31 tháng 7, 2012

LÊ QUÝ ĐÔN NGHĨ VỀ NHÀ VĂN

Làm nên văn chương ấy là nhà văn. Giá trị cao thấp của tác phẩm tùy thuộc vào phẩm chất và tài năng của người sáng tạo. Một người có nhiều ý kiến về nội dung, hình thức và chức năng của văn chương như Lê Quý Đôn không thể không bàn về nhà văn là vì vậy. Trong mục “Văn nghệ” của “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn đã nêu nhiều câu nói của cổ nhân và ý của bản thân bàn về người viết văn cùng con đường trau dồi nên tư chất nghệ sĩ ở họ. “Kiến văn tiểu lục” lại dành hẳn một chương - chương “Tài phẩm” - để chủ yếu trình bày những nhận xét của ông về phẩm hạnh và tài năng của các danh nho mà phần nhiều các văn nhân thi sĩ có tiếng trong lịch sử nước nhà.
Nói đến nhà văn, Lê Quý Đôn rất coi trọng cái tài. Ông viết: “Những người tài tình khoát đạt, thì ý khí thường cao, mắt trông thường xa rộng, không phải người tầm thường theo kịp được” (Điều 25 - Văn nghệ). Lời khẳng định không phải là vô căn cứ. Đọc sách xưa Lê Quý Đôn biết được bao bậc hiền tài trong lịch sử khiến ông cảm mến và khâm phục. ông cũng từng giao du đàm đạo với nhiều người tài cao trí rộng đương thời trong và ngoài nước. Sự nghiệp hiển hách của họ dù là lập công đức hay lập ngôn đều không tách rời tài ba nổi trội đôi khi được phủ bởi sắc màu có phần hư ảo của truyền thuyết và giai thoại. Lê Quý Đôn nồng nhiệt ca ngợi “tài ba hơn cả mọi người” của Thượng thư Nguyễn Thọ Xuân (Kiến văn tiểu lục - tr.462). Nhắc tới Lương Thế Vinh, ông không quên “sự thông minh hơn người” của Trạng Lường. Thường trời phú cho họ sự thông thái xem rộng nhớ lâu từ rất sớm. Nguyễn Dữ là một ví dụ. Tuy nhiên, tư chất ấy chỉ được phát huy trong sự trau dồi, học hỏi thường xuyên. Lê Quý Đôn sớm phát hiện ra mối liên hệ sâu xa giữa “tài cao”“học rộng” và giữa “học rộng” với “thơ hay” (từ ông dùng để nhận xét sư Huyền Quang đời Trần và Nguyễn Đăng Cảo thời Hậu Lê). Có một sự thật mà hầu như ai cũng rõ là các nhà văn nhà thơ lớn trong quá khứ tthường là những bậc đại khoa. Họ là những người đọc nhiều biết rộng. Không như thế làm sao họ có thể tranh đua nơi trường ốc. Quyết định bậc cao thấp ở khoa trường là ở chỗ: “Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi” (Điều 48 - Văn nghệ). Đã đành đọc nhiều chưa đủ làm nên những áng danh văn còn lại mãi với đời. Lê Quý Đôn tán thành quan niệm của Ngô Lai: “Trong bụng không có được ba vạn quyển sách, trong mắt không có được núi sông kỳ lạ của thiên hạ, thì chưa chắc đã làm được văn” (Điều 20 - Văn nghệ). Phải am tường thực tế “núi sông kỳ lạ của thiên hạ” nữa! Và yêu cầu này đâu có thấp! Đường đời và đường học của chính Lê Quý Đôn đã chứng tỏ điều đó. Có điều, trong điều kiện đi lại khó khắn như thời trước thì việc học việc đọc có ý nghĩa thật lớn. Phải thâu thái tri thức của sách vở “luyện đúc lại cho mới” (lời Lê Quý Đôn) mới mong làm nên tài năng lớn. Rồi những thành công trong cuộc đọ sức ở khoa trường chính là biểu hiện rõ rệt tài năng ở người làm văn. Không lấy làm ngạc nhiên khi Lê Quý Đôn gắn tài năng văn chương “có thể nối dõi được gia phong” của Nguyễn Dữ với việc “thi đỗ hương cống, thi hội nhiều khoa trúng kì đệ tam” và nhất là việc “đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn đời Hồng Đức” của nhà văn. Cũng theo hướng ấy, Lê Quý Đôn không quên nhắc tới việc đỗ “hương tiến” của Nguyễn Hàng, đỗ Tiến sĩ của Nguyễn Trực trước khi bàn đến tài văn thơ ở họ. “Kiến văn tiểu lục” ghi lại rất kỹ tài năng Nguyễn Bảo đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1472) thời Hồng Đức. Nguyễn Trực khi đó làm Trung thư lệnh rất yêu thích văn chương Nguyễn Bảo bèn tìm đến gặp và nói: “Già này chấm văn kỳ đệ nhị, mãi sau được chấm bài của ông, về lời lẽ bài chiếu “Phục lập phó bi” (Dựng lại bia đổ) tài tình... Các sĩ tử không theo kịp được, già này nêu rõ ra là bài ấy đứng vào hàng văn kiệt tác. Từ nay về sau, nghĩa lý trong kinh sách Thánh hiền, kí thác vào ông cả...” (Kiến văn tiểu lục - tr.271-272). Thi cử xưa hầu như tập trung mọi thử thách đối với tài học. Tuy nhiên, anh hoa phải phát tiết ra ngoài trong mọi mối giao tiếp. Ghi chép các mẩu truyện phần nhiều là truyền miệng về các nhân vật nổi danh thời trước, Lê Quý Đôn rất chú trọng đến tài ứng khẩu. Họ đối đáp nhanh nhẹn, xuất khẩu thành câu thơ hay thành vế đối khéo, và thường tài ứng đáp nảy nở từ rất sớm. Ông kể về trí thông minh của Trần Quang Trạch và Lương Thế Vinh lúc họ còn rất trẻ. Lên 7 tuổi, Quang Trạch đã đối đáp lại câu: “Thất tuế thần đồng tử” (Trẻ bảy tuổi thần đồng) bằng một vế đối ngay ngắn lại rất có ý nghĩa: “Bát đại hoàng đế tôn” (Cháu tám đời hoàng đế). Người bạn của cha ông khen ngợi và tiên đoán sau này ông sẽ thành đạt, danh vọng sẽ to lớn. Quả ông đã đỗ đầu kì thi Hội và giữ chức quan không nhỏ trong bộ máy hành chính lúc bấy giờ. Một trong những người khiến Lê Quý Đôn dành nhiều ưu ái hơn cả là Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Lúc ông 5, 6 tuổi nhà rất nghèo. Một lần cha mẹ đi vắng, thấy ông đang nặn đất bùn đùa nghịch với đám trẻ ngoài sân, chủ nợ hỏi: “Bố mẹ mày đi đâu?”. Ông cười mà không trả lời. Chủ nợ gặng hỏi thêm ông đành đáp: “Bố tôi đi giết một người sống, mẹ tôi đi cứu một người chết”. Chủ nợ sợ hãi nghi ngờ và đề nghị giải thích sẽ trừ nợ cho. Sau khi in tay chủ nợ vào đất nhão để làm tin, ông mới nói: “Bố tôi đi nhổ mạ, mẹ tôi đi cấy lúa”. Chủ nợ đành chịu thua trước sự thông minh khác thường của Trạng Lường.
Nhận ra những biểu hiện của tài năng, học giả họ Lê còn gắng lí giải sự hình thành và phát triển của tài năng nữa. Ông viết: “Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất” (Kiến văn tiểu lục - tr.258). Nhân tài bao giờ cũng là sản phẩm của một thời. Khi nhân tố chủ quan bắt gặp điều kiện khách quan, tài năng sẽ có dịp nảy nở. Mặt khách quan là môi trường không thể thiếu cho tài năng phát triển là vì thế. Dễ tán đồng với ý kiến sau của Lê Quý Đôn: “Vì thế trong đời không lo rằng không có nhân tài, chỉ lo không biết cách ngự giá mà thôi” (Kiến văn tiểu lục - tr.267). Tài năng cũng như dao sắc vậy: dao được rèn là để phục vụ con người và càng năng sử dụng nó càng bén nhạy. Ngoài điều kiện xã hội, điều kiện tự nhiên, đất trời sông núi cũng góp phần hun đúc nên tài năng. Lê Quý Đôn cho rằng: “Phương Nam về vị trí quẻ ly, về ngũ hành thuộc về hành hỏa... tinh hoa quang thái, bao hàm phát tiết, chung đúc ra nhân tài, có nhiều người đáng được để ý” (Kiến văn tiểu lục - tr.254). Nhìn chung là thế mà đi vào từng trường hợp cũng không khác. Lí giải “tài tứ chứa chan cách điệu tươi đẹp” trong văn chương của Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn đã nhận xét: “Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?” Cách xem xét nguồn gốc của tài năng như thế không mấy xa lạ với các học giả thời xưa. Nguyễn Mộng Tuân đời Lê trong bài minh ở từ đường thờ Trịnh Khả có câu: “Sóc sơn sa nga, Sóc thủy uyên van, dốc sinh dị nhân, hưu như Phủ, Thân” (Núi sóc chót vót, sông Sóc thăm thẳm, chung đúc sinh ra người đặc sắc, như ông Phủ, ông Thân). Và cũng như nhiều học giả thời đó, đôi khi Lê Quý Đôn quá nhấn mạnh tới các yếu tố tự nhiên nên rơi vào duy tâm thần bí. Chẳng hạn ông từng viết không một chút hoài nghi rằng: “Xem như thế, có thể biết được rằng, nguồn gốc phát phúc là ở tự nhiên, không thể dùng trí xảo hoặc thế lực mà cầu cạnh được” (Kiến văn tiểu lục - tr.462). Nghĩ thế thì làm sao có thể khuyến khích được sự trau dồi, rèn luyện của mỗi cá nhân để tạo nên những tài năng lớn cho dân tộc và nhân loại. Vậy mà có lúc chính ông đã tán đồng với quan niệm của Âu Dương Tu: “Ở đời, chưa có ai ít học hỏi, biếng nhác làm văn mà nổi tiếng văn hay” (Điều 24 - Văn nghệ). Lê Quý Đôn không khỏi tự mẫu thuẫn với mình.
Chú trọng tài, Lê Quý Đôn đồng thời đề cao đức. Tài cao mà đức mỏng đôi khi chỉ đem lại hiểm họa cho mình và cho người. Đấy là tài năng ở lĩnh vực khác. Nghệ thuật văn chương thì không thế. Một khi cả con người từ cái lớn nhất tới cái nhỏ nhất đều tham gia vào quá trình sáng tạo thì đức và tài ở người viết được hòa làm một để hướng tới thành công, tạo ra sức cảm hóa của tác phẩm. Người xưa nói: “Văn tức là người”, hàm theo nghĩa ấy. Dẫu không trực tiếp nói ra, Lê Quý Đôn có vẻ tán đồng với cách nói phổ biến này. Thiên “Tùng đàm” (truyện góp) của “Kiến văn tiểu lục” có kể lại câu chuyện xảy ra với Thượng thư Đàm Thận Huy. Học trò theo học ông rất đông. Một hôm vừa giảng xong thì gặp mưa, học trò phải lưu lại. Ông bèn ra vế đối rằng: “Vũ vô cương tỏa năng lưu khách” (Mưa không then khóa mà giữ được khách). Nguyễn Giản Thanh đối lại rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Sắc không là phong ba mà dễ đắm người). Một học trò khác là Nguyễn Chiêu Huấn thì đối là: “Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân” (Trăng có vòng cung mà chẳng bắn người). Còn một học trò nữa thì đối lại rằng: “Phẩn bất uy quyền dị sử nhân” (Phân chẳng uy quyền mà dễ dọa người). Đàm Thận Huy bảo rằng: “Sau này Giản Thanh là người phóng đãng, Chiêu Huấn là người có lòng nhân, nhưng đều thành danh, còn học trò kia sau phú hào, nhưng là người bỉ ổi”. Sau Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, Chiêu Huấn đỗ Bảng nhãn, còn người kai chỉ làm đến chức Hiến phó. Lê Quý Đôn kết luận: “Tính hạnh ba người hệt như lời thầy đã phê phán”.
Xem xét nhân cách của nhà văn không thể nhìn nhận một cách chung chung thoát ly hoàn cảnh xã hội và điều kiện sống của mỗi người. Có thể coi là minh mẫn khi Lê Quý Đôn đưa ra nhiều chuẩn mực khác nhau để đánh giá các nhà văn về mặt đạo đức. Thời bình khác, thời chiến khác. Sống ở trong nước khác sống ở nước ngoài. Ông ghi nhận “lòng nhớ nước cũ, nghĩ đến tổ tiên” của các danh nho nước ta có tài văn chương nhưng do tình cảnh đặc biệt phải sống xa Tổ quốc (Kiến văn tiểu lục - tr.255). Khi đất nước thanh bình, đức độ của người cầm bút, theo Lê Quý Đôn, thường bộc lộ ở thái độ trước cường quyền và bạo lực, trước danh vọng và lợi lộc. Thử thách thường xuyên và gay gắt. Không tí người phải hàng phục co rút vào cuộc sống tầm thường và ích kỷ. Ai giữ được và đứng vững thì quả là bậc anh hùng hiển hách không kém nơi chiến trận. Có dịp đi sâu tìm hiểu quan niệm của Lê Quý Đôn đối với họ, ta thường bắt gặp các từ “thanh cao”, “thanh liêm”, “cứng rắn”, “chí khí”, “quả cảm”... Chu Văn An, Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hồ, Lý Tử Tấn, Nguyễn Thì Trung... được đánh giá như vậy trong thiên “Tài phẩm”.
“Thanh cao” là gì? Lê Quý Đôn quan niệm thật rành rọt. Mặt phải là: “Người sĩ thanh cao cư xử hợp điều nhân, nắm vững được điều nghĩa, trong bụng giữ vững đạo đức, lợi lộc không thể dụ dỗ được, uy thế không thể uy hiếp được, suốt cả mọi sự việc thiên hạ không một vật gì có thể làm chuyển động được trong lòng” (Kiến văn tiểu lục - tr.257). Còn đây là mặt trái: “Lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh, người có chức vụ ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều đình không nghe lời can gián, gặp có việc thì rụt rè ẩu tả, thấy lúc nguy thì bán nước để cầu thân, dầu người gọi là bậc danh nho cũng đều yên tâm nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ nào ca trao đổi khoe khoang tán tụng lẫn nhau” (Kiến văn tiểu lục - tr.259). Khi viết những dòng này, Lê Quý Đôn không ghìm được lòng mình nữa. Mặt tích cực được chủ yếu rút ra từ sử sách Trung Quốc, nhất là trong Kinh điển Nho gia. Tiêu chuẩn đạo lý của người quân tử in đậm trong những lời bàn luận của ông. Đó là “Dũng”, là “Nhân” đi liền với “Trí” của những người lí tưởng theo quan niệm của đạo Nho: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Còn mặt phản diện thì sờ sờ ngay trước mặt ông. Hằng ngày, hằng giờ. Hãnh tiến và trơ tráo. Một người giàu tâm huyết với thời cuộc như ông không một phút yên lòng.
Khi vận nước lâm nguy thì cái đức của nhà văn lại bộc lộ chủ yếu ở thái độ đối với kẻ thù dân tộc, ở hành động xả thân vì dân vì nước. Một trong những tấm gương sáng ngời vào bậc nhất lịch sử là Nguyễn Trãi. Lê Quý Đôn viết không nhiều về vị anh hùng khai quốc họ Nguyễn nhưng những dòng viết ra chan chứa cảm thông và mến phục. Cái chính là rất công tâm. Về truyền thống dòng tộc, Lê Quý Đôn viết: “Nguyễn Trãi là cháu ngoại Chương Túc Hầu (tức Trần Nguyên Đán) nhà Trần, đỗ Tiến sĩ triều nhà Hồ, đã có sẵn thanh danh vị vọng”. Khi đánh giá công lao của Ức Trai, ông cho rằng “đứng vào bậc nhất trong một đời”. Lê Quý Đôn cũng tỏ ra thông cảm với bi kịch của nhân cách “từng bị đè nén mà không từng chịu khuất phục”. “Thật đáng thương xót!”. Lê Quý Đôn đã thốt lên như vậy khi nghĩ đến tấn thảm kịch có một không hai trong lịch sử dân tộc. Và để kết thúc những lời bàn về vị anh hùng đồng thời là nhà thơ nhà văn nổi tiếng một thời, ông đã khẳng định: “Công đức và sự nghiệp của Nguyễn Trãi là “ngàn năm không thể mai một được”” (Kiến văn tiểu lục - tr.265-266). Đó là những nhận xét cao nhất có thể có thể có được đối với một nhân vật lịch sử. Có người cho những lời ấy hoàn toàn gắn liền với mối thiện cảm dành cho các nhân vật thuộc vương triều mà ông hết lòng phụng sự. Nói tình cảm giai cấp có ảnh hưởng thì đúng. Còn nói nó hoàn toàn chi phối thì không đúng. “Kiến văn tiểu lục” cũng dành nhiều đoạn bàn về các công thần và con cháu công thần như Lê Niệm (cháu Thái úy Lê Lai), Lê Hoàng Dục (con Thái phó Lê Văn Linh). Có thể những tiêu chuẩn “đại trung”“được triều đình đãi ngộ phi thường” (từ dùng của Lê Quý Đôn) còn bị giới hạn bởi tư tưởng chính thống, nhưng cái nhìn của ông nói chung là khách quan. Chẳng thế mà phần lớn các nhân vật lịch sử và văn chương được Lê Quý Đôn đề cao đến nay chúng ta vẫn ngưỡng mộ và tự hào.
Vậy là những ý kiến của học giả họ Lê về tài, đức của nhà văn dễ thấy còn phiến diện nhưng đa phần là xác đáng. Phiến diện là bởi ông không có ý định đi sâu bàn luận về nhà văn với tư cách là chủ thể sáng tạo như chúng ta ngày nay. Có lẽ, ông chỉ nhấn mạnh tới những biểu hiện của đức và tài mà bằng kinh nghiệm của bản thân ông cho là cần, thế thôi. Dù chưa thật đầy đủ, ta cũng nhận ra sự sáng suốt của Lê Quý Đôn nhất là trong quan niệm của mình, ông thường không tách rời tài ra khỏi đức. Ông hết lòng ca ngợi nhiều bậc tài cao đức lớn như: Nguyễn Trãi, Lý Tử Cấu, Nguyễn Hàng... Trong Điều 13 (Văn nghệ), Lê Quý Đôn còn nhận ra mối quan hệ nhân quả giữa tính khinh bạc của một nhà văn nào đó với mức độ học vấn ở họ. Ông không tán thành với ý kiến của Nhan Chi Thôi: “Từ xưa đến nay, các văn nhân phần nhiều mắc phải cái bệnh khinh bạc: nguyên là cái thể chất văn chương làm cho ý hứng của họ thì bay lên cao vút; tinh linh của họ thì phát lộ một cách bồng bột, mà trở thành kiêu căng, quên cả việc trì thủ (giữ gìn) và hăng hái tiến thủ”. Theo Lê Quý Đôn thì nếu một nhà văn nào tỏ ra kiêu ngạo tự mãn: “Đó là vì ít học vấn, thiếu hàm dưỡng; thành ra bị cái khí nó sai sử. Nếu ý hứng, tính linh vẫn giữ được bình đạm, một khi nêu lên, và phát ra, lại càng thấy ung dung”. Từ đó, ông đi đến kết luận: “Thể chất của văn chương vốn ở trong học vấn mà ra; học vấn có êm đềm (rộng rãi thoải mái), thì văn chương mới hay. Có lẽ đâu văn chương lại làm cho người ta kiêu căng!”. Lê Quý Đôn rõ ràng đã đi hơi xa khi đánh giá quá cao vai trò của học vấn đối với tài năng văn chương. Tuy nhiên trong thực tế thì người càng có tài lại càng khiêm tốn. Riêng ở điểm này ông hoàn toàn có lí.
Đức và tài làm nên giá trị của văn chương. Đó cũng là định hướng chính giúp Lê Quý Đôn tuyển chọn thơ văn cho các hợp tuyển.
Phạm Quang Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét