2 tháng 4, 2011

Thời luận:

                      “TOÁN... DĨ TẢI ĐẠO”
(Theo mục An ninh văn hóa, báo An ninh Thế giới, số 987 ra ngày 25/8/2010, trang 14)
          Từ xưa đến nay, nói về vai trò của văn học thì không gì gọn hơn, nêu được hết ý nghĩa của văn học đối với cuộc sống là câu “Văn dĩ tải đạo”, tạm hiểu là văn học phải giáo dục cho con người Đạo làm Người, hướng tới cái Chân - Thiện - Mỹ.
          Người ta chỉ nói “văn dĩ tải đạo” chứ không ai nói “toán... dĩ tải đạo” bao giờ.
          Ấy vậy mà những ngày này, toán học - một môn khoa học tự nhiên - toàn những con số, những mệnh đề, bổ đề, những định lí, những đáp số... lại đang góp phần “tải đạo” đến cho các thế hệ học sinh và cho người Việt Nam. Thành công vang dội thế giới của Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu làm nức lòng người Việt Nam và càng khiến chúng ta có quyền tự hào với thế giới rằng, trí tuệ người Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Chúng ta đã có một Phạm Tuân, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ; chúng ta có Đặng Thái Sơn, người châu Á đầu tiên đoạt giải Chopin và Ngô Bảo Châu, người thứ hai của châu Á được giải toán học Fields  một giải được ví như “giải Nobel về toán học”...
          Chúng ta vui mừng và kính trọng tài năng của Ngo Bảo Châu đã mang lại vinh quang cho Tổ quốc, cho một nền giáo dục Việt Nam. Nhưng chúng ta càng kính trọng hơn sự khiêm nhường, đầy trách nhiệm của Giáo sư đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhận giải thưởng lớn như vậy, được vinh danh như vậy, nhưng những lời phát biểu của Giáo sư lại rất giản dị, chân thật... Không hề có cái “tôi” to vật vã như một số người khác. Thành công của Giáo sư trong nghiên cứu toán học, tinh thần yêu nước của Giáo sư đã là một “cú hích” mạnh mẽ cho các thế hệ học trò hôm nay.
          Trong khi đó, có không ít nhà văn, tài chưa bằng ai, đức cũng chả bằng ai, mới sáng tác được mươi bài thơ, hoặc vài ba đầu sách thì lại huênh hoang khoe “cái tôi”, đề cao “cái tôi” coi trái đất chỉ như “quả nắm đấm”, và nhìn bạn bè đồng nghiệp theo kiểu “mục hạ vô nhân”.
          Những nhà văn kiểu này chúng ta đã thấy quá rõ trước - trong - và sau Đại hội Nhà văn vừa qua. Thật xấu hổ cho giới văn nhân khi mà trong Đại hội, người ta phải kêu gọi rằng hãy nói về nhau, đối xử với nhau cho đúng nghĩa “văn nhân”. Thật xấu hổ cho giới văn nhân khi có những nhà văn mà đã có những tác phẩm được coi là “xuyên suốt thời gian”, đã từng có những tác phẩm đóng góp cho nền văn học nước nhà lại có lối phát ngôn thiếu... chất văn đến thế và có những hài động rất vô lối.
          Phúc bảy mươi đời cho giới văn nhân là những buổi họp của Đại hội Nhà văn như vừa qua lại không truyền hình trực tiếp. Chứ nếu bàn dân thiên hạ xem thấy, nghe thấy những gì mà một số văn nhân đã thể hiện tại Đại hội thì không hiểu văn chương, thơ phú chúng ta viết ra còn ai dám đọc và có lẽ chẳng ai gọi họ là “văn nhân” nữa mà sẽ gọi là những... “hại nhân”.
          Trong lịch sử văn học nước nhà, đã có không ít những áng văn chương mang lại sức mạnh và niềm tự hào cho cả dân tộc. Nhưng gần đây, chúng ta chẳng còn thấy nữa. Và câu “văn dĩ tải đạo” xem ra chính giới văn nhân đã tự mình đánh mất.
          Thôi, “văn” không làm được nhiệm vụ “tải đạo” thì hãy để “toán” làm nhiệm vụ này. Và Giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong những người tiên phong!
(N.P)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét