18 tháng 7, 2011

NHỮNG CHUYỆN “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” Ở TRƯỜNG SA (KỲ 2)

VietNamNet (18/7/2011)
Ở Trường Sa, mọi sinh hoạt của cuộc sống đời thường, từ nếp ăn, nếp ngủ... đến trồng rau, nuôi bò, tăng gia sản xuất... đều là những câu chuyện đặc biệt, pha lẫn cả niềm vui và nước mắt.
Chăm rau hơn... chăm con mọn
Có lẽ, ai cũng biết, có hai thứ ở Trường Sa được “quý hơn vàng”, ấy là rau xanh và nước ngọt. Để có rau xanh, ngoài việc chờ đợi tiếp tế từ đất liền, dân quân trên đảo còn ra sức để có thể tự “tự sản, tự tiêu” - một cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ.
Không giống như đất liền, chỉ cần gieo hạt, chẳng mất nhiều công chăm bẵm là rau mọc tươi tốt. Ở hải đảo, đặc biệt là những đảo chìm, nơi bốn bề chỉ toàn nước biển mặn chát và những tảng san hô ngầm, chiến sĩ hải quân phải tận dụng từng xô, từng thùng đất từ đất liền gửi ra. Ở đây, thống kê tất thảy chỉ có 11 loại rau có thể chịu đựng “phong ba bão táp, gió quật mưa gào” của hải đảo như rau muống, mồng tơi, cải, bầu, mướp...
Trong đó, những loại thân leo như mồng tơi, mướp, bầu được các chiến sĩ ưa chuộng hơn cả bởi có thể thiết kế theo phương pháp “lấn trời”. Những hàng rào bằng tre nứa được dựng lên để rau có thể leo bám thành những bức tường cao, xanh mướt. Phương pháp này vừa cho hiệu quả về số lượng, lại vừa tiết kiệm được đất trồng, nước tưới.
Nói thì nghe đơn giản nhưng tận mắt chứng kiến “cuộc chiến rau xanh” mới thấy được những người chiến sĩ phải tận tụy, nhiều khi mất ăn mất ngủ như thế nào. Họ chẳng khác nào những bà mẹ tất bật chăm con mọn. Trên đảo mỗi năm có hai mùa gió, một thổi theo hướng Đông - Bắc và một theo hướng Tây - Nam. Nếu không may để “trúng gió”, dàn rau sẽ “tiêu” ngay. Cách chắn thông thường bằng những tấm ván, bạt tận dụng không đủ sức ngăn được sức gió và sóng, nhất là mùa biển động.
Vì vậy, lính đảo đã nghĩ ra cách sử dụng chính ngôi nhà mình đang ở làm bức tường chắn gió. Chẳng vậy mới có chuyện: những khu vườn rau di động thường xuyên được “chạy” vòng quanh đảo. Điều đặc biệt, dù không dùng bất cứ thuốc nào nhưng tất cả các loại sâu bọ không thể tấn công tới một lá rau xanh của người chiến sĩ. Cứ ngoài giờ huấn luyện hay khi rảnh rỗi, anh em chiến sĩ lại có mặt ở vườn rau, vạch lá, bắt sâu, tưới nước, vun xới... thậm chí, đơn thuần chỉ là “ngồi ngắm” để thấy “mát lòng”.
Trung tá Đinh Trọng Thắm, đảo trưởng đảo Sinh Tồn đã từng kể lại câu chuyện vừa buồn cười, vừa chua xót. Đó là một dịp cuối năm, bão đến quá bất ngờ nên toàn bộ những khay rau mầm mới nhú đặt trên lan can đã bị gió thổi cuốn phăng xuống biển. Tiếc nuối những “khay vàng” mang bao mồ hôi công sức, cả đoàn chỉ biết lặng nhìn, một cậu chiến sĩ không giấu nổi cảm xúc, bật khóc tu tu như một đứa trẻ.
Thế mới biết, rau xanh đối với họ ý nghĩa và quan trọng như thế nào.
Mỗi lần có khách đến thăm đảo, thứ đặc sản mà lính đảo luôn “nhịn miệng” đãi khách không gì khác, chính là rau xanh. Bởi rau xanh là thứ quý giá nhất nơi đây. Họ vẫn nói: “có rau xanh là giàu”. Vì vậy mà để làm “giàu”, những người chiến sĩ ở đây vẫn ngày đêm... ăn ngủ cùng rau!
Những con bò không thích ăn cỏ!
Ngoài hải đảo, nguồn cá tươi dồi dào luôn là thực phẩm chính trong những bữa ăn của người chiến sĩ. Vì đẩy mạnh tăng gia sản xuất nên cái cảnh: sáng cá, trưa cá... tối cũng cá hầu như đã không còn. 
Nhưng thứ mà người chiến sĩ vẫn “thèm” nhất là một bữa thịt bò, dù chỉ cần xào nấu đơn giản, bởi không phải ở nơi nào cũng có điều kiện chăn nuôi loại đại gia súc này. Song Tử Tây là điểm duy nhất nhất thuộc quần đảo có một sân cỏ lớn. Sân cỏ này không chỉ là nơi tập trung sinh hoạt của người chiến sĩ, luyện tập thể thao mà còn là địa điểm để... nuôi thả đàn bò.
Đây vốn dĩ là một bãi đất trống đầy san hô và cát trắng nhưng nhờ vào đôi bàn tay mẫn cán của người chiến sĩ mà có thể biến thành một thảm xanh tự nhiên, một bản sắc riêng của đảo. Để đảm bảo cỏ luôn xanh và mọc đều tăm tắp, người lính đảo Song Tử Tây phải chia nhau chăm chút, xén tỉa. Mùa tháng ba, nắng cháy da, cháy thịt, nước ngầm trên đảo rút xuống, phần nước sinh hoạt dành cho quân dân cũng giảm theo. Thế nhưng, mọi người vẫn cố chắt chiu, tận dụng nước để tưới cho sân cỏ.
Không biết có phải vì “thương” chiến sĩ hay không mà đàn bò ở đây chỉ thường dạo chơi, tắm nắng trên sân chứ hầu như... không ăn cỏ. Đàn bò trên đảo Song Tử Tây, cũng giống như những vật nuôi khác như gà, lợn... được nuôi bằng phần thức ăn thừa của cán bộ, chiến sĩ. Thế nhưng món khoái khẩu của chúng lại là... giấy. Từ sách, vở, bìa các tông tới bao xi măng, chúng không từ chối “món” nào.
Vì vậy, mới xảy ra chuyện một đồng chí sĩ quan mất cả tháng trời soạn giáo án, lúc sắp hoàn thành thì bị bò mò vào phòng ăn mất. Tức nhưng chẳng ai lại đi “kỷ luật” bò nên đồng chí kia phải hậm hực viết bài giảng lại từ đầu. Câu chuyện này nhanh chóng lan khắp quần đảo Trường Sa, trở thành giai thoại vui về đàn bò trên đảo Song Tử Tây.
Năm 2010, nhờ sinh trưởng tốt, 4 chú bê non đã được ra đời, nâng tổng gia đình nhà bò lên 9 con. Dù đàn bò mang đến không ít chuyện rắc rối, nhưng đối với người lính đảo, chúng vẫn là loại vật vô cùng được yêu mến. Đàn bò không chỉ giúp tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống mà đối với người chiến sĩ, hình ảnh của chúng thong dong trên cánh đồng cỏ còn gợi nhớ hình ảnh quê hương thân thuộc, góp phần làm vơi đi nỗi nhớ nhà.
Bắt nắng, gió phục vụ con người
Tin vui bừng ánh nắng,
Giọng gió sao ngọt ngào
Sóng vờn đảo vẫy chào
Điện sạch về, náo nức!
Đúng như lời bài thơ “Điện sạch trên đảo xa” của Đại tá Trần Dực, những ngày này, khi màn đêm buông xuống, hệ thống chiếu sáng dọc bờ kè làm cho Trường Sa trở nên lung linh giữa bao la sóng nước. Hòa trong tiếng sóng biển, tiếng quạt gió “ro ro” từ những cột thu gió khổng lồ trở thành âm thanh vui tai suốt đêm ngày.
Đó chính là kết quả của dự án năng lượng sạch bao gồm tổng thể hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa. Hàng nghìn tua bin gió, pin mặt trời, bình ắcquy và hệ thống cáp truyền tải đã được bố trí xung quanh 33 điếm đảo và 15 giàn khoan được đưa vào sử dụng, nhằm góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và cải thiện đời sống tinh thần của quân dân.
Với hệ thống năng lượng này, nhu cầu điện sinh hoạt tối thiểu 24/24 của người dân được đảm bảo. Giờ đây, nhà nhà đua nhau mua sắm tivi, tủ lạnh... những thứ trước đây tưởng chừng như quá xa xỉ với vùng hải đảo muôn vàn khó khăn này. Hàng ngày, họ có thể xem tivi, nghe đài, đọc báo qua internet, liên tục cập nhật những thông tin từ đất liền. Ngoài ra, nguồn điện ổn định còn tạo tạo điều kiện đưa các trang thiết bị y tế vào hoạt động, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Có điện, hình thức sinh hoạt tại các cụm đảo cũng trở nên đa dạng hơn. Trước đây, vào những ngày nghỉ, mọi công tác hoạt động đều phải... trông vào giờ cấp điện. Nhưng với dự án mới này, họ hoàn toàn chủ động. Ngoài thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ, các chiến sĩ cũng có thể trải nghiệm món ăn tinh thần yêu thích nhất của mình là “karaoke”. Không còn những chuỗi ngày dài đằng đẵng, ngong ngóng tin đất liền. Các phương tiện nghe, nhìn, internet, điện đàm, điện thoại... đã trở thành cầu nối tiện ích, rút ngắn khoảng cách đất liền và hải đảo.
Ngỡ tưởng rằng, những khắc nghiệt của Trường Sa có thể làm nao lòng quân dân hải đảo. Thế nhưng với sự quyết tâm để bảo vệ vùng đất thiêng của Tổ quốc, đúng như câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, tất cả mọi khó khăn đều có thể khắc phục. Ngay cả cái nắng, cái gió... cũng đang quay lại để phục vụ cuộc sống con người.
(Theo Giáo dục Việt Nam)

NHỮNG CHUYỆN “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” Ở TRƯỜNG SA (KỲ 1)

VietNamNet (16/7/2011)
Ở quần đảo tiền tiêu ngập tràn nắng gió của Tổ quốc, tuy khó khăn vẫn chồng chất khó khăn nhưng còn có biết bao câu chuyện đặc biệt mà không phải ở nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng có được. Những câu chuyện đậm tình quân dân, sáng bừng tình yêu đất nước.
Bác sĩ khoa ngoại kiêm... thú y, đỡ đẻ
Vốn thuộc biên chế của Bệnh viện 175 (Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2010, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc “đầu quân” ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ quân dân y, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của quần đảo thiêng trên biển.
Dù là bác sĩ khoa ngoại, chuyên chấn thương chỉnh hình, nhưng anh Ngọc còn kiêm luôn cả chức vụ... bác sĩ thú y. Trên đảo nuôi nhiều gia súc, gia cầm và rất hay bị dịch bệnh nên anh Ngọc cùng các đồng nghiệp của mình luôn phải tìm cách cứu chữa nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm dự trữ thường xuyên. Chẳng vậy mà vị bác sĩ hóm hỉnh này thường tếu táo giới thiệu tên mình là Ngọc Thúy.
Theo anh, trên đảo chủ yếu là đàn ông con trai, cái tên Ngọc Thúy khi gọi sẽ “góp vui phần nào vì nó tạo cảm giác tuổi xuân thì của người con gái”. Quan trọng hơn, chữ Thúy còn là chữ ghép lại của chữ “Thú - y”. Nhiều người đã không khỏi bật cười khi được nhìn thấy tấm bảng in đậm dòng chữ: “Phòng mạch người lớn - trẻ em và gia cầm” được bác sĩ Ngọc treo trong căn phòng nhỏ phía sau trạm.
Nhưng có lẽ, sau bao năm công tác, dù nằm mơ anh Ngọc cũng chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ trở thành bác sĩ... “đỡ đẻ”. Trên đảo có tất thảy 3 sản phụ, vì không có bác sĩ chuyên khoa sản nên anh phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ của mẹ và bé. Điều thách thức nhất của anh là phải đối mặt với một ca sinh khó.
Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy. Qua quá trình chẩn đoán, anh xác định, chị Thúy bị u xơ tử cung, khối u tương đối lớn và có đường kính hơn 10 cm. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai phụ càng thêm phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiếu ối và dây nhau quấn cổ.
Nắm được tình hình phức tạp, anh Ngọc nhanh chóng thông báo về đất liền để bác sĩ Hồ Xuân Lãng (Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa) ra đảo hỗ trợ. Đúng 10 giờ 37 ngày 04/4, kíp mổ của bác sĩ Ngọc cùng với sự hỗ trợ đắc lực của y bác sĩ tại bệnh viện 175 qua cầu truyền hình đã tiến hành phẫu thuật cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy. Với thao tác nhà binh “đánh nhanh thắng nhanh”, chỉ sau 35 phút, ca mổ đã kết thúc thành công. Một bé gái xinh xắn nặng 3.2 kg đã chào đời trong sự hân hoan của người dân trên đảo.
Với bác sĩ Ngọc, đây không chỉ là ca “đỡ đẻ” đầu tiên, nghẹt thở mà còn là một kỷ niệm đẹp khi đón chào công dân Việt Nam đầu tiên được ra đời trên đảo Trường Sa Lớn. Bé gái ấy được bố mẹ đặt tên là Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Trong cái tên của em không chỉ thấy ghi dấu tên của quần đảo Trường Sa trường tồn, tên đệm của bác sĩ Hồ Xuân Lãng, người trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật mà có tên của vị bác sĩ “đa năng” Nguyễn Hà Ngọc, người đã từng thăm khám, chăm sóc từ khi cháu còn trong bụng mẹ đến lúc chào đời!
Kiếm bạc tỉ từ hải sản của Trường Sa
Từ một vùng biển nghèo khó, những năm gần đây, người dân huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đang “phất” lên từng ngày bằng việc đầu tư hàng trăm tàu công suất lớn, đánh bắt dài ngày trên quần đảo Trường Sa.
Người tiên phong tìm cách làm giàu nơi đây là anh Ngô Văn Thính (xã Long Hải, huyện Phú Quý). Với kinh nghiệm làm thợ lặn lâu năm, trong một lần tình cờ ra quần đảo Trường Sa, anh Thính đã phát hiện ra dưới lòng biển đảo của ta là một “kho” hải, đặc sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ốc nón, ốc càng, hải sâm, cá mó, cá chình, mực nang...
Nắm chắc được “phần thắng” nếu đem những đặc sản này xuất khẩu, năm 2005, anh Thính đã đầu tư 450 triệu đồng để đóng tàu, mua sắm trang thiết bị hiện đại như máy lặn, máy tầm ngư, máy định vị, bộ đàm... Biển cả đã không phụ lòng những đứa con yêu lao động, ngay trong chuyến đi đầu tiên, tàu của anh Thính đã đánh bắt được nhiều hải sản quý, thu nhập gần 200 triệu đồng.
Và cứ thế, đến nay, anh Thính đã trở thành thuyền trưởng tàu BTH-99351. Tàu anh thường xuyên vượt sóng ra khơi 7 chuyến mỗi năm, mỗi chuyến đi kéo dài kéo dài từ 20 - 25 ngày. Riêng năm 2010, tàu anh 8 lần ra khơi, không những mang lại nguồn lợi cho chủ tàu nửa tỉ đồng mà còn tạo thu nhập cho những người nhân công gần 100 triệu đồng/năm.
Học tập tấm gương làm giàu của “thuyền trưởng Thính”, người dân Phú Quý đã rủ nhau góp vốn, đóng tàu ra Trường Sa tìm nguồn hải sản. Chỉ hơn năm năm, chỉ riêng thôn Phú Long đã có khoản 20 thuyền công suất lớn, hằng năm mang về cho ngư dân trong thôn trên 15 tỉ đồng.
Anh Tạ Văn Sang (1979), thuyền trưởng tàu BTH-8069 nhiều năm nay cũng đã “mang ơn” những giá trị từ lòng biển. Anh hồ hởi khoe, năm 2010, con tàu của anh đã đạt tổng thu nhập 1,5 tỉ đồng từ đánh bắt và lặn hải sản. Trừ đi mọi chi phí, mỗi thợ lặn làm công trên tàu anh Sang được trên trên 100 triệu đồng. Trong chuyến đi biển đầu tiên kéo dài gần một tháng của năm 2011, anh Sang cũng cùng bạn thuyền cũng thu về trên 470 triệu đồng.
Không chỉ ở Phú Quý, ngư dân nhiều nơi cận Trường Sa đều có thể mạnh dạn để có được nguồn thu nhập trong mơ nay. Anh Võ Văn Thường, một ngư dân ở đảo Trường Sa Lớn đã mạnh bạo tuyên bố: “Tôi sẽ giàu có, thậm chí, có thể trở thành tỉ phú đầu tiên trên đảo Trường Sa này”.
Chuyện chat bằng USB “3G” tại Trường Sa
Đã qua rồi cái thuở “đa không” ở nhiều vùng đảo thuộc Trường Sa: không điện, không nước ngọt, không rau xanh... và không internet. Những ngày này, ở giữa đảo Song Tử Tây, dưới bóng rợp của bàng vuông, mở laptop, kết nối mạng bằng USB 3G Viettel, đăng nhập Yahoo Messenger, là đã có thể trò chuyện với những người đang cách xa cả ngàn hải lý.
Những chàng lính trẻ đã không còn phải mỏi mòn đợi từng cánh thư của “người thương” gửi vào từ đất liền, những người chồng, người cha vẫn có thể được nhìn thấy khuôn mặt thân quen của người vợ, người con ngay cả khi không ở cạnh bên... Chiếc USB 3G bé nhỏ là thế nhưng đã phá vỡ được khoảng cách từ biển đảo với trọn vẹn phần lãnh thổ chữ S, làm những người chiến sĩ thêm ấm lòng và chắc tay súng.
Mới nghe thì có vẻ “không liên quan”, nhưng “cánh nhà báo” là những người chẳng kém vui mừng khi internet về với biển đảo. Nhà báo Dương Hiệp (Báo Hà Nội mới) từng chia sẻ, vào thời điểm mạng Internet và Internet không dây đều chưa có trên đảo, để có những bài viết kịp thời về đất liền, nửa đêm phóng viên phải lọ mọ leo lên vọng gác, điện thoại về tòa soạn để đồng nghiệp ghi âm rồi đánh máy lại. Thậm chí, sóng điện thoại cũng hết sức chập chờn, chỉ cần có thêm một người khác lên vọng, ngay lập tức máy sẽ mất tín hiệu và phải mất công đọc lại từ đầu.
Với sự phát triển vượt bậc này, họ đã có thể “an tâm” tác nghiệp, nhanh chóng cung cấp cho độc giả trong, ngoài nước những thông tin, hình ảnh chân thật và kịp thời về vùng đất máu xương của Tổ quốc.
Những chiến sĩ thủy quân đặc biệt
Đó là cách gọi đặc biệt mà người ta dành cho những chú chó nghiệp vụ, ngày đêm hỗ trợ người chiến sĩ hải quân canh giữ biển trời thiêng liêng nơi biển đảo.
Ở Trường Sa, hình ảnh của ba chú chó nghiệp vụ Mika, Kakốp và Manlơ thông minh, bản lĩnh đã trở nên quen thuộc với tất thảy quân dân trong vùng. Vốn là những “chiến sĩ bốn chân” lừng lẫy chiến công trên đất liền nhưng khi được “điều động” ra đảo, chúng đều phải mất một khoảng thời gian để làm quen với môi trường mới và bài học khắc nghiệt của đội huấn luyện. Chúng phải đối mặt những con sóng dữ để có thể vừa bơi vừa chiến đấu; gia tăng tốc độ trên cát nhanh gấp bốn lần bước chạy rút của chiến sĩ.
Ngoài việc “rèn luyện” nâng cao thể lực, binh khuyển còn nhanh chóng làm quen với những buổi diễn tập chống người nhái, biệt kích như các phương án đánh chặn từ ngoài bờ kè và đánh bắt khi địch xâm nhập. Có nhiều lần, binh khuyển “nhập vai” quá “xung”, anh em huấn luyện viên phải lập tức ra lệnh ngừng tấn công để... tránh rủi ro cho cả hai phía.
Điều đặc biệt, khẩu phần ăn của binh khuyển thường đòi hỏi chế độ dinh dưỡng rất cao, thậm chí còn hơn cả lính bộ binh. Nhưng theo các chiến sĩ, may mắn mắn là đàn chó nghiệp vụ ở Trường Sa đều khá “dễ tính” và thích nghi với hoàn cảnh, chúng có thể ăn được thịt hộp, cá biển, cơm, rau... nên không quá “làm khó” anh em.
(Theo Giáo dục Việt Nam)

CÁC MÁC VÀ CHỌN NGHỀ

Không chỉ đến bây giờ chọn nghề mới trở thành vấn đề “nóng hổi” với mỗi thanh niên. Các Mác (Karl Marx, 1818 - 1883) - một trong những lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản đã có những góc nhìn hết sức sắc sảo chọn nghề trong những bài viết của mình từ giữa những năm 30 của thế kỉ XIX. Sau đây, xin được trích đăng bài viết này để các bạn trẻ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc “chọn nghề” cho tương lai.
“Đối với con vật, tạo hóa đã qui định phạm vi mà trong đó bản thân nó phải vận động, và nó yên tâm làm như vậy, không cố gắng vượt ra ngoài phạm vi của tự nhiên, thậm chí cũng không hề hay biết rằng còn có những phạm vi khác.
...Con người, khác với con vật, hành động một cách tự do. Sự tự do của con người biểu hiện rõ nhất ở việc chọn nghề.
Khả năng lựa chọn này là ưu thế to lớn của con người so với những sinh vật khác của thế giới, nhưng đồng thời sự lựa chọn này là hành động có thể phá hoại toàn bộ cuộc đời của con người, làm hỏng mọi kế hoạch của họ và biến họ thành kẻ bất hạnh. Vì vậy, thái độ cân nhắc thận trọng trong việc chọn nghề là trách nhiệm hàng đầu của một thanh niên khi bắt đầu con đường đời của mình và không muốn phó thác những việc làm quan trọng nhất của mình cho sự ngẫu nhiên.
...Không phải bao giờ chúng ta cũng có thể chọn được nghề mà chúng ta mong muốn: các quan hệ xã hội đối với chúng ta đã bắt đầu được xác định ở chừng mực nào đó ngay từ trước khi chúng ta có thể có tác dụng quyết định đối với các quan hệ đó.
...Phẩm chất là cái đề cao con người hơn cả, là cái truyền thêm cho hoạt động của họ, cho tất cả những khát vọng của họ một giá trị cao thượng nhất... Chúng ta phải chọn nghề nào mà trong đó chúng ta không phải là những công cụ nô lệ, mà độc lập sáng tạo trong phạm vi của mình.
...Những sự nghiệp vĩ đại và đẹp đẽ chỉ có thể phát sinh từ sự điềm đạm, nó là mảnh nhất duy nhất trên đó có thể mọc lên những trái thơm quả ngọt... Không hấp tấp, không vội vàng, phải bình tĩnh sáng suốt, chỉ có như vậy mới thực hiện được trên thế gian này tất cả những gì có thể để lại dấu vết đời đời cho mai sau... Và đó là điều chủ yếu nhất. Chớ băn khoăn về hạnh phúc riêng tư, cá nhân, vị kỉ, về thành công chốc lát. Tất nhiên cần phải biết đến những năng lực của mình, nhưng chỉ cốt để hành động vì hạnh phúc của tất cả mọi người.
...Những nghề không đi sâu vào cuộc sống, mà chỉ chú ý đến những chân lí trừu tượng là những nghề nguy hiểm nhất đối với một thanh niên chưa có được những nguyên lí chắc chắn, những niềm tin vững vàng và không gì lay chuyển nổi.
Nếu con người làm việc chỉ vì bản thân mình thì may ra có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái vĩ đại, một nhà thơ ưu tú, nhưng không bao giờ có thể thành một con người thực sự hoàn thiện và vĩ đại.
...Lịch sử thừa nhận những vĩ nhân là những người làm việc cho mục đích chung, và do đó mà bản thân họ cũng trở nên cao thượng hơn; kinh nghiệm cho thấy rằng người nào đem hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là kẻ hạnh phúc nhất.
...Nếu ta chọn một nghề trong đó ta có thể làm việc được nhiều hơn cho nhân loại, thì ta sẽ không còng lưng dưới gánh nặng của nó, bởi vì đó là sự hi sinh vì mọi người; khi đó ta cảm thấy một niềm vui không phải là tội nghiệp, thiển cận, ích kỉ, mà hạnh phúc của chúng ta sẽ thuộc về hàng triệu người, những việc làm của ta sẽ sống một cuộc sống âm thầm, nhưng mãi mãi có hiệu quả, và trên thi hài của chúng ta, sẽ nhỏ xuống những giọt nước mắt nóng bỏng của những con người cao quí.”
(Nguồn: C.Mác-Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 40)

SINH VIÊN NGOẠI THƯƠNG: “MUỐN CẢ GỖ, CẢ NƯỚC SƠN”


(VietNamNet, 18/7/2011)
- Dương Thị Tuyết Trinh, giải nhất môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm ngoái, hiện đang là sinh viên ĐH Ngoại thương đã đề xuất “sửa đề thi đại học môn Ngữ văn khối D” khi tham gia “làm bài thi đại học với các thí sinh” năm 2011 với VietNamNet. Dưới đây là bài viết của Tuyết Trinh.
Tôi cứ nghĩ rằng, sự nổi tiếng không phải bông hoa hồng mọc cheo leo trên đỉnh núi hay sườn dốc. Bởi giản đơn hoa hồng thích mọc trong vườn nhà tôi hơn... bởi đấy là định mệnh của nó.
Không, tôi lại không muốn bàn đến định mệnh như một sự bất khả kháng. Tôi muốn bàn đến cái sự sinh ra đã có và cái sự cố gắng để có.
Quay ngược thời gian để thấy danh từ “sự nổi tiếng” không chỉ có tác động mạnh mẽ trong thời hiện tại.
Kể cả một quá khứ dài và sâu, khi nó mang cái tên “danh” cũng được Nguyễn Công Trứ khẳng định chắc chắn rằng:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông”
Người đời xưa nói “danh”, người đời nay nói “sự nổi tiếng”.
Và vừa qua người ta nói: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”.
Tôi xin tách vế đầu ra để suy nghĩ: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng...”. Có vẻ như vế đầu này khiến người đọc bị ấn tượng mạnh mẽ hơn vế câu sau. Thật tội nghiệp cho “sự nổi tiếng”.
Người ta nói có những người sinh ra đã là người nổi tiếng. Định mệnh cho họ cái mà người khác không có: một giọng hát hay, một trí tuệ siêu việt, một vẻ đẹp hoàn mĩ.... Rồi họ trau chuốt cho tài năng của mình nở rộ để người đời được chiêm ngưỡng nó.
Nhưng có những người luôn phải cố gắng bằng mọi cách để được nổi tiếng. Người ta cứ nhìn vào những “ác mộng” ngày nay để chỉ trích: những thảm họa âm nhạc, những vụ tự tử, những vụ giết người, những kẻ điên loạn... và sau tất cả lại nói trong sung sướng: “Tôi không biết mình đã làm gì nhưng tôi sẽ được lên báo và nổi tiếng”.
Sự điên cuồng muốn khẳng định cái “tôi” khiến chúng ta trở nên sợ sự nổi tiếng. Nó như ma túy gây ra nhiêu thảm họa cho những kẻ cố gắng bằng mọi giá để tên mình được nhiều người biết đến.
Nhưng xin đừng thấy vậy mà xa lánh sự nổi tiếng. Ấy chính là động lực. Cố gắng trở thành người nổi tiếng là giấc mơ trần tục nhất mà con người muốn có.
Được nhiều người biết đến mình, được đưa cái “tôi” đạt đến tuyệt đích. Được phô bày những tài năng, phẩm hạnh của mình cho thế hệ sau.
Giấc mơ ấy khiến người ta không còn muốn giam giữ mình sống lặng lẽ để rồi ra đi lặng lẽ.
Người đời cứ gán cho mình những mục đích cao cả mà quên đi mục đích con người nhất. Một người anh hùng xông pha giữa sa trường, đó là vì: “phá cường địch, báo hoàng ân”. Nhưng đâu phải người anh hùng ấy không nghĩ đến bốn chữ: lưu danh thiên cổ.
Tôi thiết nghĩ: muốn được nổi tiếng không xấu. Michael Jackson ra đi trong sự xót thương của cả thế giới. Đừng nói với tôi con người ấy không cố gắng để được nổi tiếng. Anh ấy có tài năng mà định mệnh lựa chọn. Nhưng đó chỉ là nền tảng. Sự nổi tiếng của Michael Jackson là cả một cuộc đời cố gắng, theo đuổi và khẳng định mình.
Nhắc đến Ngô Bảo Châu, đừng nói với tôi giáo sư sáng tạo ra công trình toán học ấy chỉ vì niềm đam mê, chỉ muốn mang ích lợi đến cho cộng đồng. Không! Giáo sư cũng nghĩ đến sự nổi tiếng. Đó không phải mục đích chính. Nhưng chính suy nghĩ rằng mình sẽ được cả thế giới biết đến cũng góp phần thôi thúc một con người vốn làm bạn với phòng nghiên cứu làm nên được những điều kì diệu.
Sống có ích thật tuyệt vời. Con người phải sống và làm cho cuộc sống của mình có ích. Nhưng đôi khi chúng ta cần sống có ích để làm nền tảng cho một sự nổi tiếng.
Tôi có nghe câu chuyện về những người hiến thận giúp người, về những người quyên góp tiền ủng hộ bao hoàn cảnh khó khăn. Khi phỏng vấn họ, chúng ta muốn có được câu trả lời rằng họ làm vậy vì giúp người, vì tình thương.
Nhưng nếu có ai nói: tôi cứu người vì muốn được nổi tiếng, thì cũng đừng vội lên án họ. Đó lại là câu trả lời rất thành thực. Làm điều tốt và muốn được nổi tiếng để mọi người biết đến việc tốt của mình, làm theo và nhân rộng việc tốt ấy. Đó là một cách khôn ngoan để khiến tầm ảnh hưởng của việc sống có ích của một cá nhân phủ bóng lên nhiều cá nhân khác.
Xin mạn phép sửa lại câu nói trong đề thi Văn năm nay: “Hãy trở thành người nổi tiếng, nhưng trước tiên hãy là người có ích”.
Người ngày xưa thích bất phương trinh, thích sự lựa chọn. Nhưng người của ngày nay không muốn lựa chọn nhiều. Chúng tôi thích cả gỗ cả nước sơn. Chúng tôi thích cả cái tốt và cái xấu. Và bây giờ chúng tôi cần cả sự có ích và sự nổi tiếng. Bởi một đẳng thức sẽ tốt hơn một bất phương trình khó giải.
Đến bây giờ thì tôi nghĩ: sự nổi tiếng nếu là một bông hoa hồng thì nó thích mọc trong vườn hơn. Ai cũng cố trồng một bông hoa hồng trong vườn nhà mình. Có những người trồng được, có những người không.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng: bạn sẽ trở thành người làm vườn xuất sắc nếu như trong “công cuộc” trồng hồng ấy, bạn còn khiến cho mọi loài hoa khác trong mảnh đất của mình đâm nụ và nở hoa rực rỡ. Dẫu rằng hoa hồng không nở, tôi vẫn sẽ có hàng ngàn những nụ hoa xinh xắn rồi đây sẽ đơm hương cho cuộc đời của tôi.
Dương Thị Tuyết Trinh (SV Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội)

“TÔI SẼ CHỌN CÁCH NỔI TIẾNG NHƯ NGÔ BẢO CHÂU”


(VietNamNet, 12/7/2011)
- Sự nổi tiếng tìm đến tự nhiên ngoài ý muốn của chủ nhân, hay tìm đến sự nổi tiếng từ cơn khát bằng mọi cách?
Đề thi môn Ngữ văn khối D kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 có câu hỏi như sau: “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”. Trong bài viết “cùng làm bài thi đại học với thí sinh”, Lê Nguyễn Ngọc Trâm - học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã nêu vấn đề và luận giải từ góc nhìn của mình.
Nhà thơ người Mỹ Henry Wadsworth Longfellow viết: “Sự nổi tiếng chỉ đến khi bạn xứng đáng, nó đến như một định mệnh, bởi nó chính là định mệnh”.
Có những người nổi tiếng bởi họ thật sự tài năng và xứng đáng được ca ngợi. Sự nổi danh của họ đến như một điều tất yếu của những cống hiến không mệt mỏi của họ đối với  xã hội như Pascan, Anhxtanh.
Nhưng  trái lại, đã, đang và có rất nhiều người chạy theo một ánh hào quang của danh vọng một cách hăm hở, quyết liệt, kiên trì và bền bỉ đến không ngờ.
Họ tham gia vào cuộc đua trở nên nổi tiếng như tiến vào một cuộc săn đầy tính thách thức. Họ làm mọi cách để đạt được nó mà quên mất một điều: Sự nổi tiếng chỉ đến khi bạn xứng đáng, nó chỉ đến khi bạn làm việc, khi bạn cố gắng đóng góp một điều gì thực sự có ích cho cuộc sống này.
Vậy thì, sự nổi tiếng là gì mà có sức mạnh thu hút con người ta đến thế?
Đó chính là sự  ngưỡng mộ của xã hội đối với một con người bởi những đóng góp của họ.
Đó là sự khâm phục đối với một cá nhân với tài năng, phẩm chất của họ, với sự thành đạt của họ cũng như việc làm mà họ đã giúp ích cho cộng đồng.
Trở thành người nổi tiếng cũng đồng nghĩa với việc tên tuổi của bạn, sự xuất hiện của bạn, những gì bạn mặc, những gì bạn nói, bạn làm... đã trở thành mối quan tâm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.
Dù bạn đang ở đâu, làm gì, nói gì, chỉ cần bạn nổi tiếng, tất cả đều được trở thành một tiêu đề báo.
Tất cả những điều đó, kết hợp với tốc độ tên lửa của công nghệ thông tin, mạng máy tính và truyền thông, biến sự nổi tiếng và ham muốn trở thành người nổi tiếng thành một cơn khát cho rất nhiều những người trẻ hôm nay.
Khát khao đó, đối với những tài năng, hay với những khối óc đầy đam mê và nhiệt huyết, sẽ trở thành một lực đẩy mạnh mẽ giúp họ cố gắng và tiến lên trên con đường trưởng thành và lập nghiệp của mình.
Nhưng với một số người khác, “nổi danh” như một cái mác để họ khẳng định giá trị “đẳng cấp” của mình trong cuộc sống tẻ nhạt không mục đích, thiếu hoài bão thực sự.
Họ chọn cách “làm người nổi tiếng” để thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân trong những tựa đề báo lá cải mà luôn luôn có họ là nhân vật chính.
Họ chìm trong ảo tưởng và sự mù quáng về bản thân mà không biết rằng số lượng đông đảo những kết quả tìm kiếm về mình trên Google chỉ là bằng chứng cho việc họ đang là những đề tài giải trí tầm thường.
Nhưng họ lại không biết điều đó, họ thỏa mãn với nó để lại tiếp tục đưa thêm những tin giật gân, những bộ ảnh khiến người xem thất vọng, chán nản cho không phải một vài mà là rất nhiều những người đang biến tuổi trẻ của mình thành một món giải trí rẻ tiền.
Cư dân trên mạng đều đã biết một số ca sĩ người mẫu đã không ngại phô trương thân thể để được nổi tiếng đó sao? Cách làm ấy rất nguy hại vì nó không phải là mục đích cao quý mà những tài năng chân chính hướng tới.
Tiếng tăm, danh vọng thường không phải là mục đích cao đẹp nhất của cuộc sống. Danh vọng có thể làm tha hóa con người, làm băng hoại đạo đức và đẩy con người ta vào tội lỗi. Để cố trở thành người nổi tiếng có những người đã đi vào những con đường bất chính, sử dụng những phương thức, hành động xấu xa để bôi nhọ hoặc hạ thấp giá trị của đồng nghiệp. Như thế thực sự họ đã tự hạ thấp mình.
Khẳng định bản thân là nhu cầu và khát khao của mỗi con người. Chúng ta sống và luôn mong muốn được người khác công nhận bản mình.
Nhưng giá trị của chúng ta không nằm ở việc liệu có nhiều người biết ta là ai mà chính ở việc ta làm có ích cho cộng đồng hay không?
Một nhà văn từng nói: “Mọi phẩm chất của đức hạnh đều ở trong hành động”.
Dù đó là công việc lớn lao như một chính trị gia đại diện cho cả dân tộc, hay nhỏ bé như những học sinh phổ thông cần mẫn học tập để một ngày nào đó làm vẻ vang cho gia đình. 
Điều quan trọng là động cơ hành động của ta cao quý hay thấp hèn, vì mục đích hướng tới mọi người hay chỉ vì sự háo danh trong chốc lát.
Những điều ta suy nghĩ, những việc ta làm vì lợi ích của số đông mới khẳng định ta là ai, ta ở đâu trong cuộc sống này.
Trở thành một người có ích, trở thành một người có mục đích tốt đẹp trong cuộc đời, đó mới thực sự là Sống.
Và khi ta ý thức được cuộc đời của ta và không ngại ngần công hiến hết khả năng, đó là khi ta đang dần xây dựng nền móng vững chắc nhất cho tên tuổi, cho “sự nổi tiếng” chân chính đáng quí của mình.
Không ai tắm hai lần trên một dòng sông, và không ai có hai lần tuổi trẻ. Đừng phí hoài nó với sự phù phiếm, giả dối của cái gọi là “hư danh” trong chốc lát. Đừng thu mình trong vỏ ốc của sự rụt rè và nhút nhát. Hãy sống hết mình để khi nhìn lại ta không phải nuối tiếc, không phải hối hận vì đã an phận, đã bằng lòng trong những tháng năm tuổi trẻ.
Tôi cứ nghĩ sự nổi tiếng giống như một bông hồng trên vách đã cheo leo mà rất nhiều người muốn hái.
Nhưng liệu bạn chọn cách treo mình lơ lửng để rất nhiều người bàn tán và hái được bóng của đóa hoa trong chốc lát; hay bạn chọn cách xây cả một tòa lâu đài vững chắc, không chỉ để cho riêng mình mà còn để rất nhiều người cùng bước lên và ngắm được vẻ đẹp của hoa?
Khi Ngô Bảo Châu lặng lẽ nghiên cứu Toán học, hẳn anh không đi tìm sự nổi tiếng, nhưng chính sự say mê và sự kiên trì một mục đích tốt đẹp đã dẫn anh tới thảm đỏ của vinh quang.
Và còn rất nhiều tài năng trẻ trên đất nước ta âm thầm học hỏi nghiên cứu, rồi một ngày nào đó, sự nổi tiếng lại tìm đến với họ. Tôi cũng sẽ chọn cách đó.
Lê Nguyễn Ngọc Trâm (lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam)
Đề thi ĐH môn Ngữ văn năm 2011, khối D: 
Câu II. (3,0 điểm): Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
*************************

NỮ SINH AMS LUẬN CHUYỆN “LỘ HÀNG”

(VietNamNet, 11/7/2011)
Trong bài viết tham gia “làm bài thi đại học với các thí sinh”, Hoàng Ngọc Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã lấy những dẫn chứng “thời sự” cho đề bài: “Biết tự hào về bản thân là điều cần thiết, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn”. Đây là câu hỏi “ăn” 3 điểm, thuộc phần nghị luận xã hội trong đề thi tuyển sinh đại học khối C năm nay.
Con người được sinh ra và  trải qua đủ các cung bậc tình cảm: hỉ - nộ - ái - ố. Khi thành công trong học tập, trong công việc, niềm vui và hạnh phúc tràn ngập khắp mọi nơi. Lúc đó, chúng ta cảm thấy tự hào về bản thân, và bố mẹ cũng tự hào về chúng ta.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ dẫn tới vinh quang. Chúng ta cũng có lúc vấp ngã, cũng có lúc phải đối mặt với sự thất bại. Và nhiều khi mắc phải những hành động sai lầm.
Sau đó, ta mới nhận ra rằng xấu hổ cũng rất quan trọng. Đó không chỉ là cảm xúc đơn thuần mà còn là một động lực to lớn giúp ta đứng lên và nắm lấy chiến thắng.
Tôi hãnh diện khi là học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam. Tôi đã phấn đấu để trở thành một học sinh giỏi. Tôi tự hào là đứa con ngoan. Tôi tự hào về những sở trường của mình.
“Tự hào” khi được trình bày bằng định nghĩa, sẽ là sự hài lòng, niềm hãnh diện về những điều tốt đẹp mình có, và hơn cả vậy. Nếu “hài lòng” khiến con người thỏa mãn với những gì mình có thì “tự hào” mang lại cho chúng ta sự tự tin, hứng khởi, thúc giục ta phấn đấu để vươn tới một tầm cao mới.
Cũng như hai thái cực: tốt và xấu, giỏi và kém, chăm chỉ và lười nhác - tự hào và xấu hổ cũng là hai mặt không thể tách rời trong trạng thái tâm lý của mỗi con người.
Bực tức, hổ thẹn về bản thân khi mặc lỗi hoặc kém hơn người khác được hiểu là “xấu hổ”. Nhưng trong thực tế cuộc sống, con người thường hay tự hào kiêu hãnh về mình nhiều hơn là xấu hổ về những ý nghĩ hoặc hành vi sai trái của chính mình.
Con người có ý thức tốt, nhân cách tốt luôn biết tránh xa những điều xấu, hướng tới những điều tốt đẹp, thế nên những tính từ tiêu cực phải bị loại trừ, trong đó có cả xấu hổ.
Nhưng thật không công bằng nếu chỉ nhìn cảm xúc đó theo một khía cạnh, mà phải đánh giá nó với con mắt đa chiều. “Xấu hổ” cũng mang nghĩa tích cực. Người biết xấu hổ là người có lòng tự trọng cao, có lòng can đảm đối mặt với sai lầm để thành công.
Các website, báo chí, truyền thông gần đây rộ lên những cơn sốt về “nữ sinh ăn mặc thiếu vải”, “người nổi tiếng lộ hàng” mà trong đó phần lớn là chủ nhân tự tung ảnh hoặc video lên mạng. Hành động này không chỉ đi trái với đạo đức con người mà còn là một sự lệch lạc trong cảm xúc.
Thay vì xấu hổ, họ cảm thấy tự hào với bản thân, coi đó là một việc đáng được dư luận nhắc tới.
Hay gần hơn là hiện tượng quay cóp bài trong giờ kiểm tra. Sau khi vi phạm quy chế thi, được điểm cao không nhờ sự cố gắng của bản thân, mà vì gian lận, họ vẫn thản nhiên sung sướng và hãnh diện mà không biết rằng đằng sau có bao con mắt đang dè bỉu, coi thường. Tôi tự hỏi: Tại sao họ không hổ thẹn với các bạn trong lớp và với chính bản thân mình, họ tự hào vì điều gì? Họ tự hào vì được điểm cao, hay họ đã mất đi lòng tự trọng?
Ngày nay, rất nhiều người trong chúng ta đã đánh rơi mất hai từ “tốt đẹp” trong định nghĩa về sự tự hào và quên mất tầm quan trọng của sự xấu hổ, trong đó có nhiều người đã thành đạt.
Họ hướng tới một niềm kiêu hãnh sai lầm và đánh mất lương tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng khiêm tốn.
Ai đứng sau vụ việc xả chất thải ra sông Thị Vải làm hàng nghìn người dân lao động mất đi nguồn sống? Ai lừa gạt trẻ em và phụ nữ bán ra nước ngoài để kiếm lấy những đồng tiền nhơ bẩn?
Thiết nghĩ, họ đã tê liệt mất dây thần kinh xấu hổ và biến thành kẻ vô cảm, nhẫn tâm trước đồng loại.
Thời nhà Trần, tướng quân Phạm Ngũ Lão lập bao chiến công  vẫn thấy “thẹn” với Vũ Hầu. Nguyễn Khuyến cáo quan về quê, không hợp tác với giặc Pháp vẫn tự hổ thẹn với Đào Tiềm. Có những cái “thẹn” nâng cao phẩm cách con người như vậy đấy. “Tự hào”“xấu hổ” là những đức tính cần thiết để hoàn thiện nhân cách mỗi con người. Chỉ nhận thức về tầm quan trọng của chúng thôi là chưa đủ, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu và rèn luyện bản thân để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp và một xã hội lành mạnh hơn.
Một vài người bạn của tôi đã biết xấu hổ và sửa chữa những lỗi lầm đáng tiếc. Riêng bản thân tôi, chính vì biết xấu hổ nên bây giờ có thể tự hào đã quyết không tham gia những hành vi sai lầm để làm mất đi môi trường thân thiện mà Nhà trường và Thầy Cô đã  dày công vun đắp.
Hoàng Ngọc Anh (Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam)
Đề thi đại học môn Ngữ văn khối C, kỳ thi tuyển sinh năm 2011:
Câu 2 (3 điểm):
Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn.
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600) từ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
*********************************

SỰ TRÁI NGƯỢC CỦA SINH VIÊN MỸ VÀ TRUNG QUỐC

(VietNamNet, 26/6/2011)
5 điều sinh viên Mỹ có thể học từ sinh viên Trung Quốc
1. Kỷ luật sắt đối với chính bản thân
Một sinh viên Mỹ thường không bao giờ lao đầu vào học hay làm việc miệt mài quên ăn quên ngủ, nếu không có ai hoặc điều gì buộc họ phải làm như vậy. Nhưng một sinh viên Trung Quốc thì có thể ngồi học trong thư viện 12 tiếng đồng hồ liên tục trong trạng thái không bị ai kiểm soát, mà cũng không phải để đối phó với một kỳ thi.
2. Sự khiêm tốn
Người Mỹ thường quá tự tin và tự hào về bản thân mình - ngay cả khi họ không hề có lý do để làm như vậy. Một trong những ví dụ điển hình là YaoMing (Diêu Minh - ngôi sao thể thao số 1 Trung Quốc), anh ta luôn cống hiến những thành tích xuất sắc cho NBA một cách thầm lặng, trong khi các vận động viên Mỹ khác thao thao nói về việc họ đã chơi tốt như thế nào. Trong trường học, sinh viên Mỹ luôn muốn chứng tỏ mình thông minh hơn mọi người, thậm chí hơn cả giáo viên của họ. Sinh viên Trung Quốc thì khác, họ chăm chú lắng nghe.
3. Sự chuyên cần
Sinh viên Mỹ sẽ nghĩ đến việc bỏ cuộc khi họ thất bại, hoặc họ sẽ đầu tư ít hơn, để dành sức cho việc tìm kiếm một con đường khác. Sinh viên Trung Quốc một khi đã có mục tiêu, họ sẽ làm đi làm lại cho đến khi thành công. Nếu một học sinh Trung Quốc rớt kỳ thi Cao Khảo, cậu ta sẽ thi lại lần thứ 2, thứ 3, thậm chí thứ 4… đến khi đậu thì thôi. Điều này hầu như không thể xảy ra ở Mỹ.
4. Trách nhiệm đối với những người bên cạnh
Khi một sinh viên Mỹ được hỏi sao anh ta có thể học xuất sắc đến như vậy, câu trả lời sẽ là: “Vì tôi thích”, hoặc: “Vì nó sẽ giúp tôi kiếm được rất nhiều tiền”. Tương tự với một sinh viên Trung Quốc, câu trả lời sẽ là: “Vì đó là mong ước của bố mẹ tôi”, “Vì nó sẽ giúp tôi mang lại điều tốt đẹp cho gia đình”, hoặc: “Tôi muốn giúp đất nước tôi phát triển”.
5. Nhẫn nhịn và chịu thương chịu khó
Nếu một điều bất công hoặc không hay xảy ra đối với một sinh viên Mỹ, điều thường thấy nhất là anh ta sẽ tỏ thái độ ngay lập tức, và có thể phát điên lên - cho dù điều đó hoàn toàn không giúp ích gì. Sinh viên Trung Quốc luôn hiểu rằng trở ngại là một phần của thành công. Họ sẵn sàng nhẫn nhịn và tiếp tục cố gắng.
SV Trung Quốc có thể học gì từ SV Mỹ?
1. Khả năng phê bình
Khi sinh viên Trung Quốc được hỏi ý kiến về một vấn đề, thông thường họ sẽ dẫn nguồn tin từ Chính phủ, từ phương tiện truyền thông, từ lời giáo viên, hoặc sách tham khảo... Đối với người Mỹ, điều đó không có giá trị gì mấy. Ralph Waldo Emerson, nhà thơ, triết gia nổi tiếng người Mỹ đã từng nói: “Tôi ghét những lời trích dẫn. Hãy nói xem anh biết cái gì?”.
2. Sự tự tin
Trong lớp học, sinh viên Trung Quốc hầu như không bao giờ giơ tay phát biểu. Sinh viên nam và sinh viên nữ hiếm khi tự nguyện ngồi chung với nhau. Đó là biểu hiện của sự thiếu tự tin. Một sinh viên Mỹ sẽ không bao giờ chỉ ngồi yên và nhìn giáo viên, nếu anh ta đang có thắc mắc, hoặc biết câu trả lời đúng.
3. Khả năng tự nuôi sống bản thân
Tỉ lệ sinh viên Mỹ đi làm thêm là 80/100, còn với sinh viên Trung Quốc là 10/100. Phần lớn sinh viên Mỹ có thể vào bếp biểu diễn một món ăn mà họ thích. Trong khi đó, đa phần sinh viên Trung Quốc không hề ngại ngần khi xin tiền từ gia đình, cũng như không ngại khi phải thú nhận rằng mình không hề biết nấu nướng.
4. Tính chính trực trong học thuật
Rất hiếm sinh viên Mỹ quay cóp khi làm bài kiểm tra, cũng như hiếm người dám ăn cắp ý tưởng của người khác khi viết bài luận. Rất hiếm sinh viên Trung Quốc không làm như vậy.
5. Nghĩ một cách khác người
Người Trung Quốc luôn bị ám ảnh bởi từ “truyền thống”, còn người Mỹ lại luôn hứng thú với cách nghĩ mới. Không ai có thể phủ nhận người Mỹ có rất nhiều phát minh. Bill Gates, Thomas Edison, Michael Dell, v.v... luôn cố gắng thực hiện ý tưởng của mình, bất chấp việc người khác cười nhạo. Đối với người Trung Quốc, bắt chước thì dễ, nhưng sáng tạo thì khó hơn nhiều.
Thu Vân (Theo Bjstuff)