bài từ trong số kiếp của y, mệnh trời khó cưỡng, Tổ Sư dù đoán được trước, song thiên cơ bất khả lộ. Bồ Đề Tổ Sư biết tên đồ đệ này có căn cơ lớn, mặc dù ương bướng gây họa nhưng tiềm ẩn cốt cách thăng Phật, có thể tu thành chính quả. Vậy nên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là đặt nền móng cho Ngộ Không, tiễn biệt Ngộ Không trên đoạn đường học Đạo.
Việc Bồ Đề Tổ Sư dạy Ngộ Không 72 phép Địa Sát cũng là trang bị trước cho Ngộ Không chút “vốn liếng” trong cuộc vân du bốn biển dài đằng đẵng kia. Hơn nữa, Ngộ Không đã tu luyện thành Thái Ất Tiên, về cơ bản đã hoàn toàn khai ngộ trong môn của Tổ Sư Bồ Đề, giữ y lại trong núi cũng chẳng ích gì.
Đã học thành tài, ắt phải có đất dụng võ. Tổ Sư đuổi Ngộ Không, bề ngoài nhìn thì là trách phạt nặng nề, khai trừ khỏi sư môn nhưng thực chất là tạo cho y cơ hội lập thành công đức to lớn và tu luyện thêm một lần nữa trong Phật môn.
Con đường tu luyện của Ngộ Không là rất đặc biệt, đầu tiên là khai ngộ trong Đạo gia, sau đó lại tu đến cảnh giới Phật trong Phật môn. Thần Phật đã sớm an bài Ngộ Không là trợ thủ đắc lực phò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Ngay cả chuyện yêu ma quỷ quái chặn đường cũng chỉ đơn giản là bài kiểm tra khảo nghiệm lòng kiên định của 4 thầy trò chứ hoàn toàn không dám phá hoại việc đi tìm con đường chân tu.

(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ V: LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRƯ BÁT GIỚI MẠNH HƠN CẢ TÔN NGỘ KHÔNG
Nếu nhìn nhận một cách khách quan thì Trư Bát Giới mạnh hơn Tôn Ngộ Không về phép thuật, mặc dù số lượng phép của Lão Trư chỉ bằng một nửa Hầu huynh.
Trư Bát Giới kỳ thực là đối thủ đáng gờm của Tôn Ngộ Không
Trong suy nghĩ của nhiều người, Trư Bát Giới không những vô dụng mà còn rất biết cách ăn hại. Tuy nhiên, khách quan mà nói, Bát Giới chính là “thiên tài ẩn dật” nhưng vì lười nên không phô bày hết nội công của mình. So về phép, Trư Bát Giới khiến Tôn Ngộ Không kiêng nể vài phần vì mức độ nguy hiểm.
Kỳ thực, nội công của Lão Trư thuộc dạng cực kỳ thâm hậu, thậm chí 36 phép Thiên Cang của Ngộ Năng còn nguy hiểm hơn cả 72 phép Địa Sát của đại sư huynh Tôn Ngộ Không được Bồ Đề Tổ Sư truyền dạy.
Nguyên là Thiên Bồng Nguyên Soái chỉ huy hơn 8 vạn thuỷ binh ở thiên đình, Trư Bát Giới tu luyện thành thạo 36 phép Thiên cang của Đạo giáo.
Trong đó một số phép thuật khá “bá đạo” làm điên đảo trời đất, thậm chí cải tử hoàn sinh.
Trong trận chiến giữa Tôn Ngộ Không và Hồng Hài Nhi, Tôn Ngộ Không bị lửa Tam muội làm mê man bất tỉnh.
Tôn Ngộ Không mới thực là người thiếu thực tế, ham đánh nhau, ham danh hão ỷ là anh em với Ngưu Ma Vương mà chủ quan với tiểu yêu Hồng Hài Nhi.
Trong khi đó, Trư Bát Giới thực tế hơn nói rằng: “Ba năm chẳng tới sân, dầu quen cũng xa lạ, huống chi chuyện kết nghĩa cách 5, 6 trăm năm chẳng hề có thăm viếng mà nó chịu nhìn hay sao?”.
Hơn nữa, Trư Bát Giới biết rõ ngọn ngành về ngọn lửa Tam muội nên mới chạy còn Tôn Ngộ Không bị lửa suýt làm hỏng con mắt.
Khi Tôn Ngộ Không mê man bất tỉnh, chính Trư Bát Giới là người cứu sống bởi trong 36 phép Thiên Cang có thuật cứu sống người, đó là thuật Khởi tử hồi sinh. Nếu có thuật này trong tay thì người đó nhất định mạnh nhất cửu giới.
36 phép Thiên Cang của Trư Bát Giới gồm:
1. Oát toàn tạo hóa: Điều khiển trời đất, tạo ra một thế giới giả mà thật, chỉ những người có pháp thuật cao siêu mới luyện được chiêu này.
2. Điên đảo âm dương: Đảo lộn đất trời, thay đổi những lẽ thường của tự nhiên, khiến cho vạn vật di chuyển ngược lại với tạo hóa và thể hiện pháp lực cao thâm của các đạo gia.
3. Di tinh hoán đẩu: Có thể hoán đổi vạn vật trong vũ trụ cho nhau, từ Thần thánh, con người cho đến các loài thú vật hay quỷ quái, yêu ma.
4. Hồi thiên phản nhật: Đêm tối sẽ lập tức biến thành ban ngày.
5. Hoán vũ hô phong: Hô mưa gọi gió.
6. Chấn sơn hám địa: Bất cứ lúc nào cần cũng có thể dễ dàng tạo ra những cơn địa chấn.
7. Giá vụ đằng vân: Cưỡi mây.
8. Hoạch giang thành lục: Có thể biến một khu vườn hay một dòng sông thành bãi đất trống chỉ trong một tích tắc.
9. Phiên giang giảo hải: Có thể tạo ra những con sóng lớn khiến Long cung chao đảo, chính vì vậy, thuật pháp này là nỗi khiếp đảm của tất cả các Long Vương.
10. Chỉ địa thành cương: Chỉ tay hoá đá vạn vật.
11. Ngũ hành đại độn: Tự do xáo trộn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
12. Lục giáp kì môn: Đây là một chiêu thức thần bí khiến cho người sử dụng có sức mạnh phi thường trong quá trình chiến đấu.
13. Nghịch tri vị lai: Tiên tri.
14. Tiên sơn dịch thạch: Di chuyển núi đá.
15. Khởi tử hồi sinh: Cứu sống những người đang cận kề cái chết hoặc vừa mới chết.
16. Phi thân thác tích: Trong tình thế hiểm nguy có thể dễ dàng thoát thân ra bên ngoài và ẩn mình.
17. Cửu tức phục khí: Tập hợp linh khí của đất trời để điều trị các vết thương và nhanh chóng khôi phục lại trạng thái ban đầu.
18. Đạo xuất nguyên dương: Giúp phát huy hết tất cả nội công thâm hậu ra bên ngoài.
19. Hàng long phục hổ: Hàng phục thần thiên, yêu ma.
20. Bổ thiên dục nhật: Một thủ pháp giúp thực hiện những việc không tưởng và thay đổi thế vận.
21. Thôi sơn điền hải: Người thành thạo thuật pháp này có thể dễ dàng lên núi cao, xuống biển sâu.
22. Chỉ thạch thành kim: Biến giấy thành tiền, biến sỏi đá thành vàng bạc châu báu.
23. Chính lập vô ảnh: Tàng hình.
24. Thai hóa dị hình: Có thể biến một người lớn thành một đứa trẻ, trong vòng 7 ngày, đứa trẻ đó sẽ lớn lên, nhưng hình dáng bên ngoài không nhất định quay trở về trạng thái ban đầu.
25. Đại tiểu như ý: Biến người hoặc vật từ lớn thành bé, từ bé thành to chỉ trong vòng một nốt nhạc.
26. Hoa khai khoảnh khắc: Tạo khung cảnh ảo mộng.
27. Du thần ngự khí: Một thuật pháp cầu gọi thần linh.
28. Cách viên động kiến: Nhìn xuyên thấu vạn vật.
29. Hồi phong phản hỏa: Tạo ra sức mạnh thông qua sự kết hợp tuyệt vời giữa gió và lửa.
30. Chưởng ác ngũ lôi: Thuật Ngũ Lôi có nguồn gốc sâu xa và vô cùng phức tạp, là một thuật pháp có sức công phá vô cùng lớn.
31. Tiềm uyên súc địa: Di chuyển trog nước, thu hẹp khoảng cách ngàn dặm để kéo những vật ở nơi xa xôi về bên mình.
32. Phi sa tẩu thạch: Điều khiển gió, cát và sỏi đá làm vũ khí công kích đối phương.
33. Hiệp sơn siêu hải: Băng núi vượt sông trong nháy mắt.
34. Tát đậu thành binh: Chỉ cần ném một nhúm những hạt đậu bé xíu xuống đất, một đội quân cứu viện hùng hậu sẽ lập tức hiện ra.
35. Đinh đầu thất tiễn: Lời nguyền tước đoạt sinh mệnh của kẻ thù.
36. Tung địa kim quang: Di chuyển vạn dặm chỉ sau một cái chớp mắt.
Trư Bát Giới sở hữu phép thuật cao cường, song ít khi sử dụng hiệu quả trong chiến đấu là bởi nhân vật này quá kém thông minh, đồng thời cũng do bản tính luôn thích ăn chơi hưởng thụ chứ ít khi nghiêm túc chiến đấu hết sức.
Trư Bát Giới và con đường tu thành chính quả
Trong Tây Du Ký, Thiên Bồng Nguyên Soái bởi vì say rượu, đùa giỡn chọc ghẹo Hằng Nga nên đã bị Ngọc Hoàng trục xuất khỏi Thiên giới.
Trong lúc say, xuống cửa trần đầu thai, Thiên Bồng Nguyên Soái ngã nhầm vào cửa lợn, hóa kiếp thành con lợn ở dương gian.
Sau khi hạ phàm, Thiên Bồng Nguyên Soái nương thân ở động Vân Sạn, lấy tên là Chu Cương Liệt (Trư Cương Liệp). Về sau, Trư Cương Liệp được Bồ Tát giới hành, cắt đứt đi ngũ huân (5 thứ gia vị người tu hành không ăn) và tam yếm (3 loài kiêng không giết thịt). Về sau, Đường Tăng đặt cho cái tên là “Bát Giới”.
Quan Thế Âm Bồ Tát đặt tên cho Thiên Bồng Nguyên Soái là Trư Ngộ Năng triết tự là: Chữ “Trư” nghĩa là lợn, tượng trưng cho dục vọng của người tu luyện; còn chữ “Năng” nghĩa là tài năng, bản lĩnh, và khả năng. Trư Ngộ Năng có nghĩa là “con lợn (tái sinh) ngộ ra khả năng của mình” để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng.
Cùng Đường Tăng đến Linh Sơn bái Phật cầu kinh, Trư Bát Giới từng chút từng chút hành “giới” và cuối cùng đã hoàn thành được 8 giới này.
Giới tham ăn
Bởi vì tham ăn nên trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã gặp rất nhiều phiền toái, vô cùng nguy hiểm. Nếu không có sự ngăn cản, trợ giúp kịp thời của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sớm đã trở thành “món ngon” trong miệng bầy yêu quái.
Giới háo sắc
Khi bắt đầu bước trên hành trình đến Tây Thiên lấy kinh, Trư Bát Giới hễ nhìn thấy mỹ nữ thì không còn phân biệt được người hay yêu quái nên đã nhiều lần bị nguy hiểm.
Về sau này, Bồ Tát hóa phép tạo ra quan ải tình sắc khiến cho Trư Bát Giới dần ngộ ra, tính háo sắc này của Trư Bát Giới mới được giảm bớt đi.
Giới tham của
Trên đường đi lấy kinh, núi cao, nước sâu lại có vô vàn khổ nạn giữa đường. Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc, áng chừng phần của cải của mình trong đoàn rồi sau đó chạy lấy người.
Hơn nữa Lão Trư còn có tật “tắt mắt” thấy của lạ vô chủ là chẳng nghĩ chẳng rằng cho ngay vào túi. Thế mới có chuyện bị yêu quái Độc Giác Tỉ bắt đi gây nhiều phiền toái cho Tôn Ngộ Không giải cứu.
Trải qua nhiều kiếp nạn, dưới sự ra sức “mắng nhiếc” của Tôn Ngộ Không và lời khiển trách của Sa Tăng thì ý niệm phân chia tài sản trong đầu Trư Bát Giới mới dần dần mất đi.
Giới đố kỵ người tài
Không chỉ mang hình hài “nửa lợn, nửa người”, mà ở Bát Giới còn hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị và thích đặt điều nói xấu huynh trưởng đồng môn.
Sư phụ Đường Tăng trong lòng ít nhiều cũng hiểu rõ tâm đố kỵ này của Trư Bát Giới, Ngộ Không và Ngộ Tĩnh nhiều lần tố giác, khiển trách đúng lúc mới khiến cho “âm mưu” của Trư Bát Giới lần lượt thất bại. Dần dần, Trư Bát Giới đã vượt qua được khuyết điểm lợi cho địch, hại cho bản thân này, khiến cho bản thân mình hoàn toàn dung nhập, hỗ trợ sư huynh, sư đệ hoàn thành sứ mệnh lấy kinh.
Giới giả dối
Trư Bát Giới đã có rất nhiều lần làm chuyện lừa gạt, dối trá. Đứng trước hành vi không tốt này, Tôn Ngộ Không đã nhiều lần sử dụng phép biến hóa của mình để kịp thời vạch trần và uốn nắn cho Trư Bát Giới. Điều này dần dần giúp Trư Bát Giới tỉnh ngộ.
Giới nhàn hạ
Khi Tôn Ngộ Không bị đuổi đi, Trư Bát Giới vì tham ngủ nên đã làm hại Đường Tăng bị yêu quái bắt vào huyệt động. Không những thế, nhiều lần trên đường đi xin đồ ăn, Trư Bát Giới lại trốn ở trong rừng cây ngủ ngon lành không màng thế sự.
Giới sợ khổ, sợ khó
Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc không muốn tiếp tục đi Linh Sơn bái Phật cầu kinh.
Những lúc ấy, sư phụ Đường Tăng, sư huynh Tôn Ngộ Không và sư đệ Sa Tăng đều ra sức khai thông, khuyến khích Trư Bát Giới.
Cuối cùng, Trư Bát Giới cũng cam tâm tình nguyện hết lòng hết sức cho sứ mệnh của mình và hoàn toàn thoát ra khỏi loại tâm sợ khó sợ khổ này.
Giới tham công lao
Cũng chính vì không giữ đạo hạnh, buông thả nhân tâm, nên Bát Giới khó có thể phát huy các thần thông vốn có của mình, lại thường hay thoái lui trong các cuộc trừ yêu diệt quái.
Nhưng Trư Bát Giới lại có tính tham công lao, luôn lấy công lao của người khác ghi tạc thành công lao của bản thân. Vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở “Ngộ Năng” và “Bát Giới”, cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.

(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ IV: Ý NGHĨA THỰC SỰ ĐẰNG SAU HÌNH TƯỢNG CỦA 5 THẦY TRÒ ĐƯỜNG TĂNG
Năm xưa, Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường đi thu nạp 4 đồ đệ: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và ngựa Bạch Long Mã. Tại sao lại là 4 chứ không phải là một con số khác?
Mở đầu Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân viết: “Dục trị tạo hóa hội nguyên công, tu khán Tây Du thích ách truyện”, nghĩa là muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây Du Ký.
Năm xưa, Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường đi thu nạp 4 đồ đệ: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và Bạch Long Mã. Sau 81 kiếp nạn sinh tử, thầy trò Đường Tăng thăng giá Linh Sơn bái kiến Phật Tổ Như Lai.
Sau này, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đắc đạo thành Phật, Bạch Long Mã giữ chức Bát Bộ Thiên Long, Sa Ngộ Tĩnh và Trư Bát Giới giữ chức vị La Hán và Sứ giả.
Hoá ra, thực chất 5 sinh mệnh ấy chỉ là một người hay còn được gọi là Ngũ vị nhất thể.
Mỗi nhân vật từ Đường Tam Tạng đến con ngựa Bạch Long đều biểu trưng cho một đặc tính thường thấy của thân và tâm trong mỗi người chúng ta trên hành trình hoàn thiện bản thân.
Đường Tăng - tình cảm, thể xác của con người
Theo diễn biến trong Tây Du Ký, Đường Tăng quả thật có thân thế bất phàm. Kiếp trước của Đường Tăng nguyên là Kim Thiền Tử - đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai.
Bởi người này không nghe giảng Pháp, khinh mạn lời giảng Đạo, cho nên đã bị Đức Như Lai đày đọa chuyển sinh nơi Đông Thổ.
Cho dù có là học trò, đệ tử của Phật Tổ thì khi phạm Phật quy, phạm tội tày đình vẫn phải chịu phạt như người thường.
Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại Đường liền bắt đầu trải qua kiếp nạn. Cậu bé vừa mới sinh ra đời thì cha đã bị giết, mới vừa đầy tháng mẹ đã phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối.
Lớn lên đi tìm họ hàng chẳng hề dễ dàng, về sau trên con đường tu luyện tìm chân kinh phải trải qua muôn ngàn sóng gió, hết tai này đến nạn kia.
Mỗi khi gặp khó nạn chỉ cần trong tâm thoáng có niệm không chính, tâm cầu phật có một chút “lung lay” thôi thì mọi công sức đều đổ bể, hơn nữa lại còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đường đi, Kim Thiền Tử - Đường Tăng thu nạp 4 đệ tử: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, Bạch Long Mã. Bốn thầy trò Đường Tăng kiên định tâm cầu Phật pháp, trải qua 81 nạn mới trở về lại được thế giới Phật.
Thật ra Tây Du Ký chỉ là câu chuyện mượn lý do thỉnh kinh để giãi bày đạo lý làm người, dùng hư cấu văn chương để răn đe người đời tính thiện nhân và tu dưỡng tâm tính.
Ai trong chúng ta cũng đều có thể là một Đường Tăng. Đều là thể xác, có những điểm mạnh và điểm yếu, tuy có lúc kiên định nhưng cũng có lúc u mê nhu nhược.
Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính và Bạch Long Mã là ý chí của con người.
Tôn Ngộ Không - Tâm của con người 
Tôn Ngộ Không là con khỉ đá thác sinh do Trời - Đất, được thiên địa hoá dục mà thành, vốn sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời.
Bẩm sinh căn cơ tốt phi thường, sớm ngộ lẽ vô thường, tầm sư học Đạo, trở thành một Thái Ất kim tiên. Được Thượng Đế sắc phong làm Tề Thiên Đại Thánh, ngao du khắp chân trời góc biển, hưởng phúc lành cõi thần tiên.
Chỉ vì sinh lòng ngông ngạo, Tôn Ngộ Không đã đại náo thiên cung, bị Phật Tổ phạt giam dưới núi Ngũ Hành 500 năm, “đói thì cho ăn viên sắt, khát cho uống nước rỉ đồng”. Sau gặp Đường Tăng nguyện ý từ bỏ dục vọng thành tâm đi theo con đường Phật pháp.
Người Trung Hoa có câu: “Tâm viên ý mã” (tâm con khỉ, ý con ngựa), nghĩa là tâm trí con người ta thường xáo động và dễ mất kiểm soát. Vì thế, Tôn Ngộ Không chính là đệ tử của trái tim, đại diện cho chữ Tâm của người tu hành. Trái tim ấy liên tục cử động không yên, tự do tung hoành giữa trời đất đầy những chuyện thiện - ác lẫn lộn.
Vì vậy, về sau này Quan Âm Bồ Tát đã phải tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô và bài “Khẩn cô nhi chú” để khắc chế cái tâm này với Tôn Ngộ Không.
Trong chuyến hành trình đi tìm chân kinh, duy chỉ có Ngộ Không thật sự từ bỏ ma tâm để sống với thiện tâm, một lòng học Đạo, phò tá sư phụ Đường Tăng, trừ gian diệt ác, lấy lại lẽ phải, công bằng để cuối cùng đạt đến cảnh giới cần có để trở thành một vị Phật.
Tu thành chính quả, trên núi Linh Sơn, Đức Như Lai đã tấn phong: “Tôn Ngộ Không, nhà ngươi phò Đường Tăng dọc đường trừ ma diệt ác có công, sau trước vẹn tròn, gia phong người chức Đấu chiến thắng Phật”.
Còn một lẽ nữa, những ai theo dõi kỹ Tây Du Ký đều biết Tôn Ngộ Không chu du khắp bốn biển tìm tiên cầu Đạo, cuối cùng trở thành đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư trên núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh.
Thực chất Tà Nguyệt Tam Tinh chính là chữ “Tâm”. Vậy nên, ngụ ý sâu xa rằng Tôn Ngộ Không là thể hiện cho chữ Tâm của người tu hành.
Trong Kinh Lăng Nghiêm còn viết rằng Tâm có 72 tướng, tương ứng với 72 phép biến hóa của Ngộ Không. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau. 
Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí tuệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái luyện đan của Thái Thượng Lão Quân không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành Hỏa nhãn kim tinh.
Bạch Long Mã - ý chí con người
Bạch Long Mã gốc tên là Quảng Tấn, con trai của Tây Hải Long Vương, ngày trước là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Cung, là một người khôi ngô tuấn tú, song vì làm hỏng báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng đế ban tặng nên bị đày tội chết. Sau này, Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho phò giá Đường Tăng để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra.
Khi phò giá Đường Tăng, Tây Hải Long Vương Tam Thái Tử là một con ngựa, rất ít khi cùng các sư huynh tham gia chiến đấu với yêu quái, duy chỉ trong trận Hoàng bào quái là một lần hiếm hoi ông tham gia chiến đấu và báo cho Trư Bát Giới biết Đường Tăng đã bị Hoàng bào quái biến thành hổ.
Tây Hải Long Vương Tam Thái Tử do có công lao cõng Đường Huyền Trang, phụ giúp các sư huynh trên đường đến Tây Thiên nên được phong làm Bát Bộ Thiên Long.
Bạch Long Mã là đại diện cho ý cuối cùng của Ngũ vị nhất thể - Tâm viên ý mã.
Cái Tâm đã là Tôn Ngộ Không thì cái Ý là Bạch Long Mã. Cái Ý ở đây chính là ý chí, sự quyết tâm tiến về phía trước không lùi lại.
Cũng bởi con ngựa này luôn tiến về phía trước mới có thể chở được Tam Tạng tới Tây Phương. Bạch Long Mã thường được coi là em út trong đoàn, nhưng tác giả vẫn cho Bạch Long gặp Đường Tăng và Tôn Ngộ Không trước cả Bát Giới và Sa Tăng.
Bởi muốn đi tiếp thì cần phải “Tâm Ý hợp nhất”, Tôn Ngộ Không chính là người thu phục Bạch Long Mã, tức là tâm ý đã hợp nhất, đồng lòng tiến lên.
Cái ý chí tiến lên còn phụ thuộc vào cái tâm, phải “toàn tâm toàn ý” mới có thể chuyên tâm tu hành, tiếp tục tu hành không lùi bước.
Trư Bát Giới - dục vọng, sân si của con người
Trư Bát Giới lúc đầu giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái ở Thiên Đình, là người chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình.
Cùng với men say của rượu, Bát Giới đã tán tỉnh Hằng Nga, không những thế Thiên Bồng Nguyên Soái còn tới phủ của Hằng Nga để trêu ghẹo nàng. Quá tức giận, Hằng Nga đã tâu với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng tức giận đày Thiên Bồng Nguyên Soái xuống hạ giới.
Trong lúc say, xuống cửa trần đầu thai, Thiên Bồng Nguyên Soái ngã nhầm vào cửa lợn, hóa kiếp thành con lợn ở dương gian.
Quan Thế Âm Bồ Tát đặt tên cho Thiên Bồng Nguyên Soái là Trư Ngộ Năng triết tự là: Chữ “Trư” nghĩa là lợn, tượng trưng cho dục vọng của người tu luyện; còn chữ “Năng” nghĩa là tài năng, bản lĩnh, và khả năng. Trư Ngộ Năng có nghĩa là “con lợn (tái sinh) ngộ ra khả năng của mình” để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng.
Trư Bát Giới vốn là hạng phàm phu tục tử, biếng lười trụy lạc, loạn tính dâm tòng. Xuất phát điểm như thế, nên Bát Giới trong quá trình tu luyện cũng phải đối mặt với hết thảy mọi nhân tâm và dục vọng. Trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã gặp rất nhiều phiền toái, vô cùng nguy hiểm chỉ vì tham ăn, tham ngủ. Nếu không có sự ngăn cản, trợ giúp của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sớm đã trở thành “món ngon” trong miệng bầy yêu quái.
Cũng chính vì không giữ đạo hạnh, buông thả nhân tâm, nên Bát Giới khó có thể phát huy các thần thông vốn có của mình, lại thường hay thoái lui trong các cuộc trừ yêu diệt quái.
Nhưng Trư Bát Giới lại có tính tham công lao, luôn lấy công lao của người khác ghi tạc thành công lao của bản thân. Mỗi khi gặp yêu quái ngăn trở, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không có kế thì Trư Bát Giới luôn áng chừng phần của cải của mình trong đoàn và nhớ kỹ rồi sau đó chạy lấy người.
Không chỉ mang hình hài “nửa lợn, nửa người”, mà ở Bát Giới còn hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị và thích đặt điều nói xấu huynh trưởng đồng môn.
Trên đường đi lấy kinh, núi cao, nước sâu lại có vô vàn khổ nạn giữa đường. Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc. Hay nói theo cách khác, vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở “Ngộ Năng” và “Bát Giới”, cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.
Sa Ngộ Tĩnh - bản tính và sự nhẫn nại của con người
Sa Tăng vốn là Quyển Liêm đại tướng trên thiên đình, chỉ vì nhỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly mà bị Ngọc Hoàng đày xuống làm yêu quái ở Lưu Sa Hà nơi hạ giới, chuyên làm hại dân lành và đòi ăn thịt trẻ con.
Trong Thi thoại Đường Tam Tạng thỉnh kinh được viết trước khi tác phẩm Tây Du Ký ra đời, Sa Tăng từng nói với Tam Tạng pháp sư: “Dưới cổ ta là những đầu lâu của người mà ta đã từng ăn thịt”.
Và đó chính là mạng sống của 9 hoà thượng trước đó - cũng chính là 9 kiếp trước của Đường Tăng. Về sau, nhờ sự giúp sức của Bồ Tát mà chính Đường Tăng lại cảm hoá được Sa Tăng ở kiếp thứ 10.
Sau khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Sa Ngộ Tĩnh đã từ bỏ được rất nhiều ma tính của mình trong quá khứ. Ngộ Tĩnh dắt ngựa, mang hành lý, làm việc rất cực nhọc và không tỏ ra giận dữ khi bị phê bình. Vị đồ đệ này đã theo sư phụ của mình một cách kiên định trong suốt cuộc hành trình tới khi đến đích.
Pháp danh của Sa Tăng vì thế là Ngộ Tĩnh: Tĩnh để mà khắc chế cái động, cái chưa thanh tịnh; tĩnh để mà kham nhẫn, chịu đựng.
Vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại tượng trưng bằng 81 kiếp nạn, người quyết chí tu hành mới hoàn thiện chính mình và giác ngộ.

(PH sưu tầm và biên chỉnh)

TRIẾT LÝ TRONG "TÂY DU KÝ" (1986)


KỲ III: TRONG TÂY DU KÝ, ÁO CÀ SA VÀ TÍCH TRƯỢNG CỦA ĐƯỜNG TĂNG ĐẮT GIÁ NHƯ THẾ NÀO?
Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn thắc mắc về giá trị thực của chiếc áo cà sa gấm và tích trượng cửu vàng của Đường Tăng trong Tây Du Ký.
Thực chất, vật quý báu nhất trên đời trong tay Đường Tăng đó là áo cà sa gấm và tích trượng cửu hoàn của Đức Như Lai.
Trong giới tu hành, áo cà sa tượng trưng cho sự khiêm tốn, khổ hạnh, giản dị nhất trên đời. Và chiếc áo cà sa cũng nhắc nhở các vị tu hành về tấm thân vô thường của họ trên thế gian.
Nhớ khi xưa, theo truyền thống Phật giáo, các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp rồi đem về tự mình nhuộm màu, chắp nối và may lấy áo để mặc. Bởi vậy, chiếc áo cà sa mới mang hình của các mảnh vải vụn được ráp nối với nhau.
Gậy tích trượng là một trong 18 món đồ vật của nhà sư. Tích trượng còn có tên là Đức trượng, nghĩa là chiếc gậy trí huệ và đức độ, theo suốt người xuất gia học đạo giải thoát, tu thành chính quả.
Cà sa là áo giáp chở che, tích trượng để thêm sức cho đôi chân vững vàng trụ lập. Cà sa và tích trượng ấy chính là đạo đức chân chính của con người. Có đạo đức, con người đủ khả năng tự phòng thủ, tự bảo vệ mình khỏi sa chân vào tội lỗi lạc lầm, tránh xa được sự trừng phạt của ngục hình.
Trong Tây Du Ký, không khó để nhận ra chiếc áo cà sa và tích trượng của Đường Tăng được liệt vào trong danh sách những bảo vật xưa nay hiếm, người trần thèm muốn, yêu ma nảy lòng tham, đến những vị Thần tiên cũng trầm trồ muốn được sở hữu.
Chiếc áo cà sa và tích trượng cửu hoàn trong phim Tây Du Ký không chỉ có giá trị về vật chất mà hơn hết nó mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Quan Âm Bồ Tát y lời Phật Tổ cầm áo cà sa và tích trượng hạ phàm trong thân xác của lão hoà thượng đến Đông thổ Đại Đường. Nhìn thấy Đường Tăng giảng pháp ở kinh thành bèn lớn tiếng: “Áo cà sa, gậy tích trượng quý. Ai hiểu vật quý, ta xin biếu. Kẻ không hiểu ngàn vàng cũng không bán”.
Thấy ngạc nhiên, vua Thái Tông liền hỏi vị hoà thượng 2 bảo vật này tại sao lại đắt giá đến vậy. Vị hoà thượng chậm rãi rằng: “Thưa bệ hạ, áo cà sa giá 5.000 lạng, gậy tích trượng giá 2.000 lạng. Áo cà sa này được làm từ tơ con tằm nhả trong băng, được các tiên nga thêu dệt. Trên áo có nhiều báu vật, mặc tấm áo cà sa này không bị đắm chìm trong địa ngục, ngồi thì được vạn Thánh kính chào, đi thì được 7 Đức Thánh Phật tháp tùng. Mặc tấm áo cà sa của ta thì không bị đắm chìm, không sa địa ngục, không gặp tai ương ác độc, không bị hoạn nạn sói lang”.
Nếu sở hữu 2 thứ này, bất kỳ ai cũng có thể tránh bị rơi trong vòng xoáy đầu thai luân hồi (nghĩa là trường sinh) và không bị độc dược làm hại.
Không chỉ vậy, nói về 2 vật báu này, đích thân Phật Tổ Như Lai dặn dò trước đó rằng: “Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy mặc tấm áo cà sa của ta sẽ có thể miễn được vòng luân hồi, giữ chiếc trượng này có thể không bị độc hại”.
Sau khi nhận áo và tích trượng, Đường Thái Tông sai người đem ngân phiếu cho vị hoà thượng, ông liền từ chối rằng: “Tâu bệ hạ, bần tăng đã nguyện từ trước, nếu gặp người đức hạnh, lại tinh thông phật lý thì xin nguyện biếu không. Nay gặp bệ hạ tôn kính phật môn, cao tăng đức độ thông hiểu đại pháp đương nhiên phải biếu không rồi”.
Rồi quay sang hỏi Đường Tăng: Chẳng hay pháp sư có giảng kinh Đại thừa phật pháp. Kinh Tiểu thừa chỉ làm con người sống trong sáng hơn thôi. Ta có một bộ Đại thừa Phật Pháp siêu độ người chết thăng thiên, cứu vớt người hoạn nạn, cởi bỏ cõi vô thường trăm năm, tiêu trừ tai hoạ, được để ở đất Phật Tây Thiên cách thành Lạc Dương 1 vạn 800 dặm. Người dám đi sẽ thành chín quả, sẽ được lên Tiên giới”.
Nghe vậy Đường Huyền Trang thành khẩn rằng: “Đã vậy, đệ tử xin dành chút sức mọn lấy được chân kinh, cầu cho giang sơn của bệ hạ vững bền hơn. Đệ tử đã nguyện ra đi nhất định phải đến được Tây Thiên, nếu không lấy được chân kinh nhất định không trở về”.
Đường Thái Tông Lý Thế Dân nghe vậy xúc động nói: “Nếu pháp sư đã nguyện làm vậy, trẫm nguyện trở thành huynh đệ với pháp sư”.
Quan Âm Bồ Tát bán áo cà sa và pháp trượng, người vô duyên bán 7.000 lượng vàng, người hữu duyên có thể cho không. Đó chính là duyên phận - một vật chất vô hình không có tiền nào mua được. Duyên cũng có thiện duyên và ác duyên. Những sự tình giữa người với người thì cũng chỉ là nhân quả luân báo.
(PH sưu tầm và biên chỉnh)