6 tháng 8, 2012

LẤY VĂN MÀ TÔ ĐẸP MỚI NÊN NGƯỜI

Lân Dũng thân mến!
Cả nước đang hào hứng bàn bạc việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI về mấy vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Công việc đầy khó khăn này cần rất nhiều tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của những đối tượng chính của cuộc vận động - các đảng viên có quyền chức cao. Họ cần gương mẫu. Nhiều người đã nói như vậy rồi. Mình góp một tiếng nói, một khía cạnh, dưới góc nhìn của văn hóa, của sự tôn vinh cái đẹp
Nếu Lân Dũng ưng thì nhờ đưa lên blogtiengviet.net để đông đảo bạn đọc tham khảo, giúp cho câu chuyện có thêm kênh lan tỏa.
Cảm ơn Lân Dũng nhé!
Ma Văn Kháng
HỌC TẬP NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI) VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG
LẤY VĂN MÀ TÔ ĐẸP MỚI NÊN NGƯỜI
Năm 2006, ngày 17 tháng 2, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu, trong buổi học tập Nghị quyết Trung ương lần thứ 3 về chống tham nhũng, tôi ghi được ở trong sổ tay một câu nói sau đây: Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, muốn chống tham nhũng có kết quả thì cần làm cho mỗi nhân viên Nhà nước không muốn, không dám, không thể, không cần phải có hành vi bất lương ấy.
Ở đây, nhân dịp nghiên cứu Nghị quyết trung ương 4 khóa XI về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, chỉ xin bàn về hai chữ “không muốn”. Nghĩa là nói đến cái dục vọng của con người và cái cách để không muốn sa vào những dục vọng tối tăm. Vì thực tình là do đã khốn khổ vì nó rồi, nên từ lâu con người đã tìm mọi cách để tiết chế, để tiêu trừ nó.
Vậy thì tại sao dục vọng lại làm khốn khổ người ta? Vâng, dục vọng, ham muốn chính là nguồn gốc của mọi đau khổ ở cõi đời này. Chứ đâu có phải căn nguyên của hạnh phúc. Vì, theo triết gia Đức Arthur Schopenhauer thì dục vọng, ham muốn gây ra đau khổ cho người ta là bởi ba lẽ sau: Một là, ham muốn nảy sinh vì cảm thấy thiếu thốn, nghĩa là nó nảy sinh từ chỗ vốn đã đau khổ; hai là, phần lớn các ham muốn đều không được thỏa mãn, nên thường dẫn đến đau khổ dữ dội; ba là, dù ham muốn có đạt được mục tiêu thì đó cũng không phải là thỏa mãn vĩnh viễn, mà chỉ là sự thỏa mãn tạm thời, chẳng khác nào cho kẻ đi ăn xin mẩu bánh mỳ để họ khỏi chết đói trong chốc lát thôi, nghĩa là sự đau khổ của họ còn phải kéo dài cho đến cả những ngày sau đó nữa. Nhận ra điều này, là một cuộc vận động của tư duy, một sự trầm tư triết học và sự tự vấn lương tâm, để biết đâu là lẽ phải, để biết xấu hổ vì biết đến hai chữ liêm sỉ. Từ trước đến nay, những kẻ làm việc vô nhân bất nghĩa, ăn cắp ăn trộm, bóp nặn dân lành, ức hiếp người yếu, dối trên lừa dưới, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi, đều bị người đời gọi là bọn người vô liêm sỉ, không biết xấu hổ nhục nhã. Giáo sư Trần Đình Huỳnh viết: Liêm sỉ là một nét tinh hoa, cốt cách văn hóa dân tộc ta. Ngày nay, người có liêm sỉ là người biết xấu hổ khi mình không có công cán gì mà lại giàu sang ngất ngưởng, trong khi bao người khác lâm vào cảnh đói nghèo. Biết xấu hổ khi bóp nặn từng đồng bạc của lương dân. Biết xấu hổ khi sa vào vòng trụy lạc. Biết xấu hổ, biết là mình có lỗi, như Hồ Chủ tịch đã từng viết: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Biết xấu hổ khi nhìn lại biết bao tấm gương trong sáng tươi đẹp của các bậc tiền nhân. Vĩ đại là tấm gương ngời sáng của Bác Hồ kính yêu. Lung linh bên Người là ánh sáng của bao anh hùng tiên liệt, danh nhân hợp thành cả một vòm trời tinh tú, sáng soi muôn dặm đường. Bạn tôi là nhà văn Bùi Bình Thi. Anh có người bác ruột là cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn. Cụ sinh năm 1886, quê ở làng Liên Bật, huyện Ứng Hòa, Hà Đông, Hà Nội. Năm 1911 cụ tốt nghiệp trường Hậu bổ. Trải qua việc làm thông dịch viên, rồi chuyển sang ngạch quan lại, từ phủ, huyện lên tỉnh. Đến năm 1933, cụ được cử làm Thượng thư Bộ Hình, tức Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Làm Bộ trưởng, cụ Bùi Bằng Đoàn nổi tiếng về trình độ học vấn cao, chuyên sâu về pháp luật và đức liêm chính. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ được nhân dân bầu vào Quốc hội và là Chủ tịch Quốc hội của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo sắc lệnh số 80/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 31 tháng 12 năm 1946, cụ được cử làm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Trong thời kỳ kháng chiến ở Việt Bắc, cụ thường làm thơ xướng họa với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1955, cụ mất, tang lễ của cụ được cử hành theo nghi lễ quốc tang. Nhà văn Bùi Bình Thi kể cho tôi nghe mấy chi tiết về cuộc đời cụ: Người kéo xe tay cho cụ khi cụ làm Thượng thư vì cần mẫn, chịu khó nên được thăng lên chức cai. Nhân dịp đó anh mang biếu cụ một chùm vải. Nhận chùm vải, cụ bẻ một nhánh, rồi trả lại anh. Cụ nói: “Từng này là đủ rồi. Còn đây, mang về cho anh em ăn”. Khi về hưu, tài sản của cụ đáng giá chỉ có bốn cái áo the và một ít bạc vụn. Phục vụ cụ chỉ có một người chuyên nghề làm bún. Nguyên là cụ rất thích ăn bún nóng. Khi vào làm quan ở Huế, cụ mời anh nghệ nhân làm bún này ở Hà Nội đi theo. Và lương bổng người này hoàn toàn là do cá nhân cụ chu cấp.
Cũng là A.Schopenhauer triết gia Đức khi ông cho rằng, cách giải thoát sang trọng khỏi sự suy thoái là sự suy tư triết học, sự thăng hoa về mặt đạo đức, sự sáng tạo, thưởng thức cái đẹp. Gần đây đọc bài của nhà văn hóa lớn Nguyễn Khắc Viện, tôi ghi được một câu tâm đắc sau đây: Có tự kiềm chế, khép mình vào lễ nghĩa mới nên người. Có mở rộng tầm nhìn, lấy văn mà tô điểm mới nên người! Thế đó! Văn hóa, cái đẹp là nơi cứu rỗi con người. Hãy ngắm nhìn cái đẹp, hãy thưởng thức cái đẹp và nâng mình lên cùng cái đẹp. Ý tưởng này nhiều người đã nói rồi. Trong bài nói của mình tại Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đại ý: Không phải chờ đợi, cũng chẳng tốn kém gì, có thể làm ngay cuộc vận động, có lẽ cũng là ở cái ý này. Đó cũng là một cách nhìn thẳng vào sự thật của tấm thảm kịch, vật lộn với nó với niềm vui chiến thắng!
Ma Văn Kháng
Theo Blog của GS Lân Dũng, 16/3/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét