31 tháng 7, 2012

KIẾN VĂN TIỂU LỤC, LỜI KHUYÊN SỬA MÌNH CỦA LÊ QUÝ ĐÔN

“Kiến văn tiểu lục” là một tác phẩm được nhà bác học Lê Quý Đôn trước tác vào tháng 5, năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 38 (1777), gồm 9 mục, 12 quyển. Tác phẩm là một công trình sưu tầm, biên soạn và bình chú một cách thấu lí đạt tình, công phu từ những điều mắt thấy tai nghe khi Lê Quý Đôn ở trong nước và khi đi công cán ở nước ngoài.
Trong lời tựa, Lê Quý Đôn tâm sự: “Cái căn bản của lời nói và việc làm, cùng cái cốt yếu của sự học hỏi, có khi nào lại không bởi sự mắt thấy rộng, tai nghe nghe nhiều mà được chăng? Thế nên người nào hiểu biết được nhiều lời dạy hay và lời cách ngôn của cổ nhân, thì đem điều đó mà sửa mình, sẽ có thể nâng cao trình độ mình lên, bằng đem dùng ra đời, đời sẽ trở nên là đời tốt”. Lời tựa đã thể hiện tâm huyết của nhà bác học đối với sự hòan thiện con người. Việc sưu tầm và biên soạn của ông cũng không ngoài mục đích đó. Tác phẩm đưa ra nhiều vấn đề khác nhau, rất phong phú và sâu sắc. Ở đây, chúng ta chỉ có thể rút ra những lời khuyên thiết thực về đạo lí sửa mình của Lê Quý Đôn nói đến trong tác phẩm.
Bước khởi đầu của hành vi sửa mình là đọc sách. Mượn lời Vương Huy Chi, đời Tấn, Lê Quý Đôn mong muốn chúng ta đọc sách để làm điều lành: “Độc thư đắc nhất nghĩa, như hoạch nhất châu thuyền”. Khi đọc sách mà hiểu được một nghĩa, thì chẳng khác được cả một thuyền châu ngọc. Xem ra đọc sách là một việc khó, khó nhưng đem đến mối lợi tinh thần to lớn cho người đọc. Sách làm giàu hồn trí con người. Sách cung cấp kinh nghiệm sống, hàm dưỡng tính tình con người. Bởi sách chứa đựng kiến văn rộng lớn nằm ngoài cái nghe thấy của con người. Đọc sách là mở rộng, nâng cao những điều nghe thấy trong cuộc sống để nâng cao chính bản thân con người.
Đọc sách để học nói, biết nói trong ứng xử giao tiếp. Người ta ở đời họa phúc cũng do cái miệng mà ra. Lê Quý Đôn ghi: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, nghĩa là thức ăn uống nuốt vào tự mồm mình. Nếu không biết dè dặt hoặc uống rượu quá độ hoặc ăn thịt quá nhiều, tất phải sinh bệnh. Thế là bệnh tự mồm vào. Lời nói phát ra cũng tự mồm mình. Nếu không giữ cẩn thận, gặp đâu nói đấy, nói càn nói bậy, rất có thể xẩy ra kiện cáo hoặc oán thù hoặc tù tội. Thế là vạ tự mồm ra.
Học nói là biết nói, trước khi nói phải suy nghĩ, trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần. Nên biết “Khẩu phúc bất tiết, trí bệnh chi do. Niệm lự bất chính, sát thân chi bản”. Sự ăn uống vào mồm vào bụng mà không biết giữ dè dặt, đó là cái mối sinh bệnh vậy! Trong lòng thường suy tính những điều không chính đáng, đó là cái gốc giết thân vậy! Gốc của ăn và nói là tính tình, là sự biết, là vốn văn hóa của con người. Cho nên, nói năng đúng mực, văn hóa là rất cần thiết trong giao tiếp và thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Muốn thế trong lòng phải trong sáng, cần tránh những tạp niệm, những tính toán có lợi cho mình mà hại cho người.
Đọc sách để tăng cường vốn thấy vốn nghe, để học nói, học suy nghĩ, xét đến cùng là để sống đúng sống đẹp. Sống, trước hết là không bàn luận về người nếu có thì đúng nơi, đúng chỗ, đúng việc, đúng người. Không được như thế thì: “Hiếu nghị luận nhân trường đỏan thị phi, vi đạo ác”. Những kẻ hay bàn luận việc hay dở phải trái của người là đại ác. Tuy nhiên, lối sống tích cực không phải là cách sống bưng mắt, bịt tai, đậy miệng trước những gì chưa tốt, trước những cái xấu và cái ác. Sống là sống cho mình những cũng là sống cho người, cho nên cần có thái độ phê và tự phê nghiêm túc, thấu lí đạt tình. Lê Quý Đôn viết: “Nhân sở bất cập, đương dữ tình thứ. Kỷ sở bất túc, đương dĩ lý khiển” (Người ta có điều gì thiếu sót, ta nên lấy tình để tha thứ. Nếu chính mình có điều thiếu sót, thì nên lấy lý mà điều khiển).
Lấy tình mà khuyên người, lấy lý mà uốn nắn ta đó là đạo lý sống. Sống không thể như mũi dao nhọn. Sống là tu thân, lấy đức nhân làm cứu cánh cho mình. Bàn về vấn đề này, Lê Quý Đôn đã chép lời Trần Bạch Sa khuyên Hạ Khâm (đời Minh ở Trung Quốc): “Đắc vô phong nhận thái lộ hồ? Tu hàm dưỡng linh thâm trầm hòa bình, nãi vi mỹ nhĩ” (Tức là: Bác, có lẽ như mũi giáo nhọn quá lộ chăng? Phải hàm dưỡng cho được sâu kín hòa bình, thì mới tốt chứ). Hàm dưỡng mình là tu tâm, là một cách lập thân. Ngoài sự hòa nhã, tình cảm và thanh tĩnh, thì “Lập thân dĩ chí thành vi bản. Độc thư dĩ minh lý vi tiên” (Cách lập thân phải lấy sự rất thực làm gốc. Cách đọc sách nên lấy sự tỏ lẽ làm đầu). Sự rất thật phải chăng là không điêu trá, không giả hình, không cầu lợi cho mình? Và sự rất thật cũng có thể là: “Dũ thu liễm tắc dũ sung thác. Dũ tế mật tắc dũ quảng đại. Dũ thâm hậu tắc dũ cao minh” (Càng thu hẹp càng được mở rộng. Càng tế nhị càng được rộng lớn. Càng sâu dày càng được cao sáng).
Trên đây, chỉ là đôi điều rút ra từ lời khuyên trau mình chứ không phải giữ mình của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”. Có thể thời đại chúng ta đã khác, tâm lí, tư tưởng cũng đã khác, nhưng việc sửa mình cốt tủy vẫn không khác. Vả lại, “ôn cố nhi tri tân” là một việc làm cần thiết và không ngừng của mọi cá nhân, của mọi thế hệ.
Hoàng Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét