18 tháng 5, 2011

HỒ CHÍ MINH - DANH NHÂN VĂN HÓA CỦA THẾ KỶ XX

GS Song Thành - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh

1. Hồ Chí Minh, một trong những nhân vật có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thế kỷ XX
Đó không phải là lời khẳng định của những người cộng sản Việt Nam mà là của một người Mỹ: Stanley Karnow, nguyên Trưởng đại diện của Tuần báo Time ở Hà Nội.
Chuẩn bị cho thời điểm kết thúc thế kỷ XX, Tuần báo Time đã phối hợp với Hãng truyền hình CBS, đưa ra 7 triệu phiếu bầu, gửi đi khắp các nước, để bầu chọn lấy 100 nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng nhất, thuộc các lĩnh vực khác nhau trong thế kỷ XX. Cuối tháng 12/1999, tuần báo Time đã công bố danh sách 100 nhân vật nổi tiếng đã được tuyển chọn, trong đó Hồ Chí Minh thuộc danh sách 20 nhà lãnh đạo có uy tín lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ XX, bên cạnh V.I..Lênin, M.Gandhi, W.Churchill, A.Khomeney, N.Mandela,...
Thực ra, đối với Hồ Chí Minh, kết quả bầu chọn này không có gì bất ngờ, vì trước đó, năm 1983, ở phương Tây đã từng có một cuộc bình chọn, theo một phương thức khác, nhưng có phần quan trọng hơn, vì đó là sự bình chọn của 300 nhà khoa học trên thế giới, trong công trình Văn hóa thế kỷ XX (XXth Century culture) do Alan Bullock và R.B.Woodings chủ biên, và do Harper and Row xuất bản năm 1983. Đây là một công trình thuộc loại từ điển tiểu sử (Biographical companion). Tên tuổi và sự nghiệp của Hồ Chí Minh được đưa vào cuốn sách tra cứu này ở trang 332-333.
Đây không phải là một cuộc lựa chọn cảm tính. Trước khi bắt tay vào cuộc, 300 nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới đã có sự tranh cãi về tiêu chí cho việc bình chọn: Ai sẽ được coi là danh nhân văn hóa? Đặc điểm của thế kỷ XX là gì? Và người ta đã đi đến thống nhất:
- Thế kỷ XX là thế kỷ của những đảo lộn khoa học - công nghệ (thí dụ thuyết tương đối của A.Einstein). Ai làm đảo lộn thế giới trong thế kỷ XX, người ấy là danh nhân văn hóa.
- Thế kỷ XX là một thế kỷ tàn bạo, thế kỷ của những cuộc chiến tranh thế giới, đè nặng lên số phận con người. Ai đấu tranh cho quyền sống của con người, bênh vực con người, giải phóng con người, tức là tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân văn... người đó sẽ sống mãi với lịch sử loài người, sẽ là danh nhân văn hóa của thế kỷ XX.
- Thế kỷ XX là thế kỷ giải thực dân hóa (décolonisation). Ai góp phần đảo lộn thế giới thuộc địa, giải phóng các dân tộc bị áp bức, vẽ lại bản đồ thế giới,... người đó là danh nhân văn hóa thế kỷ XX.
Hồ Chí Minh là người sáng lập phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam, đi tiên phong trong phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Chủ nghĩa thực dân là phản nhân văn (anti-humanisme), Hồ Chí Minh là người chống chủ nghĩa thực dân, đảo lộn thế giới thuộc địa, vì vậy Người rất xứng đáng là danh nhân văn hóa của thế kỷ XX.
Khi xem xét Hồ Chí Minh, cũng có người phân vân: ông là người cộng sản, đã lựa chọn chủ nghĩa cộng sản. Đây cũng là một mặc cảm của nhiều người phương Tây, một cái cớ mà nhiều người Việt bất đồng chính kiến thường khai thác để vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận mọi công lao, cống hiến của Hồ Chí Minh đối với dân tộc và nhân loại. Nhà bác học, huân tước B.Russel người Anh cũng không ưa chủ nghĩa cộng sản, nhưng lại rất khâm phục và kính trọng Hồ Chí Minh, một lãnh tụ cộng sản, ở khía cạnh nhân văn. Ông đã đứng ra lập tòa án quốc tế mang tên ông để lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi đó, người ta đã kết luận: “Hồ Chí Minh là nhà mácxít hay nhà nho, điều đó không quan trọng, Hồ Chí Minh là người cộng sản hay người dân tộc chủ nghĩa, điều đó không quan trọng, chỉ cần biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc - người yêu nước, thế là đủ xếp ông vào hàng danh nhân văn hóa thế kỷ XX!
Ấy là bởi vì ông là người khởi xướng và giương cao ngọn cờ giải phóng các dân tộc thuộc địa và trở thành người dẫn đạo chủ chốt được mặc nhiên thừa nhận và kính trọng của châu Á (da vàng) và của thế giới thứ ba (da màu nói chung)” (1) .
Với kết luận đó của tập thể các nhà khoa học phương Tây, có lẽ chúng ta không cần thiết phải bổ sung gì thêm.
2. Về việc UNESCO thông qua nghị quyết kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Từ năm 1974, tại khóa họp lần thứ 18 của Đại hội đồng UNESCO, vấn đề kỷ niệm “các danh nhân văn hóa thế giới đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại” bắt đầu được đặt ra. Tính đến khóa họp lần thứ 24 (1987) đã có 21 danh nhân văn hóa của thế giới được kỷ niệm.
Tại phiên họp khóa 24 (diễn ra từ 20/10 đến 20/11/1987), Đại hội đồng UNESCO đã tiến hành xem xét việc kỷ niệm các danh nhân có năm sinh chẵn (100, 200, 500,...) vào các năm 1988, 1989 và 1990. Đã có 6 người được đề cử, trong đó có J.Nêru (Ấn Độ), A.Makarenkô (Liên Xô), Hồ Chí Minh (Việt Nam) và mấy người nữa thuộc Thái Lan, CHLB Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc xem xét các danh nhân trong khóa họp này diễn ra trong bối cảnh khác với các khóa họp trước: một số nước vừa rút chân ra khỏi UNESCO vì lý do chính trị (như Mỹ), có nước đề nghị chỉ nên xét đến năm 1988 thôi, còn các năm sau để lại vì cần bàn thêm tiêu chuẩn thế nào là vĩ nhân? Có nước lại nêu ý kiến: từ 1990, UNESCO nên hạn chế việc kỷ niệm danh nhân thế giới, v.v..
Việc xét J.Nêru tương đối thuận, chỉ 45 phút là thông qua, và Nêru đã được Hội đồng tôn vinh với danh hiệu Nhà quán quân của phong trào giải phóng dân tộc.
Việc xét Hồ Chí Minh, ta dự kiến sẽ có khó khăn hơn, vì lúc đó, ngoài vấn đề Campuchia, nước ta còn có vấn đề người Việt bỏ nước ra đi. Phe xã hội chủ nghĩa lại đang trong quá trình khủng hoảng. UNESCO có 159 quốc gia thành viên, chỉ có 8 nước xã hội chủ nghĩa. Có một người Việt di tản đã đưa đến một bản kiến nghị với 79 chữ ký của những người tị nạn, gửi Đại hội để phản đối việc xem xét này, đơn đề nghị: có xét thì chỉ nên xét Nguyễn Ái Quốc chứ không xét Hồ Chí Minh!
Tuy nhiên, cuộc thảo luận đã diễn ra trong không khí đầy tình cảm chân thành và ngưỡng vọng của bạn bè quốc tế năm châu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tọa phiên họp là đại biểu Thái Lan. Bà đã có bài phát biểu rất sâu sắc về Hồ Chí Minh, coi tư tưởng của Người là tài sản chung của nhân loại, có giá trị vĩnh hằng.
Đại biểu Cộng hòa Dân chủ Đức gọi chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn của mọi thời đại.
Đại biểu Xri Lanca đã gọi Hồ Chí Minh là nhà tiên tri, ví Người như là ngọn hải đăng của các dân tộc bị áp bức.
Trưởng đoàn đại biểu Ấn Độ, nguyên là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã phát biểu: “Hồ Chí Minh là một danh xưng cao quý, không chỉ nằm ngay trong mỗi chúng ta, mà gắn với tiến bộ thời đại. Vì vậy, việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người vừa là sự kiện quan trọng, vừa là niềm vinh dự lớn lao đối với mọi người”.
Gần 30 nước đã ký tên đồng tác giả vào dự thảo nghị quyết về Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lên Đại hội đồng, đều cùng khẳng định những lý tưởng của UNESCO và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nhân văn là nhất trí; coi việc khẳng định sự ủng hộ đối với nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một niềm vinh dự.
Tại cuộc họp ở Tiểu ban các vấn đề văn hóa, sau đó là tại phiên họp của toàn thể Đại hội đồng, dự thảo nghị quyết đã được biểu quyết thông qua với sự nhất trí tuyệt đối, thể hiện nguyên tắc cao nhất của diễn đàn quốc tế quan trọng này (2).
Nghị quyết được Đại hội đồng UNESCO thông qua đã tôn vinh Hồ Chí Minh với một danh hiệu rất cao: vừa là ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, vừa là NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT (Héro de la libération nationale et éminent homme de culture du Vietnam). Bản nghị quyết có đoạn viết: “Xét thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội;
Xét thấy sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau;
Khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức những hoạt động đa dạng để tưởng niệm Người, để làm cho mọi người hiểu được tầm vóc to lớn và những tư tưởng và sự nghiệp của Người vì công cuộc giải phóng dân tộc”.
Nghị quyết của Đại hội đồng là nghị quyết ở cấp cao nhất của UNESCO, chỉ có Đại hội đồng mới có quyền thay đổi, không một cá nhân hay một nhóm người nào có thể tự ý bác bỏ, phủ nhận. Tất nhiên, UNESCO chỉ khuyến nghị, sau này, việc thực hiện nghị quyết như thế nào còn tùy tình hình của mỗi nước.
Sự thật về việc Đại hội đồng UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam là như vậy. Trong tập biên bản của phiên họp Đại hội đồng, ở chương 18, mục 18.65 (trang 134), đã in nguyên văn Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh (bằng tiếng Anh và tiếng Pháp). Sự thật đó làm cho những người muốn phủ nhận “không có việc UNESCO vinh danh Hồ Chí Minh” thất bại, họ chuyển sang chống chế bằng lập luận: Sở dĩ nghị quyết đã được nhất trí thông qua vì dư âm của chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn mạnh mẽ và ông M’Bow, Tổng thư ký UNESCO thời gian đó là người Sénégal vốn thiên tả, đã ra sức tán trợ đề nghị này vì muốn tranh thủ lá phiếu của khối cộng sản và khối các nước Á - Phi để được tái cử nhiệm kỳ thứ ba, v.v. và v.v..
Động cơ chính trị xấu xa đã làm cho họ trở nên mù quáng, cố tình phủ nhận sự nghiệp, văn hóa và những giá trị văn hóa lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại.
3. Giá trị nhân văn cao quý trong sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh
3.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới thừa nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất (éminent homme de culture) bằng cả một sự nghiệp văn hóa đồ sộ mà Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại
a) Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh được thừa nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả.
“Đổi người nô lệ thành người tự do”, phát động lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của một dân tộc phần đông còn mù chữ và thất học vùng dậy đấu tranh đòi giải phóng, đó là một sự nghiệp gian nan và phi thường, đồng thời cũng là một sự nghiệp văn hóa vĩ đại. Bởi vì giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, cái dốt là một sự nghiệp văn hóa có ý nghĩa cao cả nhất, đầy đủ nhất, một ước mơ ngàn đời của nhân loại.
b) Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước.
Giành được độc lập rồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng dân tộc mình lên một tầm văn hóa mới. Người đề nghị mở ngay chiến dịch chống giặc dốt. Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc, xem những phong tục, tập quán lạc hậu cũng là một loại kẻ thù. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”... “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta... phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” (3).
Người phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân; mỗi ngành, mỗi giới đều có phong trào riêng của mình. Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người.
c) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới, một thế giới quan mới, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới,... chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Người đã đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam, định hướng cho sự ra đời một nền đạo đức mới, một xã hội nhân cách mới. Với Hồ Chí Minh, xã hội nhân cách - đạo đức ấy được tạo dựng trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, theo nhân cách luận của người chiến sĩ cách mạng kiểu mới: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư,... Sau khi đã lãnh đạo toàn dân giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Người đã đưa văn hóa Việt Nam lên vị trí  xứng đáng trong nền văn hóa thế giới.
d) Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì bản thân Người là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn.
- Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, Đông và Tây. Từ nhỏ, Người đã được hấp thụ một nền văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông sâu sắc. Trên đường học tập và nghiên cứu, Người đã từng bước hấp thụ văn hóa nhân đạo và dân chủ của phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hóa cách mạng Pháp. Chính trí tuệ siêu việt, vốn sống thực tế phong phú và vốn văn hóa rộng lớn đã dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, kết tinh thành tựu văn hóa của loài người. Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch..., khi xuất hiện như một nhà báo phương Tây sành sỏi, khi lại trầm tĩnh, hàm súc như một thi sĩ cổ điển phương Đông. Trải qua mấy chục năm học tập và rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước vươn lên tầm cao của trí tuệ thời đại, để từ đó mà vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn Việt Nam - Hồ Chí Minh.
- Bản thân Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Thơ Hồ Chí Minh có bài viết bằng tiếng Việt, có bài viết bằng chữ Hán, song không bài thơ nào vắng bóng con người. Khát vọng tự do, công lý, cơm áo, hòa bình... sự cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đó là những nội dung chủ yếu trong thơ Hồ Chí Minh. Vì vậy, những bài thơ ngẫu hứng, sản phẩm của một thời, trong đó không ít bài đã ra đời trong cảnh tù đày, biệt xứ, đã trở thành “thơ của muôn đời”, đã làm “xáo trộn cả tâm hồn nhân loại” bởi những giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.
một nhà thơ lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là nhà văn lớn, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Người đã tìm tòi và viết nhiều thể loại: tiểu thuyết du ký, truyện viễn tưởng, truyện ngắn, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận. Ở lĩnh vực nào Người cũng đạt được những thành tựu đặc sắc, đem lại những yếu tố rất mới, rất hiện đại và giữ nguyên giá trị trong sự đổi mới văn học hôm nay.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người rất khiêm tốn, không nhận mình là nhà thơ, nhà văn, chỉ nhận mình là “người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta. Những bài báo ngắn gọn của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Tất cả những gì Người viết ra đều là sự phản ánh trung thực, hồn nhiên vẻ đẹp cao quý trong đạo đức, trí tuệ và tâm hồn của một nhân cách lỗi lạc, vì vậy, tất cả đều hiện ra chân thực, giản dị, tự nhiên, vốn là những chuẩn mực tiêu biểu cho cái đẹp - cái hoàn thiện của con người.
e) Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất bởi Người còn là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa. Người nhắc nhở phải giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng không tự bó mình trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận, mà kêu gọi phải ra sức nghiên cứu, học tập tinh hoa văn hóa của thế giới, xưa và nay. Người trân trọng mọi giá trị văn hóa nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt với sự lựa chọn của mình. Người từng thừa nhận mình là học trò của Các Mác, Jésus, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, vì “các vị ấy đều có điểm chung giống nhau là mưu cầu hạnh phúc cho loài người... Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin họ sẽ chung sống thoải mái với nhau như những người bạn tốt”. Đối với các tôn giáo, Người thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo, khẳng định lý tưởng cao đẹp và những giá trị nhân bản của các vị sáng lập ra các tôn giáo đó, không hề bài bác hay phủ định, mà biết khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
g) Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì Người còn là hiện thân rực rỡ của văn hóa hòa bình, của đường lối ngoại giao hòa bình, luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng, đối thoại với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau.
Tóm lại, có thể khẳng định Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hóa của thế giới. Nhiều chủ trương văn hóa được Người đề ra rất sớm - từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ XX, như: xóa mù chữ, trồng cây phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, yêu mến và kính trọng người già, v.v. đến đầu những năm 90 đã được Liên Hợp Quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng bao giá trị, giá trị đó, nói cho cùng, là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu” (4) .
3.2. Sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh vô cùng phong phú: có văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giao tiếp - ứng xử, văn hóa khoan dung, văn hóa - văn nghệ,... Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc với những yếu tố tích cực trong văn hóa phương Đông, văn hóa các tôn giáo, văn hóa dân chủ - cách mạng phương Tây, văn hóa mácxít,... để trở thành văn hóa tiên tiến, mang những giá trị nhân văn sâu sắc, vốn là nội dung cốt lõi của văn hóa nhân loại.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là văn hóa yêu nước, thương dân, hướng tất cả vào phục vụ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; là văn hóa trọng dân “lấy dân làm gốc”. Với tâm niệm “có dân là có tất cả”, nên Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải lo “sao cho được lòng dân”, phải phấn đấu trở thành người công bộc trung thành và tận tụy của nhân dân. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự chung đúc những giá trị của các học thuyết trị nước tiến bộ mà các bậc anh hùng dân tộc, các minh quân, lương tướng đã theo đuổi trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Chính vì thế nó chứa đựng những giá trị nhân văn cao quý.
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là văn hóa hành thiện, cổ vũ làm điều thiện, sống với nhau có tình, có nghĩa, muốn thế phải thực hiện cho tốt 8 chữ vàng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết kết hợp hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng, sống trung thực, giản dị, khiêm tốn, nói đi đôi với làm, ít lòng ham muốn về vật chất,... nhờ đó mà có thể “sống oanh liệt, chết vẻ vang”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động của văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Như một người từng đối đầu với Hồ Chí Minh - tướng Valluy thừa nhận: “Hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi riêng tư, dưới con mắt những người chung quanh và những người đối thoại, Hồ Chí Minh là một người vô cùng đức độ” (5). Thắng lợi của cách mạng, vinh quang của quyền lực, hay danh vọng của cá nhân không thể nào làm lu mờ tấm gương đạo đức của Người. Vì vậy, trong thế giới của những người cầm quyền, hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật hơn bao giờ hết.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, nói rộng ra là phương châm xử thế, Hồ Chí Minh luôn luôn là người trung hậu, thủy chung với nhân dân, với đồng chí, đồng bào và với bạn bè quốc tế; Người thấy rừng và thấy cả từng cây, không bỏ sót một ai cả, không quên bất cứ một nghĩa cử nào, dù nhỏ, đã từng ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam; nhưng Hồ Chí Minh lại không bao giờ nhắc đến người cũ, chuyện cũ đã từng có lúc đối xử không đúng với Người; nếu có ai nhắc đến, Người cũng gạt đi. Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh cực kỳ tinh tế, uyển chuyển, có lý có tình, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Phương châm xử thế mà Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ và nhân dân ta là:
“Bình tĩnh, sáng suốt khi nguy nan,
Nhẫn nại, ôn hòa khi tức giận.
Linh hoạt, khéo léo tùy trường hợp,
Nguyên tắc quá thường hay lỡ việc,
Cương quyết khi hành động,
Gác lợi riêng mưu nghiệp lớn”... (6)
Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động của những phương châm này. Ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh đã tranh thủ được trái tim, khối óc của bạn bè năm châu, làm cho kẻ thù cũng phải khâm phục.
Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh là kết tinh của truyền thống nhân ái, độ lượng Việt Nam và cũng là nét đặc trưng của văn hóa hòa bình trong thời đại ngày nay. Người nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tìnhbác ái. Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những giá trị khoan dung của dân tộc và nhân loại, nâng lên thành một chất lượng mới, ở một tầm cao mới.
Là người cộng sản, Hồ Chí Minh có thái độ tôn trọng, không bao giờ tỏ ra kỳ thị, bài bác mà luôn luôn có ý thức khai thác, vận dụng những yếu tố tích cực của các học thuyết chính trị và tôn giáo như Nho, Phật, Lão, Thiên chúa giáo,... vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở chữ “nhân”, nhưng là một chữ nhân sáng suốt, có nguyên tắc, lấy công lý, chính nghĩa là nền tảng, chủ trương giải quyết những vấn đề dân tộc và quốc tế trên cơ sở “có lý, có tình”.
Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh là thái độ trân trọng đối với mọi giá trị văn hóa nhân loại, là không ngừng rộng mở, thâu hóa những yếu tố tích cực, tiến bộnhân văn của loài người để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh là chấp nhận giao lưu và đối thoại bình đẳng về giá trị để đạt tới cái chung, cái nhân loại, để cùng tồn tại và phát triển. Trong khi chống thực dân Pháp xâm lược, Người vẫn đề cao văn hóa Pháp. Trong khi chống đế quốc Mỹ, Người vẫn ca ngợi truyền thống văn hóa dân chủ và cách mạng Mỹ.
Nói về văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh, nhà báo Mỹ David Halberstam đã thừa nhận: “Cụ Hồ đã làm được một điều đáng chú ý: biết dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ thù để chiến thắng” (7).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa cao đẹp và phong phú, trong đó không thể không nhắc tới những tư tưởng chỉ đạo của Người về xây dựng một nền văn hóa mới: dân tộc, khoa họcnhân văn, một nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “làm cho ai cũng có lý tưởng độc lập, tự chủ”, “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ”, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (8),.. Những phương châm đó vẫn giữ nguyên giá trị chỉ đạo đối với việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, cho hôm nay và cả mai sau.
Khẳng định những giá trị nhân văn cao quý trong sự nghiệp văn hóa và con người Hồ Chí Minh, nhà báo Jean Lacouture - người được coi là một nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh hay nhất ở phương Tây, đã viết: “Đó là một tấm trí minh mẫn, ít ham thích bạo lực, một thái độ rất độc đáo về quan hệ giữa người với người, một trình độ văn hóa tự học khá rộng nhưng rất thông hiểu, một tinh thần hài hước, trong đó bám rễ vào các tập quán châu Á luôn luôn kết hợp với những ảnh hưởng phương Tây, một tinh thần thanh bạch, một sự khắc khổ tự nhiên được ý chí làm cho vững chắc thêm lên, một nghị lực có một không hai. Vâng, tất cả những nét đó trở thành bí quyết của Cụ Hồ trước những thử thách của đời sống xã hội” (9).
Đúng như J.Lacouture đã dự báo, tư tưởng và sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng, đặc biệt là ở vào thời điểm hiện nay, trong một thế giới đang biến động và đầy lo âu; khi mà sự sa sút về đạo đức, sự phản trắc, lừa đảo, hãm hại lẫn nhau,... đang có nguy cơ tăng lên; khi mà hình ảnh của một số lãnh tụ cầm quyền ở nơi này, nơi khác đang bị phê phán và hạ bệ, thì hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật lên trước con mắt của nhân loại hơn bao giờ hết.
Một nhà báo Vênêxuêla đã viết rất thuyết phục: “Bộ máy tuyên truyền của đế quốc và các thế lực phản động đã rất nổi tiếng trong nghệ thuật vu khống xấu xa, hòng làm mất uy tín những địch thủ của họ. Họ đã chi tiêu rất nhiều tiền hòng bôi nhọ trước dư luận quốc tế đối với những ai, bằng cách này hay cách khác chống lại sự thống trị của họ... Tất cả những lãnh tụ cộng sản nổi tiếng trên thế giới đều được các hãng thông tấn của họ dán cho những “nhãn hiệu” như là những kẻ cướp hoặc khủng bố đáng tội treo cổ! Duy chỉ có Bác Hồ, do tấm gương cuộc đời và đạo đức của Người, đã làm cho những kẻ chuyên nghề vu cáo phải kính nể” (10).

Chú thích:
(1)  Xem thêm: báo Quân đội Nhân dân, Xuân Canh Ngọ, 27/01/1990, tr.2.
(2)  Xem thêm bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên, Chủ tịch Ủy ban UNESCO của Việt Nam, tại Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh tại Hà Nội, ngày 29, 30/3/1990.
(3)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.4, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.8.
(4)  Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.126.
(5)  Valluy: Tình bạn thủy chung, Planète Action, tháng 3/1970, tr.38.
(6) Ấn phẩm dạng áp phích được xuất bản và phát hành khoảng 1959-1960 trên giấy hoa văn, dưới có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(7)  Xem David Halberstam: Ho, Random House, New York, 1970.
(8)  Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa, văn nghệ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.70-71.
(9) J.Lacouture: Ho Chi Minh, Ed. Seuil, Paris, 1967.
(10)  Hêrômiô Carêra: Hồ Chí Minh - nhân vật kiệt xuất của toàn nhân loại, báo Diễn đàn nhân dân của Vênêxuêla, số 775, ra ngày 19/5/1990.
(Nguồn: Tạp chí Lí luận Chính trị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét