6 tháng 8, 2012

MÈO - BẠN THÂN THIẾT CỦA NHÀ NÔNG

GS, TS Nguyễn Lân Dũng
Năm Mão xin kể chuyện mèo. Với các gia đình giàu có ở phương Tây thì mèo chỉ là loài vật làm cảnh và được chủ rất nuông chiều. Nèo mất hẳn khả năng săn bắt chuột vì thực ra tại các gia đình ấy thì làm gì có chuột mà bắt (!). Với nông dân ta thì mèo là trợ thủ đắc lực để săn bắt và xua đuổi chuột, bảo vệ cho cót thóc, cót ngô và đống quần áo của cả gia đình. Ai cũng yêu quý‎ mèo nhưng mỗi bên yêu quý‎ theo một nhu cầu khác nhau.
Người ta tin rằng tổ tiên trung gian gần nhất trước khi được thuần hóa của chúng là mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica). Mèo nhà đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm. Mèo nhà được Lin-Nê đặt tên là Felis catus từ năm 1758 và hiện vẫn mang tên khoa học như vậy. Thông thường mèo nặng từ 2,5 đến 7,0 kg; tuy nhiên, một số giống như Maine Coon có thể vượt quá 11,3 kg . Kỷ lục thế giới vể con mèo nặng nhất là con mèo Himmy sống ở Queensland (Australia). Nó nặng tới 21,23 kg (!).
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì mèo nhà thường sống từ 14 tới 20 năm, tuy nhiên đã có chú mèo già nhất mà từng biết là đã sống tới 38 năm 3 ngày (!) Đó là con mèo cái Creme Puff (sinh ngày 03/8/1967 và chết ngày 06/8/2005).
Mèo có thể chạy đạt tới tốc độ 48,3 km/giờ trên những khoảng cách ngắn và có thể nhảy cao tới 2,1 mét từ tư thế đứng yên. Mèo nhà là một trong số ít loài vật bốn chân không có các xương đòn cứng, do đó nó có thể chui qua những lỗ hổng có kích thước bằng đầu của chúng. Với 32 cơ riêng biệt điều khiển hướng nghe của tai, mèo có thể vểnh mỗi tai theo một hướng khác nhau. Nhờ vậy, mèo có thể quay người về một hướng và vểnh tai theo hướng khác. Đa số mèo có tai thẳng vểnh cao, rất ít khi có tai cụp. Khi giận dữ hay sợ hãi, mèo thường chĩa tai về phía sau, đồng thời phát ra các âm thanh gầm gừ. Mèo cũng chĩa tai về phía sau khi chú ý tới một tiếng động phát ra từ phía sau nó. Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác, đặc biệt khi chúng già đi. Thời gian ngủ hàng ngày có khác nhau, thường là 12 - 16 giờ, một số chú mèo có thể ngủ tới 20 giờ trong ngày. Thân nhiệt của mèo vào khoảng 38 tới 39°C. Nhịp tim bình thường của mèo vào khoảng 150 - 180 nhịp/ phút, nghĩa là khoảng gấp đôi so với người. Mèo là loài vật đi trên đầu ngón chân. Chúng đặt bàn chân sau (hầu như) trực tiếp lên dấu của bàn chân trước, giảm thiểu tiếng ồn và dấu vết để lại. Điều này cũng giúp chúng có vị trí đặt chân sau tốt khi bước đi trên bề mặt ghồ ghề. Mèo có vuốt thu lại được. Bình thường, ở vị trí nghỉ các vuốt được thu lại trong da và lông quanh đệm ngón. Điều này giữ vuốt luôn sắc bởi chúng không tiếp xúc với mặt đất cũng như cho phép mèo đi nhẹ nhàng rình mồi. Các vuốt chân trước thường sắc hơn so với phía sau. Mèo có thể giương một hay nhiều vuốt ra tùy theo nhu cầu. Chúng thường giương vuốt khi săn mồi, tự vệ, hay leo trèo, hay để tăng ma sát khi bước đi trên các bề mặt trơn. Đa số các giống mèo đều thích trèo cao hay ngồi ở các vị trí cao. Độ cao khiến mèo có điểm quan sát tốt hơn. Khi rơi, mèo có thể sử dụng cảm giác thăng bằng sắc bén và khả năng phản xạ của nó tự xoay thân tới vị trí thích hợp. Nó luôn chỉnh lại thăng bằng cơ thể theo một cách, khiến chúng luôn có đủ thời gian thực hiện phản xạ này khi rơi. Vì thế, những cú ngã từ trên cao (nhiều tầng) ít gây nguy hiểm hơn những cú ngã từ độ cao chỉ vài mét. Nhiều trường hợp đã được ghi nhận cho thấy những chú mèo ngã từ độ cao 5 đến 10 tầng mà vẫn sống sót, bình yên vô sự. Tầm nhìn của mèo tốt nhất vào ban đêm so với người, và kém nhất vào ban ngày. Mèo cũng như chó có màng trạch để phản chiếu lại ánh sáng tới võng mạc. Khi đó, khả năng nhìn của mèo được tăng lên khi ở trong bóng tối, tạo ra một màng lưới thị giác sắc sảo. Nhưng vào ban ngày hoặc chỗ có nhiều ánh sáng, tròng đen của mèo khép lại hẹp, làm số lượng ánh sáng chiếu vào ít đi, tránh bị lóa và cải thiện khả năng quan sát. Mèo có bộ ria rất dài. Nếu mèo không có ria thì nó không thể chui vào hang bắt chuột được. Độ dài của ria mèo đúng bằng chiều ngang thân nó. Khi mèo đuổi chuột trong bóng tối, nó thường chạy dưới gầm bàn, tủ, đôi khi còn phải trườn vào hang, hốc. Nếu ria của nó chạm vào cạnh của lối đi hoặc vách hang hốc, thì nó hiểu rằng lối đó quá hẹp không thể chui vào được. Như thế bộ ria giống như cái thước của mèo vậy.
Thông thường mèo có thị trường khoảng 200°, so với 180° ở người. Mắt của chúng hướng về phía trước để có được hình ảnh có chiều sâu tuy phải hi sinh độ rộng thị trường. Mèo có mi mắt thứ ba, đó là 1 màng mỏng xuất hiện khi mắt mèo mở. Màng này thường rất rõ ràng khi mèo buồn ngủ. Mắt mèo có rất nhiều màu nhưng phổ biến là vàng, xanh lục và da cam. Mèo có thể nghe được những âm thanh ở mức cao hơn 2 quãng so với con người, và một nửa quãng so với chó. Khi nghe âm thanh nào đó, tai mèo sẽ xoay về hướng đó. Mèo có thể xác định vị trí một vật chính xác trong vòng 7,5 cm khi nguồn phát âm ở khoảng cách khoảng 1 mét. Khứu giác của một con mèo nhà mạnh gấp 14 lần so với của con người. Số lượng tế bào khứu giác ở mũi của chúng cũng nhiều gấp đôi, do dó mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không nhận thấy được. Mèo còn có một cơ quan đánh hơi ở vòm miệng. Khi một con mèo chun mõm, hạ thấp cằm, và nâng lưỡi lên một chút, dó là lúc nó đang sử dụng cơ quan này. Xúc giác của mèo cũng khá nhạy bén. Xương sống của mèo có nhiều đốt hơn chúng ta để di chuyển dễ dàng và tránh được thương tổn. Xương đuôi rất dài để giữ thăng bằng cho việc di chuyển. Toàn bộ gồm 7 đốt sống cổ, 13 đốt sống ngực, 7 lưng 3 hông và 14 - 28 đốt sống đuôi, mèo có thể cuộn tròn cơ thể hoặc “giảm xóc, giảm nhẹ sang chấn” khi rơi từ độ cao nguy hiểm. Bộ răng và hàm của mèo đầy mãnh lực cắn xé mồi. Khi bắt mồi, các móng vuốt giương ra khỏi đệm thịt để cào xé mồi. Để săn mồi, khi gặp đối tượng hay con vật nó cần bắt làm mồi, loài mèo thường đứng từ xa cách con mồi khoảng chừng 5 đến 6 mét. Sau đó nó nằm bẹp hạ cơ thể xuống sát đất, mắt chăm chăm nhìn không nháy mắt đến đối tượng đồng thời bước tới con mồi cần săn rất nhẹ nhàng. Khi đến gần khoảng cách mà nó cảm thấy ăn chắc, loài mèo tung ra sức mạnh cuối cùng bằng cách đẩy mạnh 2 chân sau và đồng thời phóng mạnh toàn cơ thể tới phía trước và dùng móng sắc nhọn duỗi thẳng ra và cào lấy con mồi. Loài mèo thường bắt lấy mồi khá hiểm và độc đáo bằng cách duỗi móng ở hai bàn chân trước ra và túm lấy vào gáy đối tượng. Sau đó dùng miệng cắn lên đầu con mồi cho đến chết mới thả ra. Con người thường cho mèo ăn cá trộn với cơm. Đây là thứ thức ăn mà mèo thích vì nó thích mùi tanh của cá.
Để làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra và tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân Loài mèo luôn tự làm lấy vệ sinh cho cơ thể nhiều lần trong ngày, thường là lúc nó mới ngủ dậy hay đi đâu đó về. Hành động đó đã trở thành thói quen thường thấy ở loài mèo ngay cả khi cơ thể của nó không có vết bẩn nào cả. Mèo cái có biểu hiện động dục đặc trưng khi chúng khoảng 2,3 - 3,2 kg, hoặc giữa 5 đến 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mèo 4 tháng tuổi đã động dục và mang thai! Thêm nữa là, mèo lai giữa mèo lông dài và mèo lông ngắn thì quá trình động dục có thể đến sớm hơn mèo thuần chủng, và mèo được thả tự do thì động dục sớm hơn mèo được nuôi giữ trong nhà. Đến thời kỳ sinh sản, mèo cái thường đi tìm mèo đực. Trong thời gian này, mèo cái có bộ lông mới bóng mượt, có mùi và tiếng kêu đặc biệt để hấp dẫn mèo đực. Một con mèo cái có thể mang thai ngay khi nó thành thục - có thể ngay khi 4 tháng tuổi. Trong khi hoạt động sinh sản và mang thai phần lớn vào mùa xuân, thì mèo cái có thể mang thai vào bất kì thời gian nào trong năm, đặc biệt là ở khí hậu ôn hoà, ấm áp. Thời gian thai kì của mèo cái vào khoảng 56 - 71 ngày, trung bình kéo dài khoảng 67 ngày. Mèo con từ 1 tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo 4 tháng tuổi có thể bắt được chuột, gián, thạch sùng... mèo thường sống đơn độc.
Mèo, nhất là mèo đen, được coi là “tiểu hổ” và được đánh giá như một loại thực phẩm bổ dưỡng và có thể dùng để chữa một sô bệnh. Thịt mèo được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là mưu nhục. Xương mèo (mưu cốt) và mật mèo (mưu đởm) thường dùng là của mèo đen. Ngoài ra, xương đầu, nước tiểu và phổi mèo cũng được dùng làm thuốc. Thịt mèo vị ngọt, mặn, chua, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thũng, chống lao lực, giải độc, giảm đau. Mật mèo đen vị đắng, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống co thắt. Xương mèo đen vị ngọt, tính ấm có tác dụng bổ dưỡng. Thịt mèo được dùng chữa bệnh báng bụng, lao, chóng mặt, trĩ mạn tính, mụn nhọt, ngày dùng 50 - 100 gam dưới dạng nấu chín ăn hoặc sấy khô tán bột, uống. Mật mèo đen ngâm rượu uống hằng ngày chữa bệnh hen suyễn, đau bụng kinh niên. Xương mèo đen ngâm rượu uống là thuốc bổ, giảm đau nhức, dùng thích hợp cho người cao tuổi. Xương đầu mèo đốt thành tro, tán nhỏ, mỗi lần uống 12 gam với rượu, chữa ho suyễn do đờm khí. Nước tiểu mèo rỏ vào tai sẽ làm cho đỉa hoặc sâu bọ bò ra ngoài. Cách lấy nước tiểu mèo như sau: Bắt mèo, giữ chặt 4 chân, lấy vỏ bưởi xát vào hậu môn hoặc gừng tươi xát vào lỗ mũi, mèo sẽ đái vọt ra, hứng lấy rồi rỏ vào tai. Các dân tộc ít người ở miền Bắc dùng thịt và dạ dày mèo rừng chữa cơ thể suy nhược, xanh xao, gầy yếu. Xương mèo rừng ngâm rượu uống chữa đau nhức gân xương. Ở Trung Quốc, mèo được sử dụng dưới những dạng thuốc rất đa dạng:
- Thịt mèo ninh nhừ, thêm ít muối và rượu, ăn trong ngày chữa loét dạ dày, hành tá tràng. Thịt mèo 100 gam thái nhỏ, hấp cách thủy với đẳng sâm 30 gam, long nhãn 15 gam, ăn cái, uống nước, chữa thần kinh suy nhược, xuất huyết dưới da do dị ứng.
- Chữa chứng gan thận hư nhược: Thịt mèo 100 gam nấu chín với khởi tử 25 gam, hoàng tinh 10 gam, long nhãn 8 gam, ăn cả cái lẫn nước.
- Chữa cam tẩu mã: Xương đầu mèo đen (1 cái) đốt tồn tính, tán bột, mỗi lần uống 10 - 15 gam với rượu.
Có rất nhiều các giống mèo khác nhau, một số không có lông hoặc không có đuôi và chúng tồn tại với rất nhiều màu lông khác nhau. Tại các nước phát triển người ta tạo ra rất nhiều giống mèo vừa đẹp, vừa lạ, lại thông minh và yêu chủ.
Mèo bắt chuột rất giỏi và nhờ đó hầu như không nhà nào ở nông thôn nước ta mà không nuôi mèo. Loại mèo bắt chuột giỏi nhất là Mèo mướp và Mèo tam thể. Nếu không có mèo thì loài chuột sinh sôi nẩy nở khắp thôn xóm. Chuột sinh đẻ rất nhanh chóng. Theo nhà động vật học người Anh Fames Rowell thì một chàng chuột đực và một nàng chuột cái ăn ở với nhau trong ba năm có thể sinh nở ra đến 269.762 cháu, chắt, chút, chít... Trung bình mỗi năm chúng sinh sản đến bốn lứa, mỗi lứa từ bốn đến mười chú nhóc. Dùng mèo săn chuột là an toàn hơn rất nhiều so với việc dùng các loại bả chuột. Nhiều nơi mèo đã chết hàng loạt vì ăn phải những con chuột đã dính bả chuột. Việc bắt trộm mèo để bán cho các quán Tiểu hổ là hành vi bất lương rất cần lên án nghiêm khắc và trừng trị đích đáng. Mèo luôn luôn là bạn thân thiết của mọi nhà nông chúng ta. Cần cho mèo ăn uống đủ chất và giữ vệ sinh cho mèo để tránh các bệnh truyền nhiễm.
* Bài viết do GS Nguyễn Lân Dũng gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét