4 tháng 5, 2016

VỀ HAI BÀI THƠ THIỀN ĐỜI LÝ
Hoà thượng Thích Thanh Từ
1. Bài kệ “Thị Đệ tử” của Thiền sư Lý Vạn Hạnh:
Thiền sư Vạn Hạnh tịch năm 1018, năm sinh thì không rõ, Ngài thuộc dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đời thứ 12. Tiểu sử của Ngài đã in trong quyển “Thiền sư Việt Nam” trang 53 của Hoà thượng Thích Thanh Từ. Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài:
bai4p171
Âm:
                   Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
                   Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
                   Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
                   Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch thơ:
                   Thân như bóng chớp có rồi không,
                   Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
                   Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
                   Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Giảng:
Bài kệ này lâu nay trong giới học Phật ai cũng biết và nhiều thuộc. Quí vị là người trong tông môn đã thuộc bài này chưa? Cái hay của hàng tôn túc, chúng ta là con cháu trong tông môn, mà không biết không học đó là một khuyết điểm lớn. Nay tôi trích giảng quí vị học cho thấu đáo để rồi thực hành theo người xưa.
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô”. Con người sống được sáu bảy mươi năm cho là dài là trường thọ. Nhưng khi già nhớ lại cuộc đời của mình từ bé đến già, thấy mau như bóng thoáng qua, như làn điện xẹt, qua rồi mất qua rồi mất, tới tuổi già thân này cũng nát luôn, không có gì lâu bền vững chắc cả. Thân này ví như cỏ cây, mùa xuân thì xanh tươi, mùa thu thì héo khô rụng lá. Ý Ngài muốn nói, con người và cảnh vật theo thời gian mà đổi thay còn mất, không có cái gì trường cữu vĩnh viễn. Cuộc đời và cảnh vật chuyển biến vô thường như vậy, Ngài dạy chúng ta có thái độ như thế nào để không trở thành người tiêu cực yếm thế?
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”. Ngài bảo, mặc cho sự đời hưng thịnh hay suy vong, đừng lo sợ. Vì việc thịnh suy của cuộc đời chẳng khác nào hạt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Sáng sớm sương đọng óng ánh trên đầu ngọn cỏ, mặt trời lên ánh nắng chiếu rọi, sương khô từ từ rồi mất. Như vậy tất cả cái được cái có hiện giờ, theo thời gian rồi sẽ mất không lâu dài, không bền chắc. Thế mà chúng ta hễ gặp thịnh thì vui, gặp suy là buồn.
Cuộc đời vốn là vậy, thịnh hay suy tùy theo duyên, chẳng có gì đáng sợ. Vì giá trị của cuộc đời là con người, chứ không phải cảnh vật. Con người là chủ có tri giác, khôn ngoan là quan trọng. Thế mà chủ (thân) giữ còn không được, huống gì cảnh vật còn mất làm sao giữ? Chuyện mất còn của cảnh vật chỉ là lẽ thường. Nhiều khi chúng ta quên mình bệnh sắp chết, cứ nhớ tiền của còn hay hết, nhớ của hơn là nhớ mình. Có ai khờ như vậy không? Cứ lo tiền của, lo sự nghiệp mà không nhớ lo cho bản thân mình. Thậm chí có nhiều người đem thân liều chết để được tiền của. Như vậy là khôn hay khờ? Thế mà có những người dấn thân vào cái chết, để được tiền của một cách đáng thương. Nếu thấy rõ cuộc đời từ thân cho đến cảnh vật là một dòng biến chuyển đổi dời, có lúc thịnh, có lúc suy, không dừng trụ, không cố định một chỗ, chỉ là lẽ thường của cuộc đời thì mình cũng xử sự theo cái thường, không buồn lo, không sợ hãi. Được vậy thì cuộc sống lúc nào cũng an vui. Còn nếu lo sợ thì xử sự không bình thường, lúc nào cũng lo, lo cho cái thân già bệnh chết, lo cho cảnh vật còn mất... Cứ thế mà lo mãi, tới chết cũng chưa hết lo, thật là khốn khổ. Đó là cái bệnh si mê của người không hiểu đạo.
Bốn câu thơ này Ngài dạy cho chúng ta thái độ sống an bình. Nếu chúng ta thấy các pháp đúng như thật thì dù cho cuộc đời có biến chuyển thịnh suy gì đi nữa, chúng ta vẫn an nhiên tự tại không buồn khổ. Đó là nói theo tinh thần của bài kệ. Nếu thấy rộng hơn nữa thì cuộc đời có vô thường, mới có vui có buồn. Như vừa rồi tôi đi Úc, tôi sửa soạn về, các Phật tử bên ấy nói: “Mau quá! Thầy mới qua nay lại về!”. Tôi nói: “Cuộc đời vô thường, nhờ vô thường nên thầy lại trở về”. Nhờ vô thường nên vui một chút, nhờ vô thường cũng có buồn một chút. Biết vô thường thì thôi, vô thường đều là chuyện tốt. Thân này khi mới sinh ra nặng tối đa là bốn kílô, nhờ vô thường biến chuyển từ nhỏ tới lớn nặng năm sáu chục kílô. Nếu cố định không biến chuyển thì giờ này chúng ta vẫn nằm trong nôi, cựa quậy chòi đạp chứ không làm được việc gì. Nhờ vô thường nên mới khôn lớn, chuyển biến hết thời kỳ tăng tới thời kỳ giảm, thân già bệnh từ giã cõi đời này, qua cõi đời khác mới hơn, vui hơn. Bỏ thân cũ kỹ già bệnh, được thân mới khỏe mạnh là vui. Giống như chiếc xe cũ không còn xài được bỏ đi, nhận chiếc xe mới tốt hơn thì vui chứ có gì mà sợ!
Cuộc đời là một dòng vô thường chuyển biến không dừng, thế mà chúng ta chỉ muốn nó chuyển ở thời kỳ tăng, tức là chuyển tới ba bốn mươi tuổi ngừng ngang đó, không muốn chuyển ở thời kỳ giảm, chuyển tới sáu bảy mươi tuổi thì buồn. Tội nghiệp các cụ già, ngồi lại thì kể chuyện trai tráng của thời oanh liệt, ít khi kể chuyện của tuổi già như nhổ cái răng đau, ăn cơm bị nghẹn nuốt không xuống... Như vậy là muốn chuển tốt chứ không muốn chuyển xấu, chuyển xấu thì sợ lắm, không dám nhìn thẳng. Đó là tướng trạng vô thường của nội thân và ngoại vật.
Giờ đây nói đến biến chuyển của tâm niệm, tâm niệm của con người sinh diệt từng sát na, vừa khởi lại diệt. Nhờ có biến chuyển nên từ con người háo danh tham lợi, chúng ta từ bỏ trở thành người cao thượng xem thường lợi danh. Nhờ có biến chuyển mà từ con người phàm vươn lên thành Thánh. Nếu không có biến chuyển thì con người ù lì không tiến bộ, và cũng chẳng cần tu sửa. Như vậy biến chuyển có dở mà cũng có hay. Hiểu lý vô thường rồi, chúng ta khéo xoay chiều cho nội tâm chuyển hướng theo chiều tốt thánh thiện, không cho chuyển theo chiều thấp hèn phàm tục. Nếu chúng ta biết được sự chuyển biến của thân tâm và cảnh vật, chúng ta sống đời tự tại an nhiên, không lo sợ trước mọi đổi thay của thế sự. Ngược lại thì chúng ta cũng buồn, cũng sợ như người thế gian không khác, vậy thì chúng ta có tu hành gì?
2. Bài kệ “Hữu không” của Thiền sư Từ Đạo Hạnh:
Thiền sư Đạo Hạnh tục danh là Từ Lộ, ở làng Yên Lãng, không biết năm sinh, tịch năm 1115, đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tiểu sử của Ngài in trong quyển “Thiền sư Việt Nam” trang 103 cùng tác giả. Sau đây là giai thoại Ngài giáo hóa tăng chúng:
Khi Ngài trụ trì chùa Thiên Phước ở núi Phật Tích, tăng chúng tìm đến tham vấn. Có vị tăng hỏi:
Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm?
Ngài nói kệ đáp:
bai6p197
Âm:
          Tác hữu trần sa hữu,
          Vi không nhất thiết không.
          Hữu không như thủy nguyệt,
          Vật trước hữu không không.
Dịch:
          Có thì muôn sự có,
          Không thì tất cả không.
          Có, không trăng đáy nước,
          Đừng mắc có cùng không.
Dịch thơ:
Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian này cũng không.
Có, không bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không là gì.
Giảng:
Lúc Ngài ở chùa Thiên Phước là lúc Ngài ra giáo hóa rồi, nên mới có vị tăng hỏi: “Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm? Ngài bèn dùng kệ đáp:
“Tác hữu trần sa hữu/ Vi không nhất thiết không”. Có thì muôn sự có, không thì tất cả không. Nếu chúng ta thấy có thì tất cả  bụi cát cái gì cũng có hết. Nếu nói không thì tất cả, đều là không. Hai câu này hơi khó hiểu nên Ngài đưa ra ví dụ cụ thể:
“Hữu không như thủy nguyệt/ Vật trước hữu không không”. Có không trăng đáy nước, đừng kẹt vào có và không. Nhìn mặt trăng dưới đáy nước, chúng ta cho là có hay không? - Không có mặt trăng thật, chỉ có bóng hiện trong nước, cho nên chúng ta đưa tay nắm bắt không được. Cũng vậy, hiện giờ chúng ta thấy người, thấy cảnh, thấy thiên hình vạn trạng đều là tướng tạm bợ giả dối không có thật thể, nếu nói có thì chỉ có những cái tạm bợ giả dối mà thôi. Qua ví dụ bóng trăng đáy nước, chúng ta hiểu được ý nghĩa có và không thật rõ ràng. Đứng xa nhìn thấy bóng trăng thì không thể nói là không, mà đến gần đưa tay sờ nắm thì toàn là nước chẳng có mặt trăng nào cả. Ví dụ này cho chúng ta thấy sự vật chỉ có giả tướng ảo ảnh mà không có thật thể. Thế nên người đạt đạo nhìn sự vật biết không có thật, còn người mê lầm nhìn sự vật cho là có thật. Ngài nhìn sự vật đúng lẽ thật thấu suốt lý trung đạo, nên nói “đừng kẹt vào có và không”. Nếu chấp có và không thì sinh ra bất đồng ý kiến, đưa đến bất hòa với nhau. Ví dụ người này nói các pháp không có thật thể, đó là đứng về mặt thể tính mà nói thì đúng, người khác đứng về mặt sự tướng thì nói các pháp có thật, hai người cãi nhau. Vậy ai đúng, ai sai? Đúng, sai chưa ra lẽ nhưng đã cãi nhau là thiệt thòi rồi. Thế nên chúng ta hiểu cho tường tận, các pháp có mà hư dối tạm bợ, nhưng thật thể thì không. Đó là lẽ thật từ xưa nay.

(Phạm Hùng, sưu tầm và hiệu đính)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét