6 tháng 8, 2012

CÁCH MẠNG, NHIỆT TÌNH, LÒNG TỰ TRỌNG VÀ SỰ XẤU HỔ

Thân gửi anh Lân Dũng!
Tôi gửi anh bài viết này, mong anh đưa lên blog của anh để nhiều bạn bè tham khảo và cho nhận xét.
Xin cảm ơn anh,
Trần Đình Huỳnh
CÁCH MẠNG, NHIỆT TÌNH, LÒNG TỰ TRỌNG VÀ SỰ XẤU HỔ
PGS, TS Trần Đình Huỳnh
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng
Giáo sư Mi-chen Va-de, nhà triết học, thành viên Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, trong một công trình nghiên cứu có tầm cỡ về C.Mác, xuất bản ở Paris năm 1992 đã nêu ra một câu hỏi: “Ông C.Mác lùi xa chúng ta, thử hỏi một tác phẩm đã bắt rễ từ những hiểu biết và những hiện thực của một thời đã khác, liệu ngày nay có thể mang lại “ý nghĩa” gì cho chúng ta?”.
Rồi ông viết tiếp: “những gì C.Mác viết ra không phải là dễ đọc, vì nó đòi hỏi một sự hiểu biết về một bối cảnh nói chung đã biến mất: Nước Đức, Anh và Pháp cách đây 100 hay 150 năm. Có thể nói là một quá khứ đã lùi xa”. Ông còn mượn lời một học giả khác mà viết rằng: “Nhận thức về cái có thật là một ánh sáng luôn luôn phóng ra đâu đó từ bóng tối, không bao giờ tức thời và đầy đủ... Những phát hiện cái có thật bao giờ cũng trở đi, trở lại... Cái thật luôn luôn là những gì người ta phải nghĩ”. Rồi ông đưa ra một nhận xét xác đáng: “Mặc dù sự phong phú của những bản thuyết trình, của những công trình lý luận và lịch sử dành cho tác phẩm của C.Mác, nhưng tác phẩm của C.Mác vẫn luôn luôn cất giấu những bí ẩn và làm chúng ta ngạc nhiên”. (1)
Đúng vậy! C.Mác là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, để hiểu ông thì phải ngẫm nghĩ và trở đi, trở lại.
1. Cách mạng
Một điều hiển nhiên là lịch sử phát triển của loài người từ trước tới nay đều tiến lên thông qua các cuộc cách mạng. Theo C.Mác, để hiểu được khái niệm “cách mạng” thì chúng ta phải “đứng trên quan điểm chỉnh thể” mà thấy rằng, dù cuộc cách mạng ấy chỉ diễn ra ở một địa phương, một lĩnh vực, “thậm chí cả trong trường hợp nó chỉ diễn ra trong một khu công nghiệp thôi” thì ý nghĩa chân chính và đích thực của nó cũng đều “là sự phản kháng của con người chống lại cuộc sống mất nhân tính”; là sự phản kháng của cộng đồng chân chính chống lại sự bất công, tàn bạo đối với con người, chống lại những gì hạ thấp phẩm giá của con người. C.Mác khẳng định: “Mỗi cuộc cách mạng đều phá hủy xã hội cũ và vì thế nó mang tính chất xã hội. Mỗi cuộc cách mạng đều lật đổ chính quyền cũ và bởi vậy nó có tính cách chính trị”. (2)
Cách mạng chính trị dù vô cùng quan trọng nhưng mới chỉ lật đổ chính quyền cũ của giai cấp này, thiết lập chính quyền mới của giai cấp khác. Việc lật đổ xã hội cũ, thiết lập xã hội mới theo đường lối của giai cấp vô sản, tức là làm cuộc cách mạng XHCN thì theo C.Mác, sau này cả V.I.Lênin và Hồ Chí Minh, việc giành được chính quyền mới chỉ là bước đầu trên con đường muôn dặm để chống lại cuộc sống mất nhân tính, mà trước tiên là chống lại cái mất nhân tính (hay nói như Hồ Chí Minh là chống lại cái ác) từ trong bản thân mình. Điều đó có nghĩa là đảng của giai cấp vô sản sẽ đứng trước những trở lực mới, nhiều khi lại là những chướng ngại từ bên trong, thậm chí là kẻ thù ở bên trong, tệ quan liêu và nạn tham nhũng. C.Mác đã viết rằng giai cấp nào vừa giành được chính quyền “cũng đều dựng lên những chướng ngại của chính mình trước khi kịp vượt qua những chướng ngại trước mặt mình, cũng đều biểu lộ cái bản chất nhẫn tâm của mình trước khi biểu lộ cái bản chất độ lượng của mình” (3). Lời dạy này của C.Mác đã giúp ta hiểu rõ hơn câu nói ngắn gọn mà thâm thúy của Hồ Chí Minh rằng: Muốn cách mạng, mạng phải cách, muốn làm cách mạng thì trước hết phải cải tạo tâm tính của bản thân mình. “Những chướng ngại của chính mình” rất dễ làm ta bị dừng bước, thậm chí thất bại trước những chướng ngại trước mặt và do đấy sẽ làm cho “mỗi lĩnh vực của xã hội công dân cũng đều nếm mùi thất bại trước khi kịp ăn mừng thắng lợi của mình” (4). Điều này đã được Nghị quyết Đại hội VI của Đảng minh chứng bằng tổng kết tình hình đất nước ta sau 10 năm giành thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Những “chướng ngại của chính mình” là do “sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo XHCN và quản lý kinh tế... và do tư tưởng chỉ đạo chủ quan, nóng vội, muốn bỏ qua những bước đi cần thiết. Trong 5 năm (1976 - 1980) trên thực tế chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa khi chưa đủ tiền đề cần thiết, chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã lỗi thời”. Kế hoạch 5 năm (1980 - 1986) vẫn “chưa kiên quyết khắc phục nóng vội và bảo thủ thể hiện chủ yếu trong các chủ trương về cơ cấu kinh tế, cải tạo XHCN và cơ chế quản lý kinh tế” (5). Chính vì thế mà việc “chống lại cuộc sống mất nhân tính” không những chưa làm được bao nhiêu mà nghèo đói, thiếu thốn và thất nghiệp lại rất nặng nề, “hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm, pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước, những hoạt động của bọn làm ăn phi pháp chưa bị trừng trị nghiêm khắc và kịp thời... làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước”. (6)
Nhờ đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào Sự thật, thấy rõ những “chướng ngại của chính mình”, liên tục tìm cách khắc phục mà trên 20 năm đổi mới, rất nhiều “chướng ngại trước mặt mình” đã được vượt qua, những thắng lợi giành được thật là to lớn!
Bài học rút ra từ lời dạy của C.Mác và kinh nghiệm thực tiễn của Đảng ta là: Sau một chặng đường đấu tranh, giành được thắng lợi (dù vĩ đại đến đâu) thì chủ thể của những thành tựu ấy bao giờ cũng lại đứng trước những chướng ngại mới của chính mình và rất nhiều những chướng ngại mới trước mặt. Sự thách đố của lịch sử là ở chỗ chủ thể ấy có biết “thắng không kiêu, bại không nản” mà nhận ra và có khả năng vượt qua được những chướng ngại của chính mình hay không? Nếu không biết vượt qua được chính mình thì nói theo cách nói của V.I.Lênin, mỗi bước đi lại gặp thêm khốn đốn.
Vượt qua chướng ngại của chính mình là điều tiên quyết để vượt qua chướng ngại trước mặt.
Lịch sử phát triển theo đường xoáy ốc, nó sẽ lặp lại ở một trình độ cao hơn, tinh vi và phức tạp hơn. Những chướng ngại mới lại xuất hiện trên suốt lộ trình muôn dặm để đi tới thắng lợi cuối cùng và cái quyết định vẫn là trước hết phải vượt qua chướng ngại của chính mình.
Sau hơn 20 năm đổi mới, cùng với những thành tựu to lớn là những “chướng ngại của chính mình” mới, những trở lực, nguy cơ và thách thức mà Đảng tiên phong đã rất sáng suốt nhận ra rằng: “...tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới; một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chậm làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoạch định chính sách, chỉ đạo điều hành. Sự chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa tốt, nhất là trong ba lĩnh vực: Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực; đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị...” (7). Càng nhận rõ những “chướng ngại của chính mình” hơn khi Đảng tự nghiêm khắc chỉ ra rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức cơ sở thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh” (8). Chính cơ quan lãnh đạo cao nhất của toàn Đảng đã nhất trí ghi nhận rõ những chướng ngại đó và cũng chính những người có trách nhiệm cao nhất đã công khai thừa nhận: “Trước hết thuộc về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị”. (9)
Những chướng ngại trước mắt không nhỏ và còn nhiều, nhưng chúng ta tin tưởng, như chúng ta đã từng tin tưởng, rằng: Không chướng ngại trước mặt nào mà những người cộng sản chân chính không thể vượt qua bởi họ đã biết nhận ra chướng ngại của chính mình. Vấn đề là ở chỗ biết đoàn kết và dũng cảm vượt qua.
2. Nhiệt tình
Nhận ra chính mình, tự biết mình là cực kỳ quan trọng nhưng biết rồi thì phải dũng cảm và hăng hái trong hành động. Muốn vậy, bất cứ ai cũng phải có nhiệt tình cách mạng. Nhiệt tình tựa như ngọn lửa bùng cháy, là nguyên động lực của tất cả.
Ở đây có vấn đề quan hệ giữa lý trí và tình cảm. Nói đến lý trí là nói tới sự hiểu biết, đến nắm vững chân lý khoa học, đến lý tưởng, do đó con người có tự do trong hành động sáng tạo. Lý trí và tình cảm hòa quyện với nhau trở thành đời sống lý tưởng của con người, thành niềm tin sắt son của con người, nó làm cho con người có tình yêu thương lớn, sự dũng cảm lớn và sự trung thành; nó nâng đỡ tinh thần con người, giúp con người vượt qua mọi cám dỗ của tiền bạc, danh vọng... để sống cao thượng và tôn trọng phẩm giá con người. Tất cả những cái đó làm cho con người luôn luôn phấn đấu, luôn học hỏi và say mê sáng tạo. Chỉ có như vậy mới có thể xứng đáng đứng trong hàng ngũ của những người đấu tranh chống lại những cái mất nhân tính như C.Mác từng nói. Ông đã có những trang viết với thái độ quyết liệt để “đánh” vào những cái lỗi thời, hủ bại, những sự đê tiện thấp hèn, những cái ở dưới tầm nhân tính: “Nhất định phải đánh. Những trật tự ấy thấp hơn tầm lịch sử, thấp hơn mọi sự phê phán nhưng vẫn là đối tượng của sự phê phán... Trong cuộc đấu tranh chống những trật tự đó, sự phê phán không phải là sự hăng say của lý tính mà là lý tính của sự hăng say”. (10)
Như vậy, rõ ràng là cách mạng, đấu tranh, phê phán cái lỗi thời cũng như việc đề ra các quyết sách, các chủ trương và biện pháp để xây dựng cái mới, cái tốt đẹp đòi hỏi phải kiên quyết, phải hăng say, nhiệt tình nhưng không thể là sự hăng say mù quáng, sự hăng say phải được chỉ dẫn bởi sự hiểu biết, có suy xét, cân nhắc, có kế hoạch, có bước đi, có kiểm tra. Đó là “lý tính của sự hăng say”, là sự hăng say thông minh, một sự thống nhất giữa tình cảm cách mạng và lý tưởng cách mạng, giữa lòng nhiệt tình của trái tim nóng và sự trầm tĩnh của trí tuệ. Thực tiễn đã cho ta những bài học về sự bồng bột, hăng hái, ấu trĩ (phá hủy lăng tẩm, đình chùa, di tích văn hóa... để chứng tỏ mình là người “vô thần”, người tích cực chống mê tín dị đoan để xây dựng “đời sống mới”. Rồi lại nhiệt tình “phục hồi” tất cả, không biết loại đi cái hủ tục, lỗi thời, đẩy con người vào u mê. Biết bao dự án, công trình đã không có sự tính toán, cân nhắc, lắng nghe ý kiến của những nhà chuyên môn và nhân dân nên đã gây thiệt hại lớn tiền của, công sức và tổn hại không nhỏ uy tín của cơ quan lãnh đạo).
Không thể tự huyễn hoặc về những cái gì mình đã có và đang có, không thể tự mãn về sự hiểu biết có giới hạn của mỗi người mà phải tỉnh táo nhận ra những vụng về, sai sót đã và đang mắc phải. Hơn bất cứ lúc nào, lời chỉ dẫn sau đây của C.Mác vẫn đang có sức cảnh báo, hướng dẫn chúng ta khi gia nhập WTO, bước vào nền kinh tế thị trường thế giới đầy biến động khắc nghiệt để tránh bớt những sai lầm, vấp váp mà các nước đi trước ta đã từng phải trả giá: “Chúng ta, tựa như một anh lính mới vụng về đang lặp lại những bài tập cũ, cho đến nay vẫn coi nhiệm vụ của mình chỉ là lặp lại những cái đã nhàm”. Và, để khắc phục tình trạng đó, C.Mác đã lưu ý tới một triết lý cho sự phát triển: “Chúng ta là những người cùng thời về mặt triết học của thế kỷ hiện nay, chứ không phải là cùng thời về mặt lịch sử của thế kỷ hiện nay” (11). Chỉ có một tầm nhìn như vậy, chúng ta mới không mắc phải sai lầm là lặp lại bước đi trong lịch sử của những người khác một cách vụng về.
3. Lòng tự trọng và sự xấu hổ
“Tự trọng”“xấu hổ” là hai khái niệm gần như đồng nghĩa. Nó đều là loại tự ý thức về nhân cách của mình, về danh dự, phẩm giá của mình. Nó là cái tiềm ẩn ở trong mỗi con người cũng như mỗi dân tộc. Tự trọng làm cho người ta biết giữ gìn, trân trọng và tự biết những giá trị tốt đẹp đích thực của mình. Tự trọng bao giờ cũng đi liền với sự khiêm nhường, có chừng mực, biết đánh giá đúng mình và đúng người, biết nhận ra những cái lố bịch, xấu xa, hèn kém của bản thân, làm cho người ta tự hào đúng mực về cái mình có, tự hổ thẹn về sự thấp hèn, yếu kém của chính mình. Và chính vì thế mà từ sâu thẳm trong tâm hồn toát ra một sức mạnh, một ý chí vươn lên. Tự trọng khác tự hào. Tự hào thể hiện ở sự hãnh diện, mãn nguyện về cái mình đã làm được, cái mình đang có. Tự hào đúng mực đòi hỏi một sự tự trọng; nếu tự hào quá mức, hoặc không đúng thì lại là sự hợm hĩnh, phô trương, kiêu ngạo và lố bịch, lại là tự hạ thấp mình mà không biết xấu hổ. C.Mác viết: “...tính tự cao, tự đại của tư duy... bao giờ cũng đi song song với sự phiến diện và tính tự hạ mình của hiện thực” (12). Một con người cũng như một dân tộc cần phải biết tự hào và tự trọng, lại càng cần đề phòng “thừa lòng tự hào” (tự hào quá mức, không đúng) và “thiếu lòng tự trọng”. Vì cả hai đều là kệch cỡm, đáng xấu hổ.
Theo C.Mác, làm cách mạng phải biết tự hào, tự trọng và xấu hổ. Trong thư gửi Ru-giơ, ông đã viết về tình trạng nước Đức năm 1843 như sau: “...Nước Đức đã lún sâu hơn. Bạn hãy tin rằng kẻ ít cảm thấy tự hào dân tộc nhất cũng không thể không lấy đó làm điều quốc sỉ... Đây là một Sự thật ít ra cũng phơi trần trước mắt chúng ta sự trống rỗng của chủ nghĩa yêu nước của chúng ta, cái thân hình quái dị của chế độ nhà nước chúng ta và buộc chúng ta phải che mặt lại vì xấu hổ...”. (13)
Tổ quốc ta, nhân dân ta vì có lòng tự hào dân tộc, tự trọng về danh dự và phẩm giá của mình và biết xấu hổ vì bị mất nước, bị làm nô lệ, bị nghèo nàn, lạc hậu mà vùng đứng lên làm cách mạng - cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN. C.Mác viết: “...Xấu hổ là một loại cách mạng... xấu hổ là một loại nổi giận nhưng chỉ hướng vào bên trong. Và nếu như cả một dân tộc thực sự cảm thấy xấu hổ thì nó sẽ giống như một con sư tử thu mình lại để chuẩn bị nhảy”. (14)
Chúng ta đã biết “thu mình lại” và cũng đã biết “vùng dậy”. Chúng ta đã “nhảy” và sẽ còn có những bước “nhảy” mạnh hơn, tiến xa hơn để mau tới đích: Dân tộc ta thật giàu, nước ta thật mạnh, xã hội ta thật công bằng, dân chủ, văn minh, để tiến tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã dạy, nếu như mỗi người chúng ta đều biết xấu hổ khi làm những việc mất nhân tính như tham nhũng, lãng phí, quan liêu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân...
Thiết nghĩ, đó là cách chúng ta tỏ lòng thành kính, biết ơn C.Mác, người thầy vĩ đại của nhân loại cần lao.
Tháng 5 năm 2008

Chú thích:
(1) Những đoạn trích trên, ở trong tác phẩm “C.Mác - nhà tư tưởng của cái có thể”, Viện Thông tin KHXH, H.1996, tập 1, tr.1 và 2
(2) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, NXB Sự thật, H.1978, tr.585-586
(3,4) Sđd, tr.559
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, H.1987, tr.19-20
(6) Sđd, tr.18
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, NXB.CTQG, H.2006, tr.15-16
(8) Sđd, tr.65
(9) Sđd, tr.16
(10) C.Mác - Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, NXB Sự thật, H.1978, tr.546
(11) Sđd, tr.550-551
(12) Sđd, tr.553
(13) Sđd, tr.488
(14) Sđd, tr.367
(Dẫn theo Blog của GS Nguyễn Lân Dũng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét