19 tháng 7, 2011

KIẾN VĂN TIỂU LỤC (Trích - P1)

Tác giả: Lê Quý Đôn *
Phiên dịch và chú thích: Phạm Trọng Điềm
GIỚI THIỆU:
     Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm có giá trị của Lê Quý Đôn, nhà bác học Việt Nam trong thời phong kiến.
     Theo mục lục ở đầu sách, Kiến văn tiểu lục gồm 12 phần (cũng tức 12 quyển) là:
1. Châm cảnh
2. Thể lệ thượng
3. Thể lệ hạ
4. Thiên chương
5. Tài phẩm
6. Phong vực thượng
7. Phong vực trung
8. Phong vực hạ
9. Thiền dật
10. Linh tích
11. Phương thuật
12. Tùng đàm
     Nhưng Kiến văn tiểu lục mà chúng ta hiện có, chỉ có tám phần là:
1. Châm cảnh: Ghi chép một số những câu triết ngôn và hành vi của một số nhân vật lịch sử Trung Quốc và Việt Nam nhằm khuyên răn, giáo dục người đương thời.
2. Thể lệ thượng: Ghi chép các lễ văn, chế độ của các triều đại Lý, Trần, Lê.
3. Thiên chương: Ghi chép tên những nhân vật đã làm những bài bia, bài minh ở các chùa, quán, các triều Lý, Trần và giới thiệu, phê bình một số thơ văn.
4. Tài phẩm: Ghi chép về tài ba, phẩm hạnh, tiết tháo, văn học... của một số nhân vật lịch sử.
5. Phong vực: Ghi chép về núi sông, thành quách, sản vật, thuế khóa, đường sá... các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang.
6. Thiền dật: Ghi chép về các nhà sư Việt Nam từ thời Bắc thuộc cho đến thời Hậu Lê.
7. Linh tích: Ghi chép về các đền miếu thờ các thiên thần, nhân thần và hai mươi sáu chuyện nhỏ.
8. Tùng đàm: Ngoài việc đính chính một số câu đối, câu văn của người Trung Quốc, có chép mười bốn mẩu chuyện về các nhân vật triều Trần, triều Lê...
     Như vậy là Kiến văn tiểu lục thực tế đã thiếu hẳn mất bốn phần là phần Thể lệ hạ, phần Phong vực trung, phần Phong vực hạ và phần Phương thuật.
     Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm có giá trị. Giá trị này biểu hiện ở nhiều mặt. Về văn học, Kiến văn tiểu lục cho chúng ta biết thêm về một số thơ văn thời trước. Các nhà nghiên cứu văn học cổ có thể tìm thấy ở đây nhiều tài liệu tốt cho công tác nghiên cứu của mình. Về địa lý, Kiến văn tiểu lục cung cấp cho chúng ta nhiều chi tiết về các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Nhờ có Kiến văn tiểu lục, ngày nay chúng ta biết khá tường tận những đường quân đi đến Hà Giang và đi đến Điện Biên Phủ (Mường Thanh) đã diễn ra như thế nào trong thời Hậu Lê. Nhưng giá trị lớn nhất của Kiến văn tiểu lục là giá trị lịch sử. Với Kiến văn tiểu lục, ngày nay chúng ta có thể biết được nhạc và vũ thời trước ra sao. (...) Những câu triết ngôn và cả lời diễn giải của Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, phần lớn không thích dụng với thời đại chúng ta. Nhưng giá trị phần Châm cảnh lại không phải ở chỗ nội dung của nó có thích dụng với chúng ta hay không, mà ở chỗ nó đã phản ánh được một phần trạng thái tư tưởng và hình thái ý thức của người Việt thời xưa. Muốn hiểu tình hình tư tưởng và hình thái ý thức của người Việt đời xưa, không đọc phần Châm cảnh trong Kiến văn tiểu lục là không được. Kiến văn tiểu lục, do đó rất cần thiết cho những ai muốn đi sâu vào công tác nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam qua các thời đại, cụ thể là thời đại Lý, Trần, Lê.
     Ở phần Thiền dật, phần Linh tích và cả phần Thiên chương nữa, các nhà nghiên cứu có thể tìm kiếm được thêm tài liệu để hiểu biết thêm về Phật giáo, Đạo giáo ở Việt Nam.
     Vì nhận thấy Kiến văn tiểu lục là một tác phẩm có nhiều giá trị như đã nói ở trên, Viện Sử học đã cho dịch nguyên văn Kiến văn tiểu lục và xuất bản.
     Người được giao trách nhiệm dịch Kiến văn tiểu lục là đồng chí Phạm Trọng Điềm. Đồng chí Phạm Trọng Điềm đã để ra nhiều công phu để dịch Kiến văn tiểu lục cho thật sát nghĩa. (...) Người dịch, tóm lại, đã cố gắng rất nhiều, những chắc rằng sai lầm thiếu sót vẫn còn, mong bạn đọc hiểu và cho chỉ bảo.
Hà Nội, tháng 12 năm 1961
Viện Sử học
LỜI TỰA:
     Khổng Phu Tử nói: "Cần nghe nhiều, nhưng để khuyết điều gì còn nghi ngờ, mà cẩn thận nói những điều nghe đã được thừa chắc chắn, thì ít khi bị lỗi lầm; cần biết nhiều, nhưng để khuyết việc gì chưa được vững vàng, mà cẩn thận làm những việc đã thừa tin tưởng, thì ít khi phải hối hận" (1). Mạnh Tử bàn về đạo thống, cũng nói: "Thánh hiền hoặc có người vì mắt thấy mà biết được đạo thống, hoặc có người tai nghe mà biết được đạo thống" (2). Xem như thế, thì căn bản lời nói, việc làm, then chốt sự học hỏi, có bao giờ lại không dựa vào sự biết rộng, nghe nhiều?
     Này, ghi chép lời dạy hay, lời nói phải của cổ nhân, dùng để giữ mình thì có thể được yên thân, suy ra công việc thì có thể giúp đời; nghiên cứu mưu mô cao, phép tắc tốt của cổ nhân, khi gặp người hỏi, thì có thể ứng đối được đầy đủ, gặp công việc, có thể dựa vào đấy mà châm chước; sách vở văn chương của cổ nhân không phải một loại, xem vào đấy có thể giúp tâm trí, gợi tính tình; tài đức sự nghiệp của cổ nhân không giống nhau, thuật truyện lại có thể sánh kịp người hiền, học lấy lẽ phải, sau nữa, đến như bờ cõi, núi sông, tiên Phật, thần quái, phương thuật, tạp thuyết, cũng đều có quan hệ đến cách vật trí tri, có giúp ích vào việc giữ vững lòng thành, thông suốt sự lý cả.
     Ở Trung Quốc, sách vở không sao kể xiết, nhưng ghi chép nhiều mà không truyền bá hết, thành ra mỗi lần xem một loại sách, chỉ có thể biết được đại khái mà thôi. Nước Nam nổi tiếng là một nước văn hiến (3), từ hai triều nhà Lý, nhà Trần đến bản triều (triều nhà Hậu Lê), các bậc tiền bối trứ tác cũng nhiều, nhưng lâu ngày bị mai một, sách vở còn truyền lại không được bao nhiêu, những sĩ phu say mê về việc đời cổ không dựa vào đâu để khảo cứu được.
     Tôi, vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân (4), lại được giao du với nhiều bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy, phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: Mặt Bắc sang sứ Trung Quốc (5), mặt Tây bình định Ai Lao (6), mặt Nam trấn thủ Thuận Quảng (7), đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình luận sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên, chia làm 9 mục, 12 quyển. Tôi tự suy nghĩ, biết rằng bình luận chưa được tinh tường, lịch duyệt chưa được rộng rãi, còn mong sau này tiến thêm nữa, may ra được thấy những việc chưa thấy, được nghe những điều chưa nghe, tập sách này cũng là đầu mối lớn về việc học vấn ngôn hành, xin độc giả đừng coi như tiểu thuyết.
Thượng tuần tháng 5, năm Đinh Dậu,
niên hiệu Cảnh Hưng (8).
Lê Doãn Hậu, hiệu Quế Đường,
người xã Duyên Hà.
Nhập nội Bồi tụng, Hộ bộ Tả thị lang,
hành Đô ngự sử kiêm Quốc Tử giám Tế tửu,
Quốc sử tổng tài, Dĩnh Thành hầu.

QUYỂN I
CHÂM CẢNH
(Khuyên răn)
     Hồng Bình Tề nói: "Thiên cơ ở lúc nửa đêm đầu giờ Tý, nhân sự ở lúc canh năm sau giờ Sửu". Bởi vì lúc ấy tư tưởng mới bắt đầu nảy nở, đều là cỗi gốc điều lành, bình tĩnh để nghĩ ngợi, xét lại việc đã qua, biết được lỗi lầm, khôi phục lại thiên tính, đều ở lúc này cả. Gà gáy thức dậy, mải miết làm điều lành, thì có thể tránh được lỗi lầm.
     Vương Huy Chi (9) nhà Tấn thường nói: Đọc sách mà tìm được một nghĩa, cũng như được một thuyền hạt ngọc.
     Hậu sinh huấn nói: Một chữ "khoa" (khoe khoang), làm bại hoại suốt đời người ta.
     Mưu toan công việc mà khinh thường sơ suất, tất có sai lầm. Bốn chữ "cát", "hung", "hối", "lận" (10), một chữ tốt mà ba chữ xấu, cho nên ở trên đời, người tốt có ít, người xấu tất nhiều. Bốn việc này đều phát sinh trong khi hành động, càng cần phải cẩn thận lắm.
     Quân tử nghĩ đến điều lợi là lợi chung cho mọi người, tiểu nhân nghĩ đến điều lợi là lợi riêng cho bản thân.
     Tai không nên nghe ngóng tội ác người khác, mắt không nên tò mò điều sở đoản người khác, miệng không nên bàn tán điều lỗi lầm người khác.
     Muốn biết nguyên nhân kiếp trước, kinh nghiệm ngay vào sự hưởng thụ hiện tại, muốn biết nguyên nhân kiếp sau, kinh nghiệm ngay vào hành vi hiện tại.
     Được nhiều người giúp đỡ, thì trong bụng thư thái mà công việc xong xuôi, lấy ý kiến riêng mình chống lại mọi người, thì trong bụng khó nhọc mà rước lấy thù oán.
     Thân thể một người, ví như hình tượng một nước: lồng ngực xếp đặt không khác gì cung nhà, vị trí chi thể không khác gì nơi biên cảnh, phân phối thành trăm chi tiết không khác gì trăm con sông, khoảng giữa thớ da thịt không khác gì bốn đường giao thông, tinh thần cũng như vua chúa, huyết mạch cũng như bầy tôi, khí mạch cũng như nhân dân. Cho nên bậc chí thánh biết giữ mình, cũng như vua hiền biết trị nước. Yêu nhân dân thì nước được bình trị, yêu khí mạch thì mình được hoàn toàn.
     Thang Mộc, nho sĩ nhà Minh nói: Người ta cần phải có anh khí (11), không nên có khách khí (12). Vì có anh khí thì có thể tự lập được vững chắc, có khách khí thì sinh ra tức giận tranh giành.
     Lời dạy điển hình của tiền hiền, tôi được nghe nhiều và ghi thành tập nhỏ, nay chép ra đây để dùng làm vi, huyền (13).
     - Lưu cái khôn khéo còn thừa không sử dụng hết để trả lại tạo hóa, lưu bổng lộc còn thừa không tiêu dùng hết để trả lại triều đình, lưu tài hóa còn thừa không dùng hết để trả lại bách tính, lưu phúc trạch còn thừa không hưởng thụ hết để trả lại con cháu.
     - Hạng người chỉ biết ăn cho sướng mồm, no bụng, bậc thần tiên coi là hạng ăn thối nuốt tanh; hạng người nịnh hót kẻ giàu sang, bậc cao sĩ, ví như người mút mủ nhọt, liếm trôn trĩ. Xảo quyệt quá thì nhiều việc đáng lo, vụng về nhiều thì ít việc hối hận.
     - Giữ đời sống bình thường không gì bằng tiêu dùng sẻn nhặt.
     - Bồi dưỡng sinh lực không gì bằng ít dục tình.
     - Sau khi uống rượu nên giữ gìn lời nói; đương lúc ăn nên ngăn ngừa lòng giận dỗi; nhịn những việc khó có thể nhịn được, hòa thuận với người không hòa thuận; ăn uống không có tiết độ là căn do mắc bệnh; tư tưởng không đúng đắn là nguồn gốc hại mình; bệnh tật từ miệng ăn vào; họa hoạn từ miệng nói ra; nhún mình có thể theo được mọi người, hiếu thắng tất gặp địch thủ; bủn xỉn quá tất phao phí lớn, tích trữ nhiều tất mất mát to; cẩn thận thì không lo, nhẫn nại thì không nhục; tĩnh dưỡng thì thường được yên, sẻn nhặt thì thường được đủ.
     - Càng thu lượm lẽ phải thì càng đầy đủ, càng tế nhị tư tưởng thì càng rộng lớn, càng sâu dày bao nhiêu thì càng cao sang bấy nhiêu.
     - Mọi việc không khắc trách ở người khác, thì dầu giá lạnh, lửa bỏng không rối loạn được lòng ta.
     - Nói nhiều, nhiều việc hỏng, việc nhiều, phải nghĩ nhiều, giữ được giản dị thì trong lòng tự yên, biết được hạn định của mình, thì trong lòng tự đầy đủ.
     - Không để tâm bới vẽ sự việc thì không có việc gì bận rộn trong lòng, cho nên trong lòng tĩnh mịch thì sinh sáng suốt, trong lòng náo động thì sinh tối tăm.
     - Người lái buôn gian dối làm rối loạn thị trường, người nông phu lười biếng, làm hỏng cả ruộng đất, người độc phu tàn bạo làm nhiễu loạn cả nước, con ngựa ốm yếu làm nhơ nhuốc cả đàn.
     - Lúc giàu không sẻn nhặt, lúc nghèo phải hối hận, lúc thấy việc không học hỏi, lúc thi thố mới hối hận, lúc say nói dại dột, lúc tỉnh phải hối hận, lúc bình thường không nghỉ ngơi, lúc có bệnh mới hối hận.
     - Người khinh suất lời nói, tất nhiên lời nói kém phần tin chắc; người tâng bốc thạo tất nhiên chê bai cũng thạo, việc không nên làm hết, quyền thế không nên dùng hết, lời nói không nên nói hết, phúc trạch không nên hưởng hết.
     - Người nào nói ta xấu, đấy là thầy ta; người nào khen ta hay, đấy là thù địch của ta.
     - Chỗ bất cập của người khác, ta nên lượng tình mà tha thứ; chỗ thiếu sót của ta, ta cần dùng lý lẽ mà nghiêm trách.
     - Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp thường, thì không đến nỗi lưu ly thất sở.
     - Trong bụng cần phải từ bi (14), công việc cần phải phương tiện (15). Những sự tàn nhẫn khắc bạc, chỉ gây mối oán hận với người ngoài.
     - Việc gì không can thiệp đến mình, dầu mảy may cũng không lý hội đến. Rượu ngon, sắc đẹp, của cải, tức khí, bốn điểm này cần phải kiêng kị, vì có thể làm hại đến bản thân.
     Những điều trình bày ở trên đều là lời nói chí lý...
(Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục.
Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007)
     CHÚ THÍCH:
* Lê Quý Đôn (chữ Hán: 黎貴惇): Tên thật là Lê Danh Phương, là quan nhà Hậu Lê, đồng thời có thể coi là một nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Ông sinh ngày 05 tháng 7 năm Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (Lê Dụ Tông), tức 02/8/1726 tại làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ (nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông mất ngày 14 tháng 4 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (tức 11/6/1784).
Ông là con cả của Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, một danh thần của triều Lê - Trịnh. Thuở nhỏ, ông có tên là Danh Phương. Đến năm 1743, sau khi đỗ giải nguyên trường Sơn - Nam thì đổi thành Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường.
Lê Quý Đôn nổi tiếng thông minh, trí nhớ tốt, từ thuở nhỏ lại rất chăm học, chăm làm. 17 tuổi đỗ Giải nguyên, 26 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình (1752) cũng đỗ đầu Bảng nhãn (khoa thi này không lấy Trạng nguyên). Sau khi thi đỗ đại khoa, ông làm Thị thư ở Viện Hàn lâm, rồi làm việc ở Việc Quốc sử, có vài lần làm công việc thanh tra ở trấn Sơn Nam.
Năm 1757, làm Thị giảng ở Viện Hàn lâm. Năm 1760, ông làm Phó sứ sang Trung Quốc. Năm 1764, làm Đốc đồng Kinh Bắc, rồi chuyển làm Tham chính Hải Dương. Sau đó, không rõ lý do gì, ông xin về quê viết sách.
Năm 1767, chúa Trịnh Sâm cầm quyền, ông lại được triệu ra làm quan, tham gia biên soạn quốc sử và làm Tư nghiệp Quốc Tử giám. Năm 1769, ông làm Tán lý quân vụ trong cuộc hành quân đàn áp Lê Duy Mật, rồi thăng chức Hữu Thị lang Bộ Công. Năm 1773 làm Bồi tụng phủ chúa; năm 1776 làm Hiệp trấn Thuận Hóa (Bình - Trị - Thiên). Sau đó trở về Thăng Long làm Tham tụng.
Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm bậc nhất trong thế kỷ XVIII ở nước ta.
Về sử học có: Đại Việt thông sử (Lê triều thông sử), Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sử thông lục...
Về triết học có: Kinh Thi diễn nghĩa, Dịch Kinh phu thuyết, Xuân Thu lược luận, Quần thư khảo biện...
Về sáng tác văn học và sưu tập văn chương có: Hoàng Việt văn hải, Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập, Phú Lê Quý Đôn...
Về khoa học có: Vân đài loại ngữ.
Qua các ghi chép khác thì ông còn là nhà địa lý học, có hiểu biết nhiều về nông học, dân tộc học, ngôn ngữ học...
Học trò của ông là Tiến sĩ Bùi Huy Bích nói: "Nước ta trong vài trăm năm trở lại đây mới có một người như Thầy". Phan Huy Chú nhận xét: "Bình sinh rất chăm chỉ làm sách. Bàn về kinh sử thì sâu sắc rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời"; "Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người""Ông là người học vấn rộng khắp, đặt bút thành văn. Cốt cách thơ trong sáng. Lời văn hồn nhiên..., không cần suy nghĩ mà trôi chảy dồi dào như sông dài biển cả, không chỗ nào không đạt tới, thật là phong cách đại gia".
Lê Quý Đôn không chỉ dựa vào thông minh trí tuệ mà còn là tấm gương lao động cần cù, khẩn trương và làm việc thường xuyên liên tục. Bộ Vân đài loại ngữ hoàn thành trong 3 năm, trích dẫn đến 557 tập sách, trong đó có cả sách châu Âu dịch sang Hán văn. Khi vào Thuận Hóa làm Hiệp trấn, trong hơn 6 tháng vừa lo xây dựng chính quyền, ông vừa sưu tập tư liệu biên soạn bộ Phủ biên tạp lục làm cơ sở cho nhà Nguyễn viết lịch sử Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Số lượng tác phẩm của ông lên tới khoảng 40 bộ, nay còn lại không quá một nửa. Có thể coi Lê Quý Đôn là người đầu tiên ở nước ta chấp nhận lý thuyết quả đất tròn và biết đến 4 châu: Á, Âu, Phi, Mỹ.
Ông lại còn biết đến hàng trăm giống lúa, hàng trăm giống cây quả, giống cá. Ông nắm vững địa lý Tuyên Quang, Hưng Hóa và nhiều vùng khác của miền Bắc. Ông rất tự hào và trân trọng nền văn hiến Việt Nam và nhiều lần khẳng định nền văn hiến nước ta là lâu đời không kém gì Trung Quốc.
Câu nói nổi tiếng của ông lúc đương thời là: "Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thư­ơng bất hoạt, phi trí bất hư­ng." (Nghĩa là: không có nông nghiệp thì xã hội không ổn định, không có công nghiệp thì không giàu, không có th­ương nghiệp buôn bán, giao lưu thì không thể mở mang, không có tri thức, trí tuệ thì không h­ưng thịnh đ­ược). Có thể hiểu nông - công - th­ương - trí nh­ư 4 cây cột cái của ngôi nhà, một cây cột yếu là ảnh hư­ởng đến sự bền vững cả ngôi nhà.
1) Lời Khổng Tử bảo Tử Trương, chép trong thiên Vi chính, sách Luận Ngữ.
2) Mạnh Tử nói đạo thống truyền thụ từ Nghiêu, Thuấn đến Khổng Tử, chép trong thiên Tận tâm thượng, sách Mạnh Tử.
3) Văn: điển tịch; Hiến: nhân tài. Cả câu này ý nói một nước có đầy đủ kinh sách, có nhiều người giỏi.
4) Dùng điển trong sách Luận ngữ: Khổng Tử thấy con là Bá Ngư đi qua sân, bảo cần phải về học Kinh Thi và Kinh Lễ. Lê Quý Đôn là con Tiến sĩ Lê Trọng Thứ, ở đây ý nói được cha dạy bảo.
5) Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), Lê Quý Đôn sung sứ bộ sang nhà Thanh nộp lễ tuế cống.
6) Năm thứ 30 (1769), sung chức Tán lý quân vụ dẹp Lê Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh, giáp nước Ai Lao.
7) Năm thứ 37 (1776), giữ chức Tham thị kiêm Hiệp trấn Thuận Quảng.
8) Tức năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777).
9) Vương Huy Chi: con Vương Hy Chi, người đất Cối Kê, nhà Tấn.
10) Cát: tốt lành; Hung: gở dữ; Hối: hối hận; Lận: tham tiếc.
11) Anh khí: khí anh minh vẫn tu dưỡng ở trong lòng.
12) Khách khí: khí tức giận, do động cơ bên ngoài kích thích.
13) Vi: dây da; Huyền: dây đàn. Theo Hàn Phi Tử: Tây Môn Báo tính nóng nảy, thường đeo dây da cho được hòa hoãn; Đổng An Vũ tính chậm chạp, thường đeo dây đàn cho được nhanh nhẹn. Ở đây ý nói theo lời dạy điển hình của tiền hiền để sửa chữa những điều mình còn thiếu sót.
14), 15) Từ bi, phương tiện: đều là danh từ nhà Phật. Từ bi là yêu thương, vì Phật yêu chúng sinh như người một nhà, muốn cho ai cũng vui vẻ, nên gọi là từ; thấy chúng sinh phải khổ não, thì động lòng thương, muốn giải thoát cho, nên gọi là bi. Phương tiện là tùy từng phương diện, dựa vào sự tiện lợi, dẫn dụ chúng sinh để cho dần dần giác ngộ.


2 nhận xét:

  1. quá hay, cảm ơn pghung rất nhiều

    Trả lờiXóa
  2. Xin hỏi tác giả: Câu nói nổi tiếng của Lê Quý Đôn bàn về Phi nông bất ổn ...ở trong cuốn Kiến Văn tiểu lục phải không ạ?

    Trả lờiXóa