6 tháng 8, 2012

ĐẢNG LÃNH ĐẠO LÀ TẠO ĐỘNG LỰC CƠ BẢN CHO QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI

Thân gửi anh Lân Dũng!
Đây là bài tôi mới viết. Gửi anh - một đại biểu Quốc hội nhiều khóa, có uy tín trong cử tri cả nước, đọc cho “vui”. Nếu có thể thì anh lại cho tôi góp chuyện cùng bà con Xóm Lá. Nhờ Blog của anh mà tôi lại có thêm một số người bạn mới đấy. Một sân chơi thật vui và bổ ích.
Cảm ơn và chúc anh nhiều sức khỏe!
Trần Đình Huỳnh
ĐẢNG LÃNH ĐẠO LÀ TẠO ĐỘNG LỰC CƠ BẢN CHO QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI
Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới nhằm chấn hưng đất nước. Đổi mới là một thời kỳ cách mạng làm biến đổi diện mạo và thân phận của cả dân tộc ta trong thời đại mới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện quyết tâm ấy qua các Nghị quyết của 7 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc (kể từ sau khi thống nhất đất nước tới nay). Nhưng để biến Nghi quyết, Cương lĩnh thành hiện thực thì Đảng không bao giờ được quên lời dặn của Hồ Chủ tịch, rằng: “Phải biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.11, H.1996, tr.30). Nhưng nhân dân không chỉ quyết tâm bằng các chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng và Nhà nước mà họ chỉ thực sự quyết tâm khi được thực sự làm chủ vận mệnh của mình, tức là họ được sống trong một thể chế dân chủ, dân chủ thực tế chứ không phải là dân chủ hình thức. Dân chủ là động lực cơ bản nhất của quá trình đổi mới. Sự lãnh đạo của Đảng chỉ có hiệu quả khi chính bản thân Đảng là một tổ chức dân chủ và nhờ có tổ chức ấy Đảng tạo được động lực cơ bản cho bản thân mình và qua đó tạo được động lực cơ bản cho cho toàn thể nhân dân.
1. Dân chủ - nói nôm na là quyền làm chủ mọi mặt của đời sống con người. Quyền làm người, tất nhiên, cơ bản nhất là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhìn vào lịch sử phát triển của nhân loại, ta càng thấm thía dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội vừa là mục đích, vừa là động lực cơ bản nhất trong bất cứ thời đại nào, nhất là thời đại chúng ta đang sống. “Không có gi quý hơn độc lập, tự do”, “Dẫu có phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho được độc lập, tự do cho Tổ quốc”... là động lực cơ bản của nhân dân Việt Nam trong mấy cuộc kháng chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, hơn bất cứ khi nào, Đảng cầm quyền cần phải nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”... để quyết tâm thực hiện dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, vì chỉ có như vậy Đảng mới hiện thực hóa được những khẩu hiệu tốt đẹp, những ước muốn thành tâm đã từng được ghi trên các văn kiện của 7 kỳ Đại hội, đã trải nghiệm một thời gian dài trên 3 thập kỷ mà cho tới nay đường tới mục tiêu không chỉ gian nan, thách thức mà thậm chí đang còn đứng trước cả những nguy cơ!
Hồ Chí Minh đã từng nói rằng, giành được độc lập rồi thì giao chính quyền cho số đông nhân dân, phải xây dựng nước ta thành một nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Tuy nhiên từ khi thống nhất đất nước (1975) tới nay: “Dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức... Chủ trương quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được thể chế đầy đủ thành pháp luật” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.171)
Dường như không ít các nhà lãnh đạo khi đã nắm quyền lực trong tay, đã có một đời sống quá chênh lệch so với đời sống của đại bộ phân dân chúng cần lao (điều này chính Mác đã thể hiện sự lo lắng của mình khi ông đề cập đến lương bổng của những công chức Nhà nước dưới chính quyền do giai cấp vô sản lãnh đạo) nên đã lãng quên câu nói của Hồ Chí Minh, mà theo tôi, đó là lời cảnh báo cho sự sống còn của chế độ: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng quyền tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì” (Hồ Chí Minh toàn tập, T4, H.1995, tr.56). Vì vậy, dân chủ hóa mọi mặt của đời sống xã hội ở nước ta hiện nay đang là đòi hỏi cấp bách, nó đang trở thành động lực cơ bản nhất có vai trò quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới đất nước.
Dân chủ chính trị là tiền đề cho dân chủ về kinh tế, văn hóa. Trong một xã hội được mệnh danh là dân chủ thì dân chủ chính trị phải được thể hiện ở quyền tự do ứng cử và bầu cử vào cơ quan quyền lực Nhà nước; quyền quyết định cuối cùng đối với Hiến pháp. Hiến pháp ấy phải là bản khế ước xã hội của nhân dân, giao quyền, ủy quyền cho cơ quan Nhà nước để đảm bảo rằng: Nhà nước ấy thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nhà nước ấy phải là Nhà nước pháp quyền, tức là trong xã hội Đảng cầm quyền và Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, thượng tôn pháp luật và tuân thủ pháp luật. Việt Nam là nước do một Đảng chính trị - Đảng Cộng sản Việt Nam - lãnh đạo và duy nhất cầm quyền. Do vậy dân chủ trong Đảng lại trở thành tiền đề của thực hành dân chủ chính trị ở nước ta. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng là bản chất văn hoá và là nền tảng tinh thần của một Đảng cách mạng chân chính, đồng thời là tiêu chí để phân biệt Đảng với mọi đảng chính trị khác. Dân chủ là của cải tinh thần, là nguồn gốc của sức mạnh để Đảng trở thành người đại diện cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của cả dân tộc. Đảng đã và đang lãnh đạo bằng đường lối, chủ trương, chính sách và công tác tổ chức cán bộ. Đường lối, chủ trương, chính sách đòi hỏi phải có sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận cách mạng tiên tiến vào việc nghiên cứu kinh nghiệm thực tế trong nước, kinh nghiệm các địa phương, cơ sở, đồng thời phải có nhãn quan chính trị sắc sảo, am hiểu tinh tường thời cuộc, trong khu vực và toàn cầu. Một người hay một nhóm người không thể làm tốt việc đó mà phải bằng trí tuệ chung của toàn Đảng và sự tham gia rộng rãi của toàn dân. Dân chủ thảo luận để hoạch định đúng các quyết sách chính trị, kinh tế, văn hoá, quốc phòng, an ninh, tóm lại là toàn bộ chính sách nội trị và ngoại giao trong giai đoạn khó khăn hiện nay chỉ có thể giải quyết đúng thông qua con đường dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội. Tổ chức bộ máy và nhân sự quốc gia hiện nay, trên thực tế đều do Đảng lãnh đạo,quyết định và quản lý. Với sứ mệnh cao cả lãnh đạo và chịu trách nhiệm trước tiên đối với vận mệnh quốc gia như thế, thì như trên đã nói, sự hiểu biết của một hay một nhóm người là rất có giới hạn.
Ngay thiên tài như Hồ Chí Minh mà Người cũng không bao giờ tự cho mình là hiểu biết đầy đủ mọi việc, thậm chí Người còn thẳng thắn cho rằng so với tri thức của các nước tiên tiến “thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm”. Người nói: “...Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.285). Hồ Chí Minh đã viết từ khi Người sáng lập Đảng (tháng 02/1930) như sau: “Bất cứ về vấn đề nào, đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.3, H.1995, tr.7). Có lẽ hơn bất cứ thời kỳ nào, hiện nay mọi công việc của Đảng, trong tất cả các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở, chúng ta cần phải cùng nhau nhắc lại và đối chiếu, tự hỏi xem mình đã làm theo lời chỉ dẫn trên của Người như thế nào? Vì sao nhiều hội nhưng không nghị, nhiều thành viên tham dự không hăng hái nhiệt tình, thẳng thăn thảo luận mà để mãi tình trạng trong hội nghị im tiếng, ngoài hội nghị mới thì thào, thậm thụt, bàn tán? Tại sao đã có Nghị quyết mà vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, kể cả người đã giơ tay biểu quyết, không nghiêm chỉnh thi hành? Rõ ràng đây là một vấn đề lớn, đang có tính thời sự của Đảng (và cũng là đòi hỏi của dân tộc) mà trong khi tiến hành kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) từ cơ quan cao nhất, từ người có chức vụ cao nhất trở xuống cần nghiêm chỉnh tự chỉ trích để tìm rõ căn nguyên. Từ trong di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh, phải chăng, mỗi chúng ta cần nhận ra những điều giản dị, như chân lý của cuộc đời còn lắm bộn bề lo toan của ngày hôm nay, rằng: Có thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình thì trong hoạch định các quyết sách chính trị mới có sự thống nhất về tư tưởng và hành động, mới có đoàn kết nhất trí thực sự, nếu không sẽ chỉ là “đoàn kết, nhất trí” hình thức, là che dấu sự bè phái, cánh hẩu - nguyên nhân sâu xa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chúng ta thường đã học, đã nói và viết rằng nhân dân là người quyết định lịch sử. Vậy thì, chỉ có cơ chế để dân chủ hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là trong Đảng đến tổ chức hoạt động của Nhà nước thì nhân dân mới thực sự là chủ và khi ấy nhân dân sẽ đủ sức mạnh và trí thông minh để làm chủ. Đó chính là động lực cơ bản, là sức mạnh vô tận để trong quá trình đổi mới, xây dựng đất nước, không trở lực nào, khó khăn nào có thể ngăn cản được bởi một chân lý hiển nhiên đã từng được lịch sử dân tộc chứng minh: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
2. Có dám thực hành dân chủ không?
Trong Hồi ký của Tố Hữu, ông có viết rằng, trong một lần lên báo cáo công tác với Bác, Bác đã nói: Các chú diễn giảng hai tiếng dân chủ sao mà rắc rối thế? Dân chủ thật ra có nghĩa là: “Để cho dân được mở miệng. Liệu có làm được, có dám làm thế không?”
Ai có quyền để cho đảng viên và nhân dân được “mở miệng”?
Câu trả lời thật đơn giản. Đó là những đồng chí nắm trong tay quyền lực của Đảng và quyền lực Nhà nước, từ cấp trung ương trở xuống. Hồ Chủ tịch đã từng chỉ rõ một tình trạng không lành mạnh trong Đảng ta: “Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau... Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác. Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.243)
Trong những năm gần đây, có biết bao nhiêu vụ khiếu kiện ùn tắc dồn cả lên trên, có không ít những vụ cưỡng chế phải dùng đến cả lực lượng vũ trang. Nguyên nhân chính vẫn là các cấp ủy Đảng và chính quyền không dân chủ trong khi ra quyết định và không dám thành thực đối diện trực tiếp với nhân dân, và đúng là không dám để nhân dân được “mở mồm ra” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Viết ra những điều này sẽ có đồng chí không bằng lòng nhưng thưa, Bác Hồ đã từng chỉ ra rằng: Chúng ta thường nêu vấn đề dân chủ, đồng chí nào cũng thấy phải thực hành dân chủ, “nếu ai nói chúng ta không dân chủ thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế...” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.243). Những vụ khiếu kiện kéo dài, những điểm nóng, những vụ giải phóng thu hồi đất phải dùng cả lực lượng vũ trang để giải quyết, suy cho cùng là do thói quan liêu, quan chủ, là không dân chủ từ trong tổ chức Đảng, chính quyền, là trách nhiệm trước tiên của cấp ủy Đảng và người đứng đầu.
Vì sao không dám thực hành dân chủ?
Có nhiều lý do:
- Trước hết, một số người “có tật giật mình”, vì họ đã có những thói hư tật xấu, lạm dụng chức vụ quyền hạn để mưu lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm nên không minh bạch, không công khai, che giấu thông tin, thậm chí đánh lừa dư luận nên khi vỡ lở thì tìm cách lảng tránh, tìm cách xa lánh, không dám đối thoại thẳng thắn với nhân dân.
- Cũng có những trường hợp ngụy biện, thoái thác trách nhiệm nên khi có những việc sai lầm, bị dư luận xã hội thậm chí được đại biểu Quốc hội chất vấn thì bao biện rằng làm theo Nghị quyết của Đảng hay theo luật (nhưng nếu đem đối chiếu kỹ thì chỉ là ngụy biện để đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước chứ thực chất không phải thế). Vụ Dương Chí Dũng ở Tổng cục hàng hải thuộc Bộ Giao thông vận tải vừa qua là một thí dụ điển hình.
- Cũng có trường hợp do “sự chấp hành máy móc”, làm việc không có bản lĩnh, không suy xét, quyết đoán cho phù hợp với tình hình địa phương trên cơ sở vì lợi ích của nhân dân nên đem đối lập Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Vụ cưỡng chế gây ồn ào ở Hải Phòng và Hưng Yên vừa qua là một thí dụ. Hồ Chủ tịch đã nói: “Nếu chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó làm cho ai? Đối với ai phụ trách?” chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”. Câu trả lời ấy đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả lời được” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.245). Người còn nói rõ: Đảng và Chính phủ chỉ mưu lợi ích cho nhân dân, nên làm việc gì cũng phải vì nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tình hình phản ứng gay gắt của nhân dân ở một số nơi vừa qua cũng có thể nhân dân chưa hiểu nhưng chủ yếu là vì cán bộ không hiểu, hoặc do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, mà cố tình không hiểu, cho nên trong lúc làm việc thường sai lầm “đến nỗi chia Chính phủ và Đảng ra một phía, quần chúng ra một phía... cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, H.1995, tr.245).
Một Đảng chính trị cầm quyền tuyên bố không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà gây ra nhiều điểm phản ứng gay gắt của số đông người dân đến nỗi phải dùng cach hạ lệnh và huy động lực lượng vũ trang để cưỡng chế nhân dân - đối tượng phục vụ của mình - như là một cứu cánh của hoạt động công vụ thì hoàn toàn trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, trái với Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng. Cần phải chấm dứt và xử lý nghiêm những cán bộ chủ chốt ở những địa phương đã gây ra một số vụ cưỡng chế như thế.
PGS, TS Trần Đình Huỳnh,
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng,
Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo blog của GS Nguyễn Lân Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét