19 tháng 4, 2011

TRIẾT LÍ CỦA ĐỒNG TIỀN

(16/02/2009)
Bạn có cần tiền không? Có!
Bạn đã biết cách tạo ra đồng tiền? Bạn đã biết cách sử dụng tiền? Đừng vội vàng trả lời nhé!
Các cụ ta ngày xưa thường nói: “Tiền tài là vật ngoại thân”, tuy nó có quan trọng nhưng cũng chỉ là phương tiện, không nên quá đặt nặng.
Những kiến thức cơ bản về tài chính và kinh tế đã cho ta biết rằng đồng tiền vốn lưỡng tính: Vừa có chức năng phương tiện thanh toán, vừa có chức năng hàng hóa. Khi nó được qui đổi giá trị thì nó là phương tiện thanh toán, khi nó lưu thông thì nó là hàng hóa.
Một ngân hàng nọ, sau khi tổng kết cuối ngày thấy còn dư vốn, họ liền liên lạc với một ngân hàng khác để cho họ mượn tiền qua đêm với điều kiện ngân hàng được mượn phải ở bên kia bán cầu thì đương nhiên giờ khóa kho của ngân hàng bên này sẽ là giờ hoạt động của ngân hàng kia. Sang hôm sau, đến giờ mở kho sẽ là giờ đóng kho của bên kia và nhận tiền về. Đương nhiên ngân hàng được mượn tiền ấy sẽ trả cho ngân hàng này một khoản lợi nhuận kèm theo. Hình thức ấy người ta gọi là “gửi tiền qua đêm”. Đồng tiền bất động là đồng tiền chết!
Điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn là tính hàng hóa của đồng tiền.
Nếu đồng tiền không được lưu thông thì nó sẽ tự suy thoái, không thể nảy sinh lợi nhuận. Trong khi văn hóa gốc nông nghiệp của Việt Nam ta vốn xem thường nghề buôn, trong tứ dân, thương nghiệp bị xếp cuối cùng (sĩ, nông, công, thương), đó là chưa kể thái độ miệt thị với nghề buôn (Thật thà cũng thể lái trâu), thêm nữa, nền kinh tế tiểu nông vốn thiên về tự cung tự cấp và phổ biến hình thức hàng đổi hàng (chính xác là vật đổi vật), kinh tế thị trường kém phát triển cho nên việc phát minh ra công cụ thanh toán của nhân loại ấy vẫn chưa phát huy hết công dụng của nó trong nền kinh tế truyền thống Việt Nam vì chưa xem đồng tiền là một loại hàng hóa.
Nói về chuyện phát sinh lợi nhuận của đồng tiền để chúng ta làm kinh tế? Không! Tôi chưa đủ trình độ và tư cách để dạy người khác cách làm ra đồng tiền và làm cho đồng tiền sinh lợi, tôi chỉ muốn lấy đó là cái cớ để liên tưởng.
Bạn hãy tưởng tượng: Giữa một đám đông đang đi trên đường, mọi người cười nói lao xao, thản nhiên xả rác, nhổ nước bọt lên mặt đường, bỗng dưng có một người đi đến, gom hết những thứ rác rưởi ấy bỏ vào thùng rác công cộng và bạn chứng kiến tất cả, cảm giác của bạn lúc ấy thế nào?
Một đám bạn khác đi dạo phố, bất chợt gặp một người ăn xin, một trong số nhóm bạn ấy vui vẻ móc tiền ra đưa một cách chân thành tận tay người hành khất, bạn là một thành viên trong nhóm đó, bạn có cảm giác gì?
Tôi mốn nói đến tính lan tỏa của: Trách nhiệm, lòng nhiệt tình, lòng nhân ái... của cái đẹp trong cuộc sống.
Khi ta chứng kiến một hành động đẹp, một thái độ đẹp và những ý nghĩ đẹp, bỗng dưng trong ta sẽ phát sinh những suy nghĩ mà tôi chắc chắn rằng phần tích cực nhiều hơn là tiêu cực! Tích cực như thế nào? Ta sẽ có xu hướng bắt chước! Vì sao lại bắt chước? Vì trong ý thức của ta đang nói rằng những cái ấy sẽ làm giá trị của ta tăng lên!
Liên tưởng giữa tính lưu thông của đồng tiền với tính lan tỏa của cái đẹp quả là thú vị bạn ạ! Một bên là cái đại điện cho những giá trị vật chất, một bên là những giá trị tinh thần. Và liệu hai phạm trù ấy liên quan gì đến nhau không? Có! Bạn biết điều đó!
Ta bàn về cách sử dụng đồng tiền nhé!
Trong nền giáo dục của Australia và một số nước khác có một nội dung rất đáng lưu ý: Dạy trẻ em cách sử dụng đồng tiền. Ở phạm vi nhà trường Việt Nam ta chưa có, theo tôi, đây là một thiếu sót. Vì sao? Vì ta dạy cho trẻ cách sử dụng đồng tiền một cách hữu ích nhất thì các em mới biết trân trọng giá trị của sức lao động, biết cách tạo ra đồng tiền chân chính.
Cụ Nguyễn Du có viết: “Trong tay sẵn có đồng tiền. Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì” để nói về cách người ta khai thác triệt để mặt trái của tiền.
Ca dao tục ngữ Việt Nam cũng nói: “Đồng tiền không phấn không hồ. Mà sao khéo điểm khéo tô mặt người”. Đồng tiền trở thành giấy thông hành để người ta thăng quan tiến chức đồng thời cũng là mục đích để người ta đấu đá nhau. Vì người ta đã bỏ ra ngần ấy công sức và tiền bạc để leo lên đến chức đó thì giờ đây họ phải tìm cách thu lại gấp trăm, gấp ngàn lần.
Ta hãy tạm gác những mặt trái của đồng tiền (thực ra là do con người gây ra), mà thử nhìn vào mặt tích cực của nó xem sao.
Bạn là một người tốt? Bạn muốn giúp đỡ một em bé nghèo yêu nghệ thuật  khi em ngấp nghé trước cổng nhà hát mà không có tiền mua vé vào xem buổi hòa nhạc, thò tay vào túi và chợt bạn ngẩn ngơ khi không còn đồng nào, buổi nghe hòa nhạc ấy của bạn sẽ có một cái gì đó chưa thật sự trọn vẹn trong cái đẹp mà âm nhạc đem lại cho mình vì ánh mắt ấy cứ quấn quýt bạn.
Bạn cố gắng làm vất vả và tích lũy được một số tiền khá lớn, chợt một chiều nào đó bạn nhận ra rằng mình không biết phải sử dụng nó vào việc gì cho có ý nghĩa nhất, xứng đáng nhất.
Bạn đang sống bằng hơi thở của người khác? Nếu có thì đương nhiên bạn sẽ sống bằng suy nghĩ của người khác!
Triết lí Trung Hoa có câu: “An bần lạc đạo”, vui với cảnh nghèo để giữ tâm trong sạch.
Lại có câu: “Tri túc”, biết đủ để giữ nhân cách.
Việt Nam cũng có phần mâu thuẫn khi một mặt coi rẻ nghề buồn đồng thời lại nói: “Phi thương bất phú”.
Tôi liệt kê ra như vậy để nói một điều rằng: Chúng ta luôn luôn cần tiền và gắn chặt mối quan hệ với nó nhưng chúng ta lại không dám thừa nhận sự thật ấy vì chúng ta sợ rằng mình sẽ không làm chủ được nó.
Hãy bình tĩnh và thông thoáng hơn một tí bạn sẽ thấy đồng tiền thật dễ thương: Làm từ thiện.
Tôi bật mí cùng các bạn một điều: Có truyện cổ tích thật đó. Bản thân tôi đã trải nghiệm!
Khi còn là sinh viên, tôi rất eo hẹp về tài chính, phải đi làm thêm suốt ngày đến nỗi không có thời gian đi thi học kì, nhưng có một lần tôi quen một em bé bán vé số thường lui tới quán càfê chỗ tôi làm, khuya hôm đó em ngồi khóc sưng húp cả hai mắt, hỏi ra mới biết em bị mấy đứa khác giật mất xấp vé số, không có tiền đền cho chủ tiệm vé số, không dám về nhà, tôi không suy nghĩ nhiều, liền vào xin tạm ứng lương được 300 ngàn rồi đưa hết cho em, em không nhận, tôi phải năn nỉ mãi và nói là cho em mượn chứ đâu phải cho luôn đâu mà em ngại. Đương nhiên là tôi thấy trong lòng rất thanh thản vì không phải lo em bị anh chị đánh đập và không cho ngủ trong nhà khi ngoài trời bóng đêm dày đặc sương của mùa đông lạnh lẽo nữa. Cuối năm về quê ăn Tết, tôi bị rơi mất cái ví tiền nên không thể trả tiền vé xe, thì bỗng dưng có một bác trên xe hỏi thăm và tặng tôi một triệu đồng để tiêu và mua quà về nhà mà không muốn tôi biết họ tên, địa chỉ. Chú chỉ nói, chú nên làm như thế và nói tôi đừng băn khoăn gì mà chú muốn cháu cũng làm như thế với người khác! Từ đó tôi không gặp lại chú nhưng tự dưng tôi luôn luôn muốn làm giống chú trong những tình huống tương tự.
Làm từ thiện, cái đem lại mang tính quí giá nhất chính là sự lan tỏa của hành động đẹp. Vì thế bạn đừng nên mong muốn người khác biết mình làm từ thiện bằng cách hô khẩu hiệu, vì như thế là đi xa với bản chất của từ thiện.
Giả sử lúc đó tôi không có tiền và bác người tốt ấy cũng không có tiền thì những lời động viên có giúp cho em bé bán vé số không bị đòn, không bị lạnh? Có giúp cho tôi về đến nhà không?
Đồng tiền trong tay bạn khi bạn đi mua một món hàng thì nó cũng chỉ là đồng tiền với mệnh giá như con số in trên nó thôi, nhưng khi nó được đem ra giúp đỡ người khác trong lúc cấp thiết thì giá trị của nó thật vô cùng.
Bạn cho một thì chắc chắn bạn sẽ nhận được gấp ngàn lần! Hãy thử đi!
Chúc bạn có được những cảm xúc thật đẹp khi sử dụng những đồng tiền chân chính!

Nguyên Hạo - K.VHNT, ĐH An Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét