6 tháng 8, 2012

VẤN ĐỀ NHÂN TÀI, HIỀN TÀI Ở NƯỚC TA

Trần Đăng Khoa: Trên trang Blog của mình, GS, TS, NGND Nguyễn Lân Dũng có giới thiệu bài viết: “Vấn đề nhân tài, hiền tài ở nước ta” của PGS, TS Trần Đình Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. Đây là bài viết hay, rất hay, mặc dù vấn đề không phải là mới. Bởi nhiều người đã bàn rồi. Nhưng bàn một cách sâu sắc, thấu đáo, lại giàu sức thuyết phục thì vẫn chưa có ai hơn ông. Bởi thể, tôi xin phép GS, TS Nguyễn Lân Dũng và tác giả rước về đây, để hầu bà con và cũng mong có thêm người đọc. Tôi cũng chuyển bài viết này cho một số vị có trách nhiệm mà tôi quen biết, để các vị có thêm tài liệu tham khảo. Người tài bao giờ cũng hiếm. Nhưng thời nào cũng có người tài. Chỉ có điều chúng ta có biết dùng họ, có tạo điều kiện để cho họ xuất hiện hay không. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các nhân tài và Bác cũng rất tài trong việc dùng người. Đây chính là mấu chốt quyết định sự thắng lợi của Cách mạng. Năm 1946, khi phải rời Tổ quốc, Người cũng lại trao toàn quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn một câu: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với một nhà Nho uyên thâm như cụ Huỳnh, chỉ nói thế là đủ. Điều đáng ngạc nhiên, sao lúc ấy, tình thế rất phức tạp, thù trong, giặc ngoài, trong Chính phủ có bao nhiêu đảng viên cốt cán, Bác không trao, mà lại trao quyền điều hành đất nước cho một nhân sĩ không phải đảng viên là cụ Huỳnh Thúc Kháng? Đưa một người ngoài Đảng lên chức vụ lớn, lại trao cho cả vận mệnh đất nước là một quyết định táo bạo. Nhưng bằng lối ứng xử rất đẹp ấy, Bác đã quy tụ được tất cả những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu nước và kiến quốc. Bởi thế, rất nhiều nhân sĩ, trí thức, ở nhiều đảng phái khác nhau đều tìm đến với Người, có không ít người từ bỏ đời sống nhung lụa, trở về Tổ quốc, cùng đồng cam cộng khổ với Người. Những năm tháng cam go ấy, không có nhiều ban bệ, tư vấn, mà sao Bác dùng người chuẩn thế. Những cán bộ được Bác chọn, trao việc đều trở thành những nhân vật xuất sắc của lịch sử đất nước. Đến nay, GS Nguyễn Văn Huyên vẫn là ông Bộ trưởng tài nhất, sáng giá nhất của ngành Giáo dục. Dù ông Nguyễn Văn Huyên cũng không phải là đảng viên. Đặc biệt là việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều lúc tôi cứ vân vi tự hỏi, bằng phép nhiệm màu nào mà Bác đã nhìn thấy khả năng thiên tài quân sự trong Võ Nguyên Giáp, một người chưa từng qua bất kỳ một khóa học quân sự nào? Lúc ấy, ông Giáp chỉ đơn thuần là một ông giáo dạy sử ở trường tư thục Thăng Long. Một con người hoàn toàn xa lạ với quân binh, trận mạc, vậy mà Bác lại trao cho việc phụ trách quân sự, rồi phong thẳng lên Đại tướng và ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân: “Chú là Tướng biên ải, Tướng ngoài mặt trận, có gì cần thiết, chú cứ quyết rồi báo cáo Bác sau!”. Sau này, ta mới biết việc chọn Tướng Giáp của Bác tài tình đến như thế nào. Võ Nguyên Giáp quả là một thiên tài quân sự. Tên tuổi ông có thể đặt bên cạnh những tên tuổi lừng danh nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: những Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... Vậy bằng cách nào Bác phát hiện được khả năng tiềm ẩn một Thiên tài quân sự trong dáng vẻ bạch diện thư sinh của một ông giáo dạy sử ở một trường phổ thông? Nhà báo nổi tiếng Mỹ Lady Boston kể lại rằng, có lần, mấy nhà báo Pháp cũng rất ngỡ ngàng hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh một câu hỏi khá hắc búa: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài phong ông Giáp lên thẳng chức Đại tướng, là phong theo tiêu chí nào?”. Bác bảo: “Nước tôi là nước du kích. Chúng tôi đánh giặc theo lối du kích, thì phong hàm cũng là phong theo kiểu du kích. Ông Giáp của chúng tôi đã đánh thắng tất cả các ông tướng tài giỏi của nước Pháp, vậy thì ông ấy phải là Đại tướng thôi”.
Bây giờ, nhìn lại cách dùng người của chúng ta mà rùng mình. Một bà Yến đại biểu Quốc hội, một ông Dương Chí Dũng Cục trưởng Hàng hải, rồi còn bao nhiêu ông bà khác nữa đang làm băng hoại niềm tin của Dân vào Chính quyền và thể chế.
Vì thế, bài viết của PGS, TS Trần Đình Huỳnh là một tiếng nói kịp thời, sâu sắc, rất cần được tham khảo. Tôi trân trọng mời bạn đọc.
VẤN ĐỀ NHÂN TÀI, HIỀN TÀI Ở NƯỚC TA
PGS. TS Trần Đình Huỳnh
(Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng)
Vấn đề nhân tài đã được bàn thảo rất nhiều trong những năm gần đây. Do tầm quan trọng của nó mà đã có cả một đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn của chiến lược quốc gia về nhân tài trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước” do một đồng chí tiến sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu ngành tổ chức, cán bộ làm chủ nhiệm. Gần như đồng thời với việc triển khai đề tài cấp Nhà nước nói trên thì Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo quốc gia về đề tài “Nhân tài với thịnh suy đất nước” thu hút hàng trăm nhà khoa học có chuyên môn sâu và một số nhà hoạt động thực tiễn ở cả ba miền đất nước tham gia. Nhiều bình diện của vấn đề đã được các tác giả đầy tâm huyết nêu ra, nhưng hình như trong thực tiễn vấn đề nhân tài, hiền tài của nước ta hiện nay vẫn đang còn là một điều trăn trở không chỉ riêng ai, nó vẫn đang đòi hỏi phải tiếp tục bàn luận. Người viết bài nay chỉ xin nêu một vài thiển ý dưới góc nhìn của việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Theo cách hiểu thông thường thì tài năng là những người có khả năng vượt trội, nổi bật ở một hay một vài lĩnh vực nào đó, đa phần họ được giáo dục đào tạo mà thành; số đông họ có bằng cấp học hàm, học vị nhất định, được coi là trí thức. Nhưng trên thực tế, xã hội lại không thể đồng nhất trí thức, người có bằng cấp với người có tài năng. Đó là làn ranh mà người làm công tác nhân sự tuyệt đối không được phép nhầm lẫn. Ngay như khái niệm nhân tài, theo nghĩa chữ Hán thì là người tài, nhưng trong tiếng Việt, khi dùng khái niệm nhân tài thì hình như cũng có ý khác với khái niệm người tài.
Cần hiểu tài năng của con người thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau tương ứng với các loại hình hoạt động và với các kiểu tư chất thông minh khác nhau. Ví dụ: có tài năng toán học, văn học, nghệ thuật (nghệ thuật lại có vô vàn tài năng ở các bộ môn khác nhau như múa, diễn xuất, hội họa, âm nhạc...), tài năng thể thao (thể thao lại có những tài năng rất khác nhau như đá bóng khác với cử tạ, bơi lội...), tài năng tư tưởng - triết học, tài năng quân sự, ngoại giao, tài năng kinh doanh, tài năng giáo dục... Do đó, mỗi kiểu tài năng hay từng cá nhân được coi là người có tài (hay nhân tài) có vai trò khác nhau trong hoạt động thực tiễn. Một người coi là có tài ở lĩnh vực này nhưng nếu đặt họ không đúng chỗ thì họ lại hóa ra người bình thường thậm chí là kém cỏi ở lĩnh vực khác. Điều này cho thấy trong công tác nhân sự không nên đặt cán bộ lãnh đạo, quản lý quá xa với năng lực, sở trường của họ. Trong xã hội, nhìn chung và phổ biến thì hầu như hiếm có những người toàn tài, toàn năng. Do vậy dù ở bất cứ tổ chức chính trị xã hội nào, ở bất cứ quốc gia nào, giả định được coi là gồm toàn những người có tài, toàn những người ưu tú lãnh đạo, thì cũng không bao giờ được mắc sai lầm là loại bỏ hay xa rời nguyên tắc dân chủ trong khi ra các quyết định. Lịch sử con người đã từng đau đớn là đã có thời kỳ dài lâm vào chế độ chuyên quyền độc đoán, là thịnh hành chế độ “quan chủ”.
Tài và đức cũng cần có sự phân biệt tương đối, chưa hẳn người có tài ở một lĩnh vực nào đó cũng đều có đức, còn người có đạo đức cũng chưa hẳn là người có tài. Hồ Chí Minh đã có sự phân biệt rõ: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được cho ai” (Hồ Chí Minh toàn tập,T.8, H.1996, tr.184). Đây cũng là sự phân biệt quan trọng, rất cần thiết, mà những người làm công tác tổ chức nhân sự phải sáng suốt nhận biết để thấm nhuần phương pháp “dùng người như dùng gỗ” của Hồ Chí Minh. Khi sử dụng cán bộ cần xem xét cả tài và đức. Cái mà cách đây 66 năm, ngày 20/11/1946, Hồ Chủ tịch ra Chỉ thị tìm kiếm - và cho tới nay nhân dân ta, dân tộc ta cũng đang tiếp tục tìm kiếm - là “Tìm người tài đức” và cái khuyết điểm Chính phủ khi ấy mắc phải mà người đứng đầu đã công khai nhận lỗi, đến nay phải chăng vẫn là “nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”?
Hiền tài và nhân tài tuy đều là khái niệm chỉ người có tài cả thôi nhưng theo tôi thì nội hàm hai khái niệm này cũng lại rất khác nhau mà trong chính sách cán bộ cần có sự phân biệt. Hiền tài là khái niệm dùng để chỉ chung một tầng lớp người có cả tài năng và đức độ nổi trội, họ có tài năng xuất chúng, có đóng góp to lớn tạo nên bước ngoặt của phát triển, tiến bộ xã hội. Xưa nay, trong lĩnh vực chính trị, những người đứng đầu quốc gia hay chế độ nào có tài năng xuất chúng, có công với nước với dân, có đức độ và hành vi cao thượng cũng thường được lịch sử tôn vinh là người hiền tài, hay những bậc hiền minh. Trong chế độ phong kiến trước kia ở nước ta cũng đã từng có các vị vua được nhân dân muôn đời coi là bậc hiền tài, là các đấng minh quân; cũng có các quan lại một lòng trung trinh với nước, với dân đem hết tài năng ra phụng sự quốc gia, nêu gương sáng cho đời sau thì được coi là hiền thần; còn những kẻ gian manh, trụy lạc, ham mê tửu sắc, trù dập người tài, ưa kẻ phỉnh nịnh, tham nhũng... thì có là vua chúa hay quan lại thì cũng đều bị nhân dân coi là hôn quân, bạo chúa, hoặc là kẻ gian thần... Cũng có người có tài, đã có lúc lập được công trạng nhưng mưu vinh thân, phì gia hay bất lương tàn bạo thì được coi là kẻ gian hùng...
Hiền tài là sức sống, là mạch nguồn của dân tộc; họ là chỉ dấu về sự hưng vong của sơn hà xà tắc. Chính vì thế mà cha ông ta đã nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Trong tình hình đất nước ta hiện nay đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức thì việc suy nghĩ về chính sách chiêu hiền đãi sĩ, tìm người tài đức, “trọng dụng những kẻ hiền năng” (lời Hồ Chí Minh) chính là tìm về và nuôi dưỡng làm cho nguyên khí quốc gia tránh khỏi suy vi, làm cho thế nước mạnh lên, làm cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” không chỉ dừng ở khẩu hiệu kêu gọi hay niềm mơ ước xa vời.
Thiên tài là một đẳng cấp tài năng nổi trội, hiếm hoi, họ có đóng góp vô cùng to lớn vào lịch sử toàn nhân loại trên một hay vài lĩnh vực đỉnh cao mà lâu lắm, trăm năm, thậm chí nhiều thế kỷ mới có một người. Do nhiều lý do mà ở nước ta, kể từ ngày lập quốc cho tới ngày nay, dẫu nhân tài thời nào cũng có nhưng trong lĩnh vực triết học, toán học và khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật... thì những đỉnh cao thật quá hiếm hoi. Do yêu cầu sống còn của mình mà mà trong lịch sử mấy ngàn năm nước ta đã xuất hiện một vài thiên tài trong lĩnh vực chính trị - quân sự được thế giới tôn vinh. Hồ Chí Minh là một trường hợp quá hiếm hoi ấy.
2. Nhân tài không phải ở trên trời rơi xuống, nhân tài cũng không phải từ đất dấy lên, mặc dầu điều kiện tự nhiên có phần tham dự không nhỏ. Môi trường xã hội giữ vai trò quyết định cho các nhân tài phát lộ và thể hiện. Hồ Chí Minh đã từng nói đại ý rằng, đảng viên tuy được lựa chọn cẩn thận, gồm đại bộ phận là những người ưu tú nhưng Đảng cũng ở trong xã hội, mỗi người khi đã là đảng viên, là cấp ủy, là lãnh đạo cấp cao thì không phải đã trở thành thánh ngay mà tất thảy, họ cũng đều ở trong xã hội, trong môi trường xã hội mà họ sinh thành, tồn tại, phát triển. Để có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đất nước gồm những người có tài năng và đạo đức thì cần có một chiến lược lâu dài và hệ thống chính sách đồng bộ về đào tạo, nuôi dưỡng vun trồng, trọng dụng nhân tài cho đất nước. “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” là với ý thức như vậy.
Kể từ sau khi thống nhất đất nước tới nay, nếu nhìn vào các Nghị quyết và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 7 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc và của các văn bản pháp luật quy định tổ chức và hoạt động của Nhà nước từ cấp cơ sơ lên đến toàn quốc cùng với cách thức đã tiến hành bầu cử, ứng cử, tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, công chức thì tưởng chừng như Đảng và Nhà nước ta đã thâu thái vào trong tổ chức của mình toàn những người có tài, có đức tương xứng với chức quyền, cấp bậc mà họ được giao phó, càng lên trên thì lại càng là những người được chọn lựa chặt chẽ trong số những người ưu tú, để trở thành bộ phận tinh túy nhất tiêu biểu của tài năng đất nước, như vậy hẳn có người phải xứng đáng được nhân dân tôn vinh là bậc hiền tài của thời hiện đại (?!). Nhưng trên thực tế thì không phải hoàn toàn như vậy. Ở đâu, ở cấp nào nhân dân cũng nhìn thấy sự suy thoái yếu kém và bất cập của bộ máy công quyền. Nhờ sự công khai, minh bạch do quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, do sự phát triển của hệ thống thông tin, và do trải nghiệm của chính nhân dân với tư cách vừa là chủ nhân đất nước, vừa là đối tượng của các chủ thể lãnh đạo, quản lý quốc gia mà nhân dân, nhất là giới trẻ và trí thức có thực tài, thấy băn khoăn về việc thực thi chính sách đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài của đất nước. Những yếu kém của đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp bộc lộ ra hàng ngày, ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công, hành vi vô cảm bất nhẫn như một bệnh dịch lan tràn ra khắp nơi từ thôn cùng xóm vắng đến phố thị đông đúc, từ miền xuôi đến miền núi, từ học đường, bệnh viện đến công sở... làm nhức nhối lòng dân. Vì thế hầu như tất cả nhân dân - những người đang nặng lòng với vận mệnh của chế độ - đều đã đồng tình hưởng ứng Nghị quyết lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa XI) là cần phải: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị...
Trong 3 vấn đề trên thì vấn đề thứ nhất (ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống) là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.
Môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường chính trị, cụ thể là môi trường sống và hoạt động trong các cơ quan công quyền, trong các công sở của hệ thống chính trị là tích hợp tất cả những điều kiện để tài năng, nhân tài xuất hiện, thể hiện mình và phát triển hoặc bị mai một, biến mất, thậm chí, nói theo cách của Hồ Chí Minh, là làm hủ hóa cả nhân tài.
Thực tế cho thấy rất khó khăn để có thể xuất hiện một nhà chính trị kiên cường không chỉ giữ cho mình trong sạch mà còn dũng cảm chống lại những thói hư tật xấu trong bộ máy công quyền mà chính họ là một thành viên trong bộ máy và cơ chế ấy. Thật khó để cho một nhà quản lý tài ba xoay xở được trong một thiết chế gồm không ít người chỉ chú tâm đến lợi ích cá nhân và lơi ích nhóm. Thật khó cho một sinh viên giỏi sau khi ra trường được nhận một công việc ở chính quê hương họ (dù cho họ rất nặng lòng với quê hương) nếu như họ không có thân tộc trong bộ máy tuyển dụng công chức hoặc không có tiền và biết cách chạy chọt. Sẽ khó cho một nghiên cứu sinh muốn có một luận án tiến sĩ được đánh giá cao bằng chính công sức lao động sáng tạo của mình trong một chế độ thi cử, đánh giá bị vẩn đục bởi sự chi phối của chủ nghĩa hình thức và sự ô uế của đồng tiền trong chế độ giáo dục đào tạo hiện hành. Sẽ khó cho việc thi tuyển cán bộ công chức, thậm chí là cả bầu cử nữa, thực sự công bằng, minh bạch, nếu còn có “tệ ấm tử ấm sinh” (Xin xem bài viết về tệ nạn này trên Tạp chí Xây dựng Đảng số năm 2012) và nạn ăn hối lộ. Đánh giá nghiêm túc và chính xác tình hình nói trên, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, từ chức đối với cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục. Công tác cán bộ thiếu tầm nhìn xa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thấp. Môi trường làm việc, chính sách cán bộ chưa tạo được động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ; chưa cổ vũ ý chí phấn đấu vươn lên, sự gắn bó, tận tụy của cán bộ đối với công việc” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tr.173-174)
3. Để khắc phục khuyết điểm nói trên thì không thể chỉ kiềm điểm, tự phê bình và phê bình, mặc dầu từ trước tới nay Đảng ta vẫn coi đó là quy luật của sự phát triển và là vũ khí đấu tranh trong nội bộ những người cùng chung một chí hướng với nhau, cùng tự giác thề rằng sẽ giữ khí tiết của người cộng sản là luôn vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ.
Để tự phê bình và phê bình không chỉ là hình thức mà thực sự có kết quả thực tế, tức là thực sự đó là vũ khí thì cần có nhận thức và cách làm khác (Xin xem thêm bài: “Để tự phê bình và phê bình thực sự là vũ khí” của Trần Ái Thanh, trên Tạp chí Xây dựng Đảng, số 4/2012).
Để cho vấn đề nhân tài thực sự là nguyên khí của quốc gia trong đời sống chính trị của đất nước hiện nay, trong phạm vi bài viết ngắn này chúng tôi chỉ xin góp một vài thiển ý sau đây:
Một là, cần có ngay một cơ chế thật dân chủ, tự do trong việc chuẩn bị cán bộ cho các cuôc bầu cử, ứng cử trong các Đại hội của Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương. Chúng tôi đã có bài viết riêng về vấn đề này ở bài trước (đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng số tháng 6/2012). Theo chúng tôi, đó là cách tốt nhất để chon nhân tài trong Đảng.
Hai là, cần thay thế quy chế giới thiệu người ra ứng cử vào các cơ quan dân cử (HĐND và Quốc hội) bấy lâu nay vẫn làm. Nên theo kinh nghiệm Hồ Chí Minh đã làm và thực tiễn đã có hiệu quả to lớn khi bầu cử Quốc hội để thành lập Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi ấy, nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã không tham gia ứng cử, không có chân trong Chính phủ dành để các nhân tài ngoài Đảng có cơ hội xuất thân. Trên thực tế, nhiều người ngoài Đảng đã rất xứng đáng nhận các trọng trách trong Chính phủ và Ủy ban Hành chính các cấp, và qua thực tiễn hoạt động đa phần họ đã có đóng góp to lớn trong thực thi nhiệm vụ. Theo cơ chế hiện nay thì cơ quan lãnh đạo, quản lý của Nhà nước các cấp gần như không có mấy người ngoài Đảng tham gia, mặc dầu tỷ lệ đảng viên so với dân cư là quá thấp. Trong bộ máy hành chính công quyền các cấp và cả trong các cơ quan quản lý chuyên môn nghiệp vụ cũng vậy, hầu hết người có chức vụ đều phải là đảng viên. Nếu như vậy thì tài năng ngoài Đảng khó có điều kiện tham gia và vô tình đã nuôi dưỡng động cơ vào Đảng của một số người là để thăng quan phát tài. Về vấn đề này chính Lênin đã nói rằng trong điều kiện Đảng chấp chính thì bọn cơ hội sẽ tìm cách chui vào Đảng để chiếm chỗ trong cơ quan Nhà nước nhằm “đục nước béo cò”. Cạnh tranh bình đẳng giữa đảng viên và người ngoài Đảng sẽ là cơ hội cho các nhân tài xuất thân. Đảng không nên bao cấp uy tín cho đảng viên trong các cuộc bầu cử cũng như thiên vị đảng viên khi bổ nhiệm các chức vụ trong bộ máy quản lý các cấp.
Dẫn theo Blog Lão Khoa, 25/6/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét