19 tháng 4, 2011

SINH VIÊN VỚI SINH VIÊN: ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI THẦY

14/12/2007
Để trở thành một thầy cô giáo mẫu mực trong tương lai, ngay từ khi còn là một sinh viên Sư phạm, xem ra còn quá nhiều việc phải làm. Nhưng có một điều khi học làm người, ta không thể nào né tránh. Đó là bạn phải có ý thức hoàn thiện mình để bản thân sẽ “đẹp” hơn trong mắt người khác. Với những người là thầy cô giáo, điều này còn là một yêu cầu gắt gao hơn.
Đẹp từ hình thức
Thật khó để đưa ra một “chuẩn” thẩm mỹ nào đó về cái đẹp hình thức của những người là thầy cô giáo trong tương lai. Trong những lúc “trà dư tửu hậu”, tôi đã từng được nghe về những kì thi tuyển giáo viên của một số trường phổ thông, có cả thi tuyển ngoại hình: Phải có một chiều cao cân đối, phải có một gương mặt ưa nhìn tạo thiện cảm tốt cho người đối diện, thậm chí có cả một yêu cầu hơi “tế nhị” là người dự tuyển không có một khuyết tật nào trên hình thể...
Về vấn đề này, ngẫm nghĩ một chút cũng thấy có lí. Một khi người thầy đứng trên bục giảng và đối tượng của họ là những cô cậu học trò đang ở tuổi biết quan sát và nhận thức, thì điều này cũng không quá đáng khi “hình thức bên ngoài” của người thầy bồi đắp cho học sinh của mình những quan niệm bước đầu về sự hoàn thiện, chỉn chu, nghiêm túc và lịch sự. Tuy nhiên, hình thức bên ngoài thì không chỉ ở “chiều cao cân đối hay gương mặt ưa nhìn”. Theo tôi thì hình thức bên ngoài của một người thầy cần nhiều hơn thế.
Một tác phong lịch sự, nghiêm túc trong cách ăn mặc, trong cách đi dáng đứng, trong lời ăn tiếng nói... thiết nghĩ là điều không thừa chút nào khi nói đến những điều kiện để trở thầy một người giáo viên mẫu mực.
Thực ra, đặt ra vấn đề này chính là từ sự quan ngại trước vấn đề “ăn mặc đi đứng” của một bộ phận không nhỏ các bạn sinh viên sư phạm. Trường Đại học - nơi hội tụ những con người trẻ trung, nhạy bén với thời trang thì tất nhiên không thể buộc các bạn sinh viên vào khuôn khổ ăn mặc quá cứng nhắc. Trong nội qui của trường cũng không ràng buộc quá chi tiết nhưng có một qui ước bất thành văn là trường Đại học nói chung, khoa Sư phạm nói riêng rất khuyến khích và biểu dương các bạn ăn mặc lịch sự, kín đáo và nghiêm túc. Chiếc áo dài (không nhất thiết phải là áo dài trắng) của các bạn nữ, bộ cánh áo sơ - mi bỏ vào quần tây thường (không phải là quần “bò”) của các bạn nam luôn là bộ trang phục giản dị mà đẹp mắt - tất nhiên là đẹp với ngành nghề của các bạn trong tương lai.
Thực tế đã có một số các bạn nữ sinh viên mặc áo lửng hở lưng hở bụng, áo không có tay (dân gian thường gọi là áo sát nách) hoặc tệ hơn là áo hai dây với quần quá chật, quá sát người vừa đi lại vận động khá khó khăn vừa phản cảm, mất thẩm mĩ. Các bạn nam thì vô tư mặc áo thun, quần jean hoặc áo thùng thình bỏ bên ngoài để đi học. Đầu tóc các bạn cũng là một đề tài đáng bàn luận, một số nhuộm vàng hoe đến lớp, số khác lại cắt chải quá model. Bảng tên sinh viên thì cất nhét đâu đó, đến khi đội Cờ đỏ “ghé thăm” - theo kế hoạch kiểm tra của Khoa - thì các bạn mới lục lọi tìm kiếm cấp tốc để mang vào.
Sự ăn mặc cẩu thả hoặc quá “cá tính” kiểu nghệ sĩ như thế ít nhiều làm cho dư luận thật sự lo ngại một ngày không xa, các bạn sẽ mang những “phong cách tự do thoải mái” đó về trường phổ thông “làm gương”“định hướng thẩm mĩ” cho học sinh của mình thì quả là... đại họa!
Nói cho công bằng, khi được nhắc nhở ở những hoàn cảnh “nhạy cảm” (như học Quốc phòng, hoặc đi thực tập, kiến tập chẳng hạn), các bạn đã “đau khổ” chấp hành. Dù “bằng mặt nhưng không bằng lòng” thì những thời điểm đó, các bạn cũng còn ý thức là nghề nghiệp của mình hơi... mô phạm, ở trên trông xuống, người ta trông vào. Nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng có ý nghĩ như thế.
Có lẽ những ràng buộc như vậy làm “con người với ý thức cá nhân” mạnh mẽ như bạn khó chịu chăng? Thì xin thưa rằng “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Xin đừng trách lẫn trời gần trời xa. Nghề sư phạm là một nghề đặc biệt. Bạn không nên, không thể nào và không bao giờ được cẩu thả thiếu nghiêm túc với nó - trước hết là hình thức bên ngoài.
Khi còn là sinh viên, ta có thể chạy nhảy ồn ào hồn nhiên, nhưng khi làm thầy từng bước đi, dáng đứng phải đường hoàng và chững chạc. Khi là sinh viên bạn có thể giành giật quà bánh của nhau, đùa giỡn, níu kéo, thậm chí la hét, cười hết ga… nhưng khi làm thầy, bạn phải biết kềm chế và tiết chế cảm xúc. Có lúc muốn khóc mà không được khóc, có lúc muốn cười nhưng phải cố nín cười, có lúc mừng quýnh đến mức muốn nhảy... cẫng lên nhưng phải kềm nén lại để chín chắn và trầm tĩnh trước bất cứ một sự kiện nào... nhất là khi trước mặt bạn là những ánh mắt trong veo của học trò đang nhìn bạn như... thần tượng.
Tuy nhiên, ta cũng không nên hiểu vấn đề quá cực đoan đến mức đọc những dòng trên bạn phát hoảng lên. Có bạn sẽ phản ứng gay gắt rằng... “Tui làm thầy giáo chứ đâu phải thầy tu” (xin lỗi các thầy tu). Nhưng chắc bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, thầy giáo lên lớp mà chân đi dép lê, áo quần xộc xệch, đầu tóc rối bù, thậm chí vô tư để lại một ít… ghèn nơi khoé mắt (và đôi khi còn là khuôn mặt đỏ gay vì đêm qua hơi quá chén do cụng li vô tư cùng đồng nghiệp) chắc là không đẹp tí nào, đúng không? Hay cô giáo nào đó vô tư mặc một chiếc áo dài quá mỏng, một đôi giày có gót quá cao... chắc là bài giảng hôm đó kém đi hiệu quả (vì học trò chắc là “mất tập trung” nhiều lắm).
Ở trường phổ thông hiện nay, đa số các thầy cô giáo đều ăn mặc đẹp và lịch sự. Các cô giáo thì trang nhã, các thầy giáo thì lịch lãm. Và là sinh viên sư phạm, thiết nghĩ môi trường sư phạm sẽ điều chỉnh để bạn thích nghi tốt nhất - nếu bạn yêu nghề và có trách nhiệm với nghề, và bản thân bạn cũng sẽ tự điều chỉnh để quá trình thích nghi đó diễn ra vừa nhanh vừa dễ chịu thoải mái hơn cho chính bạn.
Đẹp đến tâm hồn
Có lẽ đây là một vấn đề lớn không thể bàn luận chỉ trong vài dòng ngắn ngủi. Có lẽ chúng ta nên giới hạn lại ở một số biểu hiện ứng xử trong môi trường sư phạm.
Tác phong mẫu mực và việc ý thức xây dựng một tấm gương mẫu mực cho học sinh là vấn đề thứ nhất. Ở trường phổ thông sự chấp hành giờ giấc cực kì nghiêm túc. Trống đánh vào 15 phút đầu giờ, trường đóng cửa, không nên để xảy ra tình trạng giáo viên bị “nhốt” bên ngoài cùng với học trò. Chắc chắn bảo vệ sẽ mở cửa cho giáo viên vào nhưng biết đâu sẽ có một ánh mắt ấm ức so sánh của một em học sinh nào đó. Một thực tế đáng nói là trường ta, sinh viên đi trễ rất phổ biến. Chuông báo vào tiết học nhưng nhiều khi các bạn còn rảo bước ở cổng trường hoặc còn tung tăng quà bánh. Thầy cô đã vào ổn định lớp bắt đầu cho một tiết học, không khí đang nghiêm túc thì các bạn lò dò vào lớp làm ngắt quãng một cách thô bạo cảm xúc của lớp học. Rất nhiều sinh viên trở nên quen “xài” đồng hồ “dây thun”. Một buổi sinh hoạt chuyên đề, một đêm giao lưu Câu lạc bộ, một buổi họp các cán bộ lớp... Tất cả đều phải mất một khoảng thời gian phi lí để chờ đợi những người chậm trễ. Để người khác bị làm phiền bởi sự vô tư trì trệ của mình là một biểu hiện thiếu tự trọng. Để sau này học trò bị ảnh hưởng bởi tác phong lề mề của mình là một “tội ác”. Dùng từ “đao to búa lớn” như vậy bởi vì chúng ta đang vô tình tạo ra một thế hệ trì trệ, thụ động - thích chờ đợi người khác và bắt người khác chờ đợi mình. Tác phong đó đẻ ra những biểu hiện kém nhiệt tình, lười hoạt động và hình mẫu của thầy cô như vậy trước học trò chỉ mang lại sự ngao ngán bất mãn mà thôi.
Sự quan tâm chân thành và nồng nhiệt đến học trò là vấn đề thứ hai. Điều này bắt đầu từ sự quan tâm đến người khác khi các bạn còn là sinh viên. Không đợi nhắc nhở, không đùn đẩy trách nhiệm, các bạn nhặt một cọng rác hoặc tranh thủ lau lại bảng cho lớp học sạch hơn, giặt một cái giẻ lau bảng cho thầy cô không phải hít thở nhiều bụi phấn, đóng lại một cái bàn long đinh cho người bạn ngồi đó an toàn hơn, khoá máy điện thoại di động để nó không thể reo lên không đúng chỗ đúng lúc bảo đảm cho các bạn tập trung bài học... Hay những quan tâm khác “to tát” hơn một chút: bàn bạc với ban Cán sự lớp giúp đỡ các bạn thi lại lần hai, hội ý với các bạn nam tổ chức cho các bạn gái của lớp một ngày 8/3 thật là ý nghĩa, đóng góp để chia sẻ cho một bạn nào đó gặp lúc thắt ngặt khó khăn, rủ nhau đi thăm một cô giáo vừa ngả bệnh... Những việc làm dù nhỏ dù lớn nhưng bạn đã thực hiện nó bằng một trái tim chân thành thì một ngày nào đó trong tương lai không xa, bạn sẽ là một người thầy giáo, một cô giáo tuyệt vời. Học trò sẽ nhận ra và ái ngại trước những những giọt mồ hôi của bạn rơi xuống trên bục giảng, sẽ cảm động khi bạn vượt đường dài đến thăm nhà học sinh “cá biệt”, sẽ ngỡ ngàng khi bạn không hề nhận một đồng thù lao nào để giữ các học sinh yếu lại sau giờ học để phụ đạo thêm... Nghề giáo đòi hỏi một sự hi sinh không cân đong đo đếm, không so đo tính toán. Bạn cứ “cho” đi và đừng đòi hỏi được nhận thì đến một ngày nào đó chắc chắn bạn sẽ được “nhận” rất nhiều.
Dẫu biết rằng cuộc sống vẫn còn khắc nghiệt với nghề giáo, cuộc mưu sinh của thầy cô vẫn còn nhiều trắc trở nhưng bạn sẽ thấy cái nào cũng có giá của nó. Cái mà học trò của bạn trong tương lai nhận được từ bạn sẽ theo họ trong suốt cuộc đời. Những hạt giống tốt đẹp của một tâm hồn đẹp mà bạn gieo trồng sẽ đơm hoa kết trái trong những thế hệ học trò của bạn và cứ thế mà bừng nở cho cuộc đời những điều ý nghĩa.
Người viết đã từng được nghe những chuyện không vui từ một số lớp chuyên ngành sư phạm mà ở đó toàn là những thầy cô giáo tương lai. Mình sống như thế nào ở mái trường sư phạm thì những điều đó bạn cũng sẽ tiếp tục mang về các trường phổ thông. Một tính cách không hay khi bạn còn là sinh viên sẽ ít nguy hiểm hơn rất nhiều khi bạn mang những điều đó lên bục giảng sau này. Nhưng nếu không chú ý rèn luyện bản thân thì những biểu hiện không hay dù rất nhỏ đó của bạn khi còn là sinh viên sẽ được nuôi lớn và trở thành đáng sợ hơn khi bạn là thầy cô giáo. Một sự ganh tị nhau về điểm rèn luyện, một sự tranh giành thiếu lành mạnh về quyền lợi (từ một chỗ ngồi tốt khi xem văn nghệ hay đi tham quan cho đến một suất học bổng dành cho sinh viên vượt khó, từ một chỗ thực tập tốt đến một món quà khuyến mại...)... Có cảm giác như “những người trong cuộc” sợ rằng người ta sẽ chê cười mình là kẻ dại dột khi chỉ biết... nhường nhịn? Hay chỉ nên biết quan tâm đến “đối tượng” đặc biệt của mình thôi (bạn thân hay người yêu chẳng hạn)? Thật nực cười khi ý nghĩ này được đa số các bạn tán đồng. Như vậy cái chuẩn chân - thiện - mĩ đã bắt đầu lệch lạc, như vậy làm sao mình có thể định hướng và định hướng một cách thuyết phục những gì gọi là chân - thiện - mĩ cho học trò của mình đây?
Hãy bắt đầu từ hôm nay bạn nhé, và bắt đầu từ những điều những việc tưởng chừng như rất nhỏ bởi vì từ những cái tưởng chừng như rất nhỏ bé vụn vặt ấy, ta đang bắt đầu cho một nhân cách, một tâm hồn lớn vừa để bồi đắp cho mình, vừa để dành tặng cho “những mái đầu xanh” đang háo hức chờ đợi bạn ở mái trường phổ thông trong tương lai sắp tới.
Tùng Linh (K56B, Khoa Công nghệ Thông tin - ĐH Sư phạm Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét