19 tháng 4, 2011

TRIẾT LÍ CỦA ĐỒNG TIỀN

(16/02/2009)
Bạn có cần tiền không? Có!
Bạn đã biết cách tạo ra đồng tiền? Bạn đã biết cách sử dụng tiền? Đừng vội vàng trả lời nhé!
Các cụ ta ngày xưa thường nói: “Tiền tài là vật ngoại thân”, tuy nó có quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện, không nên quá đặt nặng.
Những kiến thức cơ bản về tài chính và kinh tế đã cho ta biết rằng đồng tiền vốn lưỡng tính: Vừa có chức năng phương tiện thanh toán, vừa có chức năng hàng hóa. Khi nó được qui đổi giá trị thì nó là phương tiện thanh toán, khi nó lưu thông thì nó là hàng hóa.
Một ngân hàng nọ, sau khi tổng kết cuối ngày thấy còn dư vốn, họ liền liên lạc với một ngân hàng khác để cho họ mượn tiền qua đêm với điều kiện ngân hàng được mượn phải ở bên kia bán cầu thì đương nhiên giờ khóa kho của ngân hàng bên này sẽ là giờ hoạt động của ngân hàng kia. Sang hôm sau, đến giờ mở kho sẽ là giờ đóng kho của bên kia và nhận tiền về. Đương nhiên ngân hàng được mượn tiền ấy sẽ trả cho ngân hàng này một khoản lợi nhuận kèm theo. Hình thức ấy người ta gọi là “gửi tiền qua đêm”. Đồng tiền bất động là đồng tiền chết!
Điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn là tính hàng hóa của đồng tiền.
Nếu đồng tiền không được lưu thông thì nó sẽ tự suy thoái, không thể nảy sinh lợi nhuận. Trong khi văn hóa gốc nông nghiệp của Việt Nam ta vốn xem thường nghề buôn, trong tứ dân, thương nghiệp bị xếp cuối cùng (sĩ, nông, công, thương), đó là chưa kể thái độ miệt thị với nghề buôn (Thật thà cũng thể lái trâu), thêm nữa, nền kinh tế tiểu nông vốn thiên về tự cung tự cấp và phổ biến hình thức hàng đổi hàng (chính xác là vật đổi vật), kinh tế thị trường kém phát triển cho nên việc phát minh ra công cụ thanh toán của nhân loại ấy vẫn chưa phát huy hết công dụng của nó trong nền kinh tế truyền thống Việt Nam vì chưa xem đồng tiền là một loại hàng hóa.
Nói về chuyện phát sinh lợi nhuận của đồng tiền để chúng ta làm kinh tế? Không! Tôi chưa đủ trình độ và tư cách để dạy người khác cách làm ra đồng tiền và làm cho đồng tiền sinh lợi, tôi chỉ muốn lấy đó là cái cớ để liên tưởng.
Bạn hãy tưởng tượng: Giữa một đám đông đang đi trên đường, mọi người cười nói lao xao, thản nhiên xả rác, nhổ nước bọt lên mặt đường, bỗng dưng có một người đi đến, gom hết những thứ rác rưởi ấy bỏ vào thùng rác công cộng và bạn chứng kiến tất cả, cảm giác của bạn lúc ấy thế nào?
Một đám bạn khác đi dạo phố, bất chợt gặp một người ăn xin, một trong số nhóm bạn ấy vui vẻ móc tiền ra đưa một cách chân thành tận tay người hành khất, bạn là một thành viên trong nhóm đó, bạn có cảm giác gì?
Tôi mốn nói đến tính lan tỏa của: Trách nhiệm, lòng nhiệt tình, lòng nhân ái... của cái đẹp trong cuộc sống.
Khi ta chứng kiến một hành động đẹp, một thái độ đẹp và những ý nghĩ đẹp, bỗng dưng trong ta sẽ phát sinh những suy nghĩ mà tôi chắc chắn rằng phần tích cực nhiều hơn là tiêu cực! Tích cực như thế nào? Ta sẽ có xu hướng bắt chước! Vì sao lại bắt chước? Vì trong ý thức của ta đang nói rằng những cái ấy sẽ làm giá trị của ta tăng lên!
Liên tưởng giữa tính lưu thông của đồng tiền với tính lan tỏa của cái đẹp quả là thú vị bạn ạ! Một bên là cái đại điện cho những giá trị vật chất, một bên là những giá trị tinh thần. Và liệu hai phạm trù ấy liên quan gì đến nhau không? Có! Bạn biết điều đó!
Ta bàn về cách sử dụng đồng tiền nhé!
Trong nền giáo dục của Australia và một số nước khác có một nội dung rất đáng lưu ý: Dạy trẻ em cách sử dụng đồng tiền. Ở phạm vi nhà trường Việt Nam ta chưa có, theo tôi, đây là một thiếu sót. Vì sao? Vì ta dạy cho trẻ cách sử dụng đồng tiền một cách hữu ích nhất thì các em mới biết trân trọng giá trị của sức lao động, biết cách tạo ra đồng tiền chân chính.
Cụ Nguyễn Du có viết: “Trong tay sẵn có đồng tiền. Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì” để nói về cách người ta khai thác triệt để mặt trái của tiền.
Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Đồng tiền không phấn không hồ. Mà sao khéo điểm khéo tô mặt người”. Đồng tiền trở thành giấy thông hành để người ta thăng quan tiến chức đồng thời cũng là mục đích để người ta đấu đá nhau. Vì người ta đã bỏ ra ngần ấy công sức và tiền bạc để leo lên đến chức đó thì giờ đây họ phải tìm cách thu lại gấp trăm, gấp ngàn lần.
Ta hãy tạm gác những mặt trái của đồng tiền (thực ra là do con người gây ra), mà thử nhìn vào mặt tích cực của nó xem sao.
Bạn là một người tốt? Bạn muốn giúp đỡ một em bé nghèo yêu nghệ thuật  khi em ngấp nghé trước cổng nhà hát mà không có tiền mua vé vào xem buổi hòa nhạc, thò tay vào túi và chợt bạn ngẩn ngơ khi không còn đồng nào, buổi nghe hòa nhạc ấy của bạn sẽ có một cái gì đó chưa thật sự trọn vẹn trong cái đẹp mà âm nhạc đem lại cho mình vì ánh mắt ấy cứ quấn quýt bạn.
Bạn cố gắng làm vất vả và tích lũy được một số tiền khá lớn, chợt một chiều nào đó bạn nhận ra rằng mình không biết phải sử dụng nó vào việc gì cho có ý nghĩa nhất, xứng đáng nhất.
Bạn đang sống bằng hơi thở của người khác? Nếu có thì đương nhiên bạn sẽ sống bằng suy nghĩ của người khác!
Triết lí Trung Hoa có câu: “An bần lạc đạo”, vui với cảnh nghèo để giữ tâm trong sạch.
Lại có câu: “Tri túc”, biết đủ để giữ nhân cách.
Việt Nam cũng có phần mâu thuẫn khi một mặt coi rẻ nghề buồn đồng thời lại nói: “Phi thương bất phú”.
Tôi liệt kê ra như vậy để nói một điều rằng: Chúng ta luôn luôn cần tiền và gắn chặt mối quan hệ với nó nhưng chúng ta lại không dám thừa nhận sự thật ấy vì chúng ta sợ rằng mình sẽ không làm chủ được nó.
Hãy bình tĩnh và thông thoáng hơn một tí bạn sẽ thấy đồng tiền thật dễ thương: Làm từ thiện.
Tôi bật mí cùng các bạn một điều: Có truyện cổ tích thật đó. Bản thân tôi đã trải nghiệm!
Khi còn là sinh viên, tôi rất eo hẹp về tài chính, phải đi làm thêm suốt ngày đến nỗi không có thời gian đi thi học kì, nhưng có một lần tôi quen một em bé bán vé số thường lui tới quán càfê chỗ tôi làm, khuya hôm đó em ngồi khóc sưng húp cả hai mắt, hỏi ra mới biết em bị mấy đứa khác giật mất xấp vé số, không có tiền đền cho chủ tiệm vé số, không dám về nhà, tôi không suy nghĩ nhiều, liền vào xin tạm ứng lương được 300 ngàn rồi đưa hết cho em, em không nhận, tôi phải năn nỉ mãi và nói là cho em mượn chứ đâu phải cho luôn đâu mà em ngại. Đương nhiên là tôi thấy trong lòng rất thanh thản vì không phải lo em bị anh chị đánh đập và không cho ngủ trong nhà khi ngoài trời bóng đêm dày đặc sương của mùa đông lạnh lẽo nữa. Cuối năm về quê ăn Tết, tôi bị rơi mất cái ví tiền nên không thể trả tiền vé xe, thì bỗng dưng có một bác trên xe hỏi thăm và tặng tôi một triệu đồng để tiêu và mua quà về nhà mà không muốn tôi biết họ tên, địa chỉ. Chú chỉ nói, chú nên làm như thế và nói tôi đừng băn khoăn gì mà chú muốn cháu cũng làm như thế với người khác! Từ đó tôi không gặp lại chú nhưng tự dưng tôi luôn luôn muốn làm giống chú trong những tình huống tương tự.
Làm từ thiện, cái đem lại mang tính quí giá nhất chính là sự lan tỏa của hành động đẹp. Vì thế bạn đừng nên mong muốn người khác biết mình làm từ thiện bằng cách hô khẩu hiệu, vì như thế là đi xa với bản chất của từ thiện.
Giả sử lúc đó tôi không có tiền và bác người tốt ấy cũng không có tiền thì những lời động viên có giúp cho em bé bán vé số không bị đòn, không bị lạnh? Có giúp cho tôi về đến nhà không?
Đồng tiền trong tay bạn khi bạn đi mua một món hàng thì nó cũng chỉ là đồng tiền với mệnh giá như con số in trên nó thôi, nhưng khi nó được đem ra giúp đỡ người khác trong lúc cấp thiết thì giá trị của nó thật vô cùng.
Bạn cho một thì chắc chắn bạn sẽ nhận được gấp ngàn lần! Hãy thử đi!
Chúc bạn có được những cảm xúc thật đẹp khi sử dụng những đồng tiền chân chính!

Nguyên Hạo - K.VHNT, ĐH An Giang

THƯ GỬI CON GÁI CỦA TỔNG THỐNG BARACK OBAMA

Ngày 20/01/2009, ông Barack Obama chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. Nhân dịp lịch sử này, Tổng thống Obama đã viết thư cho hai cô con gái. Bức thư được tạp chí Parade đăng lại. “Hãy sửa những sai lầm mà các con thấy... Cha muốn mọi trẻ em của chúng ta được tới trường phù hợp với những tiềm năng chúng có... Cha muốn các bạn cũng có cơ hội đi học đại học, dù cha mẹ họ có thể không giàu...”. Đó là một trích đoạn trong bức thư của ông Barack Obama gửi hai con gái, trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Mặc dù là thư gửi cho con gái nhưng ông Obama đã gửi gắm vào đó rất nhiều thông điệp...
Malia và Sasha thân yêu,
Cha biết các con đã có nhiều điều thú vị trong hai năm đi theo chặng đường vận động tranh cử: được tới những cuộc picnic, diễu hành và hội chợ, ăn đủ thứ đồ tạp mà mẹ con và cha đúng ra không nên cho các con như vậy. Nhưng cha cũng biết mọi thứ không dễ chút nào cho các con và mẹ. Dù các con vui thích thế nào với chú cún mới, điều đó cũng chẳng thể bù đắp lại được những khoảng thời gian chúng ta xa cách nhau. Cha biết mình đã bỏ lỡ nhiều thế nào trong suốt hai năm qua, và hôm nay cha muốn nói cho các con một chút vì sao cha quyết định đưa gia đình ta vào hành trình này.
Khi còn trẻ, cha nghĩ cuộc đời tất cả là về bản thân mình - làm cách nào cha có thể tạo dấu ấn được nơi cõi đời này, trở nên thành công và đạt được những gì mình muốn. Thế rồi hai con bước vào cuộc đời cha với tất cả những sự tò mò, láu lỉnh cùng những nụ cười chưa lúc nào thôi làm tràn ngập trái tim cha và làm rạng ngời những tháng ngày đi qua. Bất ngờ cha nhận ra những kế hoạch to tát cha vạch ra cho chính mình không còn quan trọng nữa.
Cha nhanh chóng thấy niềm vui lớn nhất trong đời mình chính là niềm vui cha thấy được ở các con. Cha nhận ra cuộc đời chẳng còn ý nghĩa nếu cha không đảm bảo cho các con có mọi cơ hội để được hạnh phúc và phát huy được hết những gì nơi các con. Cuối cùng, các con à, đó chính là lí do cha chạy đua làm Tổng thống: vì những gì cha muốn dành cho các con và mọi đứa trẻ ở đất nước này.
Cha muốn mọi trẻ em của chúng ta được tới trường phù hợp với những tiềm năng chúng có - những ngôi trường tạo ra thách thức, tạo niềm cảm hứng, truyền cho chúng sự ngạc nhiên với thế giới quanh ta. Cha muốn các bạn cũng có cơ hội đi học đại học, dù cha mẹ họ có thể không giàu. Và cha muốn các bạn có được những việc làm tốt: những công việc có thu nhập khá và đem lại cho họ những phúc lợi như bảo hiểm y tế, những công việc cho phép họ được dành thời gian với con cái và có thể nghỉ hưu trong đàng hoàng.
Cha cũng muốn chúng ta đẩy xa hơn những bờ bến khám phá để con có thể sống, nhìn thấy những công nghệ và phát minh mới giúp cải thiện đời sống, giúp hành tinh sạch và an toàn hơn. Cha cũng muốn chúng ta đẩy những ranh giới của nhân loại, để vượt xa ra khỏi những chia rẽ sắc tộc, vùng miền, giới tính và tôn giáo vốn đang cản trở chúng nhìn thấy điều tốt đẹp nhất nơi những người khác.
Đôi khi chúng ta gửi những thanh niên nam nữ vào chiến tranh và nhiều tình huống nguy hiểm khác để bảo vệ đất nước - nhưng khi làm vậy, cha muốn bảo đảm rằng việc đó chỉ tiến hành khi có một lí do thật chính đáng, rằng chúng ta cố gắng hòa giải những khác biệt với nhau bằng con đường hòa bình và làm mọi thứ có thể để những người lính của chúng ta được an toàn. Và cha muốn mọi đứa trẻ hiểu rằng những điều hạnh phúc mà những người lính Mỹ dũng cảm đó đấu tranh không phải tự nhiên mà có, rằng vinh dự lớn trở thành công dân của quốc gia này luôn đi kèm với trách nhiệm lớn.
Đó là bài học mà bà con đã dạy cha khi cha bằng tuổi các con, đọc cho cha những dòng đầu của Tuyên ngôn độc lập, nói cho cha về những người đàn ông và đàn bà đi đấu tranh cho sự bình đẳng, vì họ tin rằng những điều đã được viết ra hơn hai thế kỉ trước cần có ý nghĩa gì đó.
Bà giúp cha hiểu rằng nước Mỹ vĩ đại không phải vì nó hoàn hảo mà bởi vì nó luôn có thể được làm cho tốt đẹp hơn, rằng công việc còn dang dở để hoàn thiện liên hiệp chung này nằm ở nơi mỗi chúng ta. Đó là trách nhiệm chúng ta chuyển giao cho cháu con của mình, để mỗi thế hệ sau lại có thể tiến gần hơn đến một nước Mỹ mà chúng ta biết là nên như vậy.
Cha mong cả hai con sẽ gánh nhận trách nhiệm này, hãy sửa những sai lầm mà các con thấy, hãy làm việc để trao cho người khác những cơ hội các con đang có. Hãy làm không phải vì các con có nghĩa vụ phải đáp đền một đất nước đã trao cho gia đình ta rất nhiều, dù thực tế các con có trách nhiệm đó. Mà hãy làm bởi vì các con có trách nhiệm với chính bản thân mình. Bởi vì chỉ khi các con phấn đấu cho một cái gì lớn hơn bản thân mình, các con mới có thể nhận ra hết những gì tiềm tàng thật sự các con đang có.
Có những điều cha rất mong muốn cho các con - được lớn lên trong thế giới không có giới hạn cho những ước mơ của các con, không có thành tựu gì nằm ngoài tầm với, được trở thành những người phụ nữ đầy lòng thương yêu và tận tụy để giúp xây dựng thế giới này. Cha cũng mong muốn mọi đứa trẻ khác có cùng cơ hội được học, được mơ, được lớn lên và phát triển như những gì các con đang có. Đó là lí do cha đưa gia đình ta bước vào hành trình lớn này.
Cha rất tự hào về cả hai con. Cha yêu hai con hơn tất cả những gì các con từng biết. Và cha rất biết ơn các con mỗi ngày vì sự kiên nhẫn, đĩnh đạc, duyên dáng và hài hước mà chúng ta chuẩn bị để bắt đầu cuộc sống mới của mình trong Nhà Trắng.
Yêu các con,
Cha: Barack Obama                           
Thanh Tuấn dịch (Theo: Tuổi trẻ Online)

SINH VIÊN VỚI SINH VIÊN: ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI THẦY

14/12/2007
Để trở thành một thầy cô giáo mẫu mực trong tương lai, ngay từ khi còn là một sinh viên Sư phạm, xem ra còn quá nhiều việc phải làm. Nhưng có một điều khi học làm người, ta không thể nào né tránh. Đó là bạn phải có ý thức hoàn thiện mình để bản thân sẽ “đẹp” hơn trong mắt người khác. Với những người là thầy cô giáo, điều này còn là một yêu cầu gắt gao hơn.
Đẹp từ hình thức
Thật khó để đưa ra một “chuẩn” thẩm mỹ nào đó về cái đẹp hình thức của những người là thầy cô giáo trong tương lai. Trong những lúc “trà dư tửu hậu”, tôi đã từng được nghe về những kì thi tuyển giáo viên của một số trường phổ thông, có cả thi tuyển ngoại hình: Phải có một chiều cao cân đối, phải có một gương mặt ưa nhìn tạo thiện cảm tốt cho người đối diện, thậm chí có cả một yêu cầu hơi “tế nhị” là người dự tuyển không có một khuyết tật nào trên hình thể...
Về vấn đề này, ngẫm nghĩ một chút cũng thấy có lí. Một khi người thầy đứng trên bục giảng và đối tượng của họ là những cô cậu học trò đang ở tuổi biết quan sát và nhận thức, thì điều này cũng không quá đáng khi “hình thức bên ngoài” của người thầy bồi đắp cho học sinh của mình những quan niệm bước đầu về sự hoàn thiện, chỉn chu, nghiêm túc và lịch sự. Tuy nhiên, hình thức bên ngoài thì không chỉ ở “chiều cao cân đối hay gương mặt ưa nhìn”. Theo tôi thì hình thức bên ngoài của một người thầy cần nhiều hơn thế.
Một tác phong lịch sự, nghiêm túc trong cách ăn mặc, trong cách đi dáng đứng, trong lời ăn tiếng nói... thiết nghĩ là điều không thừa chút nào khi nói đến những điều kiện để trở thầy một người giáo viên mẫu mực.
Thực ra, đặt ra vấn đề này chính là từ sự quan ngại trước vấn đề “ăn mặc đi đứng” của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên sư phạm. Trường Đại học - nơi hội tụ những con người trẻ trung, nhạy bén với thời trang thì tất nhiên không thể buộc các bạn sinh viên vào khuôn khổ ăn mặc quá cứng nhắc. Trong nội qui của trường cũng không ràng buộc quá chi tiết nhưng có một qui ước bất thành văn là trường Đại học nói chung, khoa Sư phạm nói riêng rất khuyến khích và biểu dương các bạn ăn mặc lịch sự, kín đáo và nghiêm túc. Chiếc áo dài (không nhất thiết phải là áo dài trắng) của các bạn nữ, bộ cánh áo sơ - mi bỏ vào quần tây thường (không phải là quần “bò”) của các bạn nam luôn là bộ trang phục giản dị mà đẹp mắt - tất nhiên là đẹp với ngành nghề của các bạn trong tương lai.
Thực tế đã có một số các bạn nữ sinh viên mặc áo lửng hở lưng hở bụng, áo không có tay (dân gian thường gọi là áo sát nách) hoặc tệ hơn là áo hai dây với quần quá chật, quá sát người vừa đi lại vận động khá khó khăn vừa phản cảm, mất thẩm mĩ. Các bạn nam thì vô tư mặc áo thun, quần jean hoặc áo thùng thình bỏ bên ngoài để đi học. Đầu tóc các bạn cũng là một đề tài đáng bàn luận, một số nhuộm vàng hoe đến lớp, số khác lại cắt chải quá model. Bảng tên sinh viên thì cất nhét đâu đó, đến khi đội Cờ đỏ “ghé thăm” - theo kế hoạch kiểm tra của Khoa - thì các bạn mới lục lọi tìm kiếm cấp tốc để mang vào.
Sự ăn mặc cẩu thả hoặc quá “cá tính” kiểu nghệ sĩ như thế ít nhiều làm cho dư luận thật sự lo ngại một ngày không xa, các bạn sẽ mang những “phong cách tự do thoải mái” đó về trường phổ thông “làm gương”“định hướng thẩm mĩ” cho học sinh của mình thì quả là... đại họa!
Nói cho công bằng, khi được nhắc nhở ở những hoàn cảnh “nhạy cảm” (như học Quốc phòng, hoặc đi thực tập, kiến tập chẳng hạn), các bạn đã “đau khổ” chấp hành. Dù “bằng mặt nhưng không bằng lòng” thì những thời điểm đó, các bạn cũng còn ý thức là nghề nghiệp của mình hơi... mô phạm, ở trên trông xuống, người ta trông vào. Nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng có ý nghĩ như thế.
Có lẽ những ràng buộc như vậy làm “con người với ý thức cá nhân” mạnh mẽ như bạn khó chịu chăng? Thì xin thưa rằng “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Xin đừng trách lẫn trời gần trời xa. Nghề sư phạm là một nghề đặc biệt. Bạn không nên, không thể nào và không bao giờ được cẩu thả thiếu nghiêm túc với nó - trước hết là hình thức bên ngoài.
Khi còn là sinh viên, ta có thể chạy nhảy ồn ào hồn nhiên, nhưng khi làm thầy từng bước đi, dáng đứng phải đường hoàng và chững chạc. Khi là sinh viên bạn có thể giành giật quà bánh của nhau, đùa giỡn, níu kéo, thậm chí la hét, cười hết ga… nhưng khi làm thầy, bạn phải biết kềm chế và tiết chế cảm xúc. Có lúc muốn khóc mà không được khóc, có lúc muốn cười nhưng phải cố nín cười, có lúc mừng quýnh đến mức muốn nhảy... cẫng lên nhưng phải kềm nén lại để chín chắn và trầm tĩnh trước bất cứ một sự kiện nào... nhất là khi trước mặt bạn là những ánh mắt trong veo của học trò đang nhìn bạn như... thần tượng.
Tuy nhiên, ta cũng không nên hiểu vấn đề quá cực đoan đến mức đọc những dòng trên bạn phát hoảng lên. Có bạn sẽ phản ứng gay gắt rằng... “Tui làm thầy giáo chứ đâu phải thầy tu” (xin lỗi các thầy tu). Nhưng chắc bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, thầy giáo lên lớp mà chân đi dép lê, áo quần xộc xệch, đầu tóc rối bù, thậm chí vô tư để lại một ít… ghèn nơi khoé mắt (và đôi khi còn là khuôn mặt đỏ gay vì đêm qua hơi quá chén do cụng li vô tư cùng đồng nghiệp) chắc là không đẹp tí nào, đúng không? Hay cô giáo nào đó vô tư mặc một chiếc áo dài quá mỏng, một đôi giày có gót quá cao... chắc là bài giảng hôm đó kém đi hiệu quả (vì học trò chắc là “mất tập trung” nhiều lắm).
Ở trường phổ thông hiện nay, đa số các thầy cô giáo đều ăn mặc đẹp và lịch sự. Các cô giáo thì trang nhã, các thầy giáo thì lịch lãm. Và là sinh viên sư phạm, thiết nghĩ môi trường sư phạm sẽ điều chỉnh để bạn thích nghi tốt nhất - nếu bạn yêu nghề và có trách nhiệm với nghề, và bản thân bạn cũng sẽ tự điều chỉnh để quá trình thích nghi đó diễn ra vừa nhanh vừa dễ chịu thoải mái hơn cho chính bạn.
Đẹp đến tâm hồn
Có lẽ đây là một vấn đề lớn không thể bàn luận chỉ trong vài dòng ngắn ngủi. Có lẽ chúng ta nên giới hạn lại ở một số biểu hiện ứng xử trong môi trường sư phạm.
Tác phong mẫu mực và việc ý thức xây dựng một tấm gương mẫu mực cho học sinh là vấn đề thứ nhất. Ở trường phổ thông sự chấp hành giờ giấc cực kì nghiêm túc. Trống đánh vào 15 phút đầu giờ, trường đóng cửa, không nên để xảy ra tình trạng giáo viên bị “nhốt” bên ngoài cùng với học trò. Chắc chắn bảo vệ sẽ mở cửa cho giáo viên vào nhưng biết đâu sẽ có một ánh mắt ấm ức so sánh của một em học sinh nào đó. Một thực tế đáng nói là trường ta, sinh viên đi trễ rất phổ biến. Chuông báo vào tiết học nhưng nhiều khi các bạn còn rảo bước ở cổng trường hoặc còn tung tăng quà bánh. Thầy cô đã vào ổn định lớp bắt đầu cho một tiết học, không khí đang nghiêm túc thì các bạn lò dò vào lớp làm ngắt quãng một cách thô bạo cảm xúc của lớp học. Rất nhiều sinh viên trở nên quen “xài” đồng hồ “dây thun”. Một buổi sinh hoạt chuyên đề, một đêm giao lưu Câu lạc bộ, một buổi họp các cán bộ lớp... Tất cả đều phải mất một khoảng thời gian phi lí để chờ đợi những người chậm trễ. Để người khác bị làm phiền bởi sự vô tư trì trệ của mình là một biểu hiện thiếu tự trọng. Để sau này học trò bị ảnh hưởng bởi tác phong lề mề của mình là một “tội ác”. Dùng từ “đao to búa lớn” như vậy bởi vì chúng ta đang vô tình tạo ra một thế hệ trì trệ, thụ động - thích chờ đợi người khác và bắt người khác chờ đợi mình. Tác phong đó đẻ ra những biểu hiện kém nhiệt tình, lười hoạt động và hình mẫu của thầy cô như vậy trước học trò chỉ mang lại sự ngao ngán bất mãn mà thôi.
Sự quan tâm chân thành và nồng nhiệt đến học trò là vấn đề thứ hai. Điều này bắt đầu từ sự quan tâm đến người khác khi các bạn còn là sinh viên. Không đợi nhắc nhở, không đùn đẩy trách nhiệm, các bạn nhặt một cọng rác hoặc tranh thủ lau lại bảng cho lớp học sạch hơn, giặt một cái giẻ lau bảng cho thầy cô không phải hít thở nhiều bụi phấn, đóng lại một cái bàn long đinh cho người bạn ngồi đó an toàn hơn, khoá máy điện thoại di động để nó không thể reo lên không đúng chỗ đúng lúc bảo đảm cho các bạn tập trung bài học... Hay những quan tâm khác “to tát” hơn một chút: bàn bạc với ban Cán sự lớp giúp đỡ các bạn thi lại lần hai, hội ý với các bạn nam tổ chức cho các bạn gái của lớp một ngày 8/3 thật là ý nghĩa, đóng góp để chia sẻ cho một bạn nào đó gặp lúc thắt ngặt khó khăn, rủ nhau đi thăm một cô giáo vừa ngả bệnh... Những việc làm dù nhỏ dù lớn nhưng bạn đã thực hiện nó bằng một trái tim chân thành thì một ngày nào đó trong tương lai không xa, bạn sẽ là một người thầy giáo, một cô giáo tuyệt vời. Học trò sẽ nhận ra và ái ngại trước những những giọt mồ hôi của bạn rơi xuống trên bục giảng, sẽ cảm động khi bạn vượt đường dài đến thăm nhà học sinh “cá biệt”, sẽ ngỡ ngàng khi bạn không hề nhận một đồng thù lao nào để giữ các học sinh yếu lại sau giờ học để phụ đạo thêm... Nghề giáo đòi hỏi một sự hi sinh không cân đong đo đếm, không so đo tính toán. Bạn cứ “cho” đi và đừng đòi hỏi được nhận thì đến một ngày nào đó chắc chắn bạn sẽ được “nhận” rất nhiều.
Dẫu biết rằng cuộc sống vẫn còn khắc nghiệt với nghề giáo, cuộc mưu sinh của thầy cô vẫn còn nhiều trắc trở nhưng bạn sẽ thấy cái nào cũng có giá của nó. Cái mà học trò của bạn trong tương lai nhận được từ bạn sẽ theo họ trong suốt cuộc đời. Những hạt giống tốt đẹp của một tâm hồn đẹp mà bạn gieo trồng sẽ đơm hoa kết trái trong những thế hệ học trò của bạn và cứ thế mà bừng nở cho cuộc đời những điều ý nghĩa.
Người viết đã từng được nghe những chuyện không vui từ một số lớp chuyên ngành sư phạm mà ở đó toàn là những thầy cô giáo tương lai. Mình sống như thế nào ở mái trường sư phạm thì những điều đó bạn cũng sẽ tiếp tục mang về các trường phổ thông. Một tính cách không hay khi bạn còn là sinh viên sẽ ít nguy hiểm hơn rất nhiều khi bạn mang những điều đó lên bục giảng sau này. Nhưng nếu không chú ý rèn luyện bản thân thì những biểu hiện không hay dù rất nhỏ đó của bạn khi còn là sinh viên sẽ được nuôi lớn và trở thành đáng sợ hơn khi bạn là thầy cô giáo. Một sự ganh tị nhau về điểm rèn luyện, một sự tranh giành thiếu lành mạnh về quyền lợi (từ một chỗ ngồi tốt khi xem văn nghệ hay đi tham quan cho đến một suất học bổng dành cho sinh viên vượt khó, từ một chỗ thực tập tốt đến một món quà khuyến mại...)... Có cảm giác như “những người trong cuộc” sợ rằng người ta sẽ chê cười mình là kẻ dại dột khi chỉ biết... nhường nhịn? Hay chỉ nên biết quan tâm đến “đối tượng” đặc biệt của mình thôi (bạn thân hay người yêu chẳng hạn)? Thật nực cười khi ý nghĩ này được đa số các bạn tán đồng. Như vậy cái chuẩn chân - thiện - mĩ đã bắt đầu lệch lạc, như vậy làm sao mình có thể định hướng và định hướng một cách thuyết phục những gì gọi là chân - thiện - mĩ cho học trò của mình đây?
Hãy bắt đầu từ hôm nay bạn nhé, và bắt đầu từ những điều những việc tưởng chừng như rất nhỏ bởi vì từ những cái tưởng chừng như rất nhỏ bé vụn vặt ấy, ta đang bắt đầu cho một nhân cách, một tâm hồn lớn vừa để bồi đắp cho mình, vừa để dành tặng cho “những mái đầu xanh” đang háo hức chờ đợi bạn ở mái trường phổ thông trong tương lai sắp tới.
Tùng Linh (K56B, Khoa Công nghệ Thông tin - ĐH Sư phạm Hà Nội

NGỌN GIÓ LÁ DIỀU

Đoàn Thị Lam Luyến
Em là cô giáo mầm non
Nghề chi mà dễ sớm con muộn chồng
Đêm thì vắng, ngày thì đông
Chăm thì chăm thế, mẹ chồng vẫn chê!
Sáng sớm đi, tối muộn về
Trong nhà chân đất, dép lê ngoài đường
Chồng thì khi giận khi thương
Trẻ thì đứa ẩm, đứa ương - lạ đời.
Trẻ ngoan thì cô mới cười
Con mình mình nhãng, con người mình chăm
Lương mình chẳng đủ mình ăn
Thì em cấy ruộng cho bằng người ta!
Nghề đâu là nghiệp đấy mà
Yêu trò cũng hệt như ta yêu mình
Mình cho ta trọn cái tình
Ta lại cho mình những cái ta yêu
Trẻ thơ như chiếc lá diều
Em là ngọn gió một chiều đương thu.
Có lẽ, không ai trong chúng ta có thể thấu hiểu hết được những vất vả của nghề giáo viên, trừ phi chính chúng ta có thể trải qua những giờ đứng lớp, những khi soạn giáo án, chấm kiểm tra, lo lắng cho từng lớp học sinh thân yêu. Tôi còn nhớ hai câu thơ: “Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài/ Tất cả cộng lại bằng hai nhà nghèo” - nghe vui thôi nhưng phản ánh một sự thật là nghề giáo chưa bao giờ được coi là giàu cả (mặc dù những năm gần đây đã khác một chút). Bài thơ trên đây cũng là một ví dụ về những nỗi niềm của các cô giáo mầm non, những cô giáo đầu tiên của chúng ta khi rời xa vòng tay mẹ hiền. Chẳng cần phải nhiều lời, chỉ những điều dung dị trong cuộc sống hàng ngày của các cô như “sớm con, muộn chồng”, “đêm vắng, ngày đông”, “con mình mình nhãng, con người mình chăm” cũng khiến chúng ta chợt nhận ra và cảm thông sâu sắc với những tâm sự của các cô.
Vậy thì ngày hôm nay, xin gửi những lời chúc mừng chân thành và lời tri ân sâu sắc nhất tới các thầy các cô, tới những thầy cô giáo của tôi - những người đã dành cả lòng mình để dìu dắt chúng em nên người. Lời chúc mừng xin gửi đến mẹ tôi - mỗi người mẹ đều là cô giáo đầu tiên của chúng ta. Và lời chúc, gửi thêm đến bạn bè tôi - những người đã và đang chọn học, cũng như theo đuổi nghề giáo. Và, phần nào đó các bạn cũng sẽ trải qua, và sẽ hiểu những khó khăn khi là người dạy học, phải không?!

PHÙ PHIẾM

Chủ nhật, ngày 14/06/2009
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Tôi có thể giữ mãi những gì đang có không?” Và bạn trả lời thế nào? Bạn ngập ngừng, đắn đo hay bạn không dám nói? Cũng có thể bạn nghĩ đến những biện pháp hữu hiệu nhất để giữ lại những thứ đáp ứng được nhu cầu sống mà bạn cho là hoàn hảo, hơn là trả lời câu hỏi đó.
Sống trong xã hội, ai cũng có các nhu cầu tất yếu. Đi lại, ăn uống, trang phục đẹp và hợp mốt, nhà to, xe xịn, trang sức đắt tiền, một công việc có mức lương cao... tất cả những gì khiến người khác gọi mình là “VIP” thì ta đều thích. Và bao nhiêu cho đủ vẫn không có câu trả lời. Ta bị sức hấp hẫn của nó cuốn hút một cách điên cuồng, thậm chí có thể đánh đổi nhân cách, đạo đức và cả những giá trị quí giá nơi mình.
Ta bám víu và coi nó như cứu cánh của cuộc đời mà không biết rằng ta đang chạy theo cái được gọi là ảo ảnh của cuộc sống. Hôm nay có nhưng ngày mai sẽ mất, hôm nay là của mình nhưng ngày mai thì của người khác.
Nhân cách của một con người được đánh giá bởi trong túi bạn có bao nhiêu tiền ư? Bởi bạn làm nghề gì hay bạn là người có quyền lực đối với xã hội này như thế nào? Tôi nghĩ là không.
Xã hội đánh giá một con người ở nhân cách sống, đạo đức và nghị lực vươn lên. Ở tâm hồn giàu yêu thương, trái tim biết chia sẻ và cảm thông. Một lòng nhân từ đủ để giúp đỡ những người đang cần mình. Nói như vậy không có nghĩa những ai đang làm giàu, hay giàu là có tội, cũng không có nghĩa tất cả những người đang giàu cần từ bỏ hết những gì họ đang có. Vấn đề là chúng ta phải bỏ lối suy nghĩ, tư tưởng và thái độ lệ thuộc vào những thứ đó. Để nhận ra được niềm hạnh phúc đơn sơ, niềm vui giản dị mà cuộc sống đã ban tặng.
Có một câu chuyện kể rằng: Người đàn ông nọ đã trở nên giàu có nhất làng sau một thời gian lao động cần cù và chắt chiu. Một ngày kia, ông quyết định ra khỏi làng để mở rộng tầm mắt. Ông đến làng bên cạnh và điều đập vào mắt là một ngôi nhà rất đẹp, to gấp hai ngôi nhà của ông. Ông quay trở về, tiếp tục làm lụng chắt chiu. Chẳng mấy chốc, ông cũng xây được một ngôi nhà to, đẹp hơn ngôi nhà ông đã thấy, ông lại ra đi nhưng lần này ông đã đến một đô thị giàu có và trù phú.
Ở đây ông thấy có rất nhiều ngôi nhà to, đẹp và cao chọc trời. Thế là ông cảm thấy một nỗi buồn man mác và thất vọng tràn trề vì ông biết mình không thể nào xây được nhiều ngôi nhà to, đẹp và cao như thế. Ông bèn thuê ngựa đóng xe trở về ngôi làng của mình. Dọc đường gặp tai nạn, ông không chết nhưng xe bị vỡ nát chỉ còn lại con ngựa. Ông cưỡi ngựa và cố gắng chạy về nhà nhanh nhất. Nhưng vì mệt và đói lả, con ngựa lăn ra chết, một mình trong đêm tối ông lạc lõng giữa sa mạc. Ông nhìn thấy một đốm lửa từ đằng xa. Đó là túp lều của một ẩn sĩ. Bước vào lều, ông nhận ra trong đời mình chưa bao giờ thấy cảnh nào cùng cực, nghèo nàn, khốn khổ, đói rách hơn nơi này. Ông ái ngại nhìn nhà tu hành và thắc mắc:
- Thưa Ngài, làm sao Ngài có thể sống trong cảnh thiếu thốn như thế này?
Vị ẩn sĩ trả lời: - Vì tôi không cần những thứ ông đang nghĩ tới.
Người đàn ông bối rối liền hỏi: - Ngài biết điều tôi đang nghĩ tới là gì sao?
Nhà tu hành nhìn thẳng vào đôi mắt ông và trả lời: - Tôi thấy điều đó trong đôi mắt ông. Ông cố chạy theo sự giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến theo cách ông muốn. Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn, ông có thấy những tia nắng yếu ớt đang chiếu trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không, chẳng mấy chốc các ngôi sao mọc lên và tia sáng của hoàng hôn sẽ biến mất. Những ánh sao cũng tưởng mình soi sáng cả bầu trời, thế nhưng khi ánh trăng bắt đầu ló rạng thì những ánh sao cũng sẽ tắt ngúm.
Rồi vầng trăng sáng kia, cũng tưởng mình đang soi sáng cả trái đất, nhưng không bao lâu nữa mặt trời sẽ mọc lên, và tia sáng của nó sẽ bị mặt trời nuốt chửng. Nếu như những tia sáng trên biết suy nghĩ, có lẽ chúng sẽ tìm lại nụ cười đánh mất bấy lâu nay khi phải cứ cố gắng giữ thứ ánh sáng ấy hơn là nhìn thấy hạnh phúc mà chúng đang có.
Câu chuyện thật đơn giản nhưng ý nghĩa của nó chẳng đơn giản chút nào. Bạn hãy làm giàu giá trị đáng quí nơi mình, nơi mà không ai có thể lấy được, không bao giờ mất, và dĩ nhiên nó sẽ tồn tại mãi mãi suốt cuộc đời.
Tôi chợt nghĩ đến bài hát Khúc thụy du của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong đó có câu: “Hãy nói về cuộc đời, khi tôi không còn nữa sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới ngoài trống vắng mà thôi...”. Có lẽ nhạc sĩ đã nói đúng. Nếu ta cứ sống vô tâm, chạy theo những thứ ngoài thân dễ mất đi, thì một ngày nào đó khi về bên kia thế giới, ta sẽ chỉ mang theo mình sự trống vắng.
Còn nếu sống bằng một trái tim yêu thương, biết chia sẻ, cảm thông, một tâm hồn rộng mở thì tôi tin khi giã từ thế giới này, điều ta mang theo mình là những giọt nước mắt yêu thương, sự ấm áp của con tim, và hơn hết là tất cả những giá trị cao đẹp mà không bao giờ mất.
(Theo: 24h.com)

MỖI ĐOẠN NHÂN DUYÊN

Trong cuộc sống đầy nhiễu nhương bất trắc, chúng ta đã bao lần mơ sang sông. Mơ thế giới cực lạc của Phật, Bồ Tát, Thánh hiền. Những lúc chân chùn gối mỏi, mơ được nằm duỗi trong cõi thiên thai, rũ bỏ mọi trần lụy vương mang. Hoặc khi não phiền nhân thế ta muốn được gối đầu, ấp ủ trong vòng tay mẹ, nghe lại khúc hát ầu ơ ngày nào mẹ đã hát ru con. Có khi ta lại mơ được sống trong cảnh giàu sang vương giả. Ai ai đều có một cõi để về. Nhưng có một cõi không có nơi chốn, không có sang hèn, phiền lụy, không có chỗ đi về, trong đó Phật, Bồ Tát, Thánh hiền như điện chớp, Như vậy mỗi người đếu có một đoạn nhân duyên thuận hay nghịch, tốt hay xấu.. Từ đó sẽ trổ sinh hoa trái, kết thành hiện quả.
Nếu trước anh chàng tiều phu Huệ Năng khi đến chỗ Ngũ Tổ không khẳng định: “Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tính vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa Thượng chẳng đồng, nhưng Phật tính đâu có sai khác” thì làm gì Ngũ Tổ biết được hòn ngọc ma ni lẫn trong núi đá. Nhưng phải đợi đến khi Tổ Huệ Năng làm bài kệ:
Bồ đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.
[Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Chỗ nào dính bụi bặm]
Ngũ Tổ mới biết chỗ dùng hằng ngày của Huệ Năng.
Ngũ Tổ đã chọn không lầm người, vàng quặng đã phân, nên đêm tối canh ba Ngài đã nói kinh Kim Cang, Huệ Năng đốn ngộ, Ngũ Tổ truyền y bát, hôm qua là tiều phu, hôm nay thành Lục Tổ. Nếu không có giây phút “Đâu ngờ...” thì đâu có ngày ông lái đò Ngũ Tổ đưa khách sang sông. Và khách đã giành lấy gay chèo: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì tự độ”.
Năm tháng dần trôi đời người chóng vánh, nếu chẳng lo cầu tự độ chỉ nương theo oai thần Phật, Bồ Tát bên ngoài thì dầu phước đức như hà sa, e rằng cũng không thể cứu được. Mảnh hình hài này sớm muộn cũng trở về cát bụi, còn chăng chỉ một nấm mồ rêu phong phủ kín, bốn mùa sương nắng. Muốn được độ thoát phải tự tìm ra “linh cốt tiên sư”, bất chợt một sáng mùa đông hé nở đóa mai vàng, ấy gọi là: “Nếu chẳng một phen sương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”.
Tri ân bậc Thầy mở sáng mắt tuệ, dầu sức cùng lực tận vẫn mong có ngày đền đáp. Hoa Đình Thuyền Tử ngày ngày đưa khách sang sông, tùy duyên độ nhật. Cho đến khi gặp Giáp Sơn Thiện Hội, thầy trò tha hồ khua chèo lướt sóng, một lần gặp nhau, trở thành vĩnh cửu. Đã xong một đời, có kẻ kế thừa Thuyền Tử buông chèo, úp thuyền, thỏng tay đi vào cõi bất diệt. Một đoạn tương phùng kỳ ngộ này đâu không đủ đền ân ư?
Một tay buông lơi, một tay nắm chặt đầu dây lần lên bờ giác. Khách trần muốn xuất li sinh tử, nếu còn chút vương vấn bụi trần e khó lòng thấu thoát. Xưa Hòa Thượng Tôn sư đã một phen từ giã phố thị phù hoa, khăn gói lên núi Tương Kỳ, chặt tre phá rừng dựng lên Pháp Lạc Thất, ngày ngày vui đời hạc nội mây ngàn. Bóng chiều tỏa mát non xanh, một mình một bóng say trong pháp thực. Để từ đó bừng nở đoá hoa chân thường, hạt mầm tung rải khắp nơi nơi. Và mỗi mảnh đất tâm của những chúng sinh hữu duyên đã được gieo mầm từ đấy.
Nhờ chút nhân lành tôi được về Thiền Viện Chơn Không xin Thầy xuất gia, bắt đầu đời tăng lữ, một bát cơm ngàn nhà. Dẫu được ngồi trong thiền đường nghiêm tịnh nhưng đôi lúc vẫn chưa thoát hẳn bụi não phiền. Những năm tháng thăng trầm mái chèo của Người vẫn không ngừng lướt sóng. Xưa Ngũ Tổ chỉ tiễn Lục Tổ qua sông một lần rồi thôi, nay Người dù tuổi hạc đã cao, ở bất cứ nơi nào vẫn lèo lái thuyền chúng tôi ra khơi và luôn có mặt trong những cơn sóng dữ, chúng tôi luôn cảm nhận sự hộ niệm trợ giúp của Người. Ôi! cái duyên Thầy trò thật sâu lắng.
Ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt con người, vạn vật. Mới hôm qua còn chị chị, em em, sáng nay đã trở thành thiên cổ. Đền đài, lầu chợ chỉ một cơn sóng dữ đã nuốt trôi. Vật đổi sao dời, tang điền thương hải! Ai dám nói mình có sức mạnh chống lại vô thường? Nếu không vậy ắt cam cúi đầu chịu khổ ư? Nhà sư Nguyễn Hiểu đã từng nói: “Tận dụng hết mọi nỗ lực của con người cũng không chặn đứng được sự héo úa của một cành hoa, vậy thì trong khi đóa hoa đang dần dần héo úa, ta hãy ung dung ngắm nhìn và thưởng thức giây phút cuối cùng của cành hoa đó đi”.
Đời vô thường, thân người không bền chắc, nhưng hãy tận dụng nó để đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho mọi người. Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, ta vẫn nguyện làm chiếc bè cho kẻ chết đuối, thiên thần cho trẻ mồ côi, khuyết tật, bạn tốt cho kẻ lữ hành mỏi mệt, để hoàn thành sứ mạng tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự. Các pháp sinh khởi hay tận diệt đều do nhân duyên ta không thể kháng cự mà chỉ tùy duyên tiêu cựu nghiệp.
Những trận thiên tai, lũ lụt, chiến tranh gây mất mát đau thương cho hàng trăm nghìn gia đình. Đó cũng là những đoạn bi thương của nhân loại. Hằng bao trái tim hướng về đó cầu nguyện. Không ai muốn chiến tranh, chiến tranh vẫn xảy ra. Không ai muốn thiên tai, nó vẫn đến. Có những điều ta không muốn nó vẫn ngang ngược xấn tới, những điều ta muốn nó lại rũ áo ra đi.
Tất cả đều do nhân duyên, vì cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia cũng không. Hiểu được lý này chúng ta mới biết lý do tại sao có những điều đáng lẽ không nên xảy ra lại xảy ra. Khi một hiện tượng bất trắc xảy ra ta thường đổ thừa trách móc hoặc phê phán thị phi, khi hiểu rõ lý nhân duyên ta sẽ không còn thắc mắc, vì nó phải như vậy để đưa đến kết quả như vầy, không thể khác hơn. Mọi thứ như đã được sắp đặt trùng hợp và ăn khớp. Đó là việc của nhân duyên.
Nói thế không có nghĩa mình đầu hàng với vận mạng như một số nhà nho thường quan niệm mà chính là phải tận hết sức mình để xoay chuyển một cuộc cờ nhưng thành công hay không vẫn còn là vấn đề tùy duyên.
Mỗi người chúng ta đều đang vật lộn với ván cờ mà thắng hay bại chưa ai có thể nắm chắc. Nếu ta đưa ra nước cờ đúng thì mọi thứ sẽ được xoay chuyển tùy thuộc, nếu sai thì ảnh hưởng không lường. Trong đời chúng ta đã chơi nhiều ván cờ, kết quả vinh nhục, sang hèn, khen chê... đều có đủ. Quan trọng không phải chúng ta khóc cười theo từng làn sóng này mà chính là học được những bài học từ đó.
Khi Edison chứng kiến cảnh phòng thí nghiệm, cơ xưởng của ông bị lửa thiêu đốt, ông bình thản và lạc quan đến không ngờ. Ông bảo con mình gọi mẹ đến xem, ông nghĩ rằng ngọn lửa thiêu rụi bao công sức của ông, đồng thời cũng đốt cháy, xóa sạch những sai lầm trong nghiên cứu của ông. Sao có thể lạc quan như vậy? Vì với ông, ông không xem trọng vật chất, chỉ nghĩ đến sự cống hiến cho nhân loại. Đã gọi là cống hiến thì cái đầu ông vẫn còn đây, ông sẽ tiếp tục phát minh cho đến ngày cuối cùng để phụng sự cho nhân loại.
Ngày chúng tôi xây cất chánh điện Quang Chiếu. Khi dựng giàn kèo, chưa kịp đóng chắc, một cơn gió lớn thổi sập. Khi nghe tin giàn kèo sập, điều chúng tôi nghĩ đến đầu tiên là có ai bị kẹt trong đó không? Khi biết tất cả thợ đều ở bên ngoài, chỉ có một người bị thương nhẹ, chúng tôi nhận thấy mình đã được chư Phật che chở.
Nếu nhìn trên mặt bi quan ta sẽ ngồi đó tiếc rẻ, tìm kiếm lỗi phải, như vậy chỉ chuốc lấy khổ đau. Xưa có bà lão có hai người con, một người bán giày, một người bán dù. Ngày nắng bà khóc vì đứa con bán dù ế ẩm, ngày mưa bà cũng khóc vì đứa con bán giày không được. Chuyện đến tai vị Thiền sư, ngài gọi bà lão đến bảo: “Kể từ nay bà nên đổi quan niệm lại. Trời nắng bà mừng vì đứa con bán giày đắc, trời mưa bà mừng đứa con bán dù khấm khá”. Từ đó về sau dù mưa hay nắng bà lão cũng cười và mừng cho các con mình.
Chuyển đổi một cái nhìn là chuyển cả cục diện, cả cuộc đời chứ không phải thường. Khi mọi điều bất trắc xảy đến, chúng ta hãy nhìn trên khía cạnh lạc quan, mình sẽ cảm thấy được cứu độ.
Như vậy mỗi đoạn nhân duyên có một ý nghĩa khác nhau. Trong sự thành công hay thất bại đều có những điều khuyên răn, những bài học rất hay. Có khi trong thất bại chua cay chúng ta lại học được nhiều kinh nghiệm sâu sắc làm thềm thang cho bước thành công mai sau. Tất cả đều do nhân duyên. Hãy cứ gieo những hạt giống tốt, bảo dưỡng bằng những duyên tốt, chắc chắn ta sẽ gặt hái được hoa tươi trái ngọt. Ngược lại nếu gieo gió ắt gặp bão, kết quả sẽ tùy thuộc nơi nhân, sớm hoặc muộn mà thôi.
Hạnh Diệu

CÂU CHUYỆN “TRÒ GIỎI” VÀ “TRÒ KÉM”?

(Dân trí, 09/02/2011)
Nhiều khi thầy nhận xét “trò giỏi, trò kém” chỉ là vô tình nhưng có tác dụng lớn với trò. Học trò nào được khen thì cố gắng để xứng đáng với sự chờ đợi của thầy; ngược lại trò nào bị chê thì nản chí và dẫn đến thất bại trong học hành.
Thật vậy, định kiến “giỏi” hay “kém” không dừng ở đấy. Theo các nghiên cứu đã thực hiện, trò được xem là “giỏi” sẽ thành hăng hái, sáng tạo, can đảm, chuyên cần,... trong khi trò bị xem là “kém”, sau đó  mất hăng hái, không sáng tạo, lười biếng,...
Rốt cuộc, cuối năm, phần đông “trò giỏi” có kết quả tốt, thi đậu hay lên lớp còn “trò kém” thì thi rớt. Các nhà giáo dục gọi đó là hiệu ứng Pygmalion hay hiệu ứng Rosenthal (kết quả học hành của học sinh tùy thuộc cách đối xử của giáo viên với các em).
Trường học có rất nhiều vai trò. Truyền kiến thức cho các em, tập cho các em sống với xã hội, giúp các em suy nghĩ về nhân nghĩa hay đạo làm người, hướng nghiệp cho tương lai,... Nhất là giúp các em có một môi trường để lớn lên phát triển và sống hạnh phúc. Đi học 6 hay 7 tiếng đồng hồ mỗi ngày, tức là một khoảng thời gian rất lớn, nếu không hạnh phúc thì quả là một cực hình cho các em.
Dạy cho các em sống với xã hội. Mà trong xã hội thì có ngôi thứ, người già người trẻ, người lớn người nhỏ, người giàu người nghèo. Nhưng không phải vì thế mà trong lớp học cũng phải xếp “thứ bậc” theo giỏi hay kém. Lúc các em học xong, được trường chuẩn bị “hành trang” rồi, lúc đó các em sẽ đủ “bản lĩnh” để đối diện với những thứ bậc, những sàng lọc của xã hội. Tuy không phải là “tháp ngà”, nhưng ít nhất trường học, cũng như gia đình, phải là nơi mà các em cảm thấy được bảo vệ, được yên ổn.
Qua kinh nghiệm, chúng ta ít nhất đã một lần gặp trường hợp giáo viên “phân hạng” học trò trong lúc lên lớp mỗi ngày, qua những cách đối xử nhiều khi rất là vô tình:
+ Cho phép “trò giỏi” trả lời thường xuyên hơn, quên khuyến khích các trò thụ động,
+ Những nhận xét, rất dễ hiểu thật đấy nhưng cũng rất nguy hiểm, chẳng hạn như: Trò A là đèn đỏ của lớp, trò B khôn như Lê Quý Đôn,...
+ Ghi điểm xếp hạng của các em trong học trình trước và liên tục so sánh với kết quả hiện tại,
+ Khi “trò kém” thành công thì nghĩ “em ấy gặp may mắn kỳ này”. Còn khi “trò giỏi” có điểm xấu thì đổ tội cho “chắc rủi ro tai nạn ấy thôi”,
+ Vài giáo viên còn nghĩ: “vịt đẹt thì suốt đời sẽ đẹt”...
Về tâm lý mà nói, trò giỏi, hấp thụ mau,... làm người đứng trên bục giảng vui vì thấy kết quả tốt đẹp của lao động của chính bản thân mình. Trò giỏi “vinh danh thầy”. Thế nên trò giỏi dễ được thầy “thương”. Công việc dạy học cần sự tiếp tay của yếu tố tâm lý nhưng nhiều khi tiếng nói thuần của trái tim là tiếng nói “không có lý” (irrationnel) mà chúng ta phải loại bỏ.
Những trò kém, xét kỹ xem, nhiều khi không phải tự chúng nó kém mà có thể vì hoàn cảnh xã hội của các em khó khăn hơn, vì các em bị bệnh hay suy dinh dưỡng, vì các em có khó khăn về tâm lý,... Hay có thể vì cách dạy của chính chúng ta không thích hợp với các em. Nhiều nhà giáo dục quan niệm rằng thất bại của học trò, một phần trách nhiệm là ở thầy.
Nếu dựa theo đa số, ta phải nhìn nhận rằng khả năng trí tuệ các em, giỏi hay kém, đều có.
Cái cần là môi trường phải khuyến khích, nâng đỡ, giúp cho khả năng ấy phát triển. Tốc độ và thời điểm của sự mở mang trí tuệ khác nhau tùy mỗi em. Có những “hoa nở muộn” nhưng chúng vẫn nở và vẫn đẹp, không thua em kém chị. Có những “con vịt biến thành thiên nga” mà!
Hơn nữa, những em bị xem như kém sẽ tự định nghĩa tiêu cực về giá trị cá nhân, sẽ thành nhút nhát, lùi vào bóng tối, co trong “vỏ sò”, không thích sinh hoạt trong lớp, ngại đến trường (đến trường để bị xem rẻ, y như con chó của Pavlov bị điện giật, nó “biết khôn”, sẽ tránh cái bẫy có gắn điện!). Từ từ các em sẽ không còn nghị lực để theo đuổi các bạn, để cố gắng học.
Ám ảnh của cái nhận xét “trò kém” đeo đuổi cá nhân suốt cuộc đời. Nhiều khi cái ám ảnh đó chỉ được phát hiện, 30 năm sau, trên chiếc ghế dài của nhà phân tâm học!
Giúp một em mà số phận bạc đãi, hổ trợ cho một em vốn có nhiều khó khăn,... công lao ấy của người đi dạy rất lớn. Thành công đó có giá trị hơn là thành công giúp cho một trò vốn đã  “giỏi”.
Chữ “giỏi”“kém” được để trong dấu ngoặc vì thế nào là “giỏi”? Học khác với khôn. Điểm cao không hẳn là giỏi vì còn tùy theo cách chấm điểm, những chỉ tiêu mà thầy dùng, tùy hoàn cảnh,...
Tựu trung, vai trò chính của trường học là giúp các em phát triển để sống tự do. Không mù chữ là có cái vé để đi vào xã hội thông tin, có kiến thức là một chiến thắng so với dốt nát. Như thế, vai trò của người đi dạy không là sắp hạng các em theo giỏi hay kém mà là giúp mỗi một các em thành người có tri thức.
Không xếp hạng học trò là một vấn đề thuộc phương pháp giáo dục. Không thành kiến, xem tất cả các em như những nụ hoa hàm tiếu, làm cách nào để các em tươi nở dưới ánh sáng của khoa học. Cách nhìn không định kiến đã là một khởi đầu tốt, khuyến khích tất cả các em nỗ lực cố gắng. Tất cả các em như đồng hành trên một chiếc thuyền, nếu cần chèo thì tất cả cùng chèo: động cơ ấy có thể giúp các em vốn “yếu” ra sức cùng với bạn bè. Nếu như thế chưa đủ nữa thì ta phải sáng tạo thêm những cách khác, dùng phương pháp giáo dục tùy theo đối tượng, tùy theo nhu cầu của học trò - pédagogie différenciée - chẳng hạn...
Đó cũng là một vấn đề đạo đức giáo dục. Người thầy, trên cương vị này, nhiều khi phải tự vượt qua những “hỉ nộ ái ố”, tình cảm riêng của bản thân để xem các em học trò của mình ngang hàng trước sự hiểu biết. Em nào cũng có quyền biết chữ và có kiến thức. Vai trò của người đi dạy là đưa phương tiện giúp các em vượt khó khăn, nếu có em gặp khó khăn. Người đi dạy cũng là một dũng sĩ chống bất bình đẳng xã hội.
Nguyễn Huỳnh Mai (Liège, Bỉ)
LTS Dân trí - Tác giả viết bài trên đây không chỉ bằng sự hiểu biết sâu sắc về các nguyên lý cơ bản của phương pháp giáo dục mà còn thể hiện tấm lòng nhân hậu của một Cô giáo. Người ta thường nói Thầy Cô giáo là “kỹ sư tâm hồn” và nay có thêm một khái niệm mới cũng rất đúng đạo lý và hợp lẽ đời: Các Thầy Cô giáo là “Người dũng sĩ chống bất bình đẳng xã hội”. Vậy thì không có lý gì nỡ phân biệt “trò giỏi” - “trò kém” tạo nên sự mất bình đẳng ngay trong lớp học đối với lứa tuổi học trò!
Các cụ ta xưa kia thường nói: “con lành thương ít, con tịt thương nhiều”. Điều đó cũng rất đúng trong việc đối xử của Thầy với trò. Luôn tìm mọi cách để nâng đỡ những học trò vì một lý do nào đó chưa nhận thức nhanh bằng bạn, giúp các em biết tự tin và có cơ hội từng bước vươn lên cùng chúng bạn. Điều đó đòi hỏi cả nghệ thuật sư phạm và tấm lòng vị tha của Người Thầy.

ÔNG GIÁO Ở NGHỊ TRƯỜNG VÀ CHUYỆN CỦA MỘT NGƯỜI TỬ TẾ

SVVN, 30/01/2011
Ít ai biết rằng, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng là cậu bé bán báo và lạc luộc trên những chuyến tàu điện.
Cậu bé bán báo và thầy giáo đại học…
- Thưa Giáo sư, tuổi thơ của ông đã trải qua như thế nào?
Tuổi thơ tôi cũng như nhiều bạn cùng lứa, chẳng có gì đặc biệt. Tôi sinh ra trong một gia đình công chức nghèo đông con. Nhà có 18m2 thôi, mặc dù lúc giải phóng Thủ đô thì muốn thuê chỗ nào cũng được. Đó là do bố tôi nghĩ chuyện thuê nhà vẫn như thời xưa; con nhỏ thì thuê phòng nhỏ cho tiết kiệm, khi con cái lớn hơn sẽ thuê chỗ khác. Nhưng không ngờ cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Đổi đi đổi lại mấy lần, tới năm 1977 mới thuê được một căn nhà rộng 66m2 ở phố Yên Ninh. Bố tôi hồi đó làm ở Tòa án Nhân dân Tối cao, còn mẹ tôi ban đầu bán vải ở chợ Đồng Xuân, sau đó gia nhập hợp tác xã, rồi trở thành nhân viên Công ty Bông vải sợi - May mặc Hà Nội.
Vì gia đình đông con mà nguồn thu nhập thấp nên anh em tôi sống khổ lắm. Ăn uống chẳng có gì. Tôi nhớ là thời đó, nhà tôi ăn cơm toàn độn ngô, mà nói vậy cho sang, chứ thực chất là ăn ngô độn cơm. Anh em chúng tôi được huấn luyện để nấu được cả gạo lẫn ngô trong cùng một nồi nhưng hai thứ đó không lẫn với nhau. Phần cơm trắng để bà nội và đứa em út ăn, còn lại cả nhà ăn ngô trộn cơm. Sau này, gia đình đỡ khó khăn hơn, thỉnh thoảng, mẹ cho ăn bánh cuốn, bún chả hoặc giúi cho một lọ polivitamine để bồi dưỡng sức khỏe.  
Tôi được học hành đúng tuổi. Nhưng ngoài giờ học, cũng phải phụ giúp bố mẹ nhiều. 8 - 9 tuổi đi bán báo, bán lạc luộc trên đường, trên tàu điện, mùa nước ra sông vớt củi. Thời ấy, vào dịp Hè, học sinh con nhà nghèo thường đi lao động giúp gia đình. Có năm, tôi xin được chân cạo rỉ sắt cầu. Có năm đi cắt cỏ ở nông trường bò sữa Ba Vì. Thanh niên thành phố như tôi, cầm cái liềm cắt cỏ từ sáng đến chiều tối mệt lắm, mà mỗi ngày chỉ được 2 - 3 hào chỉ. Theo lời giới thiệu của một người trong họ mà tôi gọi là ông trẻ, tôi bỏ nông trường, lên Thái Nguyên làm khuân vác cho công ty lâm thổ sản, được hưởng mức lương hợp đồng khoảng 40 đồng/tháng. Ông bà trẻ cho tôi ăn ở nhà mình, không lấy đồng nào. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên cảm giác ê ẩm những ngày đầu làm nghề khuân vác. Đối với một cậu bé 16 tuổi như tôi, phải vác những bao đỗ xanh, lạc... nặng tới 50 - 60kg thật là thử thách nặng nề. Có lẽ vì thế mà tôi lùn đi? (Cười).
- Hồi còn nhỏ thì lời khuyên nào của bố mẹ để lại dấu ấn với ông tới tận hôm nay?
Hầu hết thanh, thiếu niên ngày xưa được gia đình giáo dục một cách rất nghiêm khắc và có phần còn khá “phong kiến”. Bố tôi là người rất đôn hậu, gần như chẳng bao giờ ông đánh hoặc mắng con cái. Nhưng cách giáo dục rất nghiêm khắc, thậm chí, hồi bé, đôi khi, tôi còn nghĩ là cụ khắt khe. Ví dụ cứ 4h30 sáng là phải thức dậy. Cụ phân công mỗi đứa một việc: Rửa chén, quét nhà, nấu ăn, xách nước... Không có việc gì làm thì mở bài vở ra học, không có chuyện ngủ đến 5h mới dậy. Chính cách giáo dục đó giúp tôi sau này không sợ khó, sợ khổ và luôn làm việc đúng giờ.
- Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề giáo, thưa Giáo sư?
Tôi cũng không biết mình đến với nghề là do tổ chức “se duyên” hay là duyên tiền định. Gia đình tôi nhiều người làm nghề này. Trước Cách mạng, bố tôi là giáo viên Trường tư thục Đông Dương ở phố Lò Đúc. Sau này, chị và em gái tôi đều là giáo viên. Khi anh chị em tôi có gia đình riêng thì cả vợ tôi, em rể tôi và con gái tôi đều theo nghề sư phạm. Hồi chị gái tôi học trường Sư phạm, có lần, tôi tò mò hỏi chị: “Làm sao thích nghề dạy học được?”. Chị tôi bảo: “Vào trường, học mãi rồi cũng quen, cũng thích”. Tôi cứ ngờ ngợ. Nhưng ghét của nào, trời trao của nấy. Tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi được phân công lên dạy ở trường ĐH Sư phạm Việt Bắc. Đến với nghề do phân công của tổ chức, nhưng vào nghề rồi thì thấy nghề dạy học rất hay.
- Cái “hay” của Giáo sư được hiểu là...
Trước hết, dạy học là nghề tích thiện. Thứ hai, tôi dạy đại học, có cơ hội truyền đạt những gì mới nhất mà mình nghiên cứu được cho lớp người nối nghiệp mình, nên tôi thấy rất hào hứng. Thứ ba, làm thầy, được tiếp xúc thường xuyên với người trẻ thì bản thân mình cũng tươi trẻ mãi. Trong xã hội ta có hai nghề được gọi là thầy, đó là thầy giáo và thầy thuốc nhưng sướng khổ khác nhau. Thầy giáo luôn được tiếp xúc với người trẻ, mà tiếp xúc với người ta trong trạng thái tươi tắn, vui vẻ nhất. Thầy thuốc thì ngược lại, tiếp xúc với mọi người khi người ta nhăn nhó, đau đớn nhất. Ngày còn bé, tôi ốm yếu, hay phải nhờ đến bàn tay kỳ diệu của thầy thuốc nên có ấn tượng rất tốt với nghề thầy thuốc. Tôi mơ ước trở thành bác sĩ. Mẹ tôi còn kể, lúc nhỏ tôi thường một mình đóng vai bác sĩ, lấy que tiêm hết cả giàn bầu bí, làm thui hết giàn. Bây giờ, nghĩ lại thấy may vì không theo nghề thầy thuốc. Vụng tay vụng chân như tôi mà làm bác sĩ có lẽ đã gây ra tai nạn nghề nghiệp rồi (Cười lớn).
- Ngoài chuyện dạy chữ nghĩa thì Giáo sư còn truyền đạt cho sinh viên, nghiên cứu sinh điều gì?
Tôi ít khi “giảng đạo đức” trên lớp. Nhưng trong công việc, tôi luôn yêu cầu học trò phải lao động thực sự. Thứ hai là phải trung thực. Làm luận văn, luận án với tôi, anh em khó mà chép của ai được, vì tôi chỉ đạo và kiểm tra từng bước đi của học trò: đọc sách gì, hiểu sách đến đâu, thu thập và phân tích tư liệu thế nào, trình bày từng kết quả nghiên cứu ra sao... Lắm khi thầy và trò phải cùng “đánh vật” với những trường hợp khó. Sát sao trong làm việc, nhưng tôi luôn tạo điều kiện cho sinh viên và nghiên cứu sinh tự do chọn lựa hướng giải quyết của mình. Tôi nghĩ, đó là những việc người thầy cần làm để đào luyện những người lao động cần mẫn, trung thực, dám nghĩ dám làm.
… và “đại biểu Thuyết”
- Ông muốn người khác gọi mình là một nhà giáo hay một chính trị gia?
Mặc dù là một đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách nhưng tôi không bao giờ nghĩ mình là một chính trị gia chuyên nghiệp. Nghề chính của tôi là nhà giáo. Hoạt động chính trị chỉ là do tổ chức điều sang, là nhiệm vụ có thời hạn thôi. Có thể được coi là có duyên với chính trị nhưng tôi chỉ là hạng nghiệp dư thôi. Vì vậy, không nên gọi tôi là chính trị gia bởi bản thân tôi cũng thấy mình không xứng với tên gọi đó.
- Nếu bây giờ được lựa chọn lại, ông có chọn tiếp nghề thầy giáo không, thưa Giáo sư?
Chắc chắn là tôi sẽ chọn nghề thầy giáo. Nhưng tôi thích dạy đại học. Thú thực là dạy phổ thông bây giờ vất vả lắm.
- Môn thể thao mà ông thường chơi là...
Tôi thích đi bơi và chơi bóng bàn. Hồi ở trường, hầu như chiều nào tôi cũng chơi bóng và sáng nào cũng bơi. Nhưng từ khi chuyển lên Quốc hội, thú vui của tôi là làm việc. Đơn giản là vì ngoài công việc Quốc hội đã rất bận bịu, tôi vẫn không dứt ra khỏi đam mê chuyên môn được.  
Tôi bơi và đánh bóng bàn đều không giỏi vì chỉ “học mót” thôi, chứ không được học hành bài bản. Có lẽ cái số của tôi nó vậy. Chỉ có chuyên môn Ngôn ngữ học là được đào tạo chính quy, với những người thầy rất giỏi; còn cái gì cũng phải học mót từ bạn. Bơi thì học mót bạn bè ở sông Hồng. Còn bóng bàn học ở nơi trường sơ tán. Ở nơi sơ tán, bàn bóng không chuẩn mà cũng không đủ cho nhiều người chơi nên chúng tôi thường đánh đôi. Bạn đánh đôi chỉ giao cho tôi nhiệm vụ giao bóng và đỡ bóng; còn “tiu”“ve” là việc của họ. Cũng chính vì thế mà tôi có cách giao bóng sệt và xoáy, khó đỡ lắm (Cười).
- “Khó đỡ” như những câu hỏi của ông ở nghị trường không?
Không, hai chuyện khác hẳn nhau. ĐBQH đặt câu hỏi không cốt để người bị chất vấn không trả lời được. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thường nói với đại biểu: Chất vấn là hỏi trách nhiệm, chứ không phải để hỏi thông tin. Cho nên, nếu câu hỏi gây khó cho người được hỏi thì thường chỉ là vì người được hỏi có trách nhiệm trong một việc nhất định nhưng không muốn thừa nhận trách nhiệm của mình.
- Lời động viên nào giúp ông có thêm động lực để làm tròn nhiệm vụ của một ĐBQH?
Mỗi kỳ họp Quốc hội, bạn bè, đồng nghiệp, cử tri thường gửi thư, nhắn tin cho tôi, khẳng định: “Ông đúng là đại biểu của dân”. Tôi cho đó là lời động viên cao nhất. Nhưng tôi cũng sắp hết nhiệm kỳ đại biểu rồi, bây giờ chỉ chờ câu: “Ông đúng là ông chồng tốt” thôi. Nhưng để có được lời động viên như vậy cũng khó đấy (Cười).
Lẽ sống của trí thức
- Đã từng có ai bắt Giáo sư làm một việc mà ông không thích?
Nhiều chứ! Cuộc đời luôn phải đối diện với những trường hợp như thế.
- Khi đó, ông thường làm gì?
Thường khi đó, tôi sẽ phải xem mình không thích là đúng hay sai và vì sao người ta buộc mình phải làm. Trường hợp tôi sai, dĩ nhiên, tôi phải sửa. Còn buộc tôi làm sai thì... hơi khó. Hồi tôi còn là một cán bộ rất trẻ, có lần, tôi được một vị lãnh đạo Khoa mời lên, giao nhiệm vụ chấm lại bài thi tốt nghiệp của một sinh viên. Ông nói là bài đó kém, làm sao cho điểm 5 được. Tôi hiểu ngụ ý là cho trượt. Bài thi đã qua 2 người chấm, nhưng lãnh đạo giao nhiệm vụ thì tôi vẫn phải làm. Tôi xem lại cẩn thận và vẫn để bài đó được điểm 5. Dĩ nhiên, tôi hiểu là vị lãnh đạo không hài lòng. Nhưng để lãnh đạo hài lòng mà tôi đánh hỏng một sinh viên thì cả đời tôi không hài lòng về mình được. Cũng có lần, đã trở thành lãnh đạo trường, làm Chủ tịch Hội đồng kỷ luật sinh viên, tôi cũng gặp một sức ép lớn. Số là, hồi ấy nước mình mới có Internet, một công ty Internet đã hào hiệp mang cả một dàn máy tính tới giúp trường, hướng dẫn sinh viên truy cập mạng. Một sinh viên không hiểu nghĩ thế nào, “xoáy” luôn modem của họ, ra đến sân thì người của công ty bắt được. Thầy chủ nhiệm khoa của sinh viên này rất tức giận vì từ khi thành lập khoa đến lúc này, chưa bao giờ có chuyện sinh viên lấy cắp cái gì. Thầy đòi đuổi học. Nhưng căn cứ quy chế của Bộ GD-ĐT, xét sinh viên này mắc lỗi lần đầu, tôi dự kiến thuyết phục Hội đồng áp dụng mức kỷ luật đình chỉ học tập một năm. Hội đồng chưa kịp họp thì có một đồng chí lãnh đạo cấp cao gọi điện xuống cho Hiệu trưởng, nói đó là con của ông nọ ông kia, cháu trót dại, thôi thì nhà trường bỏ qua và giáo dục cháu giúp. Nhưng mức đình chỉ học tập 1 năm đã là nhẹ nhất; làm sao hạ mức trái quy chế được? Đồng chí lãnh đạo lại gọi điện cho Bí thư Đảng ủy. Mặc dù rất kính trọng đồng chí lãnh đạo nhưng Hội đồng Kỷ luật vẫn quyết định kỷ luật sinh viên theo đúng quy định. Sau rồi, Hiệu trưởng nhà trường chuyển thành quyết định treo bằng tốt nghiệp 1 năm.       
- Ông tôn thờ điều gì nhất?
Chữ TÌNH, bởi tôi là người duy cảm.
- Và ông có bị hệ lụy vì nó?
Có chứ. Tôi rất hay mủi lòng. Nếu tôi làm chánh án chắc không làm nổi. Ngày còn làm lãnh đạo trường, có trường hợp một em cán sự lớp tự ý thu tiền học phí của cả lớp rồi đem đi tiêu hết, trong khi thu học phí không phải là việc của cán sự lớp. Đưa ra Hội đồng kỷ luật, sinh viên đó phải bị đuổi học. Ông bố sinh viên đến gặp tôi, trình bày, tôi mủi lòng lắm nhưng vẫn không làm cách nào khác được. Vẫn phải đuổi học sinh viên ấy. Hôm đó, về nhà ăn cơm, thấy đắng như nhai thuốc. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ trường hợp ấy và luôn cảm thấy day dứt.
- Tuổi của ông cầm tinh con Chuột phải không, thưa Giáo sư?
Đúng. Tôi sinh năm 1948, tuổi Mậu Tý.
- Năm nay là năm con Mèo?
Ừ nhỉ?! Dễ bị ăn thịt lắm (Cười to). Nhưng nếu về hưu, ở ẩn trong đống sách vở thì Mèo sẽ khó tìm. Chuột thích gặm sách chứ Mèo có thích la cà nơi giá sách đâu!
- Phẩm chất nào ở một trí thức được ông đánh giá cao?
Đó là phải biết dấn thân. Có người dấn thân cho phát minh, sáng tạo; có người dấn thân cho xã hội. Dấn thân theo hướng nào cũng đòi hỏi trí tuệ và đức hi sinh. Có trí tuệ thì mới khỏi lạc đường; có dám hi sinh thì mới đi tới cùng được.  
- Người ta nói, trí thức mà suốt ngày chỉ vùi đầu vào sách vở thôi, không quan tâm tới chuyện đời thì chẳng khác gì người nghiện rượu, chỉ để thỏa mãn thú vui của mình. Ông bình luận thế nào?
Tôi không cho là như vậy. Nghiện rượu với nghiện làm việc là hai chuyện khác hẳn nhau chứ! Phải nói rằng phần lớn các phát minh, sáng chế, sáng tạo quan trọng đưa loài người lên trình độ văn minh như hiện nay là do những người nghiện nghiên cứu làm ra. Nếu không có những người như thế, xã hội làm sao phát triển được?
- Nếu một mai không còn trên đời nữa, ông muốn người ta ghi câu gì trên bia mộ của mình? A) Một người đã sống hết mình. B) Một người mất ở tuổi X.
Câu hỏi hay đấy. Năm Mão nói chuyện xấu cho đỡ xui. Nếu được, tôi chỉ cần đánh giá: “Đây là một người tử tế”! Như thế là quá đủ.
- Sự tử tế có khi nào đem lại hệ lụy cho Giáo sư không?
Nói chung, sống ở đâu tôi cũng được mọi người mến, nhưng “tiến bộ” rất chậm. Tôi vào Đảng muộn lắm. Mặc dù là đối tượng kết nạp từ hồi còn sinh viên (1968), nhưng mãi tới khi Liên Xô và các nước Đông Âu khủng hoảng (1990), tôi mới được kết nạp vào Đảng. Chuyện này có thể do mình chậm tiến thật, nhưng cũng có thể do tính mình không chịu nói khác với điều mình nghĩ. Có những điều ai cũng biết nhưng người ta tránh vào... “Mũi Né” thì mình lại nhô ra, nó mang tới hệ lụy cho mình là phải. Nhưng tôi không lấy thế làm phiền. Mình là trí thức, được nghĩ, được nói, được làm theo chủ kiến của mình là tốt lắm rồi. Cái gì cũng muốn thì khó lắm. Muốn nhiều, không khéo lại đánh mất cả mình.
- Khi sự bộc trực của Giáo sư động chạm đến người khác thì ông có chuẩn bị cho mình cái gì để chống đỡ không?
Thực ra, trong cuộc sống riêng, tôi là người rất ngại va chạm với bạn bè, anh em,... nên hay nhường nhịn. Nhưng trong công việc thì phải lấy tiêu chuẩn, quy chuẩn làm thước đo. Ví dụ, có  những luận án tiến sĩ, cả Hội đồng đánh giá xuất sắc, riêng tôi chỉ đánh giá đạt yêu cầu, và tôi cũng trao đổi thẳng điều đó với các vị trong Hội đồng, chứ không khen vờ rồi bỏ phiếu theo kiểu khác. Cũng có trường hợp tôi bỏ phiếu chống. Trong công việc ở Quốc hội, tôi cũng hành xử theo nguyên tắc như vậy, mặc dù biết rằng có thể gặp phiền toái. Còn “chống đỡ” ư? Đánh bóng bàn thì tôi cò cưa được. Nhưng đây không phải bóng bàn. Phương tiện “chống đỡ” của tôi chỉ là lẽ phải, là pháp luật, là sự ủng hộ của người dân.
Xin cảm ơn Giáo sư và kính chúc Giáo sư một năm mới dồi dào sức khỏe!
Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)