19 tháng 7, 2011

KIẾN VĂN TIỂU LỤC (Trích - P2)

Lê Quý Đôn
     Sách Dã lục của La Hồ nói:
1. Phúc trạch không nên hưởng hết, phúc hết tất dẫn đến tai vạ.
2. Quyền thế không nên sử dụng hết, quyền thế hết tất bị người khinh rẻ.
3. Lời nói không nên nói hết, nói hết thì cơ mưu không thận mật.
4. Khuôn phép không nên thi hành hết, thi hành hết thì mọi người khó giữ vững được.
     Tôn Huệ nhà Tấn nói: Danh vị lớn không nên đeo lấy mãi, công việc lớn không nên gánh vác mãi, quyền thế lớn không nên giữ mãi, uy vọng lớn không nên bám lấy mãi.
     Ngũ Dung Am nói: Gia đình nhà tấn thân (1), tì thiếp nhiều, đủ cung cấp về sự say mê sắc dục, mà không đủ để làm nguồn gốc bồi dưỡng tính mệnh thọ trường; tôi tớ nhiều, đủ để khoa trương về uy thế, mà không đủ để làm phúc trạch dưỡng sinh; ruộng nhà nhiều, đủ để chơi bời xa xỉ, mà không đủ để ngăn được nhà quyền thế chiếm đoạt. Cho nên người vợ xấu của Vũ hầu (2), con ngựa què của Kinh công (3), viên tướng quốc họ Tiêu làm nhà không sửa sang tường nóc (4). Xét đến hành vi của triết nhân ngày trước, không điều gì là không đáng làm khuôn phép. Vậy thì tất cả những người quân tử, sao lại không theo khuôn phép ấy?
     Cố Hoa Ngọc, Thượng thư nhà Minh, làm bài minh ở chỗ ngồi. Bài minh ở phía bên tả nói: Lời nói, việc làm biết so sánh với người đời cổ, thì đạo đức ngày tiến; công danh phó thác ở mệnh trời thì trong bụng yên nhàn; báo ứng nghĩ đến con cháu thì công việc bình thản; hưởng thụ nghĩ đến lúc ốm đau thì tiêu dùng sẻn nhặt. Bài minh ở phía bên hữu nói: Sính biện bác để rước lấy thù oán, không bằng ngậm miệng để di dưỡng tính tình; giao du rộng để cầu tiếng khen, không bằng ở riêng lẻ để tự toàn lấy thân phận; quá phí tổn để kinh doanh nhiều, không bằng bớt công việc để giữ lấy kiệm ước; khoe tài năng làm cho người ta ghét ghen, không bằng ẩn giấu tinh hoa để tỏ mình là người vụng dại.
     Trần Tuấn Khanh, Thừa tướng nhà Tống có bài thơ dạy con: "Hứng lai văn tự tam bôi tửu, lão khứ sinh nhai vạn quyển thư. Di nhĩ tử tôn thanh bạch tại, bất tu hạ ốc đại cừ cừ". Tạm dịch: Rượu ba chén ngâm nga khi hứng, sách vạn pho tiêu khiển tuổi già. Để lại trắng trong cho cháu chắt, không cần nhà cửa phải nguy nga.
     Những lời răn dạy của cổ nhân có phần đầy đủ, như bài thơ sau này: "Kỷ đắc ly gia nhật, tôn thân chúc phó ngôn: phùng kiều tu hạ mã, quá độ mạc tranh tiền, vũ túc nghi phòng dạ, kê minh cánh tướng thiên. Nhược năng y thử ngữ, hành lộ miễn truân chuyên". Tạm dịch: "Nhớ ngày xin từ biệt, mẹ cha dặn mấy lời: Gặp cầu nên xuống ngựa, qua đò chớ trước người, đêm mưa cần phòng trộm, gà gáy liệu cơ trời. Nếu biết theo lời ấy, đi đường sẽ thảnh thơi". Bài thơ này, mỗi chữ là một bài thuốc, cứ theo như thế mà suy ra, phàm động tác khởi cư, việc gì cũng cẩn thận chu đáo, thì làm gì lại có việc hối hận đáng tiếc xảy ra?
     Cổ nhân có bài châm "đa, thiểu" (nhiều và ít): "Uống rượu ít, ăn cháo nhiều; ăn rau nhiều, ăn thịt ít; ít khi mở miệng, nhiều khi nhắm mắt; chải đầu nhiều, tắm rửa ít; ít khi ở chung, nhiều khi nằm riêng; chứa nhiều sách cổ, ít chứa hạt ngọc; cầu danh ít, nhẫn nhục nhiều; làm điều lành nhiều, cầu lợi lộc ít". Bài châm này đáng ghi ở bên cạnh chỗ ngồi.
     Phú Bật nhà Tống nói: Giữ mồm như giữ miệng lọ, đề phòng ý nghĩ như tướng sĩ giữ thành.
     Phó Huyền nhà Tấn nói: Tai họa từ miệng gây ra, bệnh tật từ miệng rước vào.
     Minh Bạch Ngang hỏi Hồ Trung An về cách đối xử với đời, Hồ trả lời: Trồng nhiều cây mận, cây đào, trồng ít cây có gai góc.
     Án Tử nói: Tước vị càng cao, ý chí càng nhún nhường; quan chức càng to, đối xử càng nhũn nhặn; bổng lộc càng nhiều, chu cấp càng rộng rãi.
     Sách Thuyết uyển nói: "Người nào vì thân mình quý hiển mà kiêu với người khác thì dân sẽ lìa bỏ; chức vị cao mà chuyên quyền thì vua sẽ chán ghét; bổng lộc hậu mà không biết là đủ thì sẽ mắc hoạn nạn". Câu nói này và câu nói trên nên tham khảo với nhau. Cho nên, Quản Lộ bảo Hà Án rằng: Quân hầu (5) chức vị như núi non, quyền thế như sấm sét, mà ít người mến đức, nhiều người sợ oai, như thế có lẽ không phải là đạo giữ mình kính cẩn để cầu lấy phúc trạch dồi dào". Đấu Thả nước Sở nói chuyện với em rằng: "Tôi đến yết kiến quan lệnh doãn Tử Thường, lệnh doãn hỏi về cách tích trữ của, nghe lời nói như một con cọp đói, một con chim dữ, lệnh doãn có lẽ không tránh được hoạn nạn". Câu nói của hai người này, sau đều đúng cả (6).
     Liễu Tần nhà Đường làm gia huấn nói: "Tu dưỡng mình lấy hiếu đễ làm nền tảng, kính cẩn làm cỗi gốc, lo sợ làm lẽ thường, cần kiệm làm khuôn phép; cư xử trong nhà nên nhẫn nại, hòa thuận, giao du với người ngoài nên đơn giản cung kính; ghi chép nhiều như người làm không kịp việc; cầu danh lợi coi như việc thoảng qua; làm quan thì thanh liêm bớt việc. Có như thế mới có thể nói đến gia pháp. Cho nên những nhà thế tộc hưởng phúc trạch ngắn hay dài, vận mệnh, lộc vị hậu hay bạc, không cần phải bói rùa, xem số, chỉ cốt ở trong lòng đối xử, trong mình tu dưỡng mà thôi. Này, những danh gia lệnh tộc, không nhà nào là không nhờ sự trung hiếu, cần kiệm của ông cha xây dựng nên, cũng không nhà nào là không do sự ngoan cố, kiêu xa của con cháu phá hoại đi".
     Thôi Viện nhà Hậu Hán làm bài minh ở chỗ ngồi rằng: Đừng nói điều sở đoản của người khác, đừng khoe điều sở trường của mình, làm ơn cho ai đừng để bụng, chịu ơn của ai đừng có quên, đừng ham mê lời khen của thế tục, chỉ lấy điều nhân làm mối giềng, suy nghĩ kỹ rồi sau sẽ hành động, dù có lời chê bai dị nghị cũng không hại gì, đừng để cho tiếng khen quá sự thực; giữ mình như người vụng dại, thánh nhân lại lấy làm hay; mềm dẻo là con đường sống, Lão Tử răn người cương cường: ở chỗ đen mà không thấm mầu đen; bên ngoài như mờ tối mà bên trong bao hàm đức sáng suốt; cẩn thận lời nói, tiết độ ăn uống, tự biết phận đã đầy đủ thì có thể thắng được sự không lành.
     Người con nhà anh của Mã Phục Ba (7) hay chê bai bàn luận người và giao du với bọn phù bạc. Phục Ba răn bảo: "Hay bàn luận sự hơn kém, phải trái của người ta là một việc đại ác". Nguyễn Tự Tôn hay nói việc huyền diệu cao xa, mà chưa từng bàn luận thời sự, khen chê người nào, vì thế, Tấn Văn Vương khen là người rất thận trọng. Tống Thái Tông thường tự tay viết giấy ban cho thượng quan nói: "Lời nói là then chốt của người quân tử, then chốt đã mở ra, thì vinh hay nhục theo đấy mà đến, không nên sơ suất. Này, nếu gặp việc mà phát ngôn ngay, sau không hối hận kịp nữa. Nếu tự mình không có vết xấu, nhưng hay công kích điều sở đoản của người ta, thì sao gọi là lòng giận bực không lộ ra khí sắc được?". Những lời nói ấy đều như lá ngải để châm cứu bệnh cho muôn đời.
     Minh Hạ Khâm bàn luận với người ta một cách cương quyết. Trần Bạch Sa nói, như thế, chả hóa ra bộc lộ quá cứng rắn à? Cần phải bao hàm tu dưỡng cho có vẻ thâm trầm hòa nhã mới là tốt.
     Chu Tất Đại nhà Tống thường nói: "64 quẻ trong sách Chu Dịch, thì quẻ khiêm sáu hào đều tốt" (8). Chu lại thường đọc câu "kỳ thứ hồ" (9) của Khổng Tử. Nên bình sinh Chu dùng khiêm tốn để tu dưỡng trong mình, dùng nhân thứ để đối đãi với sự việc.
     Vương Sưởng nước Ngụy đặt tên cho con cháu là Mặc, Trầm, Hồn và Thâm, lại răn bảo rằng: "Ta muốn chúng bay trông thấy tên thì nghĩ đến nghĩa chữ ấy, không bao giờ dám trái vượt lời dạy bảo của ta". Mấy lời răn bảo ấy chép ở sách Thông giám, đều là lời chí lý. Dương Hựu nhà Tấn cũng có thư răn con: "Cung kính đứng đầu đạo đức, thận trọng là gốc rễ nết na. Ta mong chúng bay lời nói thì trung tín; nết na thì kính cẩn; ngoài miệng đừng đem của hứa với người ta; đừng nói những lời không chính đáng; đừng nghe những lời khen chê; sự lầm lỗi của người khác có thể lọt được vào tai, nhưng mình không được nói ra; phải nghĩ rồi sau sẽ hành động".
     Lương Từ Miễn viết thư cho con nói: "Giữ địa vị người trên, không phải việc dễ, nên làm thế nào cho trong ngoài được thuận hòa, không để ai dị nghị, trước người sau mình, như thế mới đáng quý".
     Gia huấn của Nhan thị nói: "Gốc rễ sinh kế của dân, cần phải cày cấy mà ăn, trồng dâu gai mà mặc, rau quả do vườn tược sinh ra, lợn gà do trong chuồng nuôi dưỡng, cả đến nhà cửa, đồ dùng, nắm củi, mớ rau, dầu mỡ, đèn đuốc, không thứ gì là không phải sản vật trồng trọt được. Người biết giữ gia nghiệp, dầu đóng cửa ở trong nhà cũng đủ các đồ để sinh sống, chỉ không có giếng muối mà thôi. Cho nên người quân tử ở đời, cốt sao có giúp ích cho sự việc, không phải chỉ nói khoác bàn suông, bên tả cái đàn, bên hữu pho sách, để phí hoài lộc vị của vua. Trong nước dùng người tài, đại khái không ngoài 6 việc:
     1. Bầy tôi ở triều đình, cần người sáng suốt thể lệ trị an, vạch ra đường lối chính trị và có kiến thức rộng rãi;
     2. Bầy tôi về văn, sử, cần người trứ thuật hiến chương, không bỏ sót phép tắc tiền cổ;
     3. Bầy tôi về quân sự, cần người quả quyết có cơ mưu, mạnh khỏe, thành thạo việc chiến đấu;
     4. Bầy tôi nơi phiên trấn, cần người hiểu rõ phong tục, thanh khiết, yêu dân;
     5. Bầy tôi phụng mệnh đi sứ, cần người biết ứng biến, theo lẽ phải, không phụ mệnh lệnh của vua đã giao phó cho;
     6. Bầy tôi giữ việc xây dựng, cần người thạo công việc, đỡ hao phí, có nghệ thuật về việc mở mang.
     Những việc ấy đều do người chăm chỉ học hỏi, giữ gìn hạnh kiểm có thể làm được. Người ta có điều sở trường, có điều sở đoản, thì có thể nào khắc trách ở một người phải làm đầy đủ được sáu điều đâu? Chỉ cần người nào cũng đều hiểu rõ ý nghĩ, giữ lấy một chức cho được hoàn hảo, như thế đã không hổ thẹn rồi. Ta thấy người sĩ phu vào hạng văn học ở trên đời, phê phán việc đời xưa đời nay, rõ ràng như trỏ vào bàn tay, đến khi dùng vào công việc thì phần nhiều không gánh vác nổi: Người ở dưới triều đường, không biết việc chiến thắng là cần kíp; người ăn nhờ vào bổng lộc, không biết việc cày cấy là khó nhọc; người đứng trên hàng ngũ quan lại mà không biết việc lao động phải chuyên cần, cho nên những người ấy khó có thể dùng để ứng phó với đời để xử lý công việc được. Cổ nhân muốn biết việc cày cấy khó nhọc, đấy tức là đường lối quý thóc lúa, trọng bản căn. Này, thức ăn là mấu chốt của dân, dân không có thức ăn không thể sinh sống được. Bọn triều sĩ ở Giang Nam, nhân lúc nhà Tấn trung hưng, qua đò phía Nam chạy sang Giang Tả, thành người trú ngụ đã 8, 9 đời nay, thế mà không có người nào đem sức ra làm ruộng, chỉ ăn nhờ vào bổng lộc mà thôi. Giản hoặc có người nào làm ruộng, cũng đều bắt tôi tớ phải làm, chưa từng thấy người nào tự bản thân họ cuốc một hòn đất, bừa một cây cỏ bao giờ, họ cũng không biết tháng nào nên cày trồng, tháng nào được thu hoạch, thì họ còn biết thế nào được việc khác ở trên đời nữa? Cho nên hạng người này, việc quan thì không làm nổi, việc nhà thì không chịu làm, đều do ở cái lỗi ưu du nhàn rỗi cả".
Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục.
Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007
     CHÚ THÍCH:
1) Tấn thân: do chữ "thùy thân tấn hốt" (thắt cân đai, cầm cái hốt), nên đời cổ gọi những người làm quan là hạng "tấn thân".
2) Vũ hầu: tức Gia Cát Lượng, Thừa tướng nhà Thục Hán trong thời Tam quốc. Theo Hán thư thì vợ Gia Cát Lượng là Hoàng thị, con gái Hoàng Thừa Ngạn, người xấu mà có đức lại có tài, tương truyền bát trận đồ của Gia Cát Lượng là do Hoàng thị giúp sức.
3) Kinh công: tức Vương An Thạch, Tể tướng nhà Tống, khi Vương ở Chung Sơn, mỗi lần ra đi thường cưỡi lừa, đi đến đâu tất phải có người dắt.
4) Tướng quốc họ Tiêu: tức Tiêu Hà, người thời Tây Hán. Tiêu tuy làm Tướng quốc vào bậc phú quý, nhưng làm nhà một cách mộc mạc, nóc nhà và tường nhà không đắp vẽ hoa mỹ gì cả. Tiêu nói: "Ngày sau con cháu nên bắt chước đức tiết kiệm của ta".
5) Quân hầu: một đại danh từ để chỉ người mà mình hiện đương giao thiệp hoặc trao đổi, văn cổ thường dùng để tượng trưng người cao quý.
6) Hà Án: người thời Tam quốc, làm quan thị trung Thượng thư nước Ngụy. Sau vì xu phụ với Tào Sảng, nên bị Tư Mã Ý giết.
    Tử Thường: chính tên là Nang Ngõa, người thời Xuân thu, giữ chức lệnh doãn, một chức quan đứng đầu triều Chiêu Vương nước Sở. Tử Thường tính tham lam, bị nhiều người ghét. Khi nước Ngô đánh nước Sở, Tử Thường phải chạy sang nước Trịnh, gia sản bị mất hết.
7) Mã Phục Ba: Tức Mã Viện, giữ chức Phục Ba tướng quân thời Đông Hán.
8) Kinh Dịch từ quẻ Kiền đến quẻ Vị tế gồm 64 quẻ, quẻ nào cũng có sáu hào, mà quẻ nào cũng có hào tốt, hào xấu. Khiêm là một quẻ đứng hàng thứ 15 trong 64 quẻ, sáu hào trong quẻ Khiêm đều tốt.
9) Thứ là nhân thứ, là độ lượng rộng rãi. Thiên Vệ linh công trong sách Luận ngữ chép: Tử Cống hỏi Khổng Tử: "Có điều gì mà suốt đời có thể cứ theo đấy mà làm được không?". Khổng Tử trả lời: "Kỳ thứ hồ, kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" nghĩa là chỉ có điều "thứ" mà thôi. Điều gì mà mình không muốn người ta đem đối xử với mình, thì mình cũng đừng đem điều ấy đối xử với người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét