6 tháng 8, 2012

KHÔN NHÀ DẠI CHỢ

Trần Đăng Khoa
Mấy ngày gần đây, trong những chuyện phiếm bên quán nước vỉa hè, hay trên các hãng truyền thông, đều xôn xao những chuyện không lấy gì làm đẹp, trong phòng khám, phòng điều trị tư nhân có thày thuốc Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn là đã xảy ra cả chuyện chết người. Nạn nhân là một phụ nữ chẳng có bệnh tật gì nghiêm trọng. Một cái chết vu vơ. Chết chỉ vì bị xốc khi truyền nước. Đó là một sơ xuất rất tối thiểu mà ngay cả một trạm xá cấp xã, cấp phường cũng khó vấp phải. Chúng ta không nghi ngờ nền y học Trung Quốc, đặc biệt là Đông y. Tuy nhiên, những thầy thuốc giỏi, những bác sĩ chuyên gia đích thực của họ đâu có sang ta để hành nghề. Làm việc trong mấy phòng khám tư nhân ở ta, có khi chỉ là mấy ông lang băm bán thuốc dạo, hay vài cậu sinh viên non choẹt vừa mới ra trường. Tay nghề không. Thực tiễn không. Kinh nghiệm không. Thế thì tránh sao được chuyện rủi ro, kể cả những cái chết bi thảm, những cái chết vu vơ rất không đáng có.
Điều chúng ta quan tâm, là tại sao những phòng khám tư nhân, với cái giá điều trị ngật ngưỡng ở... trên giời mà vẫn có bao nhiêu người nghèo sẵn sàng dồn cơ nghiệp và cả tính mạng của mình vào đấy để rồi cuối cùng chuốc lấy sự phiền toái, bùng nhùng, cả những cái chết vô cùng thảm khốc? Tất nhiên, ai rồi cũng sẽ chết vì bệnh. Nhưng những bệnh nhân đáng thương ấy không phải chết vì bệnh tật, mà vì bệnh... sùng ngoại. Cái gì của nước ngoài cũng tốt. Đến cả hàng hóa, vật dụng, hàng xách tay, hàng... ngoài luồng cũng đều... tốt cả. Còn những gì của ta cũng đều rẻ rúng, “hâm đơ”. Hãm. Từ hàng hóa, vật dụng, đến cả... con người. Các Hoa hậu của ta, phần lớn cũng sắm... chồng ngoại. Thế thì trách gì mấy bác nông dân chân lấm, tay bùn, bị nhức đầu, sổ mũi, hay cắt trĩ, truyền nước..., toàn những bệnh đơn giản, cũng phải kén bàn tay của bác sĩ ngoại, dù sự kén chọn ấy có phải trả cái giá ngất nghểu ở cái xứ... cung giăng thì cũng cứ chơi. Không đủ tiền thì bán đất cát, nhà cửa. Tính mạng còn chả tiếc thì tiếc gì mấy chục... triệu bọ. (Giá cắt trĩ ở phòng khám tư có thầy thuốc Trung Quốc là 20 triệu đồng).
Thật hẩm hiu cho nền y học “nội địa”. Trong khi đó, chúng ta có rất nhiều thày thuốc giỏi, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Bách, Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Bác sĩ Nguyễn Lân Việt, Lương y Bành Khừu, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu, bác sĩ trẻ Nguyễn Lân Hiếu. Bác sĩ Hiếu là con trai Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng và Thày thuốc Nhân dân, Đại tá hàm Tướng Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Phó Viện trưởng Viện 108 Quân đội. Bác sĩ Lân Hiếu mổ tim thuộc hạng cự phách. Một học giả nước ngoài bảo tôi: “Về y học, chúng tôi chỉ hơn các anh máy móc và điều kiện làm việc thôi. Còn tài năng, kinh nghiệm, và đặc biệt là bàn tay khéo léo, chuẩn xác trong kỹ nghệ mổ xẻ, các bác sĩ của các anh thật đáng kính nể!”.
“Người Việt vốn dĩ có tinh thần cảnh giác cao độ. Kinh nghiệm từ những năm chiến tranh với cái giá quá đắt phải trả đã cho họ đức tính ấy”. Giáo sư J.Berke, một nhà Việt Nam học người Đức đã từng có nhận xét về chúng ta như vậy. Ông đã bảy lần sang thăm Việt Nam. Để khám phá Việt Nam, theo ông, chỉ cần có một công cụ, đó là cái xe đạp. Mà xe đạp thì rất sẵn. Chỉ bỏ ra hơn chục dolla là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe đạp. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường. Họ là những anh hùng trong những năm chiến tranh. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Nhưng tốt nhất là cứ để họ tự nói. Người Việt sởi lởi lắm. Họ chẳng giữ được cái gì ở trong bụng. Nhưng mà đừng hỏi. Nếu cứ thật thà hỏi, hoặc tỏ ý quan tâm, lập lức họ sẽ nghi ngay mình là một thằng gián điệp quốc tế. Với người Việt, tội ác tày trời là tội làm gián điệp. Người Việt nhạy cảm lắm. Cảnh giác lắm, nên nhìn đâu cũng thấy địch!
Nhận xét của J.Berke như một chuyện đùa. Tuy thế, cũng không phải không có những điều khiến ta phải nghĩ ngợi. Một cây bút có tiếng chịu khó tìm tòi, vừa có tác phẩm mới, với giọng điệu hơi lạ, dù chỉ đơn thuần là một cách làm mới mình, để mình không giống với người khác. Vậy mà ông bạn tôi cứ truy hỏi: Cái cậu tác giả ấy là người thế nào? Nó ăn phải cái bả của địch hay do địch cài cắm? Tôi bảo: Chả có địch nào chui được vào hàng ngũ của những người từng vào sinh ra tử. Mà cơ quan ấy cũng là mảnh đất lành. Một môi trường trong veo làm sao có chỗ cho cái ác nảy nở. Nếu cậu không tin, cậu cứ cử về đấy vài ba thằng gián điệp. Tớ bảo đảm với cậu chỉ sau mấy tháng, chúng sẽ thành lao động “tiên tiến” hay cá nhân “bốn tốt”!
Ông bạn tôi bắt đầu cảnh giác. Rồi anh nghi ngờ cả tôi. “Không khéo thằng cha này cũng bị địch tiêm nhiễm rồi cũng nên”. Bà con mình thế đấy. Có thể cảnh giác, nghi ngờ với cả con cái, anh em ruột thịt trong nhà, nhưng lại nhẹ dạ cả tin với thiên hạ. Mà ai nói gì cũng tin. Các cụ bảo đó là bệnh “Khôn nhà dại chợ”.
Còn nhớ những năm 1997 - 1998, thương lái Trung Quốc sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành, khiến cả mùa màng xiêu điêu. Rồi những năm 2002 - 2003, thương lái Trung Quốc cũng lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn vật vã như thế mới có 5 triệu bạc mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã gần một triệu bạc rồi. Thế là bà con lột móng trâu đem bán. Kết cục là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc. Để tiêu diệt cả con trâu, họ chỉ chi khoản tiền bằng đúng một chiếc móng. Thế thì chiếc móng trâu mà thương lái Trung Quốc thu gom là đắt hay rẻ đây?
Chưa hết. Hãy nhớ lại chuyện thu gom ốc bươu vàng, rồi thu gom đỉa của thương lái Trung Quốc mấy năm vừa qua, chúng ta cũng đã phải trả một cái giá đắt đến mức như thế nào? Từ các tỉnh phía Bắc, phong trào thu mua đỉa đã lan đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Nhiều người dân Hóc Môn còn đứng ra thu gom đỉa từ khắp các vùng lân cận. Thấy lợi, dễ làm mà giá cao, nhiều hộ dân Tây Ninh còn nuôi đỉa ngay trong ao hồ để mang bán cho thương lái Trung Quốc. Ngoài việc “sản xuất” đỉa, sản xuất ốc bươu vàng, họ còn đi thu mua của các hộ quanh vùng. Thương lái Trung Quốc mua gì, họ thu gom thứ ấy. Thương lái đặt với số lượng lớn rồi đột ngột “mất tích”. Mà đỉa với ốc bươu vàng sinh sản rất nhanh. Trời mưa, đỉa theo nước ùa vào cả nhà dân. Không phải chỉ trẻ con mà người lớn cũng sợ khiếp vía. Theo các nhà Động vật học, “đỉa là loài rất nguy hiểm do dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện. Đặc biệt, ở những vùng đồng ruộng chiêm trũng. Trong khi đó, để tiêu diệt một con đỉa lại rất khó khăn, ngay cả việc đốt cháy, nếu không cháy hết còn sót lại một vài tế bào, gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể phát triển thành một con đỉa bình thường. Đặc biệt, khi người dân đua nhau nuôi đỉa thì không thể kiểm soát được, đỉa tràn ra môi trường, trở thành hiểm họa, giống như hiểm họa ốc bươu vàng, chuột hải ly, rùa tai đỏ những năm trước đây”.
Thật quái quỷ! Và rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc thu gom chè bẩn cũng lại của Thương lái Trung Quốc trong khu vực các tỉnh phía Bắc. Chỉ tính riêng ở Văn Chấn, Yên Bái, có thể nói, người người sản xuất chè. Nhà nhà sản xuất chè. Mỗi hộ gia đình chỉ bỏ ra 4 triệu đồng mua 2 máy vò chè và sàng chè, là đã thành một xưởng sản xuất chè tại gia. Chỉ sau 1 tuần sản xuất chè bẩn, họ đã thu hồi toàn bộ vốn. Còn sau thì lãi. Ở Hàm Yên, Tuyên Quang, còn có chuyện sản xuất chè bằng cách trộn phân lân hoặc nước bùn đất vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Có một điều rất lạ, chè bẩn làm ra bao nhiêu cũng được thương lái Trung Quốc thu gom hết. Họ còn mua với giá cao. Thương lái Trung Quốc còn đến tận nhà hướng dẫn làm chè bẩn rồi bao tiêu trọn gói. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế về để làm gì thì chỉ có trời mới biết. Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè, với lý do chè Việt bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy thì còn có quốc gia nào giám ký kết, đặt mua. Vậy là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè xiêu điêu. Hàng loạt doanh nghiệp gắn với chè bị phá sản.
Năm 2007, Tập đoàn Bưu chính viễn thông của chúng ta cũng thiệt hại hàng chục triệu USD khi bị cắt trộm mất 11 km cáp quang. Nhiều người cứ thắc mắc, không hiểu kẻ cắp cắt trộm cáp quang để làm gì, bởi chất liệu này không thể bán phế liệu được. Sau đó, khi Công an Bà Rịa - Vũng Tàu bắt được “cáp tặc” Nguyễn Thị Bích Phượng, từ lời khai của thị, mọi người mới tá hỏa: Hóa ra thị tổ chức cắt cáp để bán cho thương lái Trung Quốc. Thị cũng không hiểu thương lái Trung Quốc mua hàng đống cáp quang vụn của thị để làm cái quái quỷ gì?
Cũng may, thương lái Trung Quốc chỉ gom thu chè bẩn, cáp quang, đỉa ốc, móng trâu... Họ mà thu gom hài cốt thì không khéo khối người đào cả mồ mả, ông bà tổ tiên đem bán. Thật đáng sợ.
Bây giờ thì tất cả đã rõ. Bà con ta quá nêu cao cảnh giác, toàn cảnh giác nghi ngờ, rồi ứng xử hà khắc với con em ruột thịt trong nhà, nhưng lại ngờ nghệch, cả tin với người ngoài thiên hạ, cũng vì những lợi ích cỏn con trước mắt, nên bị mấy anh nghịch tặc phá hoại nó lừa. Và lừa rất manh mún, tiểu nhân, nhưng lại rất bài bản, có hệ thống với mọi tính toán rất kỹ lướng, và rồi hậu quả để lại cho chúng ta thì vô cùng nặng nề và không hề manh mún một chút nào.
Ôi! Người anh em Trung Quốc, “môi hở răng lạnh”, người luôn nêu cao “mười sáu chữ vàng” mà lại hiện hình rúm ró như thế sao? Tôi nói điều này cũng vì rất yêu đất nước anh em Trung Quốc. Đất nước của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tào Tuyết Cần, Lỗ Tấn... cùng với nền văn hóa vĩ đại mà tôi hằng ngưỡng mộ từ thuở ấu thơ! Chính vì yêu Đất nước Trung Quốc, nên chúng ta càng đau đớn, khi những kẻ giả danh người Trung Quốc, đã bôi bẩn đất nước Trung Quốc anh em vĩ đại, nhất là mấy anh Hải tặc đã bịa ra cái đường lưỡi bò, hòng thôn tính Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông ngút ngát kia. Trung Quốc là một quốc gia giầu có, hùng mạnh. Sự bật dậy của người anh em thân thiết trong những năm gần đây làm chúng ta mừng rỡ vô cùng. Thế kỷ XXI mà chúng ta đang sống đây sẽ là thế kỷ của Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc, từ đồ tiêu dùng vụn vặt cho đến những mặt hàng cao cấp nhất cũng đã phủ khắp thế giới. Chẳng cần đến Trường Sa, Hoàng Sa và cả Biển Đông, Trung Quốc cũng vẫn là một quốc gia hùng mạnh vào bậc nhất thế giới, vậy thì việc gì phải vơ váo những thứ không phải của mình. Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đó không phải chúng ta tự tuyên bố, mà chủ quyền đó đã được chính người Pháp và bạn bè Quốc tế xác định từ mấy trăm năm trước. Trong bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời Nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1004 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của những kẻ tiểu nhân, rất không hảo hán. Việc làm đó chẳng biết có thu được lợi lộc gì không, vì không dễ làm được những điều khuất tất ngang ngược nhất là trong thời đại ngày nay, nhưng trước mắt, họ đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông. Và nói như các cụ ta xưa, đó cũng lại là chuyện: “Khôn nhà dại chợ!”
Theo Blog Lão Khoa, 29/7/2012

ĐẢNG LÃNH ĐẠO LÀ TẠO ĐỘNG LỰC CƠ BẢN CHO QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI

Thân gửi anh Lân Dũng!
Đây là bài tôi mới viết. Gửi anh - một đại biểu Quốc hội nhiều khóa, có uy tín trong cử tri cả nước, đọc cho “vui”. Nếu có thể thì anh lại cho tôi góp chuyện cùng bà con Xóm Lá. Nhờ Blog của anh mà tôi lại có thêm một số người bạn mới đấy. Một sân chơi thật vui và bổ ích.
Cảm ơn và chúc anh nhiều sức khỏe!
Trần Đình Huỳnh
ĐẢNG LÃNH ĐẠO LÀ TẠO ĐỘNG LỰC CƠ BẢN CHO QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI
Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới nhằm chấn hưng đất nước. Đổi mới là một thời kỳ cách mạng làm biến đổi diện mạo và thân phận của cả dân tộc ta trong thời đại mới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện quyết tâm ấy qua các Nghị quyết của 7 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc (kể từ sau khi thống nhất đất nước tới nay). Nhưng để biến Nghi quyết, Cương lĩnh thành hiện thực thì Đảng không bao giờ được quên lời dặn của Hồ Chủ tịch, rằng: “Phải biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.11, H.1996, tr.30). Nhưng nhân dân không chỉ quyết tâm bằng các chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng và Nhà nước mà họ chỉ thực sự quyết tâm khi được thực sự làm chủ vận mệnh của mình, tức là họ được sống trong một thể chế dân chủ, dân chủ thực tế chứ không phải là dân chủ hình thức. Dân chủ là động lực cơ bản nhất của quá trình đổi mới. Sự lãnh đạo của Đảng chỉ có hiệu quả khi chính bản thân Đảng là một tổ chức dân chủ và nhờ có tổ chức ấy Đảng tạo được động lực cơ bản cho bản thân mình và qua đó tạo được động lực cơ bản cho cho toàn thể nhân dân.
1. Dân chủ - nói nôm na là quyền làm chủ mọi mặt của đời sống con người. Quyền làm người, tất nhiên, cơ bản nhất là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại, ta càng thấm thía dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội vừa là mục đích, vừa là động lực cơ bản nhất trong bất cứ thời đại nào, nhất là thời đại chúng ta đang sống. “Không có gi quý hơn độc lập, tự do”, “Dẫu có phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được độc lập, tự do cho Tổ quốc”... là động lực cơ bản của nhân dân Việt Nam trong mấy cuộc kháng chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, hơn bất cứ khi nào, Đảng cầm quyền cần phải nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”... để quyết tâm thực hiện dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, vì chỉ có như vậy Đảng mới hiện thực hóa được những khẩu hiệu tốt đẹp, những ước muốn thành tâm đã từng được ghi trên các văn kiện của 7 kỳ Đại hội, đã trải nghiệm một thời gian dài trên 3 thập kỷ mà cho tới nay đường tới mục tiêu không chỉ gian nan, thách thức mà thậm chí đang còn đứng trước cả những nguy cơ!
Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, giành được độc lập rồi thì giao chính quyền cho số đông nhân dân, phải xây dựng nước ta thành một nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Tuy nhiên từ khi thống nhất đất nước (1975) tới nay: “Dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức... Chủ trương quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.171)
Dường như không ít các nhà lãnh đạo khi đã nắm quyền lực trong tay, đã có một đời sống quá chênh lệch so với đời sống của đại bộ phân dân chúng cần lao (điều này chính Mác đã thể hiện sự lo lắng của mình khi ông đề cập đến lương bổng của những công chức Nhà nước dưới chính quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo) nên đã lãng quên câu nói của Hồ Chí Minh, mà theo tôi, đó là lời cảnh báo cho sự sống còn của chế độ: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng quyền tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì” (Hồ Chí Minh toàn tập, T4, H.1995, tr.56). Vì vậy, dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội ở nước ta hiện nay đang là đòi hỏi cấp bách, nó đang trở thành động lực cơ bản nhất có vai trò quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới đất nước.
Dân chủ chính trị là tiền đề cho dân chủ về kinh tế, văn hóa. Trong một xã hội được mệnh danh là dân chủ thì dân chủ chính trị phải được thể hiện ở quyền tự do ứng cử và bầu cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền quyết định cuối cùng đối với Hiến pháp. Hiến pháp ấy phải là bản khế ước xã hội của nhân dân, giao quyền, ủy quyền cho cơ quan Nhà nước để đảm bảo rằng: Nhà nước ấy thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước ấy phải là Nhà nước pháp quyền, tức là trong xã hội Đảng cầm quyền và Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, thượng tôn pháp luật và tuân thủ pháp luật. Việt Nam là nước do một Đảng chính trị - Đảng Cộng sản Việt Nam - lãnh đạo và duy nhất cầm quyền. Do vậy dân chủ trong Đảng lại trở thành tiền đề của thực hành dân chủ chính trị ở nước ta. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là bản chất văn hoá và là nền tảng tinh thần của một Đảng cách mạng chân chính, đồng thời là tiêu chí để phân biệt Đảng với mọi đảng chính trị khác. Dân chủ là của cải tinh thần, là nguồn gốc của sức mạnh để Đảng trở thành người đại diện cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của cả dân tộc. Đảng đã và đang lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách và công tác tổ chức cán bộ. Đường lối, chủ trương, chính sách đòi hỏi phải có sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận cách mạng tiên tiến vào việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tế trong nước, kinh nghiệm các địa phương, cơ sở, đồng thời phải có nhãn quan chính trị sắc sảo, am hiểu tinh tường thời cuộc, trong khu vực và toàn cầu. Một người hay một nhóm người không thể làm tốt việc đó mà phải bằng trí tuệ chung của toàn Đảng và sự tham gia rộng rãi của toàn dân. Dân chủ thảo luận để hoạch định đúng các quyết sách chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, tóm lại là toàn bộ chính sách nội trị và ngoại giao trong giai đoạn khó khăn hiện nay chỉ có thể giải quyết đúng thông qua con đường dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội. Tổ chức bộ máy và nhân sự quốc gia hiện nay, trên thực tế đều do Đảng lãnh đạo,quyết định và quản lý. Với sứ mệnh cao cả lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước tiên đối với vận mệnh quốc gia như thế, thì như trên đã nói, sự hiểu biết của một hay một nhóm người là rất có giới hạn.
Ngay thiên tài như Hồ Chí Minh mà Người cũng không bao giờ tự cho mình là hiểu biết đầy đủ mọi việc, thậm chí Người còn thẳng thắn cho rằng so với tri thức của các nước tiên tiến “thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm”. Người nói: “...Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.285). Hồ Chí Minh đã viết từ khi Người sáng lập Đảng (tháng 02/1930) như sau: “Bất cứ về vấn đề nào, đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.3, H.1995, tr.7). Có lẽ hơn bất cứ thời kỳ nào, hiện nay mọi công việc của Đảng, trong tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở, chúng ta cần phải cùng nhau nhắc lại và đối chiếu, tự hỏi xem mình đã làm theo lời chỉ dẫn trên của Người như thế nào? Vì sao nhiều hội nhưng không nghị, nhiều thành viên tham dự không hăng hái nhiệt tình, thẳng thăn thảo luận mà để mãi tình trạng trong hội nghị im tiếng, ngoài hội nghị mới thì thào, thậm thụt, bàn tán? Tại sao đã có Nghị quyết mà vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, kể cả người đã giơ tay biểu quyết, không nghiêm chỉnh thi hành? Rõ ràng đây là một vấn đề lớn, đang có tính thời sự của Đảng (và cũng là đòi hỏi của dân tộc) mà trong khi tiến hành kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) từ cơ quan cao nhất, từ người có chức vụ cao nhất trở xuống cần nghiêm chỉnh tự chỉ trích để tìm rõ căn nguyên. Từ trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh, phải chăng, mỗi chúng ta cần nhận ra những điều giản dị, như chân lý của cuộc đời còn lắm bộn bề lo toan của ngày hôm nay, rằng: Có thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình thì trong hoạch định các quyết sách chính trị mới có sự thống nhất về tư tưởng và hành động, mới có đoàn kết nhất trí thực sự, nếu không sẽ chỉ là “đoàn kết, nhất trí” hình thức, là che dấu sự bè phái, cánh hẩu - nguyên nhân sâu xa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chúng ta thường đã học, đã nói và viết rằng nhân dân là người quyết định lịch sử. Vậy thì, chỉ có cơ chế để dân chủ hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là trong Đảng đến tổ chức hoạt động của Nhà nước thì nhân dân mới thực sự là chủ và khi ấy nhân dân sẽ đủ sức mạnh và trí thông minh để làm chủ. Đó chính là động lực cơ bản, là sức mạnh vô tận để trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước, không trở lực nào, khó khăn nào có thể ngăn cản được bởi một chân lý hiển nhiên đã từng được lịch sử dân tộc chứng minh: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
2. Có dám thực hành dân chủ không?
Trong Hồi ký của Tố Hữu, ông có viết rằng, trong một lần lên báo cáo công tác với Bác, Bác đã nói: Các chú diễn giảng hai tiếng dân chủ sao mà rắc rối thế? Dân chủ thật ra có nghĩa là: “Để cho dân được mở miệng. Liệu có làm được, có dám làm thế không?”
Ai có quyền để cho đảng viên và nhân dân được “mở miệng”?
Câu trả lời thật đơn giản. Đó là những đồng chí nắm trong tay quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước, từ cấp trung ương trở xuống. Hồ Chủ tịch đã từng chỉ rõ một tình trạng không lành mạnh trong Đảng ta: “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau... Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.243)
Trong những năm gần đây, có biết bao nhiêu vụ khiếu kiện ùn tắc dồn cả lên trên, có không ít những vụ cưỡng chế phải dùng đến cả lực lượng vũ trang. Nguyên nhân chính vẫn là các cấp ủy Đảng và chính quyền không dân chủ trong khi ra quyết định và không dám thành thực đối diện trực tiếp với nhân dân, và đúng là không dám để nhân dân được “mở mồm ra” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Viết ra những điều này sẽ có đồng chí không bằng lòng nhưng thưa, Bác Hồ đã từng chỉ ra rằng: Chúng ta thường nêu vấn đề dân chủ, đồng chí nào cũng thấy phải thực hành dân chủ, “nếu ai nói chúng ta không dân chủ thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế...” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.243). Những vụ khiếu kiện kéo dài, những điểm nóng, những vụ giải phóng thu hồi đất phải dùng cả lực lượng vũ trang để giải quyết, suy cho cùng là do thói quan liêu, quan chủ, là không dân chủ từ trong tổ chức Đảng, chính quyền, là trách nhiệm trước tiên của cấp ủy Đảng và người đứng đầu.
Vì sao không dám thực hành dân chủ?
Có nhiều lý do:
- Trước hết, một số người “có tật giật mình”, vì họ đã có những thói hư tật xấu, lạm dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm nên không minh bạch, không công khai, che giấu thông tin, thậm chí đánh lừa dư luận nên khi vỡ lở thì tìm cách lảng tránh, tìm cách xa lánh, không dám đối thoại thẳng thắn với nhân dân.
- Cũng có những trường hợp ngụy biện, thoái thác trách nhiệm nên khi có những việc sai lầm, bị dư luận xã hội thậm chí được đại biểu Quốc hội chất vấn thì bao biện rằng làm theo Nghị quyết của Đảng hay theo luật (nhưng nếu đem đối chiếu kỹ thì chỉ là ngụy biện để đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước chứ thực chất không phải thế). Vụ Dương Chí Dũng ở Tổng cục hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải vừa qua là một thí dụ điển hình.
- Cũng có trường hợp do “sự chấp hành máy móc”, làm việc không có bản lĩnh, không suy xét, quyết đoán cho phù hợp với tình hình địa phương trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân nên đem đối lập Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Vụ cưỡng chế gây ồn ào ở Hải Phòng và Hưng Yên vừa qua là một thí dụ. Hồ Chủ tịch đã nói: “Nếu chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó làm cho ai? Đối với ai phụ trách?” chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”. Câu trả lời ấy đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả lời được” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.245). Người còn nói rõ: Đảng và Chính phủ chỉ mưu lợi ích cho nhân dân, nên làm việc gì cũng phải vì nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tình hình phản ứng gay gắt của nhân dân ở một số nơi vừa qua cũng có thể nhân dân chưa hiểu nhưng chủ yếu là vì cán bộ không hiểu, hoặc do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, mà cố tình không hiểu, cho nên trong lúc làm việc thường sai lầm “đến nỗi chia Chính phủ và Đảng ra một phía, quần chúng ra một phía... cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.245).
Một Đảng chính trị cầm quyền tuyên bố không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà gây ra nhiều điểm phản ứng gay gắt của số đông người dân đến nỗi phải dùng cach hạ lệnh và huy động lực lượng vũ trang để cưỡng chế nhân dân - đối tượng phục vụ của mình - như là một cứu cánh của hoạt động công vụ thì hoàn toàn trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng. Cần phải chấm dứt và xử lý nghiêm những cán bộ chủ chốt ở những địa phương đã gây ra một số vụ cưỡng chế như thế.
PGS, TS Trần Đình Huỳnh,
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng,
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo blog của GS Nguyễn Lân Dũng)

DÂN TRÍ HAY QUAN TRÍ?

Trần Đăng Khoa
- Này, tôi hỏi thật nhé, công việc bề bộn thế, chú có còn thời gian đọc sách báo không?
- Cụ hỏi vậy có nghĩa là thế nào?
- Chả là gần đây, tôi thấy báo chí, truyền hình người ta hay bàn đến việc “nâng cao dân trí”. Nhưng vấn đề quan trọng, tôi nghĩ chính là chuyện “quan trí”, chứ không phải “dân trí” đâu, chú ạ.
- Cụ nói thế nghĩa là...
- Là cán bộ có vấn đề chứ sao. Tôi thấy trình độ dân trí của ta bây giờ rất khá. Họ không ấu trĩ, u mê như các chú lầm tưởng đâu. Bây giờ, chỉ ngồi nhà, kéo cái cần ăng-ten lên là họ đã nắm được toàn thế giới. Trong khi đó nhiều cán bộ của ta lại ấu trĩ, non kém, không đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của dân. Mà cán bộ mới là quan trọng. Vì họ mới thực sự ở vị thế tác động tới đời sống xã hội. Một người dân dốt nát, có quyết định sai lầm thì chỉ một mình anh ta, hay cùng lắm là vợ con anh ta phải gánh chịu hậu quả. Nhưng một cán bộ mà có những quyết sách sai lầm thì nguy lắm. Cán bộ càng cao thì tầm ảnh hưởng càng lớn. Có khi một làng, một xã, một huyện, một tỉnh, hoặc thậm chí là cả một dân tộc phải trả giá cho sự sai lầm của một người, hoặc một nhóm người. Tôi nói vậy sao chú lại cười? Có lẽ chú nghĩ tôi là “gái goá lo việc triều đình” ư?
- Ô, không không... Con đang nghe mà. Nghe chuyện cụ vui lắm...
- Thế mà chú còn vui được à? Cái chú này lạ thật. Chính chú mới là cái thằng vô trách nhiệm nhất. May mà chú không làm to. Chú mà làm to không khéo chết dân đấy. Tôi nói, chú bỏ ngoài tai, đừng trách ông lão nhà quê lẩn thẩn nhé. Tôi thấy cán bộ các chú bây giờ nhiều anh buồn cười lắm. Có anh nói rất hùng hồn mà người nghe vẫn chẳng hiểu anh ta nói gì cả. Bởi tư duy người nói đâu có được mạch lạc. Có anh lên truyền hình vẫn còn nói ngọng, cứ lẫn lộn giữa n với l. Nghe mà nản quá, chú ạ. Còn nhớ một lần, tôi dự buổi mít-tinh truy điệu đồng bào bị thiệt hại trong mấy trận lũ lụt. Có ông đọc điếu văn xong lại vỗ tay hoan hô. Ông ta vỗ trước, rồi mọi người ngơ ngác vỗ theo...
- Cái đó xin cụ thông cảm, có thể do thói quen mà hoá sơ suất...
- Làm cán bộ thì phải cẩn trọng ngay từ những cái nhỏ nhất chứ. Bởi anh ta đang đứng trước dân. Ở đâu cũng có “ống kính”. Người dân sẽ trông vào anh ta mà tìm cách ứng xử cho mình. Với những anh cán bộ như thế thì đừng trách vì sao dân lại thiếu lòng tin vào những người lãnh đạo. Cũng đừng nghĩ là họ nhẹ dạ bị địch xúi giục, mua chuộc. Chẳng có địch nào chui được vào đội ngũ nhân dân, những người suốt đời gắn bó sinh tử với cách mạng, với đất nước. Hàng triệu con, em của họ còn đang nằm ở dưới đất trong suốt mấy cuộc chiến tranh kia...
- Vâng, cụ nói vậy thì con cũng biết vậy. Nhưng dân mình cũng cần độ lượng, thông cảm. Làm cán bộ cũng khó lắm...
- Thì có ai bảo làm lãnh đạo dễ đâu. Tôi có ông bạn chăn trâu cắt cỏ xưa, giờ làm Phó Chủ tịch tỉnh. Ông ấy bảo: “Cậu nói gì? Cần phải học à? Rõ vẽ chuyện! Tớ chỉ học hết có lớp Bốn, sau này được người ta đưa đi học hết bổ túc lớp Bảy. Thế mà suốt mấy chục năm làm cán bộ, tớ có sử dụng đến kiến thức đã học đâu”. Tôi không biết những ông cán bộ như thế sẽ múa may ra sao trong thời Kinh tế tri thức và thông tin toàn cầu này. Chẳng biết chú thế nào, chứ tôi thì tôi lo lắm. Bởi thế cùng với việc nâng cao dân trí, chúng ta cần khẩn cấp nâng cao quan trí, chứ không thì nguy đấy.
- Vâng, cụ góp ý vậy thì con cũng chỉ biết vậy...
- Biết vậy, rồi vẫn cứ để vậy chứ gì? Các chú cứ hay hỏi ý kiến, rồi lại còn đề nghị góp ý. Đến khi người ta góp ý thật thì lại chẳng nghe. Hoặc nếu có nghe, thì nghe xong rồi bỏ đấy. Hay chú nghĩ cái ông lão cựu chiến binh nhà quê, lẩm cẩm đã hết thời, ngồi ở xó nhà lại cứ đòi bàn chuyện thế giới...
- Ấy chết, con đâu dám nghĩ thế...
- Nhân có chén trà vặt, lại có chú sang chơi, thì tôi nói thế thôi. Thực tình, người dân chúng tôi lo lắm. Chú hỏi bây giờ dân quan tâm đến điều gì ư? Miếng cơm, manh áo. Đã đành là thế rồi. Đối với người dân, miếng cơm to lắm. Manh áo cũng lớn lắm. Tuy thế, số phận của dân đâu chỉ lệ thuộc vào chuyện cơm áo. Cái mà chúng ta quan tâm nhất bây giờ vẫn là chuyện chống tham nhũng và ổn định chủ quyền ở Biển Đông. Chính vì thế, cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới được nhân dân chú ý đến như vậy. Dân rất hứng khởi khi nghe ông Sang bảo, phải kiên quyết chống tham nhũng. Dù đau đớn cũng phải làm. Không thể khác...
- Vâng, con cũng rất tâm đắc khi xem truyền hình tường thuật...
- Bấy lâu nay, thời tôi còn công tác, ta vẫn cứ nói Tập thể lãnh đạo, Cá nhân phụ trách. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là anh đứng đầu chú ạ. Tập thể, dù có là Thường vụ, hay Cấp ủy thì cũng chỉ là người giúp việc mà thôi. Nếu nói tập thể lãnh đạo, thì khi có sự cố, người đứng đầu rất dễ lẩn tránh trách nhiệm. Ví như vụ đề bạt ông Dương Chí Dũng vừa rồi ấy. Người đứng đầu vẫn ung dung: Chúng tôi làm đúng quy trình. Tôi không ký cái gì sai cả. Khi đề bạt ông Chí Dũng, thanh tra Chính phủ chưa có kết luận. Trời đất ơi! Khi thanh tra đã kết luận rồi thì còn gì để bàn nữa. Người đứng đầu phải nắm được cán bộ của mình khi tiến cử chứ. Việc chọn người đã sai thì mọi thủ tục tuần tự, dù có đúng cũng vô nghĩa. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là việc chọn người. Cần tránh chủ nghĩa hình thức chú ạ. Ví như việc kê khai tài sản. Tôi cho đó cũng chỉ là hình thức. Vì không thể kiểm soát được. Có ông rất giàu, nhưng nhà cửa, tiền bạc lại “lặn” hết vào con cháu họ hàng. Nếu thực sự muốn kiểm kê tài sản, thì phải xóa bỏ mọi giao dịch bằng tiền mặt. Tất cả đều thanh toán theo thẻ qua hệ thống ngân hàng. Như thế, Nhà nước mới kiểm soát được. Một vấn đề tôi nghĩ cũng cần minh bạch chú ạ. Đó là sự công khai năng lực cán bộ. Điều này cũng rất dễ làm, dù chúng ta không có chế độ tranh cử. Ví dụ, ông nào được đề bạt thì có cuộc ra mắt trước dân, tường thuật trực tiếp trên các kênh truyền thông. Ông ta có thể trình bày thực trạng của ngành mà mình phụ trách. Ngành đó ở các nước phát triển như thế nào? Trên thế giới ra sao? Rồi sự phát triển của nó trong các nước khu vực? Thực trạng mình đang ở đâu? Người tiền nhiệm đã làm được những gì? Đến lượt mình, mình sẽ làm gì? Khâu nào sẽ là đột phá khẩu? Tiến trình của năm thứ nhất? Rồi năm thứ hai? Rồi toàn khóa mà mình đảm nhiệm? Như thế tất cả đều minh bạch, rõ ràng. Dân sẽ biết ngay năng lực, trình độ, khả năng của người gánh vác nhiệm vụ. Rồi từ đó mới có tiêu chí để giám sát kiểm tra, rồi bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu làm tốt thì tiếp tục khóa tới. Nếu không làm được thì rời ngay vị trí cho người khác lên thay. Người tài ở trong thiên hạ còn nhiều lắm. Còn nhớ Tổng thống B.Elsin. Tôi đọc báo, mới biết ông này hay uống rượu, khi đi thăm nước ngoài, chủ nhà đã đón tề chỉnh theo nghi thức cấp cao nhất, mà bố ấy còn say xỉn trên máy bay, không xuống được. Khi sắp xếp Nội các, ông ấy chọn cán bộ cũng cũng rất chếnh choáng. Thoạt đầu Thủ tướng là một vị cán bộ lão thành giàu kinh nghiệm lãnh đạo đã ở tuổi bảy mươi. Sau thấy không hiệu quả, ông thay bằng một anh chàng rất trẻ vừa mới chớm ba mươi, nguyên là Bộ trưởng ngành Luyện kim gì đó. Rồi ông lại tiếp tục thay. Ông thay cán bộ cứ như thay áo. Nhưng rồi cuối cùng, ông đã tìm ra được Thủ tướng V.Putin, người đã cứu nước Nga thoát khỏi hiểm họa. Bây giờ, sau hai nhiệm kỳ Tổng thống, một nhiệm kỳ Thủ tướng, V.Putin lại quay về chức vụ Tổng thống, theo sự tín nhiệm của nhân dân Nga. Ở thời đại nào, người đứng dầu cũng vô hạn quan trọng. Bởi nó quyết định sự hưng thịnh hoặc suy tàn của một chính thể hay một quốc gia. Cụ Hồ ngày xưa rất tài trong kỹ nghệ dùng người. Ở lĩnh vực này, Ông Cụ quả là một vị Thánh sống, chú ạ...
Theo Blog Lão Khoa, 01/7/2012

VĨNH BIỆT NGƯỜI CẮM CỜ TRÊN DINH ĐỘC LẬP

Trần Đăng Khoa
I
Đại tá Bùi Quang Thận đã qua đời đột ngột sáng ngày 24/6/2012 tại Thụy Xuân, Thái Thụy, Thái Bình, khi mới tròn 64 tuổi. Tang lễ đã cử hành tại làng quê anh, theo đúng thủ tục của người dân quê. Trước đây, anh cũng đã từng được đề nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng theo Bùi Quang Thận, khi làm các thủ tục để xét thì địa phương không đồng ý, vì ông bố anh có biểu hiện mê tín dị đoan. Huyện đội cũng đã can thiệp nhưng vẫn không xong. Anh bảo: “Kể thì cũng hơi buồn. Nhưng mình sống được đến giờ cũng là may mắn lắm, nếu so với những đồng đội của mình còn nằm lại trong các cánh rừng lạnh lẽo mà đến bây giờ cũng vẫn chưa tìm được hài cốt”. Năm 2000, Bùi Quang Thận về hưu. Anh cười hiền lành: “Mình xa vợ con biền biệt. Bây giờ mới có điều kiện giúp đỡ vợ con”. Bùi Quang Thận trở về với ruộng đồng. Anh lao động cật lực như một lão nông. Gần đây, ngoài làm ruộng, anh còn thuê ao, nuôi tôm, thả cá. Rồi vợ chồng anh mở thêm cửa hàng bán gas ở quê. Nhà nào hết gas hay van gas hỏng là anh có mặt thay gas và bảo hành sửa chữa. Anh bảo, thay một van gas hỏng, cái lớn được 5000, cái nhỏ cũng 500 đồng đấy. “Toàn tiền tươi thóc thật cả!”. Trông anh thợ gas xởi lởi, thật thà, tận tụy và tốt bụng, không ai nghĩ đó là người anh hùng không có trong Danh sách những người anh hùng.
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết anh đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận, người đã cắm lá cờ trận mạc trên nóc Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975. Nhưng xung quanh việc cắm cờ này, còn có khối điều thú vị mà không phải ai cũng có thể biết hết. Chính Bùi Quang Thận cũng không thể ngờ được mình đã làm nên kỳ tích lịch sử chỉ bằng có... hai bàn tay không.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Khi đó, trận đánh đã diễn ra căng thẳng và khốc liệt. Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài lệnh cho đại đội 4 ở phía sau vượt lên, chiếm đầu cầu, rồi chớp thời cơ, chọc thẳng vào mạng sườn địch. Bị cú đánh bất ngờ, địch thoáng chững lại. Đội hình chúng có phần nhốn nháo. Xe tăng ta tiến đến đầu cầu Thị Nghè thì bất ngờ mấy chiếc tăng địch chẳng biết ở đâu lù lù hiện ra. Hình như chúng muốn chặn ta ở ngay trên cầu. Đại đội trưởng Lê Tiến Hùng, chỉ huy chiếc xe tăng thứ hai bị thương, bắt buộc phải dừng lại. Tình thế khá nguy cấp. Bùi Quang Thận tức tốc cho xe 843 vượt lên, bắn cháy liền một lúc cả hai xe M.41 và M.113 của địch. Trong xe anh chỉ còn duy nhất 2 viên đạn. Sau này, anh mới biết hai viên đạn thối. Thực tình, lúc đó, chiếc xe đã hết đạn, mà chặng đường còn rất xa, phải vượt qua bao tuyến phòng thủ kiên cố dày đặc của địch mới đến được Dinh Độc Lập. Vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, anh lại đụng phải 3 chiếc xe tăng địch xông ra đánh chặn. May sao, Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4, ngồi trên chiếc tăng 390 đã chỉ huy bắn cháy luôn cả 3 chiếc tăng ấy. Đạn trong xe địch nổ toang toác. Không gian sặc sụa và tanh khét mùi thép cháy. Bọn địch ngồi lố nhố trên mấy chiếc xe bọc thép gần đấy, thấy thế hoảng hốt nhảy khỏi xe, bỏ chạy tán loạn. Thế là tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch hoàn toàn tan vỡ. Được sự giúp đỡ chỉ dẫn của nhân dân và biệt động thành, lữ đoàn tăng 203 đã chia làm 2 mũi, hướng theo đường Hồng Thập Tự tốc thẳng vào Dinh Độc Lập. Lúc 10 giờ 15 phút, chiếc xe tăng 843 của Bùi Quang Thận dẫn đầu đã vượt qua các ổ đề kháng, vượt qua khu Nhà Xanh, vượt qua cả những họng súng đang ngơ ngác của địch, lừng lững tiến thẳng vào cửa Dinh Độc Lập. Khi thấy toà nhà trắng loá hiện ra trước cửa xe, Bùi Quang Thận cho lắp một viên đạn nã thẳng vào Dinh để thị uy. Đạn thối, không nổ. Anh cho nạp viên cuối cùng. Cũng lại không nổ. Hú vía cho cái Dinh Thống Nhất bây giờ đã thoát được hai viên đạn của anh. Một chiếc tăng của ta đã húc thẳng vào cánh cổng Dinh Độc Lập. Bùi Quang Thận cho xe lùi ra, húc tiếp vào cánh cổng bên trái của Dinh. Đó là đòn tấn công cuối cùng của chiếc tăng không còn vũ khí. Cũng thật may cho Bùi Quang Thận và đồng đội anh, một người vô danh nào đó trong Dinh đã kịp cắt cầu dao hàng rào điện tử, nếu không, chỉ chạm vào cổng sắt là chiếc tăng của anh và đồng đội anh sẽ bị nổ tung. Phải đến cú húc thứ ba cánh cổng sắt mới chịu đổ sập. Bùi Quang Thận cho xe tốc thẳng vào sân dinh. Trước mặt anh, lố nhố những xe tăng, xe bọc thép tuyến phòng ngự cuối cùng của địch bảo vệ Dinh với bao nhiêu súng ống đạn dược tối tân, còn anh, chỉ có hai tay trắng và chiếc xe tăng lổng nhổng vỏ đạn. Bùi Quang Thận giật phắt lá cờ trận mạc cắm trên xe tăng, quay lại bảo lái xe Lữ Văn Hoá, pháo thủ Thái Bá Minh:
- Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi!
Thế rồi, với hai bàn tay trắng, chỉ có lá cờ trận mạc ố xuộm khói đạn làm vũ khí, Bùi Quang Thận xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Qua bậc tam cấp, anh bị đánh bật trở lại. Hàng rào đặc biệt chống đỡ chăng? Bùi Quang Thận ngỡ ngàng một chút, rồi chợt nhận ra đó chỉ là bức tường kính trong suốt mà thoạt đầu anh không nhìn thấy, cũng chẳng biết nó là cái gì.
- Cửa ở đây mà, ông!
Một người đàn ông áo cộc tay trắng chỉ cửa cho Bùi Quang Thận. Trong nhà mát rượi như giữa hang đá. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn cũ đã có mặt đông đủ. Họ ngồi, đứng nhấp nhố quanh bàn. Trông ai cũng rất lịch sự. Áo cộc tay trắng. Tóc chải mượt. Mùi nước hoa thoang thoảng khắp phòng. Họ ngỡ ngàng nhìn người đại diện đầu tiên của Quân giải phóng, một người lính gầy gò, gương mặt đen đúa, hốc hác vì đói ăn và thiếu ngủ.
- Ông nào là Dương Văn Minh?- Bùi Quang Thận quát hỏi. - Cho tôi gặp ngay Dương Văn Minh!
- Dạ thưa, ngài gặp Tổng thống có việc gì ạ?
- Để ông ấy dẫn tôi đi cắm cờ.
- Dạ... dạ, cái việc ấy thì ông này làm được. Chỉ có ông ấy mới biết chỗ...
Một gã béo trắng, da dẻ mỡ màng, áo cộc tay trắng, chỉ vào một người đàn ông cũng mặc áo cộc tay trắng, nhưng gầy mảnh hơn, đứng ngay bên cạnh tôi. - Bùi Quang Thận tiếp tục câu chuyện: - Mãi sau này, khi đọc những trang sử quân đội nói về buổi trưa hôm ấy, tôi mới biết đó là đại tá Vũ Quang Chiêm, chánh văn phòng Phủ Tổng thống. Ông ta lập cập đưa tôi qua một hành lang, rồi vào hút sâu mãi phía trong, qua một gian nhà nữa cũng mát như hang đá (Đúng là cảm giác của người lính ở rừng - Trần Đăng Khoa). Rồi ông ta chọc một ngón tay vào tường. Bức tường tự nhiên nứt ra thành một cái phòng bé toen hoẻn như cái toa-lét, ba phía đều là tường. Ông ta bước vào, còn tôi thì ngần ngừ, bước vào, rồi lại quay ra ngay lập tức. Tôi nghi quá. Mình đi cắm cờ, chứ có đi toa-lét đâu. Hắn định giở cái trò khỉ gì thế này? Rõ là đồ quỷ thuật. “Dạ thưa, ông vào đi. Đây là cái thang máy. Tôi đưa ông đi cắm cờ mà”. Gã nói lắp bắp, có vẻ như là thành thật. Nhưng tôi vẫn phải cảnh giác. Bởi tôi không có vũ khí trong tay. Tôi bắt gã úp mặt vào tường, rồi mới bước vào. Gã lại đưa tay lên, chọc một ngón vào cái nút ở trên tường kiểu như là điểm hoả. Tôi chộp ngay tay hắn. Chỉ chút nữa thì tôi cho gã một quả phật thủ. “Không! Không, tôi ấn nút thang máy mà!”. Gã kêu lên thảm thiết. Cánh cửa lập tức sập lại ngay sau lưng tôi. Bây giờ thì bốn phía đều là tường. Thật chẳng còn hiểu ra làm sao cả. Lên tầng thượng, hắn dẫn tôi đến cột cờ. Hoá ra cờ mình bé quá. Nó là cờ hiệu cắm trên nóc xe tăng. Trong không gian, ở trên đỉnh cái Dinh lồng lộng này, nó chỉ như cái mắt muỗi. Còn cờ địch to lắm, rộng đến mấy chục mét chứ chẳng ít, lại chằng buộc rất kỳ công bằng các nút dây thép, chừng hai mươi phân một nút. Tôi gỡ mãi mới được hai nút. Nhìn xuống dưới sân Dinh, xe tăng và quân ta bắt đầu tiến vào. Thế là tôi xé luôn lá cờ ấy, thay lá cờ của ta rồi kéo lên. Lúc bấy giờ là 11giờ 30 phút.
II
Đấy, anh Thận của chúng ta như thế đấy. Dường như anh ấy không chú ý, cũng không có ý thức về vai trò lịch sử của mình. Trung tá Nguyễn Huy Thông, trung đoàn trưởng trung đoàn 203 mà tiền thân là Lữ đoàn 203 bình luận: - Thực tình, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ cho việc cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập này. Đơn vị được chọn làm công việc cuối cùng của cuộc kháng chiến cứu nước ấy là một Đơn vị Anh hùng. Người được chọn cắm cờ cũng là người có đầy những kỳ tích, cũng như người bay vào vũ trụ sau này phải là anh hùng Phạm Tuân, người đã “bắn cháy” B52, và cái máy bay Mỹ thứ 4.000 cũng phải rơi ngay trên đất Tổ 4.000 năm lịch sử của Vua Hùng. Nhưng rồi chiếc xe tăng chở lá cờ lớn được chuẩn bị rất kỹ ấy lại đi lạc, rồi lại phải đánh nhau rất dữ dội ở mãi ngoài Dinh. Và rồi Giời đã thay người cắm cờ ấy bằng anh lính nông dân Thái Bình Bùi Quang Thận. Mọi việc anh Thận làm đều rất giản dị. Khi dứt lá cờ nguỵ, thoạt đầu anh định ném xuống sân. Nhưng nhìn lại, thấy vứt đi phí quá. Cái cờ chẳng ra quái gì, nhưng vải rất tốt, dày đến mức có thể làm chăn đắp được. Thế là anh cuộn lại, định bụng mang về quê, dùng để lót ổ thay cho rơm rạ hay lá tre khô. Sau này lịch sử cần biết đích xác người cắm cờ. Lúc ấy mới hay là có quá nhiều người cắm cờ. Sự thật thì họ đều cắm cờ cả. Nhưng cắm ở tiền sảnh, ở góc nhà, ở rất nhiều nơi xung quanh Dinh Độc Lập và ở ngay cả chính Dinh Độc Lập. Nhưng ai là người cắm lá cờ trận mạc, lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc Dinh kia. “Thì tôi cắm đấy mà” - Bùi Quang Thận trả lời thật giản dị. Vậy thì bằng chứng đâu? Phải có gì làm bằng chứng chứ. Lịch sử vốn cần chính xác và cụ thể. Ai bắt Dương Văn Minh? Ai thảo thư đầu hàng cho Tổng thống nguỵ? Sau này cũng phải tranh cãi, xác định mãi. Có đến cả mấy cuộc hội thảo khoa học rồi mà vẫn chưa kết luận được đích xác sự việc ấy. Bùi Quang Thận chợt nhớ đến cái lá cờ của địch mà anh cuộn lại, định mang về quê Thái Bình trải ổ thay cho rơm rạ. Người ta khớp vết xé với những nút sắt buộc trên cột cờ mới nhận ra anh. Còn anh thì cười hiền lành: “Ôi dào, có gì đâu. Tôi chẳng nghĩ gì khi làm điều đó. Đấy là một việc rất đỗi bình thường của một người lính trận. Anh nào trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như tôi. Đơn giản thế thôi. Có gì mà các bố cứ lằng nhằng rắc rối cho nó hoá to chuyện!”.
Bây giờ, Bùi Quang Thận đã là người trong cõi nhớ thương rồi. Xin coi mẩu chuyện nhỏ này như một nén tâm hương của những người chép sử bằng âm thanh VOV tưởng nhớ anh. Kính mong các cơ quan chức năng bàn lại với địa phương để trao lại Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho anh. Bởi anh hoàn toàn xững đáng với Danh hiệu cao quý ấy...
Theo Blog Lão Khoa, 26/6/2012

VẤN ĐỀ NHÂN TÀI, HIỀN TÀI Ở NƯỚC TA

Trần Đăng Khoa: Trên trang Blog của mình, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng có giới thiệu bài viết: “Vấn đề nhân tài, hiền tài ở nước ta” của PGS, TS Trần Đình Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. Đây là bài viết hay, rất hay, mặc dù vấn đề không phải là mới. Bởi nhiều người đã bàn rồi. Nhưng bàn một cách sâu sắc, thấu đáo, lại giàu sức thuyết phục thì vẫn chưa có ai hơn ông. Bởi thể, tôi xin phép GS, TS Nguyễn Lân Dũng và tác giả rước về đây, để hầu bà con và cũng mong có thêm người đọc. Tôi cũng chuyển bài viết này cho một số vị có trách nhiệm mà tôi quen biết, để các vị có thêm tài liệu tham khảo. Người tài bao giờ cũng hiếm. Nhưng thời nào cũng có người tài. Chỉ có điều chúng ta có biết dùng họ, có tạo điều kiện để cho họ xuất hiện hay không. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các nhân tài và Bác cũng rất tài trong việc dùng người. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thắng lợi của Cách mạng. Năm 1946, khi phải rời Tổ quốc, Người cũng lại trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với một nhà Nho uyên thâm như cụ Huỳnh, chỉ nói thế là đủ. Điều đáng ngạc nhiên, sao lúc ấy, tình thế rất phức tạp, thù trong, giặc ngoài, trong Chính phủ có bao nhiêu đảng viên cốt cán, Bác không trao, mà lại trao quyền điều hành đất nước cho một nhân sĩ không phải đảng viên là cụ Huỳnh Thúc Kháng? Đưa một người ngoài Đảng lên chức vụ lớn, lại trao cho cả vận mệnh đất nước là một quyết định táo bạo. Nhưng bằng lối ứng xử rất đẹp ấy, Bác đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Bởi thế, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, ở nhiều đảng phái khác nhau đều tìm đến với Người, có không ít người từ bỏ đời sống nhung lụa, trở về Tổ quốc, cùng đồng cam cộng khổ với Người. Những năm tháng cam go ấy, không có nhiều ban bệ, tư vấn, mà sao Bác dùng người chuẩn thế. Những cán bộ được Bác chọn, trao việc đều trở thành những nhân vật xuất sắc của lịch sử đất nước. Đến nay, GS Nguyễn Văn Huyên vẫn là ông Bộ trưởng tài nhất, sáng giá nhất của ngành Giáo dục. Dù ông Nguyễn Văn Huyên cũng không phải là đảng viên. Đặc biệt là việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều lúc tôi cứ vân vi tự hỏi, bằng phép nhiệm màu nào mà Bác đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào? Lúc ấy, ông Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Bác lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ quyết rồi báo cáo Bác sau!”. Sau này, ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... Vậy bằng cách nào Bác phát hiện được khả năng tiềm ẩn một Thiên tài quân sự trong dáng vẻ bạch diện thư sinh của một ông giáo dạy sử ở một trường phổ thông? Nhà báo nổi tiếng Mỹ Lady Boston kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp cũng rất ngỡ ngàng hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi khá hắc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác bảo: “Nước tôi là nước du kích. Chúng tôi đánh giặc theo lối du kích, thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”.
Bây giờ, nhìn lại cách dùng người của chúng ta mà rùng mình. Một bà Yến đại biểu Quốc hội, một ông Dương Chí Dũng Cục trưởng Hàng hải, rồi còn bao nhiêu ông bà khác nữa đang làm băng hoại niềm tin của Dân vào Chính quyền và thể chế.
Vì thế, bài viết của PGS, TS Trần Đình Huỳnh là một tiếng nói kịp thời, sâu sắc, rất cần được tham khảo. Tôi trân trọng mời bạn đọc.
VẤN ĐỀ NHÂN TÀI, HIỀN TÀI Ở NƯỚC TA
PGS. TS Trần Đình Huỳnh
(Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)
Vấn đề nhân tài đã được bàn thảo rất nhiều trong những năm gần đây. Do tầm quan trọng của nó mà đã có cả một đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước” do một đồng chí tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu ngành tổ chức, cán bộ làm chủ nhiệm. Gần như đồng thời với việc triển khai đề tài cấp Nhà nước nói trên thì Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo quốc gia về đề tài “Nhân tài với thịnh suy đất nước” thu hút hàng trăm nhà khoa học có chuyên môn sâu và một số nhà hoạt động thực tiễn ở cả ba miền đất nước tham gia. Nhiều bình diện của vấn đề đã được các tác giả đầy tâm huyết nêu ra, nhưng hình như trong thực tiễn vấn đề nhân tài, hiền tài của nước ta hiện nay vẫn đang còn là một điều trăn trở không chỉ riêng ai, nó vẫn đang đòi hỏi phải tiếp tục bàn luận. Người viết bài nay chỉ xin nêu một vài thiển ý dưới góc nhìn của việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Theo cách hiểu thông thường thì tài năng là những người có khả năng vượt trội, nổi bật ở một hay một vài lĩnh vực nào đó, đa phần họ được giáo dục đào tạo mà thành; số đông họ có bằng cấp học hàm, học vị nhất định, được coi là trí thức. Nhưng trên thực tế, xã hội lại không thể đồng nhất trí thức, người có bằng cấp với người có tài năng. Đó là làn ranh mà người làm công tác nhân sự tuyệt đối không được phép nhầm lẫn. Ngay như khái niệm nhân tài, theo nghĩa chữ Hán thì là người tài, nhưng trong tiếng Việt, khi dùng khái niệm nhân tài thì hình như cũng có ý khác với khái niệm người tài.
Cần hiểu tài năng của con người thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau tương ứng với các loại hình hoạt động và với các kiểu tư chất thông minh khác nhau. Ví dụ: có tài năng toán học, văn học, nghệ thuật (nghệ thuật lại có vô vàn tài năng ở các bộ môn khác nhau như múa, diễn xuất, hội họa, âm nhạc...), tài năng thể thao (thể thao lại có những tài năng rất khác nhau như đá bóng khác với cử tạ, bơi lội...), tài năng tư tưởng - triết học, tài năng quân sự, ngoại giao, tài năng kinh doanh, tài năng giáo dục... Do đó, mỗi kiểu tài năng hay từng cá nhân được coi là người có tài (hay nhân tài) có vai trò khác nhau trong hoạt động thực tiễn. Một người coi là có tài ở lĩnh vực này nhưng nếu đặt họ không đúng chỗ thì họ lại hóa ra người bình thường thậm chí là kém cỏi ở lĩnh vực khác. Điều này cho thấy trong công tác nhân sự không nên đặt cán bộ lãnh đạo, quản lý quá xa với năng lực, sở trường của họ. Trong xã hội, nhìn chung và phổ biến thì hầu như hiếm có những người toàn tài, toàn năng. Do vậy dù ở bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào, ở bất cứ quốc gia nào, giả định được coi là gồm toàn những người có tài, toàn những người ưu tú lãnh đạo, thì cũng không bao giờ được mắc sai lầm là loại bỏ hay xa rời nguyên tắc dân chủ trong khi ra các quyết định. Lịch sử con người đã từng đau đớn là đã có thời kỳ dài lâm vào chế độ chuyên quyền độc đoán, là thịnh hành chế độ “quan chủ”.
Tài và đức cũng cần có sự phân biệt tương đối, chưa hẳn người có tài ở một lĩnh vực nào đó cũng đều có đức, còn người có đạo đức cũng chưa hẳn là người có tài. Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt rõ: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được cho ai” (Hồ Chí Minh toàn tập,T.8, H.1996, tr.184). Đây cũng là sự phân biệt quan trọng, rất cần thiết, mà những người làm công tác tổ chức nhân sự phải sáng suốt nhận biết để thấm nhuần phương pháp “dùng người như dùng gỗ” của Hồ Chí Minh. Khi sử dụng cán bộ cần xem xét cả tài và đức. Cái mà cách đây 66 năm, ngày 20/11/1946, Hồ Chủ tịch ra Chỉ thị tìm kiếm - và cho tới nay nhân dân ta, dân tộc ta cũng đang tiếp tục tìm kiếm - là “Tìm người tài đức” và cái khuyết điểm Chính phủ khi ấy mắc phải mà người đứng đầu đã công khai nhận lỗi, đến nay phải chăng vẫn là “nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”?
Hiền tài và nhân tài tuy đều là khái niệm chỉ người có tài cả thôi nhưng theo tôi thì nội hàm hai khái niệm này cũng lại rất khác nhau mà trong chính sách cán bộ cần có sự phân biệt. Hiền tài là khái niệm dùng để chỉ chung một tầng lớp người có cả tài năng và đức độ nổi trội, họ có tài năng xuất chúng, có đóng góp to lớn tạo nên bước ngoặt của phát triển, tiến bộ xã hội. Xưa nay, trong lĩnh vực chính trị, những người đứng đầu quốc gia hay chế độ nào có tài năng xuất chúng, có công với nước với dân, có đức độ và hành vi cao thượng cũng thường được lịch sử tôn vinh là người hiền tài, hay những bậc hiền minh. Trong chế độ phong kiến trước kia ở nước ta cũng đã từng có các vị vua được nhân dân muôn đời coi là bậc hiền tài, là các đấng minh quân; cũng có các quan lại một lòng trung trinh với nước, với dân đem hết tài năng ra phụng sự quốc gia, nêu gương sáng cho đời sau thì được coi là hiền thần; còn những kẻ gian manh, trụy lạc, ham mê tửu sắc, trù dập người tài, ưa kẻ phỉnh nịnh, tham nhũng... thì có là vua chúa hay quan lại thì cũng đều bị nhân dân coi là hôn quân, bạo chúa, hoặc là kẻ gian thần... Cũng có người có tài, đã có lúc lập được công trạng nhưng mưu vinh thân, phì gia hay bất lương tàn bạo thì được coi là kẻ gian hùng...
Hiền tài là sức sống, là mạch nguồn của dân tộc; họ là chỉ dấu về sự hưng vong của sơn hà xà tắc. Chính vì thế mà cha ông ta đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Trong tình hình đất nước ta hiện nay đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức thì việc suy nghĩ về chính sách chiêu hiền đãi sĩ, tìm người tài đức, “trọng dụng những kẻ hiền năng” (lời Hồ Chí Minh) chính là tìm về và nuôi dưỡng làm cho nguyên khí quốc gia tránh khỏi suy vi, làm cho thế nước mạnh lên, làm cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” không chỉ dừng ở khẩu hiệu kêu gọi hay niềm mơ ước xa vời.
Thiên tài là một đẳng cấp tài năng nổi trội, hiếm hoi, họ có đóng góp vô cùng to lớn vào lịch sử toàn nhân loại trên một hay vài lĩnh vực đỉnh cao mà lâu lắm, trăm năm, thậm chí nhiều thế kỷ mới có một người. Do nhiều lý do mà ở nước ta, kể từ ngày lập quốc cho tới ngày nay, dẫu nhân tài thời nào cũng có nhưng trong lĩnh vực triết học, toán học và khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật... thì những đỉnh cao thật quá hiếm hoi. Do yêu cầu sống còn của mình mà mà trong lịch sử mấy ngàn năm nước ta đã xuất hiện một vài thiên tài trong lĩnh vực chính trị - quân sự được thế giới tôn vinh. Hồ Chí Minh là một trường hợp quá hiếm hoi ấy.
2. Nhân tài không phải ở trên trời rơi xuống, nhân tài cũng không phải từ đất dấy lên, mặc dầu điều kiện tự nhiên có phần tham dự không nhỏ. Môi trường xã hội giữ vai trò quyết định cho các nhân tài phát lộ và thể hiện. Hồ Chí Minh đã từng nói đại ý rằng, đảng viên tuy được lựa chọn cẩn thận, gồm đại bộ phận là những người ưu tú nhưng Đảng cũng ở trong xã hội, mỗi người khi đã là đảng viên, là cấp ủy, là lãnh đạo cấp cao thì không phải đã trở thành thánh ngay mà tất thảy, họ cũng đều ở trong xã hội, trong môi trường xã hội mà họ sinh thành, tồn tại, phát triển. Để có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước gồm những người có tài năng và đạo đức thì cần có một chiến lược lâu dài và hệ thống chính sách đồng bộ về đào tạo, nuôi dưỡng vun trồng, trọng dụng nhân tài cho đất nước. “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” là với ý thức như vậy.
Kể từ sau khi thống nhất đất nước tới nay, nếu nhìn vào các Nghị quyết và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 7 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và của các văn bản pháp luật quy định tổ chức và hoạt động của Nhà nước từ cấp cơ sơ lên đến toàn quốc cùng với cách thức đã tiến hành bầu cử, ứng cử, tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, công chức thì tưởng chừng như Đảng và Nhà nước ta đã thâu thái vào trong tổ chức của mình toàn những người có tài, có đức tương xứng với chức quyền, cấp bậc mà họ được giao phó, càng lên trên thì lại càng là những người được chọn lựa chặt chẽ trong số những người ưu tú, để trở thành bộ phận tinh túy nhất tiêu biểu của tài năng đất nước, như vậy hẳn có người phải xứng đáng được nhân dân tôn vinh là bậc hiền tài của thời hiện đại (?!). Nhưng trên thực tế thì không phải hoàn toàn như vậy. Ở đâu, ở cấp nào nhân dân cũng nhìn thấy sự suy thoái yếu kém và bất cập của bộ máy công quyền. Nhờ sự công khai, minh bạch do quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, do sự phát triển của hệ thống thông tin, và do trải nghiệm của chính nhân dân với tư cách vừa là chủ nhân đất nước, vừa là đối tượng của các chủ thể lãnh đạo, quản lý quốc gia mà nhân dân, nhất là giới trẻ và trí thức có thực tài, thấy băn khoăn về việc thực thi chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài của đất nước. Những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp bộc lộ ra hàng ngày, ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công, hành vi vô cảm bất nhẫn như một bệnh dịch lan tràn ra khắp nơi từ thôn cùng xóm vắng đến phố thị đông đúc, từ miền xuôi đến miền núi, từ học đường, bệnh viện đến công sở... làm nhức nhối lòng dân. Vì thế hầu như tất cả nhân dân - những người đang nặng lòng với vận mệnh của chế độ - đều đã đồng tình hưởng ứng Nghị quyết lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) là cần phải: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị...
Trong 3 vấn đề trên thì vấn đề thứ nhất (ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống) là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường chính trị, cụ thể là môi trường sống và hoạt động trong các cơ quan công quyền, trong các công sở của hệ thống chính trị là tích hợp tất cả những điều kiện để tài năng, nhân tài xuất hiện, thể hiện mình và phát triển hoặc bị mai một, biến mất, thậm chí, nói theo cách của Hồ Chí Minh, là làm hủ hóa cả nhân tài.
Thực tế cho thấy rất khó khăn để có thể xuất hiện một nhà chính trị kiên cường không chỉ giữ cho mình trong sạch mà còn dũng cảm chống lại những thói hư tật xấu trong bộ máy công quyền mà chính họ là một thành viên trong bộ máy và cơ chế ấy. Thật khó để cho một nhà quản lý tài ba xoay xở được trong một thiết chế gồm không ít người chỉ chú tâm đến lợi ích cá nhân và lơi ích nhóm. Thật khó cho một sinh viên giỏi sau khi ra trường được nhận một công việc ở chính quê hương họ (dù cho họ rất nặng lòng với quê hương) nếu như họ không có thân tộc trong bộ máy tuyển dụng công chức hoặc không có tiền và biết cách chạy chọt. Sẽ khó cho một nghiên cứu sinh muốn có một luận án tiến sĩ được đánh giá cao bằng chính công sức lao động sáng tạo của mình trong một chế độ thi cử, đánh giá bị vẩn đục bởi sự chi phối của chủ nghĩa hình thức và sự ô uế của đồng tiền trong chế độ giáo dục đào tạo hiện hành. Sẽ khó cho việc thi tuyển cán bộ công chức, thậm chí là cả bầu cử nữa, thực sự công bằng, minh bạch, nếu còn có “tệ ấm tử ấm sinh” (Xin xem bài viết về tệ nạn này trên Tạp chí Xây dựng Đảng số năm 2012) và nạn ăn hối lộ. Đánh giá nghiêm túc và chính xác tình hình nói trên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, từ chức đối với cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Môi trường làm việc, chính sách cán bộ chưa tạo được động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ; chưa cổ vũ ý chí phấn đấu vươn lên, sự gắn bó, tận tụy của cán bộ đối với công việc” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tr.173-174)
3. Để khắc phục khuyết điểm nói trên thì không thể chỉ kiềm điểm, tự phê bình và phê bình, mặc dầu từ trước tới nay Đảng ta vẫn coi đó là quy luật của sự phát triển và là vũ khí đấu tranh trong nội bộ những người cùng chung một chí hướng với nhau, cùng tự giác thề rằng sẽ giữ khí tiết của người cộng sản là luôn vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ.
Để tự phê bình và phê bình không chỉ là hình thức mà thực sự có kết quả thực tế, tức là thực sự đó là vũ khí thì cần có nhận thức và cách làm khác (Xin xem thêm bài: “Để tự phê bình và phê bình thực sự là vũ khí” của Trần Ái Thanh, trên Tạp chí Xây dựng Đảng, số 4/2012).
Để cho vấn đề nhân tài thực sự là nguyên khí của quốc gia trong đời sống chính trị của đất nước hiện nay, trong phạm vi bài viết ngắn này chúng tôi chỉ xin góp một vài thiển ý sau đây:
Một là, cần có ngay một cơ chế thật dân chủ, tự do trong việc chuẩn bị cán bộ cho các cuôc bầu cử, ứng cử trong các Đại hội của Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương. Chúng tôi đã có bài viết riêng về vấn đề này ở bài trước (đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 6/2012). Theo chúng tôi, đó là cách tốt nhất để chon nhân tài trong Đảng.
Hai là, cần thay thế quy chế giới thiệu người ra ứng cử vào các cơ quan dân cử (HĐND và Quốc hội) bấy lâu nay vẫn làm. Nên theo kinh nghiệm Hồ Chí Minh đã làm và thực tiễn đã có hiệu quả to lớn khi bầu cử Quốc hội để thành lập Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi ấy, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã không tham gia ứng cử, không có chân trong Chính phủ dành để các nhân tài ngoài Đảng có cơ hội xuất thân. Trên thực tế, nhiều người ngoài Đảng đã rất xứng đáng nhận các trọng trách trong Chính phủ và Ủy ban Hành chính các cấp, và qua thực tiễn hoạt động đa phần họ đã có đóng góp to lớn trong thực thi nhiệm vụ. Theo cơ chế hiện nay thì cơ quan lãnh đạo, quản lý của Nhà nước các cấp gần như không có mấy người ngoài Đảng tham gia, mặc dầu tỷ lệ đảng viên so với dân cư là quá thấp. Trong bộ máy hành chính công quyền các cấp và cả trong các cơ quan quản lý chuyên môn nghiệp vụ cũng vậy, hầu hết người có chức vụ đều phải là đảng viên. Nếu như vậy thì tài năng ngoài Đảng khó có điều kiện tham gia và vô tình đã nuôi dưỡng động cơ vào Đảng của một số người là để thăng quan phát tài. Về vấn đề này chính Lênin đã nói rằng trong điều kiện Đảng chấp chính thì bọn cơ hội sẽ tìm cách chui vào Đảng để chiếm chỗ trong cơ quan Nhà nước nhằm “đục nước béo cò”. Cạnh tranh bình đẳng giữa đảng viên và người ngoài Đảng sẽ là cơ hội cho các nhân tài xuất thân. Đảng không nên bao cấp uy tín cho đảng viên trong các cuộc bầu cử cũng như thiên vị đảng viên khi bổ nhiệm các chức vụ trong bộ máy quản lý các cấp.
Dẫn theo Blog Lão Khoa, 25/6/2012

NHÂN KỶ NIỆM 122 NĂM NGÀY SINH CỦA HỒ CHỦ TỊCH (19/5/1890 - 19/5/2012)

GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng
Bác Hồ là một nhà duy vật. Bác không theo tôn giáo nào nhưng hết sức coi trọng tôn giáo và tín ngưỡng của nhân loại. Bác đã viết: “Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô tin ở đức Chúa Trời; cũng như nhiều người chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.4, tr.148) Bác đánh giá Khổng Tử, chúa Jesus, Karl Marx, Tôn Dật Tiên đều có những điểm chung: “Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy” (Trương Niệm Thức: Hồ Chí Minh truyện, NXB Tam Liên, Thượng Hải, 1949, trang 91). Chỉ cách một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, ngày 03/9/1945 khi đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã nêu 6 vấn đề cấp bách hơn cả, trong đó có vấn đề thứ sáu, vì thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và Lương, để thống trị: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”. Bác căn dặn: “Lương giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất Tổ quốc, và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”.
Vào ngày 16/10/1945 tại chùa Quán Sứ, trước sự hiện diện của đại biểu Phật giáo và Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mặc dù hai tôn giáo là hai lý tưởng khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng từ bi nhân đạo mà ra, thì không lý gì, lúc này cũng là con dân Việt Nam, lại không thể đoàn kết giữa hai tôn giáo được”. Cuối năm 1945, Hồ Chí Minh nói rõ quan điểm của mình là không phân biệt nghĩa vụ và quyền lợi công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi công dân đều có quyền ứng cử và bầu cử vào Quốc hội, Người nói: “Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”, miễn là “người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Linh mục Phạm Bá Trực đã trở thành vị Phó Chủ tịch Quốc hội mà sau này trong lời điếu buổi an táng cụ, Hồ Chí Minh đã vô cùng thương tiếc về “một nhà tận tụy yêu nước” đã “kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam”. Trong bức thư gửi cho đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen năm 1945, Bác đã viết: “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay một vị thánh nhân là Đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hi sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm, nhưng tinh thần nhân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào sâu”. Bác còn nói: “Chúa cũng dạy giúp đỡ người nghèo, chống bóc lột, giữ gìn hoà bình, chống chiến tranh, mục đích cao cả của Chúa Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng tự do và thế giới đại đồng”. Trong bức thư gửi các giám mục và đồng bào công giáo Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ngày 14/10/1945, Bác đã viết: “Đức Giêsu hi sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương cả giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hi sinh phấn đấu”.
Tháng 01/1946 tại buổi lễ của các Phật tử cầu nguyện cho nền độc lập của nước nhà, Bác đã nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hi sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc” (Sđd, T.4, tr.148).
Có lẽ ít ai nghĩ được như vậy về các đức tin khác nhau. Bác đã lọc ra những tín ngưỡng mà số đông dân chúng thường chấp nhận để nói đến bằng lòng tin của chính mình. Bác chắc chắn không tin vào cuộc sống thứ hai của mỗi người sau cái chết, nhưng Bác đã tôn trọng niềm tin của nhân dân về sự trường tồn của linh hồn. Trong 12 tập Hồ Chí Minh toàn tập, có thể tìm thấy Bác đã 45 lần dùng từ “linh hồn”, 9 lần dùng từ “thiên đường”, 7 lần dùng từ “phù hộ”, 5 lần nhắc đến “Thượng đế”... Bác nói: “Mục tiêu cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau: Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Người đã kế thừa rất nhiều các khái niệm, phạm trù của đạo đức tôn giáo đối với giáo dục con người, nhất là giáo dục xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ cách mạng.
Tháng 10/1946 sau khi đi Pháp về Bác đã nói: “Tôi kính cẩn cúi đầu trước linh hồn các liệt sĩ” (Sđd, T.4, tr.419). Nhân dịp lễ Giáng Sinh năm 1946, Bác đã viết: “Nhân dịp này, tôi thay mặt Chính phủ và quốc dân trân trọng chúc phúc toàn thể đồng bào công giáo. Đồng thời tôi kính cẩn cầu Đức Thượng đế phù hộ dân tộc Việt Nam và giúp cho Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng” (Sđd, T.4, tr.490). Ngay ông Giăng Xanh-tơ-ny (Jean Sainteny) cũng phải thừa nhận: “Về phần tôi, phải nói rằng, chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dầu rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu một tôn giáo nào bất kì”.
Ngày 21/01/1947 (Giao thừa 30 Tết), Bác đến hang núi Chùa Trầm, đọc thơ chúc Tết và kêu gọi đồng bào kháng chiến. Ngày 13/7/1966, Bác lại về chùa này và căn dặn: “Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân... giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt...”.
Trong chuyến thăm đất nước khai sinh ra Phật giáo, Tổng thống Ấn Độ đã tặng Bác cây Bồ Đề nơi Đức Phật tọa thiền và thành đạo. Người đem về nước và cho trồng tại chùa Trấn Quốc, ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở Thủ đô Hà Nội. Ngày 19/5/1958, Bác đến chùa Hương thành tâm kính lễ Phật Bà Quán Thế Âm và không quên nhắc nhở chính quyền phải bảo vệ, xây dựng chùa ngày càng đẹp hơn để nhân dân đến lễ Phật. Bác đã từng đến những nơi thờ tự ở Hà Nội như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, đền Ngọc Sơn, thành Cổ Loa, ngoài ra Người còn đến chùa Côn Sơn, đền Hùng, đền Kiếp Bạc,... thành kính thắp hương ghi ơn những tiền nhân lịch sử văn hóa của dân tộc.
Trong lớp Chỉnh huấn cán bộ trí thức, tổ chức từ ngày 15/7 - 26/9/1953, Người đã giải tỏa được nỗi trăn trở ấy: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động được không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”. Bác thường nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải “quan tâm, chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo. Mong sao sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”. Bác quan niệm: Đối với người có tôn giáo thì đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Một người dân Việt Nam có thể vừa là một người dân yêu nước, đồng thời cũng vẫn là một tín đồ chân chính. Với Phật giáo, Bác cho rằng: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, tăng ni và phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Từ bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc”.
Tâm linh là phần thiêng liêng trong ý thức hướng về cái cao cả của con người. Mỗi người có những mức độ tín ngưỡng khác nhau về những đấng tối cao, những học thuyết, những tôn giáo, những lý tưởng. Niềm tin của con người có thể không đủ cơ sở khoa học nhưng thường đạt tới sự hoà quyện giữa tình cảm và lý trí, dẫn đến những chỉ đạo cho hành vi. Tâm linh là tâm thức ở mức độ khá thần bí, khó lý giải nhưng bao giờ cũng mang màu sắc thiêng liêng. Tuy tâm linh của các dân tộc phương Đông mỗi nơi mỗi khác, mỗi người mỗi khác nhưng đều hướng đến điều thiện. Bác Hồ là danh nhân văn hóa thế giới, nơi Người hội tụ nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng sâu sắc nhất vẫn là tính Thiện của văn hoá phương Đông. Ai giàu tính Thiện đều được nhân dân suy tôn là hiền nhân, hiền sĩ là những người hiền tài, hiền năng, hiền đức.
Tháng 12/1945, Bác yêu cầu: “Quốc hội tự chọn lấy người hiền năng đảm nhiệm Chính phủ mới” (Sđd, T.4, tr.113). Người tài đức trong nước không bao giờ thiếu. Cái tâm của người lãnh đạo quyết định việc biết trọng dụng hay không trọng dụng nhân tài.
Tháng 11/1946, Bác Hồ đã có một nghĩa cử rất đẹp là tự phê bình về việc chưa phát hiện được nhân tài, Bác đề nghị nhân dân phát hiện hộ. Bác nói: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Người yêu cầu các địa phương phải khẩn trương tìm kiếm và báo cáo ngay lên Chính phủ: “Hẹn trong một tháng, các cơ quan, địa phương phải báo cáo cho đủ” (Sđd, T.4, tr.451). Bây giờ dân số nước ta đã tăng lên gấp hơn 4,3 lần, người tài đức đâu có thiếu, vậy mà nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng “dùng người không biết nhạc làm nhạc trưởng”!
Cái tâm của con người chịu sự kiểm soát của một linh thức mang màu sắc phương Đông, đó là tư duy: “Ở hiền gặp lành”, “Ác giả, ác báo”, “Gieo gió, gặp bão”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”... Đây chính là niềm tin Phật giáo, Nghiệp của kiếp trước là Nhân, Nhân sinh thành Quả ở kiếp này. Con người còn có thể gieo Nhân gặt Quả ngay trong cùng một kiếp. Những kẻ tham quan hãy ngẫm xem về lâu dài đã mấy kẻ có cuộc sống thanh bình, con cái thành đạt, gia đình hạnh phúc? Quyền hành, lợi lộc, của cải, tiền bạc, danh vị, chức tước... chẳng qua cũng chỉ là những chuyện phù du trong cái lâu dài của kiếp người.
Bác Hồ, bằng cả cuộc đời tranh đấu gian truân vì độc lập, tự do của đất nước và bằng cuộc sống giản dị, trong sáng mẫu mực, Người đã chứng minh đúng như lời tuyên bố ngay từ đầu năm 1946 trước các nhà báo nước ngoài: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui”.
Niềm tin của Bác dành hết cho nhân dân, vì Người quán triệt triết lý của Khổng giáo về thân dân, ái dân, ưu dân, trọng dân. Bác Hồ không coi Khổng giáo như một tôn giáo. Người nói: “Đạo Khổng không phải là tôn giáo, nói đúng hơn, đó là một môn dạy về đạo đức và phép xử thế. Xét về cơ bản thì đạo Khổng cũng thuyết giáo nền hoà mục trong xã hội” (Tạp chí Học Tập, 6/1970, tr.38 ).
Ngay từ năm 1951, Người đã có những tiên đoán: “Ý dân là ý trời. Đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại” (Sđd, T.6, H.1995, tr.246).
Đáng lo là ngày nay, nhiều người vốn xuất thân từ dân nghèo, được nhân dân nuôi nấng, dạy dỗ, đùm bọc, che chở, vậy mà khi thành “quan” thì phút chốc đã quên dân, xa dân, không hiểu nỗi đau của dân, cái nghèo của dân, nhẫn tâm vơ vét tài sản của Nhà nước, của những người dưới quyền (tất cả suy ra cũng chính là của dân). Những kẻ mà như Bác nhận xét: “Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu” (Sđd, T.7, H.1996, tr.345).
Có nhiều người hiện nay vẫn còn sống buông thả, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, vi phậm pháp luật. Họ không biết sợ vì họ có một đời sống tâm linh quá nghèo nàn. Tuy nhiên sớm hay muộn cũng phải trả giá, bởi vì như Bác đã tổng kết: “Có hai con đường ở thế giới, ở trong nước và ở trong mình. Theo con đường ác thì dễ dàng, nhưng lăn xuống hố. Theo con đường thiện thì khó nhọc, nhưng vẻ vang” (Sđd, T.7, tr.63). Mỗi chúng ta đều phải biết tự răn đe hàng ngày, cần phải sống lương thiện, sống hết mình vì những nghĩa cử lớn lao, đó chính là để lại phúc đức cho con cháu sau này và cũng là để có được ngay những năm tháng sống bình yên, thanh thản, hạnh phúc. Sẽ đau khổ biết bao nếu như khi về hưu mà không còn ai thèm lai vãng, không còn ai buồn chào hỏi và thậm chí sau khi đã trở về với cát bụi rồi mà vẫn còn có những người phải giữ mãi oán hận.
Mong sao với tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và phong trào Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hiểu đúng hơn khái niệm về tâm linh, tôn trọng vào lòng tin của chính mình, của mọi người, biết sợ hãi khi làm điều xấu và thấy hạnh phúc khi làm điều tốt lành. Mỗi người sống tốt lên thì cả xã hội mới tốt lên được. Mà khi cả xã hội tốt lên thì mới có thể mong hướng tới được mục tiêu cao đẹp “Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”!
Theo Blog của GS Lân Dũng, 12/5/2012